NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
19/10/2014 at 09:16 #4100NCQTKeymaster
Quan hệ Việt Nam – Vatican đi về đâu?
Hà MiThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm Tòa thánh Vatican, gặp Giáo hoàng Francis ngày 18/10.
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Tấn Dũng thăm Tòa thánh Vatican trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Vatican và Việt Nam vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng liên lạc song phương đã trở nên thường xuyên hơn.
Một câu hỏi được nhiều người, đặc biệt là giáo dân tại Việt Nam, quan tâm đó là liệu cuộc gặp này có thể giúp gỡ bỏ những khúc mắc, mở đường cho Vatican và Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức trong tương lai hay không.
Trả lời BBC Việt Ngữ từ Hà Nội, Giáo sư tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho biết quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Vatican đã trải qua nhiều thăng trầm, trải dài từ đầu thế kỷ 20 qua một thời gian đứt đoạn sau 1975, nhưng đã có những phát triển tích cực trở lại vào những năm 80, “tuy chậm nhưng chắc”.
Quan hệ song phương mặc dù đã được cải thiện khá nhiều, Tòa Thánh Vatican và chính quyền Việt Nam vẫn còn có không ít những bất đồng.
Theo giáo sư Đỗ Quang Hưng “mối quan hệ của Việt Nam với Tòa thánh trong lịch sử truyền giáo là rất lâu dài và có những phức tạp của nó. Muốn giải quyết thì phải giải quyết cả vấn đề của lịch sử và rõ ràng chúng không phải là những vấn đề dễ giải quyết.”
Ông cho rằng cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Việt Nam vào thứ Bảy 18/10 nằm trong lộ trình từ nhiều năm nay nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bên và ông hy vọng có thể đạt được những cải thiện thiết thực cho quan hệ chính thức trong tương lai.
Thế nhưng đây không phải là nhận định mà một số người trong cộng đồng công giáo tại Việt Nam chia sẻ.
Trao đổi với BBC Việt Ngữ, Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, thuộc dòng Cứu Thế, nhà thờ Thái Hà tại Hà Nội, cho biết ông “hơi bất ngờ về chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” và theo ông có thể đây chỉ là một chuyến viếng thăm kết hợp nhân chuyến đi châu Âu của Thủ tướng Dũng, vì thế ông cũng không chờ đợi gì nhiều về kết quả của lần gặp gỡ này.
“Cuộc viếng thăm này diễn ra ngay sau khi Nhóm hỗn hợp họp bàn về bang giao giữa Tòa thánh và Việt Nam. Kết quả cuộc họp hồi tháng Chín vừa rồi tôi thấy cũng không có gì mới mẻ,” Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói.
Linh mục cho rằng những cuộc họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican (thành lập năm 2009) mới là những đối thoại chính thức giữa nhà nước Việt Nam và Tòa thánh, và kết quả của những cuộc họp đó mới là quan trọng.
Tiến trình
Nhìn lại tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, người từng giảng dạy tại Phân khoa Thần học Công giáo, Đại học Strasbourg của Pháp, nói với BBC Việt Ngữ rằng đã gần 20 năm tính từ năm 1994.
Đây là một khoảng thời gian khá dài “dù hai bên đã nỗ lực rất nhiều, đặc biệt từ phía Vatican, luôn tìm mọi cách để có quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn Công giáo UCA vào tháng 7/2009, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục Sài Gòn lúc đó – cho hay: “Tòa Thánh đã sẵn sàng để thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ lâu. Nhưng vấn đề then chốt hiện nay nằm ở chính quyền Việt Nam.”
Theo Linh mục Nam Phong, nhà nước Vatican luôn muốn thiết lập quan hệ với mọi quốc gia vì “với Giáo hội Công giáo thì việc quan tâm tới đến con người là quan trọng, đặc biệt là Tòa thánh chắc biết rất rõ về tình cảnh của người dân Việt Nam nói chung và của giáo dân, chịu rất nhiều khó khăn để thể hiện niềm tin tôn giáo.”
Có lẽ bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai bên là việc Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli được bổ nhiệm làm Ðại diện Tòa Thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam vào tháng Ba năm 2011 và việc bổ nhiệm này đã cho phép Đức Tổng Giám mục có thể đi thăm một số giáo phận, giáo xứ, dòng tu ở Việt Nam.
Sự có mặt của một người đại diện Vatican, tuy là đặc sứ không thường trú, đã góp phần giúp hai bên phần nào hiểu nhau hơn.
