NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Bài tiếng Việt, Chính trị
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 10 years, 5 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
13/06/2014 at 14:56 #2322NCQTKeymaster
Nhu cầu “học thuật hóa” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông
Trương Minh Huy Vũ[1] – Nguyễn Thế Phương[2]
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (93), tháng 6/2013, trang 81-98.
Tóm tắt
“Học thuật hóa” là xây dựng những kiến thức-chuẩn mực chung, tập hợp lý lẽ, thu thập bằng chứng về một hiện tượng hay đối tượng nào đó cần nghiên cứu. Hiện tượng hay đối tượng này trước đây có thể được nói, viết, bàn luận nhiều, nhưng thiếu hoặc chưa có một nền tảng khoa học vững chắc để đưa ra nhận xét hay kết luận. “Ngoại giao học thuật” là công tác tác động, ảnh hưởng hay truyền tải một lý lẽ, lập luận hay quan điểm nào đó trên các diễn đàn thế giới bằng học thuật, hay thông qua cộng đồng khoa học thế giới. Thực hiện ngoại giao học thuật, các học giả sẽ đấu tranh chống sự tuyên truyền một chiều, mang nhiều mô thức chính trị xâm phạm chủ quyền và lợi ích Việt Nam của đối phương, đồng thời xây dựng nhận thức đúng đắn, chính xác về chủ quyền của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Nhìn nhận “học thuật hóa” như một trong những trụ cột chính sách biển Đông của Việt Nam, bài viết sẽ phân tích câu hỏi tại sao giới học giả và các nghiên cứu của họ lại quan trọng trong việc nâng cao lợi thế của Việt Nam trong tranh chấp. Thông qua hai góc nhìn chủ yếu, từ các tác động bên ngoài đến những ảnh hưởng bên trong, thì chiến lược ngoại giao học thuật dựa trên “học thuật hóa” được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc quá chênh lệch như hiện nay. Bài viết cũng sẽ liệt kê một số bước đi cần thiết nhằm tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của “học thuật hóa” trong vấn đề biển Đông.
—–
-
Dẫn luận
“Học thuật hóa” là xây dựng những kiến thức-chuẩn mực chung, tập hợp lý lẽ, thu thập bằng chứng về một hiện tượng hay đối tượng nào đó cần nghiên cứu. Hiện tượng hay đối tượng này trước đây có thể được nói, viết, bàn luận nhiều, nhưng thiếu hoặc chưa có một nền tảng khoa học vững chắc để đưa ra nhận xét hay kết luận. “Ngoại giao học thuật” là công tác tác động, ảnh hưởng hay truyền tải một lý lẽ, lập luận hay quan điểm nào đó trên các diễn đàn thế giới bằng học thuật, hay thông qua cộng đồng khoa học thế giới. Thực hiện ngoại giao học thuật, các học giả sẽ đấu tranh chống sự tuyên truyền một chiều, mang nhiều mô thức chính trị xâm phạm chủ quyền và lợi ích Việt Nam của đối phương, đồng thời xây dựng nhận thức đúng đắn, chính xác về chủ quyền của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bài viết lập luận rằng, trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay đang rất căng thẳng giữa Trung Quốc và các bên liên quan như Việt Nam và Philippines, thì việc tăng cường đa dạng hóa các biện pháp bảo vệ chủ quyền cũng như tận dụng lợi thế của quốc gia để nâng cao hiệu quả của các biện pháp đó là cần thiết. Chính vì thế, “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” cần được xem như là một trong những trụ cột cho chính sách biển đông của Việt Nam.
