NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
03/01/2015 at 10:24 #5244NCQTKeymaster
Khi thế giới đang kém phẳng hơn
Huỳnh Thế Du Thứ Sáu, 2/1/2015, 09:46 (GMT+7) (TBKTSG) – Vào đầu thập niên 2000, Thế giới phẳng của Tom Friedman đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi và năm 2005, Financial Times đã chọn làm cuốn sách của năm. Lập luận với những câu chuyện rất sinh động của nhà báo gạo cội làm việc cho The New York Times đã tạo ra sự lạc quan cho các nước chưa phát triển về một triển vọng tươi sáng hơn.
Một thập kỷ đã trôi qua, một số xu hướng mà Friedman phân tích vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra cho thấy một thế giới đang trở nên kém phẳng hơn, đặc biệt là về khía cạnh không gian và bất bình đẳng.
Sự tập trung vào các đô thị đang tiếp tục gia tăng. Đây là thời cơ cho những người biết nắm lấy cơ hội, nhưng cũng sẽ làm cho những ai không bắt kịp chuyến tàu toàn cầu hóa đang di chuyển với tốc độ rất cao trở nên tụt hậu hơn. Do vậy, mỗi cá nhân, tổ chức cũng như quốc gia cần nhìn rõ các xu hướng để tận dụng những lợi ích mà chúng mang lại, đồng thời giảm thiểu những tác động không mong muốn.
Sáu siêu xu hướng toàn cầu
Báo cáo “Năng lực cạnh tranh của các thành phố” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây đã chỉ ra sáu siêu xu hướng toàn cầu rất đáng chú ý gồm: i) đô thị hóa, thay đổi dân số học và tầng lớp trung lưu mới nổi; ii) gia tăng bất bình đẳng; iii) thách thức với phát triển bền vững; iv) thay đổi công nghệ; v) các cụm ngành và chuỗi giá trị toàn cầu; và vi) thay đổi trong cách thức quản trị. Các siêu xu hướng này sẽ tác động đến tất cả những ai sống trên hành tinh của chúng ta.
Sự tập trung vào các đô thị đang tiếp tục gia tăng. Đây là thời cơ cho những người biết nắm lấy cơ hội, nhưng cũng sẽ làm cho những ai không bắt kịp chuyến tàu toàn cầu hóa đang di chuyển với tốc độ rất cao trở nên tụt hậu hơn. Siêu xu hướng thứ nhất: Đô thị hóa, biến đổi dân số học và tầng lớp trung lưu mới nổi
Tiến trình đô thị hóa đã xảy ra mấy ngàn năm, nhưng chưa bao giờ có tốc độ cao như hiện nay. Từ năm 2010, hơn một nửa dân số thế giới đã sống ở các đô thị. Từ nay đến năm 2050, con số này sẽ tăng thêm khoảng 2,4 tỉ người để đưa tỷ lệ đô thị hóa toàn cầu lên 67,1%.
Tầng lớp trung lưu ở các thị trường mới nổi đang là nhân tố chính kích thích kinh tế toàn cầu. Đến năm 2025 sẽ có thêm 600 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu sống ở 440 thành phố lớn nhất của các nước đang phát triển. Những người này sẽ tạo ra những khoản đầu tư và tiêu dùng lên đến 30.000 tỉ đô la (tương đương 40% GDP toàn cầu hiện nay).
Tuy nhiên, lão hóa cũng là một thách thức lớn. Vào năm 2050, khoảng 22% dân số thế giới sẽ từ 60 tuổi trở lên, gấp đôi tỷ lệ người già – người trẻ hiện nay.
Siêu xu hướng thứ hai: Gia tăng bất bình đẳng
Tính từ khi Chiến tranh lạnh có dấu hiệu kết thúc (đầu thập niên 1980), các cải cách thị trường và hội nhập kinh tế toàn cầu đã mang đến sự thịnh vượng chưa từng có cho toàn cầu và ấn tượng nhất là việc giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện tượng bất bình đẳng đang gia tăng.
