#78 – Quản trị kém có lợi cho phát triển hay không?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Sam Wilkin (2011). “Can Bad Governance be Good for Development?”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 53, No. 1, pp. 61-76.

Biên dịch: Nguyễn Thị Quỳnh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc quản trị tốt vô cùng cần thiết đối với sự phát triển kinh tế cho đến gần đây được xem như lẽ phải thông thường. Ví dụ năm 2002, một nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khẳng định rằng “không có sự quản trị tốt, không thể thúc đẩy phát triển.”[1] Năm 2004, Robert Guest – biên tập viên khu vực châu Phi của tờ Economist viết rằng “hầu hết các cuộc chiến tranh ở châu Phi đều do chính phủ yếu kém…Sự quản trị yếu kém cũng là lí do giải thích tại sao châu Phi lại nghèo như vậy”.[2] Thậm chí Milton Friedman, người ủng hộ cho xu hướng tự do hóa thị trường, sau đó cũng tán thành chủ thuyết quản trị tốt: “Tôi đã sai. Hóa ra nền pháp quyền có lẽ còn quan trọng đối với phát triển hơn cả tư nhân hóa.”[3] 

Tuy nhiên, gần đây chủ thuyết này bắt đầu mất dần vị thế. Robert Zoellick, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, lập luận trong một bài phát biểu tháng 10 năm 2012 rằng những người làm công tác phát triển nên tiếp thu “các phương pháp tiếp cận chính sách đa dạng”, lưu ý rằng “những gì có thể bảo vệ sự phát triển trong bối cảnh này có thể kìm hãm nó trong bối cảnh khác.”[4] Tháng 11, các nhà lãnh đạo G20 đã ủng hộ “Đồng thuận Seoul” rằng “không có công thức chung cho sự thành công trong phát triển và các nước đang phát triển phải đi đầu trong việc thiết kế và thực hiện các chiến lược phát triển phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh riêng của họ.”[5]

Nghi ngờ ngày càng gia tăng này một phần bắt nguồn tự sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho dù nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là gì thì nó dường như cũng không phải là quản trị tốt, ít nhất là theo cách hiểu thông thường.

“Đồng thuận Bắc Kinh” như mô tả của Joshua Cooper Ramo là sự nghi ngờ về những lợi ích của tư nhân hóa, tự do thương mại và dân chủ đối với phát triển.[6] Tuy nhiên, những sai sót trong chủ thuyết quản trị tốt đã được chứng minh từ lâu, trước khi chúng được nhìn thấy rõ từ trường hợp của Trung Quốc. Trong khi quản trị yếu kém tương quan với sự thất bại trong phát triển (hầu hết các nước nghèo đều được quản trị yếu kém) thì ngược lại, quản trị tốt không tương quan với thành công trong phát triển. Trung Quốc chỉ là một ví dụ rõ ràng và gần đây nhất. Nếu chúng ta sắp xếp danh sách những nước có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người theo dài hạn từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thì Ý, nước dân chủ lớn đầu tiên trên danh sách, sẽ xếp thứ 29.[7] Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ xếp hạng trước Ý, một số hiện nay là các nền dân chủ, nhưng gần như tất cả là các chế độ độc tài hay các quốc gia độc đảng trong suốt giai đoạn họ nhanh chóng trở nên giàu có. (Thậm chí Ý là một quốc gia đại diện không thuyết phục cho chủ thuyết quản trị tốt). 28 quốc gia và lãnh thổ này bao gồm Đài Loan, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Rumani, Botswana, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, và tất nhiên cả Trung Quốc.

Nỗ lực để giải thích những trường hợp này bằng việc sử dụng chủ thuyết quản trị tốt là cực kì khó. Người ta có thể diễn dịch lại khái niệm quản trị tốt để bao hàm cả những trường hợp ngoại lệ như chế độ độc tài nhân từ (benevolent dictatorship), nhưng điều này khó có thể chấp nhận được. Hoặc người ta có thể lập luận rằng với sự quản trị tốt, các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc có thể đã phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên điều này thách thức tính hợp lí bởi vì những nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người về dài hạn nhanh nhất thế giới.

