[Dịch] Cải thiện quan hệ lao động ở Việt Nam

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #2961
      NCQT
      Keymaster

      Tác giả: Nguyễn Phương Tú
      Nguồn: http://www.eastasiaforum.org/2014/06/06/reforming-labour-relations-in-vietnam/
      ——-

      Vào giữa tháng 4 năm nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vừa thành lập Ban Quan hệ Lao Động, trong đó có phòng pháp luật, phòng quan hệ lao động và phòng bảo hiểm lao động. Việc này là một phần trong những nỗ lực cải cách về pháp luật và điều hành của nhà nước trong những năm qua để giải quyết tranh chấp lao động, mà đáng chú ý nhất là vấn đề đình công của công nhân đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp. Đình công trong cả nước đã lên tới mức cao nhất gần 1.000 vụ vào năm 2011, kéo theo những quan ngại của cấp trên về những hậu quả liên quan đến năng suất lao động và trật tự xã hội.

      Việc thành lập Ban Quan hệ Lao động cũng nhằm hỗ trợ những chương trình khác của Tổng Liên Đoàn và nhà nước để chăm lo, ủng hộ người lao động và tuyên dương đóng góp của họ cho phát triển sản xuất. Đáng chú ý là sự thay đổi cơ cấu lần này xảy ra tại nghiệp đoàn lớn nhất chính thức đại diện các cấp công đoàn và người lao động Việt Nam. Điều này khẳng định rằng, cải thiện cơ chế về quan hệ lao động là một trong những việc quan trọng của cấp trên trong nỗ lực giải quyết căng thẳng xã hội bùng phát trong mấy thập kỷ qua.

      Ban Quan hệ Lao Động ra đời nhằm phục vụ lợi ích của công nhân và nâng cao vị thế của công đoàn các cấp. Những nội dung trọng tâm gồm có: tiếp tục xây dựng và củng cố quan hệ lao động hài hoà để ngăn ngừa tranh chấp lao động, hướng dẫn công đoàn các cấp phát huy vai trò dàn xếp trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công, và kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp – nhất là trong các vấn đề về tiền lương và bảo hiểm xã hội.

      Theo luật pháp hiện hành, công nhân Việt Nam có quyền đình công theo trình tự quy định, nhưng trên thực tế, hầu hết các vụ đình công xảy ra không hợp pháp. Dễ thấy rằng đây dường như là cách tốt nhất để công nhân giải quyết bức xúc của họ với giới chủ khi công đoàn cơ sở chưa thật sự chủ động nắm bắt nhu cầu, lợi ích và nêu lên những khó khăn của công nhân với chủ doanh nghiệp. Hơn nữa, những vụ đình công thường được chính quyền địa phương để tâm, tiến hành hòa giải và phần nào giải quyết ổn thỏa.

      Số vụ đình công nói chung trên cả nước đã giảm từ năm 2011 đến nay, đây có lẽ là một tín hiệu tốt cho thấy sự cải thiện trong quan hệ lao động. Trong vài năm gần đây, chính phủ và Tổng Liên Đoàn ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại cởi mở và xây dựng thỏa ước lao động tại nơi làm việc, sản xuất. Tuy nhiên tình hình vẫn cần được quan tâm và theo dõi sâu sát. Ông Nguyễn Duy Vy, phụ trách Ban Quan hệ Lao động đã nói, sự “im ắng” đó có thể chứa đựng những xung đột tiềm tàng, có nguy cơ dẫn đến bất ổn trong tương lai. Mối lo ngại này thật sự phản ánh những điểm yếu trước nay trong quản lý lao động, đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đáng kể trong số đó là sự lỏng lẻo trong việc thi hành chế độ đảm bảo lương và điều kiện làm việc tại nơi sản xuất, và vai trò còn khiếm khuyết của công đoàn cơ sở khi công đoàn chưa thấu hiểu và phục vụ lợi ích của công nhân.

      Tiếp theo xin đề cập đến vai trò của Hội đồng trọng tài và Hội đồng hòa giải lao động, do Ủy ban nhân dân địa phương quyết định thành lập. Những hội đồng này có nhiệm vụ nắm bắt tình hình và tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, đồng thời phối hợp với các ban ngành địa phương khi cần thiết. Trách nhiệm và tiến trình xử lý cũng dựa theo nội dung tranh chấp là về quyền hay lợi ích của công nhân. Theo văn bản hiện hành, trong hầu hết các trường hợp, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đôn đốc và theo dõi tiến trình giải quyết, và góp ý kiến cho kết quả hòa giải. Qua đó có thể thấy, giải pháp cho những thách thức tồn tại trong quan hệ lao động chính là tái tạo lại cơ chế hiện hành, tạo môi trường mới cho quyền quản lý gián tiếp của chính quyền cấp trên. Nói cách khác, việc ra đời và củng cố hoạt động của các hội đồng hoà giải để giải quyết tranh chấp lao động và đình công không làm giảm đi quyền giám sát và chỉ đạo của chính quyền trong vấn đề này.

      Từ năm 2012, thang, bảng lương ở doanh nghiệp không cần thông qua sự đồng ý của chính quyền địa phương trước khi được áp dụng tại cơ sở. Cơ quan nhà nước chỉ giám sát việc thực hiện thang, bang lương để đảm bảo tính tuân thủ đối với mức lương cơ bản. Do đa số các vụ đình công có nội dung liên quan đến tiền lương, cơ quan nhà nước dần đang tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp, nhất là khu vực có chủ đầu tư nước ngoài. Kết quả thanh tra ở nhiều nơi đã phát hiện vi phạm không chỉ về vấn đề tiền lương, mà còn những chế độ khác về môi trường sản xuất và bảo hiểm xã hội, v.v.. , dẫn đến việc chủ doanh nghiệp phải nộp phạt. Sự răn đe của cơ quan nhà nước, đi kèm với việc tuyên truyền rộng rãi về luật pháp lao động, hứa hẹn hạn chế sai phạm của giới chủ và bảo vệ người lao động tốt hơn. Mặt khác, nó cũng có thể khiến giới đầu tư lãnh đạm hơn với môi trường lao động tại Việt Nam, phần lớn trong số đó đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

      Tóm lại, những thay đổi gần đây trong quản lý nhà nước đối với quan hệ lao động xoay quanh 2 nội dung chính: đẩy mạnh ý thức và việc chấp hành pháp luật lao động, đồng thời cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, kịp thời. Nâng cao vai trò của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, cũng là một nội dung thiết yếu, nhưng muốn đạt được hiệu quả thiết thực thì cần đi đôi với việc tạo môi trường để chính người công nhân được quyền thương lượng với giới chủ. Nhìn chung, việc gắn kết công đoàn vào hệ thống chính trị, kết hợp với những biện pháp quản lý mới, đã phần nào kiềm chế số vụ đình công tự phát trong vài năm qua. Nói rộng hơn, sự thay đổi trong quản lý lao động ở Việt Nam là một trường hợp điển hình cho thấy, quá trình tái cơ cấu cơ chế hành chính là quan trọng để giải quyết nhưng căng thẳng trong xã hội ngày nay.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.