Nhìn tổng thể toàn cầu, chênh lệch giàu nghèo có vẻ giảm đi do một số nước đã có kết quả giảm nghèo rất ấn tượng, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng trong nội tại mỗi quốc gia đang gia tăng. Ngay cả các nước phát triển cũng như vậy.
Thomas Piketty, tác giả cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 đã chỉ ra rằng tốc độ tăng giá trị tài sản toàn cầu cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là những người có tích trữ của cải đang được phần nhiều hơn từ thành quả kinh tế toàn cầu.
Tiến trình đô thị hóa nhanh chóng được xem là một thủ phạm gây ra tình trạng này. Đô thị hóa tạo cơ hội và việc làm cho nhiều người, nhất là những người có khả năng, nhưng nó lại làm cho khoảng cách thành thị – nông thôn, đô thị lớn – đô thị nhỏ ngày một doãng ra.
Siêu xu hướng thứ ba: Thách thức với phát triển bền vững
Đô thị là trung tâm sử dụng các nguồn lực, nơi tập trung đông đúc con người và các hoạt động kinh tế nên phát ra hơn một nửa khí thải toàn cầu. Thách thức lớn nhất đối với các thành phố, nhất là ở các nước đang phát triển là làm sao sử dụng công nghệ và các thị trường để việc sử dụng nguồn lực sẵn có hiệu quả hơn. Nói một cách đơn giản là làm sao để lợi thế tích tụ gia tăng trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc tập trung đông đúc ở các đô thị.
Siêu xu hướng thứ tư: Thay đổi công nghệ
Tiến bộ công nghệ giúp chi phí vận tải và viễn thông giảm mạnh. Cùng với chính sách mở cửa thị trường, công nghệ đã phân tán các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới. Đây cũng là một xu hướng được Friedman phân tích trong Thế giới phẳng.
Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ cũng làm cho các hoạt động kinh tế tập trung hơn. Các đô thị, nhất là các siêu thành phố đang hưởng lợi nhiều nhất. Công nghệ giúp các thành phố phát huy lợi thế nhờ quy mô và lợi thế tích tụ. Đô thị là nơi tập trung nhân tài và môi trường khởi nghiệp nên có thể khai thác tốt nhất, nhưng cũng là nơi tạo ra phần lớn các tiến bộ của nhân loại.
Siêu xu hướng thứ năm: Các cụm ngành và chuỗi giá trị toàn cầu
Các chuỗi giá trị toàn cầu là đặc điểm định dạng thương mại quốc tế trong thế kỷ 21. Cuộc cách mạng viễn thông và công nghệ thông tin đã giúp cho việc sản xuất phân tán toàn cầu trở nên khả thi. Do vậy, vấn đề đối với mỗi doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia giờ đây không phải là sản xuất ra các sản phẩm hoàn chỉnh mà nên chuyên môn hóa vào công đoạn nào.
Mỗi quốc gia hay địa phương cần đảm bảo việc thu hút dòng vốn, nhân lực và công nghệ bằng cách giữ độ mở cần thiết với các chính sách không phân biệt đối xử, bảo vệ quyền tài sản (nhất là quyền sở hữu trí tuệ) cùng với việc bảo đảm môi trường hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.
Các thành phố – các trung tâm của kinh tế thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút các nguồn lực và mở rộng thị trường thông qua việc thu hút các công ty đa quốc gia. Mức độ phát triển cũng như hội nhập của một đô thị đơn giản là số lượng trụ sở hay văn phòng của các công ty đa quốc gia cũng như các tổ chức có phạm vi hoạt động toàn cầu. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với các thành phố đang phát triển.Siêu xu hướng thứ sáu: Thay đổi về cách thức quản trị và cai trị
Các thị trường đang toàn cầu hóa và xã hội cũng đang thay đổi chóng mặt. Các tiến bộ công nghệ thúc đẩy việc tập trung các hoạt động kinh tế, nhưng chúng cũng tạo ra quá trình phi tập trung của việc chọn lựa và ra quyết định.
