NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 7 years, 6 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
31/05/2017 at 05:55 #21689NCQTKeymaster
Nỗ lực cân bằng quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc
Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ là cơ hội quan trọng để Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ mà nó còn cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục cố gắng tìm cách cân bằng quan hệ với hai cường quốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
BBC Tiếng Việt đã hỏi Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nhận định của ông về những nỗ lực ‘cân bằng quan hệ’ này nhân chuyến đi thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Ts Lê Hồng Hiệp: Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ, Donald Trump, mới nhậm chức được hơn ba tháng và bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là một nhà lãnh đạo mới đảm nhiệm chức vụ từ tháng Tư năm 2016, cho nên chuyến đi này theo quan sát của một số nhà phân tích có thể giúp hai nhà lãnh đạo thiết lập quan hệ.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, đây là một bước đi tiếp theo để giúp Việt Nam có thể tìm hiểu rõ hơn các ý định về kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và qua đó tạo đà giúp phát triển hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới. Chương trình làm việc của chuyến thăm lần này có đề cập tới nhiều vấn đề nhưng nổi bật nhất là kinh tế và an ninh quốc phòng.
Ảnh hưởng của TPP
Về kinh tế, thì Hoa Kỳ đã rút hỏi TPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, và Việt Nam trước đây được xác định là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP này, nay Việt Nam có thể là nước mất mát nhiều nhất.
BBC: Tại sao Hoa Kỳ rút hỏi TPP thì Việt Nam lại thiệt thòi nhất?
Ts Lê Hồng Hiệp: Việt Nam được lợi chủ yếu là thông qua việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ đặc biệt trong lĩnh vực dệt may hay giầy dép, v.v. Nhưng nay Hoa Kỳ không tham gia thì quyền tiếp cận các thị trường này của Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng không còn nữa, vì vậy Việt Nam cũng ngần ngại, chần chừ, chưa phê chuẩn Hiệp định này như nhiều người kỳ vọng.
Chuyến đi lần này cũng là dịp để nhiều người Việt Nam tìm hiểu các chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian tới liệu hai bên có thể đàm phán một hiệp định tự do thương mại song phương để có thể giúp Việt Nam bù đắp những tổn thất Việt Nam gặp phải khi Hoa Kỳ không tham gia TPP.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ là một thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam và nếu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gặp trở ngại một phần vì Hoa Kỳ rút khỏi TPP và một phần vì Tổng thống Donald Trump lên tiếng có thể điều tra Việt Nam về tình trạng xuất siêu quá lớn sang Hoa Kỳ chẳng hạn, qua đó có thể áp đặt các hạn chế nhập khẩu, thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì thế chuyến đi này có thể tạo ra hiểu biết rõ hơn về quan điểm, chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Thách thức về an ninh, quốc phòng
BBC: Đó là về thương mại. Vậy về hợp tác an ninh thì sao? Trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang là một cường quốc muốn gây ảnh hưởng, không phải chỉ trong vùng, trong khu vực mà trên toàn cầu, đặc biệt với “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”, theo ông chuyến đi này của Thủ tướng Phúc sẽ có ảnh hưởng hay tác động gì tới cân bằng giữa hai cường quốc mà Việt Nam cần quan hệ là Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Ts Lê Hồng Hiệp: Kể từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới, trong đó bao gồm cả đối mới trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn nhấn mạnh chính sách cân bằng giữa các nước lớn và đặc biệt cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc này. Trong thời gian qua chúng ta thấy Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, và đi kèm các cơ hội về kinh tế thì sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam về an ninh, quốc phòng.
Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc hai nước chủ chốt có tranh chấp tại Biển Đông thì áp lực từ phía Trung Quốc càng ngày càng lớn hơn và điều đó đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường quan hệ với các cường quốc bên ngoài đặc biệt là Hoa Kỳ để cân bằng lại áp lực từ Trung Quốc.
Mấy tháng qua, sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, các chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Á và Đông Nam Á nói chung, cũng như đối với Việt Nam nói riêng, chưa được định hình rõ nét.
Sau khi tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, chính quyền của ông Trump vẫn chưa đưa ra được chính sách thay thế. Khoảng trống đó tạo ra ít nhiều bất an, lo lắng trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc có thể là cơ hội tốt để Việt Nam tìm hiểu rõ hơn lập trường, chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực Đông Nam Á và Đông Á cũng như với Việt Nam và đặc biệt về hồ sơ Biển Đông vì trong thời gian qua, sau những chần chừ phía Hoa Kỳ đã tiến hành trở lại các chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Nó thể hiện ít nhiều sự tiếp nối trong chính sách về khu vực từ chính phủ của ông Obama.
