- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 5 months ago by TQNam.
-
AuthorPosts
-
-
27/08/2015 at 19:48 #10149TQNamModerator
Với việc đóng cửa các Viện Khổng Tử, Trung Quốc có thể tiến tới một cuộc chiến “quyền lực mềm” với phương Tây.
David Volodzko
08.07.2015Tháng Chín năm 2014, Đại học Chicago đóng cửa Viện Khổng Tử của mình. Đại học Penn State đóng của Viện Khổng Tử của họ một tháng sau đó khi cho là thiếu “minh bạch và tự do học thuật”. Rồi tháng Giêng năm nay, Đại học Stockholm cũng đóng cửa viện của họ.
Viện Khổng Tử đầu tiên được mở cửa vào tháng Mười một năm 2004 tại Seoul, Hàn Quốc. Hanban, hay Văn phòng quốc gia Trung Quốc dạy tiếng Hoa như một ngoại ngữ(1), có trách nhiệm đối với chương trình Viện Khổng Tử cũng như cuộc thi Cây cầu tiếng Hán (2), phát triển nhanh chóng. Năm 2006, mỗi bốn ngày có một viện mới được thành lập và Hanban hy vọng sẽ có 1.000 viện vào năm 2020.
Phần lớn châu Á bị tràn ngập văn hóa phẩm hallyu (3) đi kèm phim truyền hình diễm tình nhiều tập và các ca từ trữ tình với biểu tượng nhạc pop của nó. Nhật Bản cũng không tránh khỏi. Quả thực có thể nói rằng Nhật Bản được cho là đất nước châu Á đáng yêu trong trí tưởng tượng của phương Tây, do được biết và tôn trọng đối với công nghệ tiên tiến của nó, ẩm thực tinh tế, sự hiệu quả đầy ấn tượng của các thành phố và sự lịch sự đặc biệt của công dân. Mặt khác, các sản phẩm của Trung Quốc lại mang nhiều tai tiếng về chất lượng kém cỏi và các hành vi khiếm nhã của du khách Trung Quốc tiếp tục làm đầu đề trên toàn thế giới.
Các cú thúc quyền lực mềm không giới hạn ở châu Á. Hội Đồng minh Pháp (Alliance Française) quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp trong khi Hội đồng Anh (British Counsil) cũng làm như vậy với văn hóa và tiếng Anh. Các cơ quan tương tự còn có Instituto Cervantes của Tây Ban Nha, Instituto Camões của Bồ Đào Nha, Viện Goethe của Đức, và, tất nhiên, Viện Khổng Tử của Trung Quốc. Viện Khổng Tử hoạt động thông qua Bộ Giáo dục và, ngoài mục tiêu học thuật, nó sở đắc quyền lực chính trị đáng kể.
Lý Trường Xuân là cựu Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Trung ương xây dựng một nền văn minh tinh thần (4), phụ trách công tác tuyên truyền khi đó, và theo báo cáo tháng Hai 2011 của Ủy ban quan hệ đối ngoại “Một chênh lệch trong Ngoại giao công chúng Mỹ-Trung trong thời đại Internet, ông Lý mô tả Viện Khổng Tử là một kênh quan trọng để tôn vinh văn hóa Trung Quốc”. Ông cũng mô tả nó như là một “một phần của chiến lược tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc”.
Giống như Nhật Bản, quyền lực mềm của Trung Quốc bị lịch sử vây trói. Trong “Khoác áo mới cho Khổng Tử: Ngoại giao công chúng của CHNDTH và sự trỗi dậy của quyền lực mềm” (5), Quách Tiểu Lâm nhận định hồi năm 1978, năm Phó Chủ tịch Đặng Tiểu Bình là “Nhân vật của năm” của tạp chí Time, rằng vào thời điểm đó Trung Quốc, có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, “Trung Quốc bị mất mọi lớp sơn của ‘con gấu trúc trong trắng’ mà nó có thể có”. Cái trong trắng mất đi nầy không lấy lại được cho đến tháng 12 năm 2003, khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Đại học Harvard. Theo ông Quách, bài phát biểu này giới thiệu ý tưởng “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Viện Khổng Tử tồn tại để chống lưng cho lời hùng biện này và quyền lực mềm của Trung Quốc nói chung. Sau rốt, ông Quách viết, sáng lập viên của nó là các quan chức tuyên huấn và học giả chủ nghĩa Mác-Lênin.
