Lỗi hẹn TPP?

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #4058
      NCQT
      Keymaster

      Lỗi hẹn TPP?

      Tiểu Minh

      (TBKTSG) – Cả bộ trưởng phụ trách kinh tế Nhật Bản là ông Akira Amari và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong cuộc đàm phán song phương về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù trước đó, hai người cấp phó đoàn đàm phán đã điện đàm hai tiếng rưỡi đồng hồ cho công tác chuẩn bị. Hy vọng về một TPP kết thúc cuối năm 2014 liệu đã chấm dứt?

      Cuộc giằng co giữa hai “ông lớn”

      TPP với 12 thành viên đang đàm phán chiếm đến 40% GDP của toàn cầu, nhưng chỉ riêng hai “ông lớn” là Mỹ và Nhật đã chiếm đến 80% GDP của toàn khối. Vì thế mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc giằng co trên bàn đàm phán của hai thành viên chủ chốt này.

      Hai vấn đề lớn nhất trong mở cửa thị trường, một là ô tô, hai là nông sản, vẫn đang ở thế dùng dằng. Đành rằng cả hai phía đều nhất trí về một “sự linh hoạt” trong đàm phán, tuy nhiên, xem chừng mọi sự vẫn chưa khả quan. Chẳng hạn, về ô tô, người Mỹ yêu cầu Nhật cắt giảm các quy định về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải của xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, nhưng e là đòi người Nhật hạ tiêu chuẩn xuống chẳng phải dễ dàng.

      Gay go hơn là mở cửa thị trường nông sản. Năm mặt hàng giới chính trị của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do nước này, vốn có quan hệ mật thiết với ngành nông nghiệp, quyết giữ là gạo, lúa mì, thịt bò, thịt heo, sản phẩm sữa và đường, coi đó là các “đền thiêng” không thể đụng đến. Dù vậy, có tin Nhật đồng ý cắt giảm thuế thịt bò xuống một nửa, từ 38,5% xuống còn 19,5%. Mức thuế này cũng bằng với mức mà Nhật cam kết với Úc trong hiệp định mậu dịch tự do (FTA) song phương mới ký hồi tháng 7. Ấy thế mà, trong khi người Mỹ vẫn cho là còn cao quá thì người Nhật đã vội đáp lại là họ sẽ hạn chế nhập một khi thịt bò Mỹ tràn vào nhiều quá. Giới quan sát ngán ngẩm vì tinh thần của TPP về cắt giảm thuế quan coi như bị phá bỏ.

      Ba năm trước, Thủ tướng Nhật quyết định tham gia đàm phán TPP để mong đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài. Nhưng mục tiêu đó của người Nhật vẫn chưa thực hiện được. Kinh tế nước này trong quí 3 vẫn cứ trì trệ. “Điều đó cho thấy Tokyo cần TPP”, theo ông Froman. Vậy nhưng các bên vẫn chưa thôi vờn nhau. Mỹ một mặt bóng gió về chuyện “một TPP không Nhật Bản”, mặt khác lại tỏ ý sẽ mời Thủ tướng Shinzo Abe đến Washington vào tháng 1 năm tới để cùng bàn về các vấn đề thương mại và an ninh. Kể cũng đã lâu rồi ông Abe không đến Mỹ. Chuyến thăm lần trước cách đây cũng đã gần một năm, vào hồi tháng 2, hai tháng sau khi ông nhậm chức thủ tướng. Trước mắt thì hai bên đang thu xếp cho hai nguyên thủ này gặp nhau bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh vào tháng 11 tới.

      Lộ trình tiếp theo?

      Sau 10 ngày đàm phán vào tháng 9 tại Hà Nội, thông cáo báo chí của các thành viên đàm phán TPP nói rằng các bên đạt được nhiều bước tiến về những vấn đề còn vướng mắc. Nhưng có hai điều quan trọng mà thông cáo báo chí không đề cập, trước hết là vạch ra được một lộ trình cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Ban đầu các thông tin cho thấy thời gian cho cuộc gặp kế tiếp sẽ là giữa tháng 10 tại Úc. Đó là cuộc gặp gỡ cấp trưởng đoàn ở Canberra vào ngày 19. Sau đó, giới thạo tin cho biết các bên đã nhất trí gặp nhau một phiên cấp bộ trưởng vào cuối tháng, cụ thể là từ 25-27 tại Sydney cũng ở Úc. Còn chuyện TPP cuối năm nay có kết thúc đàm phán được hay không thì còn lắm hoài nghi.