Ít nhất trong một số trường hợp nhất định, một khả năng khác là quản trị yếu kém đem lại một lợi ích gì đó. Đặc biệt, các tập đoàn đầu sỏ chính trị (oligarchy) theo định hướng phát triển dường như có khả năng định hướng các chính sách và lựa chọn thể chế nhằm thúc đẩy và duy trì quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng. Trong các điều kiện nhất định, quản trị kém cho phép các tập đoàn đầu sỏ chính trị theo định hướng phát triển như vậy phát triển mạnh, làm giàu không chỉ cho các chính thể đầu sỏ mà cả toàn bộ xã hội nói chung. Điều này có ý nghĩa to lớn cho việc thiết kế các chương trình viện trợ nước ngoài hiệu quả.

Di sản của các đế chế

Nói chung, thuật ngữ “tập đoàn đầu sỏ chính trị” mô tả tình huống mà ở đó một vài cá nhân có đủ ảnh hưởng để có thể hình thành các chính sách kinh tế, và thực tế là cả các thể chế kinh tế chính trị của một quốc gia, theo hướng mang lại lợi thế cho chính bản thân họ. Vị trí và nguồn gốc của những cá nhân này thay đổi từ nước này sang nước khác. Đầu sỏ chính trị có thể là các chính trị gia, các tướng lĩnh, địa chủ, nhà công nghiệp hoặc kết hợp trong số này. Các đầu sỏ chính trị không tham gia chính phủ một cách chính thức có thể sử dụng các biện pháp hợp pháp hoặc bất hợp pháp để gây ảnh hưởng như tài trợ các chiến dịch chính trị, hỗ trợ chính phủ thông qua các cơ quan truyền thông mà họ kiểm soát, cung cấp việc làm lương cao cho các chính trị gia, quan chức về hưu, hoặc đơn giản là thực hiện hối lộ.

Ý tưởng cho rằng các đầu sỏ chính trị khi sử dụng các phương pháp như vậy có thể thúc đẩy phát triển kinh tế có lẽ gây ngạc nhiên vì những phương pháp này là phản dân chủ. Hơn nữa, đầu sỏ chính trị là nguyên nhân nổi tiếng gây nên tình trạng kém phát triển ở rất nhiều quốc gia. Chẳng hạn, nghiên cứu tiêu biểu về so sánh sự phát triển của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, vốn gắn lịch sử thuộc địa của các nước với kết quả phát triển kém của các thế hệ sau này, có thể được hiểu như một sự lên án nạn đầu sỏ chính trị. Trên những vùng đất mà bệnh tật cướp đi sinh mạng của hàng trăm binh sĩ Anh (hay chính những người định cư), người châu Âu không định cư ở đó mà thay vào đó họ tạo ra hệ thống kinh tế chính trị kiểu “bòn rút” (extractive), chẳng hạn như các đồn điền nô lệ. Sau độc lập, những yếu tố quan trọng của các hệ thống này thường vẫn được duy trì, làm giàu cho tập đoàn đầu sỏ chính trị của các nhà lãnh đạo bản địa trong khi khiến người dân bình thường vẫn mãi nghèo. Một ví dụ nổi bật có thể được tìm thấy ở vùng Caribê, nơi các chủ đồn điền bản địa phản đối việc bãi bỏ chế độ nô lệ sau khi đất nước họ giành được độc lập.[8]

