Chính khách Nga nói về bộ máy tuyên truyền của Kremlin

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #6721
      NCQT
      Keymaster

      CHÍNH KHÁCH NGA NÓI VỀ BỘ MÁY TUYÊN TRUYỀN CỦA KREMLIN

      •   GENADYI GUDKOV

      Theo cựu Phó Chủ tịch ủy ban an ninh Quốc hội Nga Genadyi Gudkov , truyền thông Nga là “một bộ máy tuyên truyền dựa trên các bản năng tiềm thức” (subconscious instincts)[1].

      Tuyên truyền ở Nga là độc quyền và dựa trên các các bản năng thấp, nhằm nhồi sọ (nguyên văn зомбируя – ám quẻ, làm ra sản phẩm nửa người nửa ma) con người ta. Nhờ vậy mà chiến tranh có thể cố kết người dân, và thường nâng cao được độ tín nhiệm của các lãnh tụ. Chẳng cần lý tưởng hóa phương Tây, nhưng cấu trúc chính quyền các quốc gia phương Tây khiến khái niệm “bộ máy tuyên truyền” không có chỗ. Học giả Gudkov trả lời trong khuôn khổ phóng sự truyền hình “Tuyên truyền của Kremli là cái gì?” (Кремлевская пропаганда: что это такое?) của RIA/Novyi Region, Moscow, tháng 9/2013.

      Truyền thông Nga từ khi xung đột bùng phát ở Ukraina là dạng tuyên truyền thời chiến với nghĩa xấu nhất của khái niệm này. Truyền thông nhà nước (Nga) đóng vai trò “khăn lau bàn”, khi bất cứ thông tin nào gieo mầm cho nghi ngờ và kém tự tin đều được xem là thù địch, và phải bị xóa, bị chặn.

      Hôm nay trên các kênh của nhà nước không còn phản biện thực sự… Có một danh sách đen được đưa cho tất cả các kênh. Trên các kênh chính (như truyền hình thuộc trung ương), cấm không được phản ảnh những thông tin thực về những kẻ chống đối gần hơn tầm pháo bắn, nếu không sẽ bị mất việc. Như vậy, các phương tiện thông tin đại chúng trở thành loa tuyên truyền ràng buộc xã hội vào chỉ một quan điểm, không có lựa chọn, không nhân nhượng.

      Tiếc thay, truyền thông Nga còn trội cả về những xuyên tạc thô thiển, do thiếu tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn, chiếu một người trai tử nạn, và nói xảy ra ở Ukraina, nhưng hình này thực ra xảy ra khá lâu rồi, và ở Syria. Hoặc là phỏng vấn người lái xe tải, nhưng hóa ra là đã cắt đi vài đoạn từ phóng sự của một đài truyền hình khác, và nói về một chuyện khác…

      Sự ồ ạt, thiếu giao lưu, độ đậm đặc, cộc lốc, xuyên tạc một cách thô thiển nhất, và dối trá là cung cách tuyên truyền ở Nga hôm nay. Người dân Nga hôm nay, tiếc thay, bị tẩy não (nguyên văn оболваненный – bị lú lẫn) trước hết bởi truyền hình. Nhân dân không hiểu điều gì đang xảy ra, nghĩ rằng ở Ukraina đang có bọn phát xít, bọn theo phát xít, đang chiếm đóng toàn lãnh thổ nước này.

      Một phụ nữ đã bị “thay não” bảo tôi thật khó sống khi bị bọn phát xít ở Ukraina đe dọa. Tôi gục gặc, hiểu rằng chuyện trò với những người “bị bỏ bùa mê”  là vô ích. Nhưng ở cuối câu chuyện bà ấy nói: “Nhưng ông có biết tôi không hiểu điều gì không? Em gái tôi sang Kiev, đi lại bình thường, dạo chơi, nói chuyện bằng tiếng Nga, chẳng bị ai hành hung. Chắc là cô ấy đã gặp may”!