Bài viết được chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất tập trung mô tả các yếu tố tác động từ bên ngoài khiến “học thuật hóa” nên được cân nhắc như một chiến lược toàn diện hơn, đặc biệt trên mặt trận tuyên truyền và luật pháp. Sự bất đối xứng về sức mạnh là yếu tố đầu tiên cần phải cân nhắc, khi cán cân về quyền lực kinh tế và sức mạnh hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc. Yếu tố thứ hai là xu hướng quốc tế hóa đang ngày càng được củng cố và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để kiềm chế Trung Quốc và tập hợp lực lượng có lợi cho Việt Nam trên bàn đàm phán cũng như là mảnh đất màu mỡ để “học thuật hóa” phát triển. Yếu tố cuối cùng chính là sự “hợp lý hơn” về lỹ lẽ và các bằng chứng pháp lý của Việt Nam, làm nền tảng để đẩy nhanh hơn nữa học thuật hóa. Phần thứ hai của bài viết sẽ tập trung vào ý thứ hai của nhu cầu học thuật hóa: mối liên hệ giữa các học giả – chủ thể chính thực hiện “học thuật hóa” – và việc tác động chính sách. Những lợi thế của giới nghiên cứu trong việc định hướng chính sách sẽ được phân tích nhằm đưa ra những ưu thế của “học thuật hóa” trong việc tuyên truyền và định hướng dư luận, trong việc giúp phân biệt đúng-sai trong thiết kế và giải thích chính sách, và đặc biệt giới học giả sẽ có đóng góp quan trọng trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo khi là một kênh thứ cấp quan trọng góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp có liên quan. Phần cuối cùng, bài viết đề nghị các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” ở Việt Nam gồm những bước: thiết lập một cơ quan đứng đầu để điều phối các nghiên cứu về biển Đông trong và ngoài nước do Việt Nam xây dựng nên; tăng cường các nguồn lực nghiên cứu về vốn, cơ sở vật chất cũng như con người; tăng cường các liên kết trong nghiên cứu về biển Đông ở cả trong và ngoài nước như tổ chức nhiều hơn các hội thảo quốc tế chuyên về biển Đông, chuyên nghiệp hóa những hội thảo đó hay “thuê ngoài” trong nghiên cứu biển Đông, tức thuê các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu thông qua các quỹ và dự án do chính Việt Nam tài trợ và cuối cùng đổi mới hơn nữa các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu, như kết hợp nhuẫn nhuyễn các loại tài liệu, mở rộng cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu và cả cộng đồng tìm hiểu về biển đảo.
-
Tại sao cần phải “học thuật hóa”?
2.1 Các yếu tố bên ngoài: sức mạnh và lý lẽ.
Tại sao cần thiết phải tiến hành “học thuật hóa”? Có ba yếu tố tác động khả năng áp dụng của chiến lược này vào trong thực tế chính sách đối ngoại: (i) tương quan thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến cho chạy đua sức mạnh là bất khả thi; (ii) xu hướng “quốc tế hóa” biển Đông ngày càng được ủng hộ là một lợi thế quan trọng và (iii) lý lẽ chủ quyền và diễn giải luật biển của Việt Nam hợp lý hơn so với Trung Quốc.
Trước hết, nếu xét trên tương quan sức mạnh, thì Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc trên tất cả các phương diện từ tiềm lực kinh tế, quốc phòng đến tiềm lực con người. Trung Quốc hiện tại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với một tham vọng trở thành cường quốc hải dương cạnh tranh với Mỹ trong tương lai[3]. Quá trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh đang tiến triển một cách nhanh chóng và khá toàn diện, mà biểu tượng là việc đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên trong năm 2012 vừa qua. Không kể Hải quân, các lực lượng chấp pháp biển của cũng được đầu tư lớn để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Theo Liu Cigui, Giám đốc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA), thì SOA sẽ đưa vào hoạt động thêm 22 tàu hải giám cỡ lớn trước năm 2014[4] và một số trong những tàu đó sẽ được tăng cường xuống biển Đông. Nếu so sánh với chi phí quốc phòng của Việt Nam năm 2012 vào khoảng 3,3 tỷ USD[5], thì rõ ràng chạy đua với Trung Quốc về mặt sức mạnh cứng là điều không thể. Một “chiến lược phi đối xứng”[6] về quân sự đã và đang được xây dựng trong trường hợp xấu nhất nếu có chiến tranh xảy ra, tuy nhiên chiến lược đó cũng chỉ tạo một lợi thế nhỏ của Việt Nam trên bàn đàm phán. Mục tiêu rõ ràng nhất của quá trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng cảnh sát biển trong suốt thời gian qua không gì khác hơn ngoài răn đe và tăng khả năng thương lượng. Biện pháp này là cần thiết, tuy nhiên tốn kém chi phí trong thời buổi khó khăn kinh tế như hiện nay và tiềm ẩn hai rủi ro: Một là rủi ro về mặt ngân sách khi chúng ta phải đầu tư một lượng ngoại tệ lớn để mua sắm khí tài, nhưng hiệu quả tác chiến lại chưa được thực sự kiểm chứng trên thực tế. Nếu không có những căng thẳng về mặt lãnh thổ hay chủ quyền thì các chi phí đó sẽ được sử dụng phát triển những lãnh vực cần thiết khác, ví dụ như phát triển kinh tế hay giáo dục. Quốc phòng là một lĩnh vực không sinh lời, nhất là đối với các nước có nền quốc phòng trong giai đoạn chưa tự chủ được các loại vũ khí chính như Việt Nam. Sức ép từ Trung Quốc khiến cho chính phủ phải đầu tư nhiều hơn cho không quân và hải quân – các quân chủng đòi hỏi đầu tư lớn theo hướng hiện đại hóa nhanh chóng – sẽ phần nào gia tăng gánh nặng ngân sách. Thứ hai là rủi ro về mặt chiến lược với phương thức phi đối xứng đã đề cập; Việt Nam rõ ràng rất thuần thục về tác chiến du kích với kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh trước đây với Pháp và Mỹ, thế nhưng lực lượng hải quân mới chỉ được quan tâm đầu tư về khí tài cũng như xây dựng chiến lược trong khoảng thời gian gần đây. Do đó, tác chiến “phi đối xứng” trên biển sẽ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới với Việt Nam. Đánh đổi sẽ là rất lớn khi cả kinh tế và sự ổn định chính trị có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Vì thế, chỉ nên xem đầu tư quốc phòng như một biện pháp thứ yếu và dài hạn xét trên tương quan sức mạnh và khả năng kinh tế như hiện nay.
