Số phận người vợ Nga của Tưởng Kinh Quốc

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #12291
      NCQT
      Keymaster

      Số phận người vợ Nga của Tưởng Kinh Quốc

      12 giờ 40 phút ngày 15-12-2004 vừa qua, bà Tưởng Phương Lương, phu nhân của “người đứng đầu Đài Loan” Tưởng Kinh Quốc, đã qua đời vì bệnh ung thư phổi tại Đài Bắc, hưởng thọ 88 tuổi. Tin bà chết chỉ được đưa một cách rất “khiêm tốn” trên các báo ở Đài Loan, ở lục địa cũng như Hồng Kông

      Năm 1925, khi tròn 16 tuổi thì Tưởng Kinh Quốc được cha gửi sang Moscow học tập. Rồi ông gặp và kết hôn với một cô gái Nga và làm thay đổi vận mạng của người phụ nữ ấy.

      Về chuyện tình Tưởng Kinh Quốc – Tưởng Phương Lương, ở Đài Loan đã lưu truyền một câu chuyện đậm màu huyền thoại: Một buổi tối, Tưởng Kinh Quốc ở lại nhà máy làm việc đến hơn 23 giờ mới về, trên đường về nhà ở, anh thấy một gã đàn ông cao to đang ôm chặt một cô gái tính chuyện làm bậy, cô gái giãy giụa kêu cứu. Đúng lúc đó thì Tưởng Kinh Quốc đi tới, gã đàn ông nhìn thấy nhưng không thèm đếm xỉa vì vóc người Tưởng nhỏ con hơn hắn nhiều. Không ngờ Tưởng Kinh Quốc tuy nhỏ con nhưng rất rắn chắc, lại biết võ, chỉ tung hai ba chưởng đã đánh gục đối thủ. Tưởng Kinh Quốc đã chiếm được trái tim người đẹp Nga trong hoàn cảnh “Anh hùng cứu mỹ nhân” như thế.

      Những tháng năm hạnh phúc

      Cưới nhau tháng 3 thì đến tháng 12-1935, Vakanova sinh ra Elen – tức Tưởng Hiếu Văn, năm sau lại sinh ra Eric – Tưởng Hiếu Chương, Tưởng Kinh Quốc rất hài lòng về cả sự nghiệp lẫn gia đình. Tháng 4-1937, Tưởng Kinh Quốc mang theo cả gia đình rời Liên Xô về nước sau 13 năm sống nơi đất khách.

      Sự trở về của con trai là niềm an ủi lớn đối với Mao Thái phu nhân. Lúc đầu bà thấy cô con dâu người Nga thật xa lạ, nhưng những đứa cháu kháu khỉnh đáng yêu lại khiến bà rất vui, lúc nào cũng tranh được bế ẵm. Cô dâu Nga bắt đầu mặc sườn xám, tập cầm đũa, học nói tiếng Ninh Ba. Tưởng Giới Thạch bắt Tưởng Kinh Quốc đến ở Khê Khẩu là có nhiều mục đích. Khê Khẩu là nơi rất yên tĩnh, ở đó Tưởng Kinh Quốc có thể tu thân dưỡng tính một cách yên ổn, quen dần với môi trường xung quanh. Hơn nữa, để ở cùng Mao Thái phu nhân (người vợ ông đã ly dị và là mẹ của Tưởng Kinh Quốc) sẽ tạo cơ hội cho Tưởng Kinh Quốc báo hiếu, để bà được an ủi, bớt đi cảm giác cô quạnh vì bị chồng bỏ rơi.

      Lúc đầu Tưởng Giới Thạch cũng thấy không thuận mắt mỗi khi gặp cô con dâu nước ngoài tóc vàng mắt xanh, cao to lừng lững. Nhưng sau 2- 3 tháng, thấy cô dâu Nga tính tình hiền lành, rất hiếu kính cha mẹ chồng, một lòng thương chồng chăm con, đúng là mẫu người “hiền thê lương mẫu”, rất phù hợp với tập quán truyền thống của Trung Quốc nên ông rất vui. Vì vậy đã đặt cho con dâu cái tên Trung Quốc là “Tưởng Phương Lương” với nghĩa thơm thảo lương thiện – đó là lời khen ngợi con dâu. Nhưng bà Mao lại đổi sang chữ “Phương” bỏ “thảo đầu” để thành nghĩa “hiền lương đứng đắn”. Do Tưởng Phương Lương chưa biết chữ Hán nên Tưởng Giới Thạch đã cho mời một cô giáo đến kèm riêng, để con dâu vui, ông còn cho xây một ngôi nhà theo kiểu Tây để cho gia đình Tưởng Kinh Quốc ở riêng cho thoải mái.

      Năm 1939, Tưởng Kinh Quốc được phái về Tây Nam Giang Tây để làm chuyên viên Chương Nam, bắt đầu sự nghiệp chính trị trên đất Trung Quốc. Mẹ con Tưởng Phương Lương vẫn ở lại quê. Lúc mới sang Trung Quốc, điều khó khăn nhất với Tưởng Phương Lương là việc ẩm thực vì từ Thượng Hải đến Triết Giang các món đều rất cay và mặn, bà phải dặn người nấu bếp bớt gia vị. Từ khi sang Trung Quốc, thời gian bà được sống với chồng không nhiều, chỉ sau khi kháng Nhật thắng lợi thì thời gian cả nhà đoàn tụ mới nhiều hơn. Năm 1945, bà sinh cậu con thứ Tưởng Hiếu Võ, 3 năm sau lại sinh Hiếu Dũng. Trong 4 người con thì cô con gái Hiếu Chương là hiểu biết nhất, thường ở nhà và cũng rất vâng lời, là “viên ngọc” của cha mẹ và cũng rất được ông bà nội quý.

