Tagged: Quan hệ Việt - Trung
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 7 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
09/06/2014 at 11:15 #2246NCQTKeymaster
TTCT – Christian Le Miere, chuyên gia cao cấp về an ninh biển của Trung tâm IISS – đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore, đã trao đổi với TTCT bên lề đối thoại này.
Ông Christian Le Miere – Ảnh: Thanh Tuấn Không để rơi vào tình cảnh một mình đối mặt với Trung Quốc
* Ông chú ý đến điều gì ở Đối thoại Shangri-La lần này?
– Đó là sự phê phán thẳng thắn của Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật và ngược lại. Đang có sự cạnh tranh ảnh hưởng rất rõ giữa Mỹ và Trung Quốc. Giờ khi Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, Nhật Bản cũng tích cực hơn trong việc tham gia an ninh khu vực.
Trung Quốc đã bị chỉ trích bởi rất nhiều bên tại đối thoại lần này, tất nhiên vì họ đã gây căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông thời gian vừa qua, gây ảnh hưởng tới một loạt nước trong đó có Việt Nam. Điều đó có thể thấy qua cách trả lời rất cộc cằn của tướng Vương Quán Trung.
Đặc biệt phần trả lời của ông Vương về đường chín đoạn hoàn toàn phớt lờ luật biển quốc tế. Họ nói luật biển không áp dụng đối với biển Đông vì Trung Quốc đã có chủ quyền từ trong lịch sử. Đó là một cách diễn giải sai và nó cho thấy Trung Quốc luôn lập lờ về luật biển.
* Thủ tướng Shinzo Abe nói Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn để đối trọng với Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào?
– Đó là điều dễ hiểu. Nhìn vào hoạt động đối ngoại của ông Abe trong năm vừa rồi có thể thấy ông chú trọng ASEAN thế nào khi lần đầu tiên một thủ tướng Nhật đến thăm cả mười nước thành viên trong năm đầu tiên cầm quyền. Rõ ràng ông Abe quan tâm tới việc phát triển quan hệ với ASEAN, nhìn nhận vai trò của Nhật như là người hỗ trợ các nước đang có xung đột với Trung Quốc, chống việc Trung Quốc tìm cách dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng.
* Những việc hỗ trợ như vậy sẽ cần thời gian chứ không thể giúp cuộc khủng hoảng hiện tại trên biển ngay lập tức?
– Đúng vậy. Ông Abe vẫn còn chịu nhiều ràng buộc (do hiến pháp hòa bình của nước này). Trong suốt 70 năm qua, Nhật Bản luôn duy trì chủ nghĩa hòa bình thụ động và cô lập (về quốc phòng) và trong Nhật Bản vẫn có sự phản đối đối với việc thay đổi về quốc phòng. Cần thời gian để thay đổi tâm lý này ở nước Nhật. Nhưng chúng ta đã thấy một Nhật Bản tự tin hơn rất nhiều qua phát biểu mạnh mẽ hơn nhiều của thủ tướng Nhật hay bộ trưởng quốc phòng.
Liệu Nhật Bản có ảnh hưởng gì ở biển Đông trong cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc? Đã có những tuyên bố phía Nhật phê phán Trung Quốc, nói không ủng hộ việc dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng…, nhưng thực tế thì Nhật Bản không phải là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, rồi ít ảnh hưởng về mặt quân sự (do hiến pháp). Nhật Bản vì vậy sẽ không thể giúp nhiều ngay ở biển Đông nhưng họ sẽ có vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.
* Sau gần một tháng, ông nghĩ nguyên nhân của những căng thẳng trên biển vừa qua là gì?
– Trong giới học giả có rất nhiều tranh luận. Tôi tin rằng vụ việc xuất phát từ một loạt nguyên nhân. Một loạt sự kiện như việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, vụ giàn khoan, vụ bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, rồi giờ là xây dựng đường bay ở đảo Gạc Ma…
Một số liên quan tới chính sách mới của ông Tập Cận Bình, rồi sự thống nhất trong nội bộ Trung Quốc về sử dụng sức mạnh để giành những điều mà không thể dùng đối ngoại giành được, rồi sự biến chuyển về trật tự ở Đông Á khi Trung Quốc vươn lên…
* Đâu là lựa chọn cho những nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines khi phải đối phó với một nước lớn như Trung Quốc?