Nhân tố tiếp theo cần nhắc tới là xu hướng “quốc tế hóa” biển Đông. Việt Nam cùng với một số nước trong ASEAN như Philippines và Indonesia đã khá thành công trong việc đưa tranh chấp ra bàn luận công khai tại các diễn đàn an ninh và chính trị khu vực, đặc biệt trong năm 2010 với việc Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. “Quốc tế hóa” là giải pháp bị Trung Quốc phản đối rất quyết liệt, trong khi các nước khác – có hay không có liên quan đến tranh chấp – đếu ủng hộ một cách mạnh mẽ. Quôc tế hóa và đa phương hóa vấn đề biển Đông khiến cho cán cân lực lượng trở nên bất lợi hơn đối với Bắc Kinh, khi ngoài các nước tranh chấp chính còn xuất hiện những chủ thể khác như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực đã phần nào kìm hãm tốc độ cũng như mong muốn “quốc tế hóa” của Việt Nam và Philippines, thế nhưng có vẻ như các sức ép của Trung Quốc là không đủ lớn dẫn tới các kết quả không như mong đợi. Biển Đông không phải là khu vực chỉ dành riêng cho Trung Quốc hay các nước ASEAN, đó còn là một vùng biển quan trọng liên quan mật thiết tới quyền lợi của nhiều chủ thể khác, mà tiêu biểu là các cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Mỹ. Khi các vấn đề tranh chấp được các nước đưa ra bản thảo và giải quyết thông qua những diễn đàn đa phương, đây chính là mảnh đất màu mỡ để “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” phát huy lợi thế. Các hành động gây hấn trong thời gian gần đây của Bắc Kinh rõ ràng là những cố gắng nhằm xác lập những quyền “quản lý thưc tế” tại các khu vực tranh chấp. Chứng minh và tranh luận rằng “quản lý thực tế” không phải chỉ đơn thuần là đưa thật nhiều tàu ra chiếm giữ hay đánh bắt thật nhiều cá như quan niệm của Trung Quốc, mà còn phải dựa vào lịch sử, chứng cứ lý lẽ, lập luận và luật pháp quốc tế sẽ chính là nhiệm vụ của các học giả, cũng như của “học thuật hóa”.
Một lợi thế nữa để tăng cường “học thuật hóa” chính là sự hợp lý hơn về lý lẽ chủ quyền cũng như về cách diễn giải luật biển quốc tế của Việt Nam. Trong khi các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam được các tài liệu, bản đồ trong và ngoài nước xác nhận và chứng minh một cách rõ ràng về tiến trình và lịch sử xác quyết chủ quyền thì những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện một lộ trình như vậy. Rõ ràng, sự yếu thế về mặt chứng cứ lịch sử là lý do chính khiến Bắc Kinh cương quyết phủ định giải pháp đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế hay Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc dựa vào hai luận điểm chính để bảo vệ cho các lý lẽ của mình. Một là khái niệm về vùng nước lịch sử, khái niệm nền tảng để Trung Quốc hợp pháp hóa cho “đường lưỡi bò” của mình. Một vùng nước được coi là vùng nước lịch sử phải thỏa mãn nhiều yếu tố, mà một trong số đó là “quốc gia ven biển chiếm hữu, khai thác, sử dụng lâu đời khu vực biển đó mà không có quốc gia nào phản đối”. Bắc Kinh đã dựa vào đặc điếm ấy để “vẽ” nên đường lưỡi bò bao trùm toàn bộ biển Đông rồi tuyên bố rằng tất cả những gì ở phía bên trong đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc[7]. Khi so sánh với các chứng cứ chủ quyền đầy đủ và rõ ràng của Việt Nam khi chứng minh rằng người Việt đã tiến