Đầu sỏ chính trị trong những hệ thống như vậy có xu hướng thể hiện sự sẵn sàng phản đối ngay cả những yếu tố cơ bản nhất của tiến bộ kinh tế. Trong suốt thế kỉ 19 ở Nga, tầng lớp quý tộc địa chủ đã phản đối công nghiệp hóa, bao gồm cả việc xây dựng các tuyến đường sắt, do biết rằng điều này sẽ làm suy yếu chế độ phong kiến vốn mang lại của cải và quyền lực cho họ. Sự độc lập của Mexico có thể là do tầng lớp người Creole bản địa (tức người gốc Tây Ban Nha được sinh ra tại Mexico – NHĐ) khát khao bảo vệ Mexico khỏi quá trình tự do hóa đang diễn ra lúc đó ở Tây Ban Nha.[9] Tại Pakistan, chính quyền thực dân Anh vốn muốn giữ gìn trật tự đã giao quyền lực vào tay tầng lớp địa chủ phong kiến một cách có chủ ý. Sau khi độc lập, những địa chủ này lo sợ sức mạnh của những người nông dân có học nên đã phản đối ngay cả giáo dục cơ bản. Điều này có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của Pakistan, tuy nhiên nhiều địa chủ không có bất kì dấu hiệu ăn năn nào. Như Mumtaz Bhutto, thành viên của một gia đình địa chủ ở Pakistan, nơi sinh ra hai vị thủ tướng, đã nhận xét: “Pakistan là đất nước của những địa chủ. Tôi xuất thân từ một gia đình phong kiến và không thấy xấu hổ vì điều đó. Trừ khi họ có thể xóa bỏ nông nghiệp và công nghiệp hóa hoàn toàn Pakistan, thì mọi người ở đây vẫn sẽ cần tôi”.[10]

Những người Nga mới

Trường hợp đầu sỏ chính trị nổi tiếng nhất những năm gần đây chắc chắn là nước Nga hậu cộng sản. Sự ra đời của nền dân chủ và tư nhân hóa sâu rộng được mong đợi là sẽ phát huy tiềm năng kinh tế của Nga. Tuy nhiên, trong suốt những năm 1990, nền kinh tế Nga co lại gần 50%, và tuổi thọ trung bình của người Nga giảm từ 69 tuổi xuống còn 65 tuổi.[11] Điều này khiến một số người thắc mắc điều gì đã mất đi trong trường hợp của Nga, bởi vì người ta cho rằng nước Nga vẫn sở hữu những động lực truyền thống cho sự phát triển kinh tế như giáo dục và thị trường mở.

Thành phần bị mất đi ở đây được cho là nền quản trị tốt. Nền dân chủ mới của Nga không được quản lý chặt chẽ dẫn đến các ông trùm công nghiệp, tài nguyên và truyền thông sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để giành quyền sở hữu các tài sản của nhà nước Nga với giá bèo và mang tài sản ra nước ngoài, chuốc lấy cơn giận dữ của công chúng bởi họ trở nên giàu có trong khi đất nước họ ngày càng nghèo hơn. (Đến năm 2004, Mátxcơva có nhiều tỉ phú đô la hơn New York.)[12]

Lúc đầu sự quản trị yếu kém của Nga được xem như một biến cố lịch sử, một sản phẩm phụ của sự sụp đổ chế độ cộng sản đột ngột. Đầu những năm 1990, Chrystia Freeland đã miêu tả hiện tượng này một cách hùng hồn: “Ở một đất nước đầy những quan chức tham nhũng, bảo đảm pháp lí đối với đầu tư yếu kém, và thuế vừa cao một cách không tưởng vừa bị áp đặt một cách tùy tiện, thì chiến thuật của các đầu sỏ chính trị thực sự tạo thành chiến lược kinh doanh hợp lí duy nhất. Tóm lại, dù có vô số tội lỗi, thành phần đầu sỏ chính trị chỉ là một triệu chứng của căn bệnh nước Nga, chứ không phải là bản thân căn bệnh đó.”[13]

Gần đây một số diễn giải đổ lỗi nền quản trị yếu kém của Nga lên đầu các đầu sỏ chính trị. Một lượng nghiên cứu đang phát triển về “chiếm đoạt nhà nước” (state capture) đã khám phá những cách thức mà các đầu sỏ chính trị hình thành môi trường pháp lý, điều tiết và hoạch định chính sách của một quốc gia nhằm đem lại lợi ích cho họ như thế nào.[14] Theo quan điểm này, đầu sỏ chính trị Nga không phải là sản phẩm mà là người tạo ra hệ thống chính trị rối loạn chức năng, phục vụ cho lợi ích thương mại của họ. Các hệ thống đầu sỏ chính trị có xu hướng đặc trưng bởi môi trường kinh doanh bất lợi cho doanh nghiệp nói chung và chỉ thuận lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, do đó những doanh nghiệp này ít phải đối mặt với cạnh tranh và tạo ra lợi nhuận cực lớn. Ví dụ, các hệ thống đầu sỏ chính trị có xu hướng kém phát triển lĩnh vực tài chính, một nhược điểm gây trở ngại cho sự phát triển của các công ty nhỏ.[15]

