NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 10 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
23/12/2014 at 10:39 #5069NCQTKeymaster
Luật sư – Phần 2: Đào tạo và Cấp chứng chỉ hành nghề ở Anh và Mỹ
Trương Tự Minh – Ở Phần 1 của loạt bài về nghề luật sư, độc giả đã tiếp xúc với khái niệm luật sư và các chức năng nghề nghiệp của luật sư cũng như các từ vựng tiếng Anh có liên quan. Chuyên mục Tiếng Anh pháp lý của Luật Khoa tạp chí lần này sẽ tiếp tục với chủ đề về đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư ở Anh và Mỹ.
Luật sư – Phần 1: Các tên gọi và chức năng
Đào tạo luật sư ở Anh
Ở nước Anh thời trung cổ, những người học luật đầu tiên cũng chính là những vị quan tòa xét xử lưu động. Trên lưng ngựa, các quan tòa du hành từ thị trấn này sang thị trấn khác trong vùng đã được đức vua chỉ định và dừng lại phân xử ở nơi có vụ việc cần giải quyết. Giữa những chặng rong ruổi như vậy, thỉnh thoảng các quan tòa tình cờ gặp nhau, rồi họ ghé vào một quán trọ (inn) bên đường và bàn chuyện cầm cân nảy mực với đồng nghiệp. Đó là cách các quan tòa ở Anh thời đó thống nhất quan điểm xét xử cho những vụ việc tương tự nhau để tạo ra án lệ. Đồng thời, trong quá trình thảo luận và trao đổi đó, họ cũng trở thành những người học và nghiên cứu luật. Theo thời gian, hoạt động này của các quan tòa dần đi vào khuôn khổ, sau đó phát triển thành hệ thống đào tạo luật chính quy. Nhiều “lò đào tạo” lớn nhỏ dành cho người theo học để trở thành luật sư ra đời. Nhằm lưu giữ truyền thống trước kia của các quan tòa, nhóm các cơ sở đào tạo này được gọi chung là Inns of Court. Đến giữa thế kỷ 14, Inns of Court tựu trung lại còn 4 trụ cột gồm Gray’s Inn, Inner Temple, Lincoln’s Inn, và Middle Temple.
Ngày nay, các cơ sở này không còn chức năng giảng dạy và đào tạo luật nữa. Tuy nhiên, sinh viên ở Anh và xứ Wales sau khi tốt nghiệp trường luật phải theo học một khóa đào tạo nghiệp vụ gọi là Bar Professional Training Course (BPTC) tại một trong 10 học viện để trở thành luật sư tranh tụng (barrister). Trong thời gian này, các học viên còn phải ghi danh vào một trong bốn Inns of Court và thực hiện 12 buổi bắt buộc gọi là Qualifying Sessions. Theo truyền thống, các luật sư tiềm năng được yêu cầu dùng 12 bữa tiệc tối cùng các thẩm phán và luật sư đàn anh để trao đổi về các vấn đề pháp lý. Đây là cơ hội để những luật sư tiềm năng chứng tỏ năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, đồng thời vừa là dịp đánh giá chuyên môn và phẩm chất trước khi các Inns of Court quyết định công nhận năng lực tranh tụng của họ tại tòa (call to the bar). Về sau, người ta còn mở rộng thêm một số hoạt động khác cho các Qualifying Sessions như phiên tòa giả định (moot court) hoặc những lớp tập huấn kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.