Mặc dù không như Nhật Bản, quyền lực mềm của Trung Quốc còn bị chính phủ hiện tại vây trói. Một bản báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tháng 5 năm 2006, “Sáng kiến quyền lực mềm của Trung Quốc”, liệt kê các Viện Khổng Tử là phương tiện hành xử quyền lực mềm cơ bản của Trung Quốc nhưng nói rằng “bước tiến tiến công đầy quyến rủ của nó mạnh ra sao không quan trọng, Trung Quốc vẫn là một xã hội độc tài vốn tống giam giới bất đồng chính kiến và đàn áp lên chính người dân của mình”.
Vấn đề là, quyền lực mềm của Trung Quốc không phải luôn mềm hay vi tế như Nhật Bản. Trong một báo cáo đặc biệt tháng 10 năm 2009, “Một thông điệp từ Khổng Tử”, tờ The Economist đề cập đến một sự cố liên quan đến Viện Khổng Tử tại Đại học Maryland. Viện đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh chủ đề Tây Tạng, và tại lễ khai mạc, một quan chức Trung Quốc đã phát biểu công kích Đức Đạt Lai Lạt Ma và tán dương chính quyền Trung Quốc tại đó. Viện Khổng Tử cũng bị buộc tội phân biệt đối xử chống lại Pháp Luân Công, phủ nhận vụ thảm sát Thiên An Môn, mặc khác tuyên truyền bừa bãi hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ bản là chế biến một nền giáo dục cho đám bảo thủ trong đảng quay lại Trung Quốc. Kết quả là, Hiệp hội các Giáo sư đại học Mỹ và các Hiệp hội các Giảng viên đại học Canada đề nghị các Viện Khổng Tử cần phải “cải cách hoặc bị tiệt trừ”.
Các cuộc cuộc biểu tình của người Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2014 dẫn đến quyết định của hội đồng nhà trường Toronto chấm dứt quan hệ với Viện Khổng Tử. Một số người biểu tình khiếu nại hội đồng nhà trường không muốn trẻ em Trung Quốc học tập ngôn ngữ riêng của chúng và họ đã xúc phạm rằng chính phủ Canada đầy định kiến. Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng hình dung những gì chính phủ Trung Quốc sẽ làm nếu Hội đồng Anh ở Bắc Kinh bắt đầu tung ra các lớp học tiếng Anh cho người Trung Quốc, trong đó họ dạy về vụ thảm sát Thiên An Môn.
Đây chính là cái mà quyền lực mềm của Trung Quốc nó khác người ra sao. Các quốc gia khác quảng bá hình ảnh tích cực của mình vì mục đích lợi ích chính trị. Trung Quốc thì dối trá và kiểm duyệt, còn thế giới nhận rõ sự lừa bịp của họ. Trung Quốc có một gia tài văn hóa giàu có và phong phú hơn hầu hết các nước, và nếu họ đơn giản là nói sự thật, mọi người sẽ lắng nghe. Nhưng để nói thật, Trung Quốc phải đối diện với sự thật đó trước tiên.
Nguồn: http://thediplomat.com/2015/07/chinas-confucius-institutes-and-the-soft-war/
…………….Chú thích của người dịch:
(1) 汉办 Hán biện (gọi tắt) hay 中国国家汉语国际推广领导小组办公室 Trung Quốc quốc gia Hán ngữ trung tế suy quảng lãng đạo tiểu tổ biện công thất (tên đầy đủ) trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, tự xưng là một tổ chức phi chánh phủ và phi vụ lợi.
(2) 汉语桥 hán ngữ kiều, cuộc thi tiếng hán cho ngoại kiều
(3) 한류 phiên âm la tinh chính thức là Hangul, âm Hán-Việt là Hàn lưu tức Làn sóng Hàn.
(4) 中国 共产 党中央 精神文明 建设 指导委员会 Trung Quốc cộng sản đảng trung ương tinh thần văn minh kiến thiết chỉ đạo ủy viên hội.
(5) Repackaging Confucius: PRC Public Diplomacy and the Rise of Soft Power – 孔子:中国公共外交的重新包装和软实力的崛起 – Khổng Tử: Trung Quốc công chúng ngoại giao đích trùng tân bao trang hòa nhuyễn thực lực đích quật khởi.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.