Mẫu hình này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn ở Ucraina và Philippines, đầu sỏ chính trị sở hữu các tập đoàn đa ngành. Ở Algeria, những kẻ chủ mưu, mà người địa phương gọi là “mafia-chính trị-tài chính” (mafia-politico-financiere) thu lợi từ việc độc quyền thương mại được chính phủ bảo vệ. Các nghiên cứu về các hiện tượng như vậy cho thấy nhiều trường hợp điều tiết quá mức hoặc điều tiết kém đã được hỗ trợ bởi các tầng lớp doanh nhân tinh hoa của quốc gia nhằm ngăn ngừa cạnh tranh. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn nghĩ theo cách này. Tập trung các đầu sỏ chính trị của nước mình lại với nhau vào năm 2000, ông nói với họ: “Tôi chỉ muốn các anh chú ý tới một điều rằng chính các anh đã hình thành nên nhà nước này, ở một mức độ nào đó là thông qua các cấu trúc chính trị và bán chính trị do các anh kiểm soát. Nên điều mà các anh không nên làm là tự đổ lỗi cho chính mình (tức chỉ trích nhà nước – NHĐ)”.[16]

Những “âm mưu tăng trưởng”

Ngược lại với các chế độ hậu thuộc địa hay hậu cộng sản, mặc dù chính thể đầu sỏ ở những quốc gia phát triển nhanh cũng phổ biến nhưng rất ít được chú ý. Điều này là dễ hiểu bởi vì chính thể đầu sỏ của các quốc gia thành công về kinh tế thông thường không tỏ ra đang cản trở sự phát triển. Người ta có thể kết luận một cách hợp lí rằng các chính thể đầu sỏ này yếu, gây nên rất ít ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên một khả năng lớn hơn là những hệ thống đầu sỏ chính trị này không yếu, mà sự hiện diện của họ đã hỗ trợ cho phát triển kinh tế.

Lí do các chính thể đầu sỏ có thể đem lại lợi ích cho sự phát triển là bởi họ đưa ra những lựa chọn chính sách nhất quán. Có nhiều nước đang phát triển đã có những đợt tăng trưởng nhanh chóng về thu nhập bình quân theo đầu người – thực tế hơn 130 quốc gia đạt mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 6% hoặc hơn trong ít nhất 5 năm trong khoảng thời gian từ 1950 đến 2007.[17] Thử thách không phải là đạt được mức tăng trưởng 6% hoặc hơn trong một vài năm mà là phải làm được điều đó trong nhiều thập kỉ. Điều này tạo ra tỉ lệ phát triển theo cấp số nhân, tăng gấp đôi thu nhập trung bình của dân số khoảng 12 năm một lần. Tốc độ tăng trưởng thu nhập theo cấp số nhân này là điều làm cho một số quốc gia trở  nên nổi bật, đó là hiện tượng đã đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo đói trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong vòng một thế hệ. Để đạt được điều này đòi hỏi một sự nhất quán đặc biệt, được duy trì bất chấp những thay đổi trong lãnh đạo chính trị, thay đổi điều kiện toàn cầu, hay các mốt nhất thời về ý thức hệ. Để đạt được sự nhất quán này phải nhờ vào chính thể đầu sỏ. Rốt cuộc, có một sự nhất trí rộng rãi cho rằng các chính thể đầu sỏ có thể nắm vững ảnh hưởng đối với việc hoạch định chính sách, và duy trì nó kéo dài trong nhiều thập kỉ. Và ở các quốc gia đang phát triển, một điều được biết đến rộng rãi là có những nhóm vận động hành lang hỗ trợ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Nếu nhóm vận động hành lang cho cải cách đó trở thành một chính thể đầu sỏ, thì kết quả sẽ là một sự tập trung chính sách kiên định phù hợp với mục đích tăng trưởng. Bởi vì các phương pháp phản dân chủ được sử dụng để phục vụ tiến bộ kinh tế, người ta có thể gọi điều này là một “âm mưu tăng trưởng”.