hành khai thác và quản lý các đảo sớm nhất từ thế kỳ XVII dưới thời các chủa Nguyễn. Thứ hai là quan điểm “nối chủ quyền” dựa vào các diễn giải từ Luật biển quốc tế UNCLOS, một trong những diễn giải khả dĩ về các yêu sách 80% biển Đông dựa trên việc công nhận tư cách pháp lý đảo của các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa [8]. Theo đó, tất cả đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay không. Theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS, chỉ những đảo phù hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng mới được hưởng chế độ pháp lý của đảo như lãnh thổ đất liền. Còn về quần đảo thì UNCLOS hoàn toàn không diễn giải. Theo diễn giải của phía Trung Quốc, nếu trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo đó có một đảo khác thì đảo này sẽ thuộc chủ quyền của họ và lại tiếp tục được hưởng chế độ pháp lý đảo như lãnh thổ đất liền. Học giả Stein Tønnesson bình luận: “Việc mở rộng các yêu sách vùng biển ở phía Nam Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng của các đảo ở quần đảo Trường Sa”[9]. Với việc chấp nhận quy chế pháp lý của đảo, Trung Quốc nhắm tới việc mở rộng vùng chồng lấn giữa Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các đảo sở hữu với EEZ của các quốc gia ven biển, qua đó biến vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp. Dưới góc nhìn của Bắc Kinh, thỏa hiệp giữa quyền kinh tế của quốc gia ven biển và quyền vận chuyển quá cảnh của các nước nên được thay thế bằng nâng cấp mức độ EEZ tương đương với quy chế lãnh hải, nơi nước ven biển được hành xử chủ quyền một cách không giới hạn. Điều này khác với góc nhìn của nhiều nước khác trong vùng. Cùng với yêu sách chủ quyền trên EEZ như ở trên thì sau này, nếu Trung Quốc làm “bá chủ” tại biển Đông thì các yêu sách này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các nước khác. Khi đó, bất cứ một quốc gia nào đi qua biển Đông sẽ cần phải xin phép Trung Quốc. Điều này thật sự vô lý nếu đối chiếu theo đúng bản chất của UNCLOS về định nghĩa quy chế đảo. Thông qua nguồn lực lớn, hàng loạt các hội thảo khoa học được tổ chức, các công trình nghiên cứu được nhà nước tài trợ, các trung tâm chuyên về biển đảo được thiết lập nhằm hệ thống hóa những lập luận sai lệch và thiếu thuyết phục của Trung Quốc. Sau đó, những học giả cũng như sinh viên Trung Quốc tại khắp nơi sẽ giúp tuyên truyền những lý lẽ này đến cộng động khoa học thế giới.
Có thể thấy, thông qua phân tích ba yếu tố tác động kể trên, thì việc khởi động chiến lược “học thuật hóa” trong thời điểm hiện tại là thật sự cần thiết. “Học thuật hóa” tốn ít chi phí, chịu rủi ro ít và mang lại nhiều thuận lợi hơn về mặt tuyên truyền. Các xu hướng ngoại giao đa phương và quốc tế hóa biển Đông với nhiều thành công trong những năm qua đã khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tranh chấp biển Đông cũng như nhấn mạnh đến lợi ích của việc giải quyết tranh chấp này theo xu hướng hòa bình qua đó buộc Trung Quốc phải tính toán một cách kỹ càng cho chiến lược của mình. Hạn chế việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự sẽ đẩy họ vào những cách chọn lựa có lợi cho Việt Nam nếu Việt Nam biết tận dụng để tối đa hóa lợi thế của mình.