Internet, viễn thông di động và truyền thông xã hội đã tiếp sức cho một số lượng khổng lồ các cá nhân trên khắp thế giới làm việc, vui chơi, tư duy và thậm chí là cầu nguyện theo cách riêng của mình. Cùng lúc đó, các đại công ty thì tập trung ở trung tâm của các thị trường công nghệ mới.
Do vậy, cách thức quản trị ở các tổ chức từ doanh nghiệp đến chính phủ cũng như các tổ chức liên quốc gia, liên lục địa sẽ phải thay đổi để thích ứng với sự thay đổi khủng khiếp này. Thực ra, đối với chính phủ các quốc gia và chính quyền các địa phương, vấn đề giờ đây không phải là kiểm soát hay kiểm duyệt thông tin cũng như cách nghĩ của người dân mà là phải làm sao để công chúng còn biết và nhớ đến mình vì rất nhiều người, nhất là những người có khả năng đang có quyền lựa chọn nơi mình sống cũng như các dịch vụ công ở những nơi khác nhau.Thách thức khi thế giới đang kém phẳng hơn
Các siêu đô thị trở nên quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhiều hơn. Với sự phát triển của công nghệ, các hoạt động từ xa trở nên phổ biến hơn.
Ví dụ, với công nghệ giải phẫu từ xa thì các nhà phẫu thuật hàng đầu chỉ cần tập trung ở một vài trung tâm nghiên cứu lớn và “lười” đi lại hơn. Công việc tại hiện trường do những kỹ thuật viên thực hiện theo chỉ đạo từ xa. Do vậy, tri thức chỉ tập trung ở một số điểm giới hạn mà thôi.
Xu hướng tập trung này đang là thách thức rất lớn cho các nước đi sau. Sở dĩ các đô thị ngày một phình ra là do nó có được lợi thế tích tụ nhờ tiết kiệm chi phí di chuyển và tăng khả năng lan truyền tri thức để trở nên hiệu quả hơn. Điều này làm cho lực lượng lao động chất lượng cao, có chuyên môn đổ dồn về các đô thị lớn, các nước phát triển.Ví dụ, đội ngũ du học sinh đã có rất nhiều đóng góp để một số nơi trở nên phát triển, như Đài Loan hay Hàn Quốc chẳng hạn. Tuy nhiên, đây là điều thách thức cho những nước như Việt Nam ngày nay vì du học sinh thường có khuynh hướng ở lại nhiều hơn, nhất là khi mà môi trường trong nước không thể hoặc không muốn dung nạp họ. Do vậy, chảy máu chất xám đang là một trong những trở lực cho các nước đang phát triển.
Đối với vấn đề của các nước nghèo, đã được Paul Collier phân tích rất kỹ trong tác phẩm Một tỉ dưới đáy: Tại sao các nước nghèo nhất đang thất bại và điều gì có thể làm. Đối với các nước đang phát triển vừa thoát ngưỡng nghèo, thì bẫy thu nhập trung bình là nỗi lo thường trực. Hơn thế, việc trở nên thất thế trong quá trình mở cửa thị trường hay bẫy tự do thương mại cũng là thách thức rất lớn đối với các nước đi sau.
Một vấn đề lớn khác của các nước đang phát triển là quy mô và chức năng của nhà nước. Fukuyama đã chỉ ra rằng chính phủ ở các nước đang phát triển thường quá lớn và quá tham trong phạm vi những chức năng mà họ muốn thực hiện, trong khi vấn đề cấp bách nhất là cần nâng cao sức mạnh cơ bản của các thể chế nhà nước để thực hiện những chức năng cơ bản mà chỉ có nhà nước mới làm được.
Năng lực thấp, nguồn lực không có mà quá ôm đồm đang làm cho nhà nước ở rất nhiều quốc gia đang phát triển rất kém hiệu quả. Nhiều chính sách yếu kém của những thể chế này đang gây tổn hại đến sự phát triển của nhiều nước đang phát triển.
Tóm lại, thế giới đang thay đổi như vũ bão nên mỗi cá nhân, tổ chức cũng như quốc gia cần nhìn rõ các xu hướng để tận dụng những lợi ích mà chúng mang lại, đồng thời giảm thiểu những tác động không mong muốn.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.