Vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II hơn 30 năm trước

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Tagged: 

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #13216
      NCQT
      Keymaster

      Vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II hơn 30 năm trước

      Ngày 13/5/1981, trên Quảng trường St. Peter ngay trung tâm Vatican – “Vương quốc tôn giáo nhỏ bé và quyền lực nhất thế giới”, đã xảy ra một vụ khủng bố gây chấn động thế giới nhắm vào Giáo hoàng John Paul II. Quá trình điều tra và xét xử “Vụ án bài tôn giáo lớn nhất thế kỷ XX” đã trở thành đề tài nổi cộm trong giới truyền thông phương Tây thời gian đó, mà mục đích cuối cùng là bôi nhọ các thể chế Đông Âu XHCN “vô thần” giữa bối cảnh sự đối đầu Đông – Tây đặc thù của Chiến tranh lạnh đang lên đến đỉnh điểm.

      “Những con sói xám” hay “đường dây Bulgaria”?

      Sáng hôm ấy, khi Giáo hoàng đang trên đường đến Vương cung Thánh đường St. Peter, ngôi giáo đường lớn nhất Vatican để cử hành lễ cầu nguyện mừng tuần lễ mới theo thông lệ truyền thống, ngài quyết định cho chiếc xe công vụ chạy ngang qua Quảng trường St. Peter rộng lớn, nhằm đáp lại lòng mến mộ và tôn kính của hơn 10.000 tín đồ, du khách đang có mặt.

      Chiếc xe chầm chậm nhích từng mét giữa biển người quây kín chiếc xe, ai cũng muốn được chạm tay vào người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã trong chiếc áo choàng trắng. Đồng hồ nhích gần đến con số 10, khi Đức Giáo hoàng John Paul II đưa tay ra và cúi xuống chúc phúc cho các con chiên đứng sát thành xe bên phải, bất ngờ một loạt đạn vang lên khiến Giáo hoàng gục xuống.

      Người cứu mạng Đức Giáo hoàng là một nữ tu, khi những phát đạn đầu tiên vang lên, bà nhanh tay chộp lấy tay hung thủ ghìm xuống đất. Đám đông đứng gần đó hợp lực cùng với bà, họ lao tới tước vũ khí của hung thủ, đấm đá hắn không thương tiếc.

      Các nhân viên cảnh sát xuất hiện kịp thời can thiệp, giải cứu hung thủ khỏi sự phẫn nộ của đám đông rồi áp giải hắn cùng hung khí là khẩu súng lục 9 li hiệu Browning về nơi giam giữ.

      Lúc này hệ thống loa phát thanh trên Quảng trường St. Peter liên tục phát đi bản thông báo tình huống khẩn cấp bằng 4 thứ tiếng Italia, Anh, Pháp và tiếng Trung Quốc với nội dung: “Đức Thánh Cha đã bị trọng thương. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Ngài nhanh chóng phục hồi”.

      Khoảnh khắc M. Agca giương súng (trong vòng tròn) nhắm bắn đức Giáo hoàng.

      Danh tính thủ phạm vụ mưu sát gây chấn động thế giới nhanh chóng được xác định là Mehmet Ali Agca, 23 tuổi, thành viên tổ chức quá khích “Grey Wolves” (Những con sói xám) theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tên này đã sử dụng hộ chiếu giả để vào Italia du lịch qua ngả Milano, trước khi âm thầm đến Roma để thực hiện dã tâm đen tối của mình.

      Theo kết quả điều tra của Sở Cảnh sát Roma, hung thủ Agca đã bắn liên tiếp 4 phát súng, 2 phát đầu trúng vào người Giáo hoàng John Paul II, 2 phát còn lại trúng vào 2 du khách đến từ Mỹ và Jamaica. Sau ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ 25 phút, các bác sĩ đã lấy ra 2 đầu đạn nằm ở phần bụng và cánh tay phải và Giáo hoàng đã qua cơn nguy kịch.

      Các bác sĩ cho rằng, nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ông sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Tuy nhiên, theo chính Đức Giáo hoàng thì sự kỳ diệu đó chính là “sự che chở của Ðức Mẹ Maria”.

      Lúc đầu, hung thủ Ali Agca khai nhận rằng, việc ám sát là nhằm phục vụ cho âm mưu khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, một nhân viên tình báo Mỹ đã bí mật gặp Ali Agca tại phòng biệt giam và ngay sau đó, sát thủ này lên tiếng đòi “khai thực”.

      Ali Agca khẳng định đã nhận tiền, vũ khí của Bulgaria để thực hiện vụ ám sát. Theo đó, cùng thực hiện kế hoạch khủng bố tại Vatican còn có 3 người Thổ Nhĩ Kỳ và 3 người Bulgaria.