2.2 Các yếu tố bên trong: uy tín, niềm tin và sức mạnh quốc gia
Các thí dụ trên đi đến cùng một kết luận: đẩy mạnh “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” mang lại rất nhiều lợi ích, trong bối cảnh các phương pháp tiếp cận khác đang gặp phải một số khó khăn. Đối với một nước nhỏ, ngoại giao chắc chắn là công cụ không thể thiếu trong việc bảo vệ lợi ích trước những nước lớn hơn, đặc biệt là ngoại giao kênh II hay ngoại giao nhân dân. Nếu xem khoa học là một công cụ để nhận thức thế giới, thì dựa trên thông tin, bằng chứng chuẩn xác sẽ giúp chúng ta dẫn đến một nhận định khách quan, đúng đắn. Ngược lại việc lồng vào khoa học những mục đích chính trị tuyên truyền sẽ đưa đến những lệch lạc về góc nhìn. Trung Quốc như hiện tại, theo như Thiếu tướng La Viện, đang thực hiện năm tồn tại căn bản: về hành chính, kinh tế, quân sự, luật pháp và dư luận quốc tế [10]. Với việc gia tăng các hành động quân sự, kinh tế và hành chính đơn phương trong thời gian vừa qua, có thể đưa ra nhận định rằng mảng luật pháp và dư luận quốc tế của Trung Quốc đang có nhiều lỗ hổng lớn. Hay nói một cách khác, Bắc Kinh đang yếu tế về hai mặt tồn tại này. Nếu Việt Nam đang “nắm dao đằng chuôi” về lý lẽ, việc mà cần suy nghĩ hiện tại là làm thế nào để tiếp tục lan tỏa sức mạnh này. Các “mạng lưới trao đổi ý tưởng” cần phải được khuếch tán bằng nhiều kênh khác nhau nhắm vào hai mục tiêu chính. Một là thiết lập cầu nối giữa kiến thức và chính sách theo ý nghĩa chuyên môn hóa quá trình hoạch định chính sách quốc gia bằng khoa học và dựa trên khoa học. Các lập luận trên bàn đàm phán, hay trên các mặt trận thương thuyết với những kiến thức hợp lý sẽ làm bàn đạp cho những yêu cầu về chủ quyền, khiến cho những yêu sách của phía bên kia, nếu không có những luận chứng vững chãi hậu thuẫn, sẽ trở nên kệch cỡm hoặc không thể thuyết phục. Hai là góp phần tạo thành nhận thức chung cho cộng đồng, nhất là khi hiện nay nhu cầu “hiểu và thấu hiểu” về vấn đề Biển Đông đang cần thiết. Các đầu óc lớn thường gặp nhau trên ý tưởng, vì vậy cần phải có những cầu nối để các ý tưởng này tìm đến nhau. Một xã hội “giàu ý tưởng, giàu thông tin” sẽ là một xã hội mạnh, vì từng thành viên có thể tự đánh giá, nhận xét và quyết định các lựa chọn cá nhân, cũng như phản đối hay ủng hộ các quyết định của cộng đồng.
Kinh nghiệm các cuộc đàm phán trên thế giới đã chứng minh, học thuật hay những sản phẩm phát minh và trao đổi từ các học giả góp phần rất nhiều vào việc thay đổi góc nhìn và cách tiếp cận của các bên liên quan[11]. Quá trình đám phán cho một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu là một ví dụ rõ ràng cho nhận xét này. Sự nóng lên toàn cầu hầu như không phải là một vấn đề đáng chú ý đối với các quốc gia mãi cho đến cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi các nhà khoa học với những công trình nghiên cứu chi tiết đã cảnh báo hiệu ứng nhà kính như là một nguy cơ tiềm tàng đối với thế giới[12]. Một số chính trị gia và các tổ chức quốc tế, đặc biết là Liên Hiệp Quốc lúc này đã trở nên quan tâm nhiều hơn tới vấn đề và các cuộc thảo luận nhằm thống nhất các cách thức làm làm nhẹ tác động của quá trình ấm lên toàn cấu được tiến hành. Kết quả là Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được thành lập năm 1988, một cơ quan gồm những nhà khoa học hàng đầu chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về thay đổi khi hậu do con người gây nên từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp cho những nhà hoạch định chính sách. Có thể thấy được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa một bên là khoa học và bên kia là các quá trình chính trị. Theo Stephen Walt, giới học thuật có nhiều lợi thế trong quá trình tác động lên các quyết định chính sách[13]: thứ nhất, chỉ có những chuyên gia am tường về các lĩnh vực chuyên biệt mới có thể đưa ra được những phân tích đánh giá sâu sắc và chính xác nhất về các vấn đề liên quan, ví dụ như về môi trường hay an ninh quốc tế. Thứ hai, các chính trị gia hay các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể đưa ra được các quyết định đúng đắn và được đảm bảo khi dựa vào những thông tin được đưa ra từ những học giả có uy tín và chuyên môn cao; biển Đông được coi là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất và đóng vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ đối với hệ thống chính trị mà còn với cả quốc gia, vì thế