– Tăng cường sức ép ngoại giao có lẽ là biện pháp tốt nhất lúc này. Để làm điều này, họ cần tập trung được ASEAN để có cùng một thông điệp. Họ có thể đẩy thêm các áp lực đa phương khác như hợp sức cùng bốn nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) có liên quan tại biển Đông để cùng ra thông điệp chung.
Việt Nam cũng có thể theo đuổi vụ kiện như cách Philippines đang làm để gây thêm sức ép về mặt pháp lý với Trung Quốc. Điều này có thể không thay đổi nhiều tình hình nhưng sẽ giúp thay đổi nhận thức (của cộng đồng quốc tế). Họ có thể dùng truyền thông quốc tế để gây sức ép với Trung Quốc (như cách Philippines đưa phóng viên New York Times ra và có bài viết lớn trên tạp chí của New York Times).
Họ có thể thay đổi cách hợp tác hay liên minh quốc tế, như với Mỹ hay Nhật Bản… để không bị rơi vào cảnh phải một mình đối mặt với Trung Quốc. Điều đó không cần thiết phải là đảm bảo an ninh song phương, nhưng nên là thỏa thuận về cách ứng xử trong trường hợp có tình trạng đe dọa hay gây sức ép kiểu này.
Họ cũng có thể thúc đẩy đường dây nóng quân sự, điều có thể giúp giảm bớt căng thẳng với phía Trung Quốc. Họ có nhiều lựa chọn, nhưng vấn đề là lựa chọn nào sẽ hiệu quả, có thể thực hiện được khi có sự chia rẽ và khác biệt trong ASEAN.
Khó khăn cho Việt Nam là vẫn còn rất phụ thuộc trong quan hệ song phương. Điều đó khiến Việt Nam khó phản ứng hơn với Trung Quốc bởi bất cứ phản ứng mạnh nào cũng sẽ tổn hại nhiều về mặt chính trị, kinh tế đối với Việt Nam hơn là với Trung Quốc. Một chiến thuật Việt Nam có thể làm là duy trì sự xuất hiện thường xuyên, mạnh hơn của cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa và gần khu vực giàn khoan.
Điều đó sẽ gây sức ép và nhắc Trung Quốc về sự hiện diện của tàu Việt Nam ở đó và rằng Việt Nam không hài lòng về việc này. Bất cứ chính sách đối ngoại tốt nào cũng cần kết hợp cả gậy và cà rốt. Việt Nam có cả hai vào lúc này trong đối phó với Trung Quốc, trên khía cạnh như các thỏa thuận mà Trung Quốc muốn để làm giảm căng thẳng với các nước láng giềng.
Phần thương mại Trung Quốc – Việt Nam dù không phải lớn với Bắc Kinh, nhưng lại có ý nghĩa với các tỉnh phía nam của nước này. Có một loạt cách mà Việt Nam có thể gây ảnh hưởng được tại Hoàng Sa.
Việc sử dụng biện pháp quân sự sẽ là sai lầm đối với Việt Nam, vì sức mạnh quân sự Việt Nam chưa là gì so với Trung Quốc. Khi đội tàu ngầm Kilo được triển khai thì nó có thể dùng làm sức ép đối ngoại ở ngoài Hoàng Sa.
Cần các biện pháp trên cơ sở đa phương
* Nhưng với Trung Quốc, họ đơn giản là phớt lờ toàn bộ những áp lực quốc tế. Từ ngày 1-5 tới giờ đã có rất nhiều chỉ trích phê phán trên truyền thông quốc tế, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao của họ vẫn trắng trợn nói những lý lẽ sai trái.