      Người Mỹ đã tỏ ra sốt ruột khi nhìn ra xung quanh. Liên hiệp châu Âu (EU) vừa kết thúc đàm phán FTA với Canada, và các cuộc đàm phán FTA với Việt Nam và Nhật Bản đang có tiến triển tốt. Trung Quốc cũng đang thương thảo FTA với Hàn Quốc và Úc, bên cạnh một RCEP, còn gọi là ASEAN+6. Hai thành viên lớn của TPP là Nhật Bản và Úc thì cũng đã ký FTA với nhau rồi. Vậy mà người Mỹ thì đang mắc kẹt giữa hai hiệp định thế kỷ là TPP và T-TIP – hiệp định mậu dịch tự do giữa Mỹ và EU. Tuần trước, ông Froman khá bận rộn cho TPP, còn tuần này thì ông lại dành thời gian nhiều hơn cho T-TIP.

      Thời gian này, Mỹ đang cuốn vào cuộc đua bầu cử Quốc hội, dẫn đến chuyện trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho chính quyền ông Obama. Các nhà đàm phán Mỹ rất cần có TPA để dễ dàng quyết định hơn. Có TPA thì khi trình ra Quốc hội phê chuẩn các nghị sĩ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ. Không có TPA thì các nghị sĩ có quyền can thiệp vào nội dung, khi đó mọi thứ lại phải đi đàm phán lại.

      Về phần Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng có chuyến thăm đáng chú ý đến Washington. Dù ở phiên đàm phán Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng cho những vấn đề gai góc như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, quy tắc xuất xứ… nhưng hai bên phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ những vướng mắc về các vấn đề kỹ thuật, chi tiết vốn dĩ ảnh hưởng đến lợi ích của mỗi bên. Dệt may chẳng hạn, đành rằng là xóa bỏ gần như tất cả các dòng thuế, nhưng nếu phía Mỹ yêu cầu giữ lại 5%, lại là những dòng chính của giới doanh nghiệp Việt Nam xuất vào thị trường này, thì lại là chuyện khác. Vấn đề về sở hữu trí tuệ có vẻ như đã thống nhất ở cách tiếp cận mềm dẻo: không áp dụng ngay mà cho phép một giai đoạn chuyển đổi khi trình độ phát triển của các bên còn chênh lệch rất nhiều.

      Hy vọng đặt vào năm 2015

      Gạt qua những bất đồng, các bên đang tỏ rõ quyết tâm về một TPP đã gần đến đích. Nói gì thì nói, các cuộc đàm phán đã kéo dài đến 10 năm rồi, cũng đã đủ dài để kết thúc. Cho dù giới quan sát chính trị tại Mỹ cũng cho rằng cơ hội để nước này giải quyết được bất đồng với Nhật và kết thúc TPP trước tháng 11 là rất khó xảy ra, thì niềm tin và quyết tâm của các bên về một hạn chót vẫn được đặt ra, và mong muốn trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào ngày 10 và 11-11 tới, các lãnh đạo thành viên TPP cũng có điều gì đó để nói với nhau. Ít nhất họ cũng tuyên bố với cả thế giới là TPP đã hoàn tất về mặt cơ bản.

      Kể ra, tuyên bố kết thúc đàm phán TPP tại Trung Quốc cũng là một điều thú vị khi không ít người cho rằng hiệp định này là để đối phó với Bắc Kinh. Có nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện này, người thì cho rằng không khéo thì Trung Quốc lại coi đó là một cú tát vào họ. Những người ủng hộ lại lập luận rằng tuyên bố tại đây là chứng tỏ điều ngược lại: TPP đâu phải chống lại Trung Quốc.

      Và nếu tại Bắc Kinh có được tuyên bố hoàn tất một thỏa thuận khung, thì mục tiêu kết thúc TPP năm 2014 một lần nữa lại bị lỗi hẹn vì có chuyển đến Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar thì cũng chẳng kịp. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng sớm nhất để TPP hoàn tất thì cũng phải nửa đầu năm 2015.

      Nguồn: TBKTSG

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.