các quyết sách được đưa ra cần phải đảm bảo phù hợp nhất với lợi ích của dân tộc cũng như bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện thời. “Học thuật hóa” sẽ giúp cho các nhà hoạch định chọn lựa được những biện pháp hiệu quả nhất từ những chuyên gia uy tín và hiểu biết nhất ở lĩnh vực mà họ nghiên cứu. “Ngoại giao học thuật” sau đó sẽ đảm bảo truyền tải những chính sách đa dạng đó đến với công chúng, ở đây là công chúng quốc tế, nhằm thu thập ý kiến giúp cho việc hoàn thiện chính sách. Thứ ba, giới học giả sẽ giúp đánh giá một thông tin đưa ra là chính xác và khách quan hay không. Mỗi một quốc gia đều có cách thức riêng trong việc kiểm soát thông tin đến công chúng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đối ngoại và lợi ích quốc gia. Sẽ là bình thường nếu chúng được kiểm soát tốt và phục vụ đúng mục đích. Những chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thông tin đó mang mục đích sai lệch và làm ảnh hương đến lợi ích của người dân? Giới học giả sẽ là người điều chỉnh và mang lại những thông tin chuẩn xác nhất nếu như chúng bị “cố tình” làm cho sai lệch; và cuối cùng giới học giả sẽ là một “kênh” quan trọng giúp giải quyết những bất đồng theo một phương pháp khoa học và hợp lý nhất và thiên hướng hòa bình nhất. Bốn lập luận trên mang ýnghĩa quan trọng, xét trong môi trường chính trị quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đang bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc cũng như định hướng bởi giới truyền thông vốn không am hiểu nhiều về các mối liên hệ quốc tế phức tạp. Vì vậy, giới học giả sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm bớt căng thẳng thông qua các phân tích chính xác và khách quan. Các va chạm trên biển không chỉ tạo ra các cuộc “cãi vã” giữa các chính trị gia mà còn đem lại không khi sôi sục trong dư luận cũng như giới truyền thông. Trong thời điểm khi mà dư luận đang bị “nhiễu loạn”, bởi quá nhiều luồng ý kiến và những cái đầu “nóng” thì chính các học giả với vai trò “học thuật hóa” của mình sẽ là một nguồn thông tin đắc lực và hiệu quả trong việc định hướng dư luận. Tuy nhiên chắc chắn điều này cần sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước trong việc công bố thông tin một cách minh bạch cũng như giới truyền thông trong việc sẵn sàng đăng tải những ý kiến khách quan và tích cực.
-
Các biện pháp đẩy mạnh “học thuật hóa”
Nếu nhìn nhận “học thuật hóa” như một trong những trụ cột chính sách biển Đông, đòi hỏi Chính phủ cũng như giới học giả cần phải tiến hành những biện pháp thật sự quyết liệt và đồng bộ. Có hai điểm cốt yếu nhất mà Việt Nam cần phải khắc phục trước tiên xét trên góc độ vĩ mô: thứ nhất, Việt Nam thiếu một “nhạc trưởng” trong nghiên cứu chủ quyền và tiếp theo là một phương pháp tiếp cận khoa học hợp lý[14]. Việc thành lập Viện Biển Đông mới đây của Chính phủ là bước đi tuy chậm nhưng rất cần thiết khi viện được coi là trung tâm nghiên cứu chuyên ngành lớn đầu tiên về biển Đông. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao thì “Viện Biển Đông sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực: an ninh, chính trị, pháp lý,… từ đó tăng cường năng lực nghiên cứu vấn đề Biển Đông một cách toàn diện nhất. Thời gian gần đây, vấn đề Biển Đông ngày càng được quan tâm nghiên cứu, nhất là ở mặt lịch sử và pháp lý. Các nghiên cứu này đã góp phần củng cố cơ sở lịch sử và pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khía cạnh khác như kinh tế, chính trị, an ninh, hàng hải… cần được nghiên cứu sâu hơn”[15]. Viện Biển Đông cũng sẽ giúp thúc đẩy các nghiên cứu toàn diện đầy đủ về Biển Đông, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đồng thời giúp khẳng định, đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Nói tóm lại, Viện được hy vọng sẽ trở thành “cánh chim đầu đàn” giúp cho ngoại giao học thuật của Việt Nam, đặc biệt về vấn đề biển Đông, được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, chỉ một viện nghiên cứu thôi là chưa đủ khi thực trạng các cơ quan nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam cũng như đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu biển Đông còn thiếu hụt. Thêm vào đó, sự hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết nhằm giúp cho giới học giả có được một môi trường cũng như một cơ chế thông thoáng hơn cho nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu về biển Đông nói riêng.