      Cách tuyên truyền như thế giống như những “phút căm hờn”, gây bởi các bản năng sẵn trong đáy tiềm thức. Chẳng hạn khi chiếu lên màn hình thi thể bị cắt rời, trong mỗi người bình thường căm hận sôi lên. Hoặc khi chiếu bộ mặt của chủ nghĩa phát xít và những gì tàn độc, lý trí bị ngắt mạch, các cảm xúc và bản năng được khởi động. Tuyên truyền của Nga đang lấy những gì tồi tệ nhất của Gơ ben (Gobbels): “lời nói dối càng quái vật thì nó càng giống với sự thật” (ngụ ý” càng nói dối hùng hồn càng làm người ta dễ tin). Vì vậy, nó (tuyên truyền ở Nga) đã lần theo con đường mà Orwell đã viết trong “1984”. Trong sách này, Orwell tiên đoán rằng làm nóng máy một đám đông là dễ, rằng bất kỳ cuộc chiến nào cũng vạch đường tới bản năng con người. “Hai phút căm hờn” (two minutes’ hate) được Orwell miêu tả có một bản sao là tuyên truyền của chúng ta (Nga)…

      Vì thế, bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng buộc một số lượng lớn người dân nào không rành về tình hình chính trị trong ngoài nước sát cánh với nhau trong cảm giác ái quốc. Khi nào các bản năng này được bật công tắc, chính quyền sẽ có được sự ủng hộ to lớn.

      Truyền thông phương Tây cũng có cả các luật chơi kiểu này (đóng mạch các “bản năng chính trị” – ND), nhưng các phương tiện truyền thông đại chúng của họ được tổ chức theo cách làm cho nhà nước không thể sai bảo và gây ảnh hưởng lên truyền thông. Vì thế mà ở phương Tây có nhiều góc nhìn, nhiều cách bày tỏ quan điểm chính trị và lập trường của công dân. (Ở phương Tây) không có “khoanh vùng” (зашоренность), không có sự chế áp hà khắc đối với tính tự lập của truyền thông. Ở bên đó không cho phép báo chí nhận tiền của nhà nước, vì như thế sẽ phá hủy nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động truyền thông phương Tây. Vì thế, truyền thông phương Tây tự do hơn, độc lập hơn. Ngay cả hiện nay, trong điều kiện trừng phạt kinh tế, khi cả thế giới, buồn thay, đang siết chặt hàng ngũ chống lại Nga, ở phương tây vẫn vang lên những tiếng nói phê phán (phê Merkel, Horlande, Obama, NATO…). Trong khi phương Tây bình tĩnh chuyển tải những quan điểm trái chiều, ở Nga điều này hoàn toàn không có.

      Vì thế truyền thông phương tây, một cách tiên nghiệm (apriori) không thể trở thành đơn cực và đơn ý thức hệ. Nó không thể có các đặc điểm tuyên truyền của chủ nghĩa Phát xít hoặc Liên Xô thời Stalin, khi bất kỳ sơ xuất hoặc gây ngờ vực nào bị trừng phạt với tội danh phản bội, được thi hành án bằng tử hình. Vì thế phương Tây luôn tự do hơn, bình yên hơn, khách quan hơn. Hơn thế nữa, phương Tây không cho là họ đang ở trong tình trạng có chiến trang với nước Nga – nước mà hiện nay cho rằng mình đang tứ bề thụ địch – những “kẻ địch” đương chực sẵn cận Đường vành đai lớn (МКАД) bao quanh thủ đô Moskva. Phương Tây không bị kích động cuồng chiến (hysteria) như ở ta (Nga)…

      Ở phương Tây không thể có kiểu tuyên truyền mà một nước chuyên chế sinh ra. Dĩ nhiên là nên cầu trời, để không có một Quốc trưởng (Führer) lại lên nắm quyền, vì lúc đó bộ máy tuyên truyền kiểu “bùa mê” lại sẽ xuất hiện.

      Nước Nga đang không có truyền thông (theo đúng nghĩa – ND) – chỉ còn lại một số kênh nhất định, nhưng không đại chúng. Chúng bị xem thường, bị thiếu kinh phí, thiếu những người đăng ký mua dịch vụ, sản phẩm, bị “soi”, bị kiềm chế không phát triển được. Nhưng những kênh nào thực sự đúng nghĩa truyền thông chỉ đạt được một lượng người xem nhỏ. Các kênh tuyên truyền thường có quan điểm đơn cực. Đây là điều nguy hiểm – đến một lúc nhất định, như năm 1956 – vỡ òa ra, là người dân chẳng biết gì về các vụ đàn áp và các sai lầm dưới thời Stalin. Vì người dân tư duy một đàng, còn thực tế xảy ra một nẻo.

      Lê Đỗ Huy (trích dịch)

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.