Theo linh mục Nam Phong, bước kế tiếp trong lộ trình thiết lập bang giao là nếu tới đây, nếu muốn có đại diện thường trú của Vatican tại Hà Nội trong vai trò Đức Khâm Sứ thì chính phủ Việt Nam phải có những thay đổi về các chính sách tôn giáo mà nhà nước đã áp dụng ở Việt Nam từ trước tới nay.
“Thiết lập quan hệ là một trong những điều thiện cần để tiến xa hơn trong việc phát triển đời sống tôn giáo ở Việt Nam,” linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói.
Khi được hỏi nhận định về tiến trình thiết lập bang giao giữa nhà nước Việt Nam và Vatican, giáo sư Đỗ Quang Hưng, cựu Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho rằng cả hai bên đều đã vượt qua được rất nhiều trong việc nhận thức lại vấn đề của lịch sử.
“Theo tôi thì chính phủ Việt Nam đã có đường hướng khá rõ: tức là rộng mở hơn trước nhiều. Nhưng vì những đặc điểm riêng nên họ cũng phải tính, tính toán từ hình thức của quan hệ tới tính toán nhân sự,” ông nói.
Quan ngại
Tuy nhiên linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông “chưa thấy thiện chí từ phía Việt Nam, vì trong việc thiết lập bang giao với Tòa thánh thì họ luôn có mục tiêu chính trị của mình và mục tiêu đấy lại tùy thuộc vào hoàn cảnh của thế giới, của đất nước nói chung.
“Nếu nhà nước Việt Nam cảm thấy việc bang giao ấy có lợi cho chính thể của mình thì họ sẽ tiến tới, còn nếu không thì họ sẽ không làm,” linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói.
Trong khi đó theo giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, phía Việt Nam, “sau khi mở cửa với thế giới, thì vẫn còn nhiều khúc mắc”, và trải qua nhiều giai đoạn thì phải tới năm 2011 mới bước đầu đạt được kết quả tương đối cụ thể, đó là có được một đặc sứ Vatican không thường trú tại Việt Nam.
Sau đợt Thủ tướng Dũng tới thăm Vatican và gặp Giáo hoàng năm 2007, đã xảy ra một số biến cố không hay như vấn đề đất đai Tòa công sứ ở Hà Nội, rồi vụ việc liên quan tới nguyên Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt vào thời gian năm 2008-09, và những diễn biến này đã khiến nảy sinh thắc mắc từ cộng đồng công giáo về những hứa hẹn cố gắng xây dựng mối quan hệ bình thường và tích cực giữa hai bên nhằm tiến tới những kết quả tốt đẹp.
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc lo ngại rằng sau lần gặp gỡ này, nếu có những lời hứa có thể là tốt đẹp giữa hai bên, thì liệu có thực hiện được không, hay khi về nước thì vì tình hình nội bộ Việt Nam có thể còn có những khúc mắc và sẽ lại không thực hiện được như trước đây.
Vướng mắc
Có nhiều nguyên nhân đằng sau sự chần chừ của chính quyền Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican.
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, có lẽ chủ yếu do “vấn đề nội bộ”.
Các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều đã hội kiến Giáo Hoàng Benedict 16 tại Vatican trong những năm gần đây nhưng chưa có những chuyến thăm cao cấp từ Vatican như của Giáo hoàng tới Việt Nam.
Giáo sư Trúc nhận định có lẽ do trong nội bộ Việt Nam dường như có người muốn xích tới gần, nhưng cũng có những phe phái khác nhau đang còn dè dặt, e ngại trong việc bang giao với Tòa Thánh.
Giáo sư Trúc cũng nêu ra một số điểm có thể là nguyên nhân của sự ngần ngại này như vì Vatican là một thể chế nhà nước đặc biệt, có tính chất tôn giáo trong đó, rồi vì ý thức hệ cộng sản, vô thần của nhà nước Việt Nam, hay vì tình trạng vẫn còn chưa tin tưởng lẫn nhau từ trong quá khứ, và có lẽ còn cả vì văn hóa và lịch sử nữa.
“Người ta cứ nghĩ rằng đằng sau Tòa thánh còn có những lực lượng chính trị này khác. Tuy nhiên nay thế giới phát triển thì người ta cũng nhận thấy sợ hãi như vậy là vô căn cứ, nhưng có lẽ đối với Việt Nam thì vẫn chưa thoát khỏi được ám ảnh lịch sử đó,” giáo sư Trúc nói.