      Năm 1945, gia đình họ chuyển về Thượng Hải, lúc này Tưởng Kinh Quốc liên tục qua lại như con thoi giữa hai vùng Giang Nam, Giang Bắc, rất ít khi ở nhà. Năm 1949, gia đình họ sang Đài Loan.

      Hơn 30 năm ở Đài Loan là quãng đời yên ổn nhất của Tưởng Phương Lương, con cái trưởng thành dần, sự nghiệp của Tưởng Kinh Quốc cũng rất thuận buồm xuôi gió, bà thực sự là người nội trợ bình thường, chỉ lo chăm chồng nuôi con, rất ít dính vào các việc khác, nhất là việc chính trị. Mấy người con đều không làm bà thất vọng, chỉ có Hiếu Văn về sau bị bệnh cứ đau ốm suốt khiến bà rất đau lòng. Thường ngày, bà chẳng có thú vui gì đặc biệt, chỉ thỉnh thoảng cùng mấy người bạn tụ tập ra ngoài đánh bài chơi. Khi Tưởng Kinh Quốc đã làm “Viện trưởng Hành chính” (gọi là Thủ tướng), bà vẫn không vì thế mà từ bỏ thú vui nhỏ này. Nhưng một hôm, Tưởng Kinh Quốc bảo ông không muốn nghe người ta nói “Viện trưởng phu nhân cũng đánh bài”, thế là từ đó bà bỏ nốt thú vui duy nhất của mình.

      Từ biệt vùng bình nguyên Siberia, từ biệt đất nước Xô-viết sang sống nơi xứ người, thái độ và tình cảm của Tưởng Phương Lương đối với quê hương ra sao là điều nhiều người muốn biết. Năm thứ 2 sau khi cuộc kháng Nhật bùng nổ, Tưởng Phương Lương đã một mình trở về quê hương. Sau khi chiến tranh kết thúc ít lâu, bà về quê lần thứ 2, lần này mang theo cả Hiếu Văn và Hiếu Chương, Tưởng Kinh Quốc phải cử 2 vệ sĩ riêng đi theo để bảo vệ. Tháng 6-1968 bà đã một lần nữa quay về Liên Xô để thăm quê và người thân. Sau khi thăm quê một tuần, bà lại đáp máy bay quay về Đài Bắc.

      Họa vô đơn chí và nỗi cô đơn cuối đời

      Năm 1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời. Cái chết của người chồng yêu thương sau hơn 50 năm chung sống quả là một đòn giáng đối với Tưởng Phương Lương. Không nguôi nỗi nhớ chồng, ngày nào bà cũng vào phòng của Tưởng Kinh Quốc rờ rẫm những thứ đồ dùng của ông và thường xuyên yêu cầu tùy tùng đưa đến Đại Khê – nơi quàn thi hài của Tưởng Kinh Quốc – để ngắm nhìn di thể ông. Một năm sau, khi bà còn chưa nguôi nỗi đau mất chồng thì đã phải đón nhận nỗi đau mất con. Tin người con cả Tưởng Hiếu Văn qua đời đối với Tưởng Phương Lương đúng là tiếng sét giữa trời quang. Tháng 5-1991, người con trai thứ là Tưởng Hiếu Võ để tiện chăm sóc mẹ đã từ bỏ chức vụ “Đại diện” ở Nhật Bản để về làm giám đốc một tổng công ty ở Đài Bắc, tin này khiến bà rất vui. Nào ngờ chưa đầy 2 tháng sau thì Hiếu Võ đã đột ngột ra đi sau một cơn đau tim đột phát. Cái chết của người con khỏe mạnh, chí hiếu quá bất ngờ, quá đột ngột đối với Tưởng Phương Lương, bà vào bệnh viện ôm xác con khóc ngất đi. Hiếu Võ khi ấy mới 46 tuổi. Nhưng bi kịch chưa kết thúc: Năm 1996 bà lại mất nốt người con trai út Tưởng Hiếu Dũng khi mới 48 tuổi. Những cái chết liên tiếp của các con chính là nỗi bi thảm trong những năm tháng cuối đời Tưởng Phương Lương.

      Một điều khó lý giải là những người phụ nữ trong gia đình họ Tưởng đều rất thọ trong khi cánh đàn ông đều đoản mệnh. Tống Mỹ Linh khi qua đời tuổi đã quá trăm, Tưởng Phương Lương cũng mất ở tuổi 88. Trong khi đó cả Tưởng Giới Thạch và 2 con trai Tưởng Kinh Quốc, Tưởng Vĩ Quốc đều mất sớm, 3 người cháu trai là Hiếu Văn, Hiếu Võ, Hiếu Dũng cộng thêm Chương Hiếu Từ – người con trai ngoài giá thú của Tưởng Kinh Quốc – đều chết khi chưa đến tuổi 50. Hiện nay, phái nam trong gia đình họ Tưởng đời thứ 3 chỉ còn mỗi Chương Hiếu Nghiêm – người con trai song sinh của bà Chương Á Nhược – người vợ không giá thú của Tưởng Kinh Quốc – vừa mới “nhận tổ quy tông” và Tưởng Hiếu Cương, con trai Tưởng Vĩ Quốc. Đời thứ tư thì có 3 người con của Tưởng Hiếu Dũng. Về phía nữ, 7 người cả dâu lẫn con đều mạnh khỏe, nhưng 6 người đang trong cảnh góa bụa. Bà Tưởng Phương Lương xưa nay vẫn là chỗ dựa về tinh thần cho những người đàn bà góa bụa ấy.

      Nguồn: Người Lao Động

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.