      Trong quá trình thẩm vấn, Agca đã khai ra các đồng phạm trong “đường dây Bulgaria”, dẫn đến việc bắt giữ ông Sergei Ivanov Antonov, 33 tuổi, nhân viên Văn phòng đại diện Hãng Hàng không Bulgaria Balkan tại Roma.

      Còn 2 người cầm đầu đường dây theo lời khai của Agca là Đại tá Zhelyu Vassilev, Tùy viên Quân sự Đại sứ quán Bulgaria tại Italia và Todor Ayvazov, đặc vụ của Cơ quan Tình báo Bulgaria (NRS) đội lốt nhân viên ngoại giao đã nhanh chóng đào thoát về Sofia. Chỉ có Sergei Antonov bị bắt tại nhà riêng ở Rome đêm 25/6/1981.

      Đến ngày 20/7/1981, Tòa án thủ đô Roma mở phiên tòa xét xử vụ ám sát Giáo hoàng, được giới truyền thông quốc tế tập trung đăng tải chi tiết qua tên gọi “Vụ án bài Công giáo của thế kỷ XX”.

      Sau 2 ngày xét xử, tòa đã tuyên phạt bị cáo Ali Agca mức án cao nhất là chung thân. Cuộc điều tra quy mô suốt hơn hai năm sau đó nhằm bóc trần “đường dây Bulgaria”, đã dẫn tới phiên tòa tháng 5/1985.

      Quá trình xử án lần này có sự tham gia bào chữa của các luật sư người Italia và Bulgaria, “kẻ chủ mưu” S. Antonov một mực phủ nhận sự liên quan của mình: không có quan hệ với Cơ quan Tình báo Bulgaria; không hề quen biết Ali Agca cũng như không tham gia vào cái gọi là “âm mưu xếp đặt trước” nhằm hạ sát người đứng đầu Giáo hội.

      Giáo hoàng John Paul II vào tận xà lim biệt giam tha thứ cho thủ phạm 2 năm sau vụ ám sát.

      Sau thời gian tranh tụng liên tục hơn 10 tháng, đến ngày 29/3/1986, phiên tòa xử vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981 mới kết thúc và những công dân người Bulgaria đều được tuyên bố trắng án. S.Antonov được tòa tha bổng vì thiếu bằng chứng và an toàn hồi hương trong dịp lễ Phục sinh năm 1986. Ông ta mất ngày 1/8/2007 ở Sofia, thọ 59 tuổi.

      “Cái gọi là “đường dây Bulgaria” trong vụ mưu sát tôi là một điều vu khống”

      Tuy vậy, một số nhân vật đứng đầu các cơ quan tình báo phương Tây, trong đó có William Casey, Giám đốc CIA, một mực khẳng định: Cộng sản đứng sau âm mưu sát hại Giáo hoàng. Họ cho rằng vụ ám sát có liên quan đến chính quyền Bulgaria và rằng, Ali Agca được bảo vệ bởi Cơ quan Tình báo Bulgaria, và “cái bóng to lớn hậu thuẫn” lại chính là Cơ quan Tình báo KGB của Liên Xô. Nhưng họ cũng không thể chỉ ra được bất kỳ một bằng chứng rõ ràng nào về sự liên can của Liên Xô hoặc Bulgaria trong âm mưu ám sát Giáo hoàng kể từ khi Liên Xô tan rã.

      Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Italia Corriere Dalla Sera ngày 9/10/1996, hung thủ Ali Agca thú nhận: Tự thân ông ta quyết định bắn Giáo hoàng, nhưng các nhân viên mật vụ Italia cứ khăng khăng phải thêm “đường dây Bulgaria” vào. Agca nhấn mạnh: “Đường dây Bulgaria” là sự bịa đặt từ các cơ quan mật vụ. Giờ đây, khi Giáo hoàng đang bệnh nặng, tôi có thể nói rằng tất cả những điều xoay quanh vụ án chỉ rặt sự vu cáo trơ trẽn”.

      Sau 19 năm thụ án, đến đầu tháng 6/2000 Ali Agca được tân Tổng thống Italia Carlo Azeglio Ciampi ký lệnh ân xá rồi sau đó bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ.

      Thời gian trước đó, một tòa án ở thủ đô Ankara cũng đã xử vắng mặt bị cáo Ali Agca mức án 10 năm tù giam về tội sát hại nhà báo Abdi Ipekci, biên tập viên của tờ nhật báo cánh tả Milliyet vào tháng 2/1979. Do vậy, Agca phải tiếp tục thi hành bản án đã tuyên tại Thổ Nhĩ Kỳ, đến giữa năm 2010  Agca mới được trả tự do khi đã 52 tuổi, sau gần 30 năm tù tội.