Tuy nhiên trong quan sát của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, tôi tin rằng họ vẫn còn một chút e ngại, nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này, đặc biệt là nhiều người cho rằng sẽ có thể có khả năng Hoa Kỳ trong bối cảnh phải giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ có thể làm ngơ trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông để đối lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong hồ sơ Triều Tiên.
Nếu điều đó thực sự xảy ra thì nó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới các lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.
Tôi cho rằng chuyến đi này là một dịp cần thiết và kịp thời để giúp Việt Nam tiếp cận các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Hoa Kỳ và tìm hiểu rõ hơn các ý định của họ về hồ sơ Biển Đông và qua đấy giúp Việt Nam có các đối sách phù hợp trong thời gian tới.
BBC: Ông có nói tới vấn đề Biển Đông và việc Hoa Kỳ có thể vì cần TQ trong quan hệ với Bắc Triều Tiên nên phần nào nhẹ tay và không can thiệp, nhưng Biển Đông không chỉ liên quan giữa Trung Quốc và Việt Nam mà còn liên quan tới một loạt các nước khác trong vùng. Hoa Kỳ và Philippines chẳng hạn có liên minh quân sự rất quan trọng, vậy liệu con bài Bắc Hàn có ảnh hưởng tới quan điểm của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông hay không, trong khi có còn có các mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng khác của Hoa Kỳ tại vùng?
Ts Lê Hồng Hiệp: Bản thân tôi cho rằng khả năng Hoa Kỳ có thể hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông để theo đuổi các lợi ích liên quan tới Bán đảo Triều Tiên và qua đó giúp Trung Quốc đạt được các mục đích của họ có lẽ ít xảy ra.
Tuy nhiên các nhà quan sát khác có lý do của họ khi cho rằng điều đó là khả dĩ vì bản thân các Hiệp định của Hoa Kỳ – như với Philippines chẳng hạn – không bao trùm các đảo đá tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Kỳ không có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Philippines khi xảy ra xung đột tại đó.
Ngoài ra, thời gian qua, bản thân Philippines cũng thay đổi cách tiếp cận đối với Biển Đông và Trung Quốc – nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc trong khi xa lánh Hoa Kỳ. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao Hoa Kỳ lại phải nhảy vào và tung nguồn lực để theo đuổi lợi ích của Philippines trên Biển Đông mà chính Philippines cũng không mặn mà.
Vì vậy nhiều người cho rằng trong bối cảnh hiện tại khi TQ đang trỗi dậy, các nước trong khu vực nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc, bản thân nội bộ Hoa Kỳ đang có những xáo trộn và có nguy cơ Hoa Kỳ sẽ lơ là các lợi ích của họ ở khu vực, thì các nhà quan sát nghĩ tới khả năng Hoa Kỳ hy sinh quyền lợi ở Biển Đông vì các lợi ích liên quan Bán đảo Triều Tiên cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên việc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải mà Hoa Kỳ mới thực hiện trở lại cho thấy chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông sẽ không thay đổi nhiều.
BBC: Nói tới vấn đề tự do hàng hải thì gần đây không chỉ Hoa Kỳ mà gần đây cả các nước khác như Úc cũng đã lên tiếng vì theo quan điểm của một số người thì sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông không phải chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới tuyến hàng hải quốc tế. Vậy trong tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông sẽ có ảnh hưởng gì sau chuyến đi thăm này?
Ts Lê Hồng Hiệp: Theo tôi về cơ bản nó sẽ không nhiều thay đổi. Việt Nam sẽ vẫn phải kiên trì các lập trường quan điểm của mình, và trong vấn đề Biển Đông sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng trên khía cạnh tự do hàng hải vì các nước khác ngoài khu vực không tham gia trực tiếp vào các tranh chấp, họ không có lợi ích về lãnh thổ mà chỉ có lợi ích về tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này.
Việt Nam cần phải nhấn mạnh các lợi ích này để thu hút sự quan tâm của các nước khác trong việc can dự vào vấn đề Biển Đông và kiềm chế áp lực từ phía Trung Quốc.
Tôi tin rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ theo đuổi cách tiếp cận như vậy và tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ của mình với các cường quốc bên ngoài đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia là những nước có lợi ích lớn trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nguồn: BBC
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.