Trong đó, điều đặc biệt hơn cả chính là xây dựng được một cách tiếp cận, hay nói cách khác một phương pháp nghiên cứu phù hợp cho vấn đề biển Đông. Việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các loại tài liệu phù hợp để phát huy một cách hiệu quả nhất các tuyên bố chủ quyền hợp lý của Việt Nam là điều cần phải tính đến. Dư luận Việt Nam thường rất quan tâm đến những phát hiện về bản đồ trong thời gian gần đây và thường coi chúng như những chứng cứ chú yếu giúp chúng ta có thể có ưu thế hơn so với Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, bản đồ chỉ là một trong nhiều công cụ giúp các nhà nghiên cứu xâu chuỗi các lý lẽ thành một hệ thống. Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, bản đồ chỉ có chức năng quản lý hành chính và để phát huy được hết các giá trị của bàn đồ thì cần kết hợp chúng với các tài liệu khác như sử hay địa chí [16]. Quá trình nghiên cứu sử và địa chí giúp chúng ta nắm vững được bối cảnh nghiên cứu phù hợp, đề từ đó có thể nắm bắt được bản đồ một cách vững vàng trong trường hợp Việt Nam dùng lý lẽ của mình để phản bác lại Trung Quốc hay bảo vệ những quan điểm của mình. Tiếp cận thông tin cũng là một lưu ý đáng quan tâm, khi hiện nay biển Đông vẫn được coi là một vấn đề nhạy cảm. Các nhà nghiên cứu trên thực tế cần rất nhiều tài liệu để thực hiện các công trình của mình, đặc biệt là các nhà nghiên cứu độc lập. Tập trung tất cả tài liệu về một đầu mối, sắp xếp và phân loại theo các đề mục theo một cách thức dễ dàng tiếp cận nhất, không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu mà còn cho những người quan tâm đến vấn đề biển Đông ở cả trong và ngoài nước đều có thể tham khảo là một biện pháp rất hiệu quả để tuyên truyền những lý lẽ của Việt Nam một cách rộng rãi. Cần thành lập thêm những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu khác ở các trường Đại học hay Viện nghiên cứu để từ đó tạo mối liên kết rộng rãi và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu biển Đông.
Tuy nhiên, có thể thấy việc đầu tư để xây dựng một đội ngũ học giả có đủ trình độ để bước vào cuộc chiến “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Sẽ cần một chiến lược về trung và dài hạn để Việt Nam có thể làm chủ được mặt trận này. Song song với các bước chuẩn bị dần dần về con người, cũng rất cần thiết phải mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu các ý kiến từ bên ngoài và phần nào dựa vào những học giả nước ngoài để lan tỏa các lý lẽ lập luận của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế một cách mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh mà các bài khoa học về biển Đông của Việt Nam xuất bản trên các tạp chí danh tiếng nước ngoài là quá ít, tận dụng những nguồn lực tri thức nghiên cứu sẵn có ở những quốc gia có nền khoa học tiên tiến hơn sẽ là một trong những biện pháp ngắn hạn mang lại hiệu quả lớn. Lợi ích đầu tiên chính là gia tăng được một cách đáng kể số lượng các bài viết nghiên cứu khoa học về biển Đông được viết bằng tiếng Anh và đăng trên các ấn phẩm học thuật có uy tín của nước ngoài. Điều này sẽ khắc phục phần nào điểm yếu của Việt Nam khi so sánh với số lượng các bài nghiên cứu được đưa ra quốc tế quá nhiều của Trung Quốc. Mặc dù không phải do chính các học giả Việt Nam viết, tuy nhiên đây cũng sẽ là một phần nào lợi thế, do các học giả nước ngoài sẽ đưa ra những quan điểm mang tính khách quan, khoa học và phần nào đáng tin cậy hơn, dĩ nhiên là theo quan điểm của bên thứ ba khi nhìn vào xung đột biển Đông. Lợi thế thứ hai chính là về số lượng, sức lan tỏa rộng hơn cho những lập luận của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Được như vậy không những do uy tín của bản thân các nhà nghiên cứu hay khả năng diễn dịch chính xác hơn bằng tiếng Anh của họ, mà còn do uy tín của một Quỹ nghiên cứu có tổ chức bài bản hơn, của một quốc gia được quốc tế đánh giá là có cơ sở pháp lý vững chắc hơn Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Làm thế nào để tận dụng một cách có hiệu quả nguồn tri thức to lớn như vậy chắc chắn không phải một việc dễ dàng. Một nhà khoa học chấp nhận thực hiện nghiên cứu để thỏa mãn hai nhu cầu chính: thứ nhất là khát khao vươn tới được những tầm cao khoa học mới, đi kèm với nó chắc chắn là danh tiếng cũng như sự khẳng định bản thân mình, điều mà không học giả nào bác bỏ và thứ hai chính là vấn đề tài chính, tiền bạc. Để có thể thu hút sự tham gia của các học giả nước ngoài vào quá trình nghiên cứu về biển Đông thì trước hết thì nhà nước, thông qua Viện nghiên cứu biển Đông, cần phải xây dựng được một “Quỹ tài quốc tế về biển Đông” với nguồn tiền tài trợ được tập hợp từ nhiều nguồn đa dạng khác nhau. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, thì xã hội hóa sẽ là phương thức hiệu quả nhất để tập hợp tài chính cho dự án này. Với nguồn tài chính, Viện biển Đông sẽ tùy theo tình hình, công bố các gói nghiên cứu theo chủ đề phù hợp đã được duyệt sẵn. Các học giả quốc tế sẽ được tùy ý lựa chọn các gói chủ đề đó và tiến hành nghiên cứu kèm theo nguồn kinh phí được phân bổ cho từng đề tài cụ thể. Cách thức này vừa thu hút được đông đảo các nhà khoa học nước ngoài tham gia, vừa đảm bảo được đúng định hướng nghiên cứu theo mong muốn của Việt Nam. Song song với đó, Quỹ cũng sẽ để dành ra một phần nhỏ để khuyến khích những nhà nghiên cứu có đủ trình độ và đáp ứng được yêu cầu của các gói nghiên cứu, dĩ nhiên là thành phẩm bằng tiếng Anh. Ngoài ra, sẽ có một số cơ chế kèm theo nhằm khuyến khích các học giả tiếp tục đăng ký nghiên cứu trong các năm tiếp theo.