      Mehmet Ali Agca đến Quảng trường St. Peter đặt hoa tưởng nhớ cố Giáo hoàng trong dịp Giáng sinh 2014.

      Năm 2011, vụ ám sát đã được gợi lại khi hai nhà báo Marco Ansaldo và Yasemin Taskin trong một cuốn sách có nhan đề “Kill The Pope: The Truth about the Assassination Attempt on John Paul II” (Giết hại Giáo hoàng: Sự thật về vụ ám sát John Paul II) đã đưa ra luận cứ trái ngược với khẳng định của vị Giám đốc CIA.

      Trong cuốn sách này, các tác giả khẳng định, trên thực tế, vụ ám sát Giáo hoàng là do tổ chức cực hữu người Thổ Nhĩ Kỳ “Những con sói xám” thực hiện và vụ ám sát xuất phát từ tư tưởng chống đối phương Tây của các phần tử trong tổ chức này, chính quyền Bulgaria đã bị “oan” trong vụ việc.

      “Không hề có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan của Bulgaria trong vụ ám sát Giáo hoàng. Sự dính líu của chính quyền nước này đến vụ ám sát hoàn toàn là do CIA tạo ra” – tác giả Marco Ansaldo phát biểu trên tờ Daily Telegraph.

      “Ngoại trưởng Alexander Haig khi đó muốn tạo ra chứng cứ để chống lại các nước theo chủ nghĩa cộng sản khi mà Chiến tranh lạnh đang ở thời kỳ đỉnh cao. Trong khi đó, CIA biết rõ việc tổ chức “Những con sói xám” có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức tội phạm Bulgaria và bản thân Agca đã đến Bulgaria nhiều lần. Vì vậy, trong động cơ Agca tìm cách giết Giáo hoàng, CIA đã khéo léo khai thác mối liên hệ này để đổ tội cho chính quyền Bulgaria” – tác giả cuốn sách cho biết thêm, đồng thời khẳng định rằng, Agca đã bị ép phải đưa ra những lời khai về sự liên quan của chính quyền Bulgaria.

      Cuốn sách này được xuất bản sau khi cựu lãnh đạo của đảng Cộng sản Ba Lan – tướng Wojciech Jaruzelski cho biết, ông nghĩ rằng “những phần tử Hồi giáo cực đoan” mới là những kẻ chủ mưu thực sự trong vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II ở Quảng trường Thánh Peter năm 1981.

      “Những phần tử Hồi giáo cực đoan căm ghét Đức Giáo hoàng và xem ông như người cổ vũ cho những cuộc thập tự chinh” – tướng Wojciech Jaruzelski phát biểu. Việc xuất bản cuốn sách một lần nữa lại thu hút dư luận quan tâm về vụ ám sát cách đây 30 năm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự kết luận của hai nhà báo.

      Trong lần diện kiến Giáo hoàng cuối năm 1995, Tổng thống Bulgaria Zeliu Zelev đã hỏi: “Ngài có tin rằng người Bulgaria có dính dáng đến vụ mưu sát ngài không?”. Giáo hoàng J.Paul II đáp thẳng thừng: “Làm gì có chuyện đó! Nước Bulgaria đâu có lỗi, Ali Agca đơn phương hành động một mình”.

      Vào tháng 7/1997, Bộ trưởng Nội vụ Bogomil Bonev và Bộ trưởng Ngoại giao Nadezda Mikailova đều gửi công hàm đề nghị các cơ quan nội chính Đức rà soát xem, phải chăng từng tồn tại “đường dây Bulgaria” trong hồ sơ lưu trữ của Stasi (Cơ quan Tình báo CHDC Đức trước đây) về vụ ám sát Giáo hoàng John Paul II.

      Hai tháng sau, Sofia nhận được bản sao tập hồ sơ về các công văn mật trao đổi giữa Stasi với Ủy ban An ninh Nhà nước Bulgaria cũ, trong đó không mảy may đề cập bất cứ điều gì về “đường dây mưu sát” nói trên.

      Bản thân Giáo hoàng cũng tái khẳng định sự việc trong chuyến thăm Bulgaria lúc ngài còn tại thế vào tháng 5/2002: “Cái gọi là “đường dây Bulgaria” trong vụ ám sát tôi là một điều vu khống. Đó là sự bất công”.

      Nguồn: An ninh Thế giới

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.