Nhìn chung ở Anh con đường trở thành một luật sư, đặc biệt là luật sư tranh tụng, khá phức tạp và chông gai. Sau khi tốt nghiệp trường luật (trung bình mất 7 năm do yêu cầu phải có trước đó một bằng đại học), bạn phải dành ra một năm hoàn thành Bar School (tên gọi chung cho Bar Professional Training Course và Qualifying Sessions). Chỉ khi vượt qua kỳ thi cuối khóa của BPTC và tham dự đủ 12 buổi bắt buộc tại một trong các Inns of Court bạn mới được công nhận năng lực tranh tụng (being called to the bar). Tiếp đến bạn phải dành thêm 1 năm thực tập (pupillage) tại các văn phòng luật sư tranh tụng (barristers’ chamber), các hãng luật tư vấn (solicitors’ firm) hoặc giúp việc cho thẩm phán. Trong thời gian một năm này, bạn được yêu cầu hoàn thành khóa đào tạo kỹ năng tranh tụng Advocacy Training Course trong sáu tháng đầu (thường gọi là first six) và khóa đào tạo kỹ năng quản lý trong việc thực hành luật Practice Management Course 6 tháng còn lại (second six). Sau khi trải qua hai khóa học này và có được đánh giá tốt từ nơi thực tập, lúc đó bạn mới được Bar Council (Hội đồng luật sư) cấp chứng chỉ hành nghề luật sư tranh tụng.
Đào tạo luật sư ở Mỹ
Trong lịch sử nước Mỹ thời kỳ đầu, thông thường con đường để trở thành luật sư được thực hiện thông qua hình thức học nghề (apprenticeship). Trong thời gian học nghề, một thực tập sinh sẽ được tiền bối của mình, vốn là một luật sư đang hành nghề, hướng dẫn đọc luật và truyền đạt kinh nghiệm trong nghề. Abraham Lincoln, cố tổng thống thứ 13 của Hoa Kỳ, cũng đã trở thành luật sư bằng cách thức đào tạo như vậy.
Theo sự phát triển của đời sống xã hội, luật pháp cùng với nhịp vận động của đời sống pháp lý cũng ngày càng đa dạng, phức tạp. Lúc này, các luật sư không còn thời gian lẫn khả năng chỉ dạy các thực tập sinh mọi thứ về luật. Những người theo học luật bắt đầu nhận ra họ cần có nhiều hơn một người thầy hướng dẫn, vì vậy mà ý tưởng về trường dạy và đào tạo luật (law school) đã thành hình.
Năm 1784 đánh dấu sự ra đời của Học viện Litchfield (Litchfield Academy) tại tiểu bang Connecticut, cơ sở đào tạo tư nhân và trường luật đầu tiên của Mỹ. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Harvard Law School (ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts) lại trở thành trường luật hàng đầu nhờ đi tiên phong trong việc áp dụng case method, một phương pháp giảng dạy luật bằng cách phân tích các án lệ với các dữ kiện thực tế và khuyến khích sinh viên chủ động tư duy thông qua các câu hỏi trên lớp, thay vì tiếp thu một cách thụ động bài giảng của giáo viên và sách giáo trình. Phương pháp này được giáo sư luật Christopher Columbus Langdell đưa vào giảng dạy ở Harvard vào năm 1871. Ban đầu ông vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều đồng nghiệp lẫn sinh viên, nhưng nhờ có được hậu thuẫn từ Charles W. Eliot, Hiệu trưởng trường Harvard khi đó, phương pháp của ông dần chứng minh tính hiệu quả qua năng lực thực hành luật của các sinh viên ông đào tạo sau khi ra trường. Đến đầu những năm 1900, hầu hết các trường luật trên khắp nước Mỹ đều áp dụng “case method” và phương pháp này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.
Được thành lập vào năm 1900 tại thủ đô Washington, Association of American Law Schools (AALS) là một nghiệp đoàn dành cho các trường luật của Hoa Kỳ. Năm 1950, AALS khuyến nghị các sinh viên cần trải qua một khóa đào tạo bậc đại học trước khi bước vào trường luật. Về sau và cho đến hiện tại, khuyến nghị trên trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các sinh viên luật ở Mỹ.
Trước khi có khuyến nghị của AALS, Bachelor of Laws, viết tắt làL.L.B, (cử nhân luật) là bằng cấp đầu tiên ở bậc đại học dành cho những người theo học luật. Sau năm 1950, do sinh viên Hoa Kỳ phải hoàn tất chương trình đại học của một ngành khác trước khi được nhận vào trường luật, nên sau khi tốt nghiệp bạn được gọi là Juris Doctor/Doctor of Jurisprudence (viết tắt là J.D) – bằng học thuật cấp độ đầu tiên của ngành luật tại Mỹ.