——————
[1] Trương Minh Huy Vũ (Thạc sĩ Quan hệ quốc tế đại học Bochum, CHLB Đức), giảng viên Khoa Quan Hệ Quốc Tế, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh. Hiện nay đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kinh tế-Chính trị quốc tế tại đại học Bonn, CHLB Đức. Email: [email protected]
[2]Nguyễn Thế Phương hiện là sinh viên chuyên ngành chính trị-ngoại giao tại Khoa Quan Hệ Quốc Tế, đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp Hồ Chí Minh. Email: [email protected]
[3] Ông Lý Triệu Tinh, chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc phát biểu hôm 04/03/2012 rằng Ngân sách Quốc phòng của Trung Quốc năm 2012 sẽ tăng 11,2% lên mức 106,4 tỷ USD. Xem Tân Hoa Xã, http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-03/04/c_131445012.htm, truy cập 10.03.2013.
[4] National Institute for Defense Studies, 2012, China Security Report 2012, trang 33, http://www.nids.go.jp/english/publication/chinareport/index.html, truy cập 10.03.2013.
[5] Trefor Moss, 2012, “Chinsese Aftershock”, The Diplomat, 26/11/2012.
[6] Gary Li, 2012, Vietnam’s Asymmetrical Strategy: Location offers Advantages over China, defensenews.com, http://www.defensenews.com/article/20120205/DEFFEAT05/302050007/Vietnam-8217-s-Asymmetrical-Strategy-Location-Offers-Advantages-Over-China, truy cập 10.03.2013.
[7] Vùng nước lịch sử hay các yếu tố lịch sử chính là lập luận mà Đài Loan trước đây và Trung Quốc sau này dựa vào để giải thích đường chữ U. Xem thêm Th.S Hoàng Việt, Phân tích các yêu sách về “đường lưỡi bò” theo Luật quốc tế, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/938-hoang-vit. Truy cập 17.3.2013.
[8] Do Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một cách giải thích chính thức về đường chử U chin đoạn, nên có nhiều cách giải thích và cách hiểu không chính thức do các học giả và nhà nghiên cứu đưa ra. Một trong những cách diễn giải là việc “nối chủ quyền” dựa trên quy chế pháp pháp lý của đảo theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS. Xem Trần Trường Thủy, 2012, China’s U-shaped Line in the South China Sea: Possible Interpretations, Asserting Activities and Reactions from Outside, bài viết trình bày tại hội thảo “The Practices of”the UNCLOS and the Resolution of South China Sea Disputes” (Đài Bắc 03-04/09/2012).
[9] Tønnesson Stein, 2011, Luật pháp quốc tế ở Biển Đông: thúc đẩy hay hỗ trợ giải quyết xung đột?, bài viết trình bày tại hội thảo “Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3” (Hà Nội 11/2011).
[10] Tài liệu Thông Tấn Xã Việt Nam 07/2012.
[11] John Lanchbery/David Victor, 1995, “The role of Science in the Global Climate Negotiations”, in Helge Ole Bergesen, Georg Parmann, and Øystein B. Thommessen (eds.), Green Globe Yearbook o f International Cooperation on Environment and Development 1995, Oxford: Oxford University Press, 29–39.
[12] John Lanchbery/David Victor, tlđd.
[13] Stephen Walt, 2012, International Affairs and the Public Sphere, Institute for Public Knowledge, http://publicsphere.ssrc.org/walt-international-affairs-and-the-public-sphere/,truy cập 10.03.2013.
[14] Xem “Thiếu nhạc trưởng trong nghiên cứu chủ quyền biển Đông”, Tuanvietnam.net, 17.8.2012, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-08-16-thieu-nhac-truong-trong-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong. truy cập 10.03.2013.
[15] Xem bài phỏng vấn tại: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=541547, truy cập 10.03.2013.
[16]Xem“Đừng học Trung Quốc lấy sách đè người”, Tuanvietnam.net, 16.8.2012, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-08-15-pham-hoang-quan-dung-hoc-trung-quoc-lay-sach-de-nguoi-, truy cập 10.03.2013.
-
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.