– Có rất nhiều tranh luận chuyện vì sao Trung Quốc hành xử như vậy. Riêng tôi thì nghĩ đơn giản vì bản thân họ đang có khả năng để làm việc (phớt lờ) đó. Không hề có ai trừng phạt kinh tế với Trung Quốc. Ví dụ việc Mỹ triển khai tàu sân bay hay đưa nhóm tàu quân sự tới biển Đông sẽ là sức ép ngoại giao đáng kể, như hồi năm 1996 khi Mỹ đưa tàu sân bay tới Đài Loan.
Tương tự, việc Mỹ xuất hiện quân sự nhiều hơn ở biển Đông, không cần phải đến tàu sân bay nhưng chỉ cần vài tàu khu trục, sẽ đủ để gửi tín hiệu đến cho Trung Quốc rằng họ sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực ngăn chặn việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng. Việc dùng sức ép kinh tế lúc này thì rất khó vì Trung Quốc giờ là cường quốc kinh tế.
Liệu Việt Nam có thể nói với CNOOC rằng chúng tôi sẽ không làm ăn với tập đoàn các anh nữa và ASEAN cũng sẽ không hợp tác với các anh vì những gì đang diễn ra trên biển. Nếu có những biện pháp trừng phạt kiểu vậy thì các bên sẽ phải cân nhắc hơn. Nhưng đến giờ thì chưa có hành động nào kiểu vậy, không ai sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc lúc này, nhất là khi phải làm việc đó một mình. Các biện pháp phải được tiến hành trên cơ sở đa phương mới có hiệu quả.
* Các nguồn tin nói hiện Trung Quốc đang tìm cách xây hệ thống rađa trên biển để có thể áp đặt ADIZ ở biển Đông…
– Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có một loạt lý do mà Trung Quốc không công bố ADIZ ở biển Đông cùng lúc với biển Hoa Đông. Một là, ở Hoa Đông họ chỉ phải đối đầu với một mình Nhật Bản nên sẽ có ít áp lực quốc tế hơn. Ở biển Đông, họ sẽ phải đối mặt với tất cả các nước giáp biển khác nên sẽ khó đối phó hơn về mặt ngoại giao.
Ngoài ra, có cả góc độ kỹ thuật. Ở biển Đông, ADIZ có lẽ sẽ giống đường lưỡi bò nên lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông. Có lẽ việc xây sân bay ở Gạc Ma cũng là bước chuẩn bị cho việc tuyên bố ADIZ. Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc có lý do là vì Nhật Bản và Đài Loan đã tuyên bố ADIZ, còn biển Đông chưa có nước nào tuyên bố việc này.
* Theo ông, Mỹ có thể đóng vai trò gì trong việc ổn định an ninh khu vực?
– Lúc này, Mỹ tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng nên đó là một trong những lý do khiến họ không hào hứng chuyện đối đầu với Trung Quốc đang tự hành xử mà không có ai chặn họ. Xu thế này sẽ được đảo ngược trong vài năm tới, khi chúng ta có thể thấy Mỹ tự tin hơn khi đã chuyển được trọng tâm về khu vực này (sau khi rút khỏi các cuộc chiến).
Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa với các nước, thúc đẩy hơn nữa các liên minh quân sự. Các nước có thể thấy Mỹ đẩy mạnh hơn nữa việc bán vũ khí cho các nước trong khu vực.
Mọi người có thể thấy việc Mỹ triển khai quân đông hơn tới khu vực này, không chỉ là tới Philippines. Singapore có thể được sử dụng như là trung tâm trung chuyển quân.
Mỹ đã triển khai một số tàu tuần dương tới khu vực và có thể sẽ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Điều đó sẽ giúp Mỹ tăng sự hiện diện ở khu vực, vừa để theo dõi các hoạt động ở biển Đông vừa gửi tín hiệu thường xuyên tới Trung Quốc.
* Xin cảm ơn ông.
THANH TUẤN
(thực hiện từ Shangri-La)Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần
Ghi chú: Christian Le Miere là tác giả bài #50 – Chính sách xoay trục sang Đông Á của Mỹ: Về phương diện hải quân
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.