Nếu tiếp tục học lên, bạn nhận được Master of Laws, viết tắt làL.L.M, (thạc sĩ luật) – bằng cao học ở cấp độ thứ nhất. Cao hơn nữa là Doctor of Juridicial Science/Doctor of the Science of Jurisprudence, viết tắt là J.S.D (tiến sĩ luật) – bằng cao học ở cấp cao nhất của ngành luật ở Mỹ, hoặc Doctor of Laws (viết tắt làL.L.D) hay Ph.D in Law ở châu Âu và một số nước khác.
Theo truyền thống, phòng xét xử thường có một hàng rào ngăn cách những người tham gia vụ án và người dự thính; trong tiếng Anh người ta gọi hàng rào này là barrier, hay vắn tắt là the bar. Một người theo học luật không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, do đó ban đầu xem như một người dự thính. Chỉ khi có được chứng chỉ thực hành luật (license to practice law) và trở thành luật sư, người đó mới có thể bước qua phía bên kia hàng rào và tham gia vào phiên tòa. Từ nghĩa đen như trên, bây giờ khi nói the bar trong lĩnh vực pháp luật, người ta hiểu đó là tập thể các luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, admission to the bar là việc công nhận một thành viên mới vào luật sư đoàn, và admitted to the barnhằm thể hiện một người đã gia nhập một hội đoàn luật sư. Ở nhiều tiểu bang Mỹ, state bar là cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề và theo dõi, đánh giá các luật sư về mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp trong phạm vi tiểu bang.
Để trở thành luật sư có giấy phép hành nghề, một sinh viên tốt nghiệp trường luật ở Mỹ phải vượt qua kì thi kiểm tra năng lực tại tiểu bang nơi anh ta/cô ta đăng ký dự thi, gọi là bar examination hay đơn giản là bar exam. Đây là kì thi được đánh giá đầy thử thách và khó thi đậu vì mục đích của nó nhằm loại ra những ứng viên không nắm rõ các nguyên tắc luật nền tảng hoặc không thể áp dụng các nguyên tắc đó vào thực tế khi đại diện cho thân chủ. Trước khi bước vào kì thi sát hạch đầy cam go này, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp trường luật chọn theo học các khóa luyện thi được gọi là bar review để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Nếu có đủ năng lực “chiến thắng” bar exam, yêu cầu cuối cùng để bạn gia nhập luật sư đoàn của tiểu bang là lời tuyên thệ của luật sư (lawyer’s oath). Một cách chung nhất, đó là lời hứa trang trọng thể hiện cam kết bảo vệ đến cùng Hiến pháp Hoa Kỳ và tận tụy với thân chủ trong khuôn khổ pháp luật. Với nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp, luật sư trở thành một phần của hệ thống tư pháp nước Mỹ, có trách nhiệm giữ vững và hoàn thiện nền tư pháp. Vì vậy luật sư còn có chức danh chính thức là officer of the court. Đối với các luật sư được nhận vào luật sư đoàn ở nhiều tiểu bang, họ được gắn với chức danh Esquire, viết tắt là Esq.
Được thành lập vào năm 1878 ở Chicago, Illinois, American Bar Association (ABA) – Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ là một tổ chức được sáng lập và tham gia tự nguyện bởi các luật sư trên toàn quốc. Trong số những hoạt động của Hiệp hội, ABA đóng vai trò là tổ chức xếp hạng các trường luật có uy tín hàng đầu ở Mỹ, vì vậy các đánh giá của ABA được nhiều người tham khảo và tin cậy. Hiện tại, có hơn 180 trường và học viện đào tạo luật ở Mỹ được ABA ghi nhận.
(Lược thuật từ cuốn ‘Legal Terminology Explained’ của tác giả Edward Nolfi)
Nguồn: Luatkhoa.org
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.