Đây cũng là điều được Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc nhắc tới trong bài viết của ông gửi cho BBC Việt Ngữ, rằng “giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nghi ngại các tôn giáo và Giáo hội Công giáo nói riêng.”
“Phần vì vấn đề lịch sử, phần vì khác biệt về tư tưởng, đường hướng, cũng như các chế độ cộng sản khác, chính quyền Việt Nam thường không có thiện cảm với các tôn giáo và người Công giáo,” tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc viết.
Đóng góp của người Công giáo
Hiện Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người Công giáo. Một trong những bức xúc được giáo sư Nguyễn Đăng Trúc nhắc tới đó là việc chính phủ Việt Nam chưa thực sự đón nhận những đóng góp có thể có từ phía cộng đồng Công giáo tại Việt Nam.
Giới Công giáo tại Việt Nam vẫn khẳng định Tòa thánh Vatican luôn khuyến khích người Công giáo ở các nước tham gia đóng góp vào sinh hoạt của quốc gia họ.
Được biết Vatican đã nhiều lần gợi ý với chính phủ Việt Nam hiện tại làm sao để cộng đồng công giáo Việt Nam tham gia vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bác ái, giúp đỡ những người khó khăn nhất và đây là các lĩnh vực người công giáo vừa có kinh nghiệm vừa có thiện chí.
Tuy nhiên giáo sư Trúc đặt câu hỏi: “Vốn liếng của người dân, của người Công giáo Việt Nam trong nước sẵn sàng đến với chính phủ, xin chính phủ rộng tay cộng tác để xây dựng đất nước trong những lĩnh vực nói trên, thì chính phủ lại từ chối không muốn cộng tác?”
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc cho biết trước đây khi Việt Nam có quan hệ ngoại giao với Vatican, trước 1975 và với miền Bắc là trước 1954, thì sự hợp tác giữa người Công giáo với các chính phủ thời đó rất dễ dàng.
Ví dụ là các bệnh viện có sự hợp tác của các nhà dòng Công giáo, trong giáo dục thì từ đại học tới trung học, tiểu học cũng đều có sự có mặt hợp tác của người Công giáo.
“Lo cho người nghèo, người phong cùi, người già cả thì bao nhiêu tổ chức Công giáo người ta làm. Cho đến bây giờ thực tại chỉ có lớp mầm non mẫu giáo là một vài dòng nữ tu lo.
“Còn ngoài ra không có bóng dáng của một tổ chức Công giáo nào được phép, trong lúc đó chính phủ lại cho những tổ chức tư nhân hay các quốc gia khác vào để xây dựng đại học tư ở Việt Nam.
“Vậy tại sao lại ngại ngùng cho công dân Công giáo của mình góp tay xây dựng vào những lĩnh vực như vậy?” giáo sư Trúc đặt câu hỏi.
Ông giải thích thêm rằng nói như vậy không có nghĩa là người Công giáo hoàn toàn không được phép đi giúp đỡ người nghèo, nhưng chỉ là với tính cách cá nhân giữa người Công giáo với nhau.
“Ngày xưa ví dụ cái dòng tu đó chuyên môn cứu trợ cho người nghèo, họ tổ chức nhà cứu trợ, rồi thực hiện phát thuốc chẳng hạn, với tư cách của nhà dòng đó, với nhãn hiệu Công giáo đó. Trước đây thì có nhưng bây giờ thì không. Hay những trường tiểu học do những bà sơ, tức những trường tư thục Công giáo như ngày xưa, thì nay không có nữa,” giáo sư nói.
Ích lợi bang giao
Giáo sư Trúc cho rằng có thể trong bối cảnh “Việt Nam có những khó khăn về ngoại giao với Trung Quốc thì Tòa thánh cũng là một tiếng nói, một chỗ dựa để mở ra với các nước Tây phương. Đây cũng là dịp để Việt Nam tiến tới một bước ngoại giao tích cực hơn.”
Còn giáo sư Đỗ Quang Hưng cũng nói tới ích lợi ba chiều nếu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Vatican.
Trong khi về phía Vatican, ông cho rằng nếu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam chắc chắn cũng là mong muốn của Tòa thánh.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng cho rằng có nhiều hy vọng “quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên không phải là quá xa vời”.
Ông nói hai bên sẽ tìm những thời điểm thích hợp hơn để tiến tới có quan hệ chính thức.
Nguồn: BBC Việt ngữ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.