Có lẽ Nhật Bản là ví dụ nổi bật nhất của âm mưu tăng trưởng như vậy. Bên cạnh tốc độ phát triển mạnh, yếu tố khó hiểu nhất của phép mầu kinh tế Nhật Bản là sự can thiệp kinh tế sâu rộng của chính phủ, điều đáng lẽ đã gây ra sự thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sự can thiệp của chính phủ Nhật vào nền kinh tế được đạo diễn bởi một chính thể đầu sỏ của các công ty tinh hoa mà nhà nước hoạt động vì lợi ích của họ, thì kết quả có thể được gọi là “sự can thiệp của nhà nước theo hướng thị trường”. Trong những trường hợp này, rất khó để xác định nhà nước bắt đầu ở đâu và các công ty kết thúc ở đâu.

Trong nhiều thập kỉ, Nhật Bản về cơ bản là một nền dân chủ độc đảng, do Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Điều này cho phép chính thể đầu sỏ thương mại sử dụng tối đa ảnh hưởng của mình mà không lo sợ thay đổi chính trị. Thật vậy, theo lời của Chitoshi Yanaga, ảnh hưởng ngầm quá quan trọng đối với hệ thống của Nhật Bản đến nỗi chính sách kinh tế được bàn bạc “ở các phòng trà thường xuyên hơn là ở văn phòng thủ tướng”.[18] Một “tam giác sắt” gồm các ngân hàng, tập đoàn, và quan chức thường được hiểu một cách rộng rãi là nơi tập trung quyền lực hoạch định chính sách trên toàn quốc (danh sách này đáng chú ý khi không có mặt các chính trị gia dân cử của Nhật Bản). Các quan chức nghỉ hưu được trao các công việc trong các công ty cao cấp của Nhật, một thực tế phổ biến đến mức có một từ dành riêng cho nó: amikudari (từ thiên đường rơi xuống). Vào cuối những năm 1960, một biểu hiện của chính thể đầu sỏ là các cơ quan quản lí cạnh tranh đã miễn hơn 1.079 các-ten khỏi các quy định chống độc quyền.[19] Đây chính là một dấu hiệu kinh điển của “chiếm đoạt nhà nước”. Tuy nhiên, thay vì đình trệ kinh tế, Nhật Bản đã đạt được tổng mức tăng trưởng kinh tế (thu nhập) theo đầu người hơn 5.500 % trong 30 năm từ 1946 đến 1976.[20]

Điều này là khả dĩ bởi vì chính thể đầu sỏ Nhật theo định hướng tăng trưởng. Họ trông cậy vào thị trường xuất khẩu để phất lên. Thật ra họ có rất ít sự lựa chọn. Những năm sau chiến tranh, chỉ có một vài người thông minh đã trở nên giàu có nhờ bán hàng cho các khách hàng Nhật Bản, ví dụ như Kikumatsu Ogawa, người đã in các cuốn cẩm nang cụm từ tiếng Anh hữu ích để giúp giao tiếp với binh sĩ nước ngoài chiếm đóng (tức lính Mỹ).[21] Tuy nhiên, nhìn chung thị trường xuất khẩu là thị trường duy nhất kiếm được tiền. Bởi vì Nhật có ít tài nguyên, việc đáp ứng nhu cầu của nước ngoài đòi hỏi phải phát triển công nghiệp.

Chính thể đầu sỏ Nhật Bản có tính tư lợi nhưng tính tư lợi của công ty sản xuất theo định hướng xuất khẩu khác với tính tư lợi của công ty tập trung vào thị trường nội địa. Các công ty xuất khẩu phải cạnh tranh trên các thị trường nơi họ không có ảnh hưởng chính trị. Do đó họ phải cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng hoặc thực sự hơi bất lợi cho họ. Để làm được điều này họ không chỉ yêu cầu trợ cấp từ chính phủ mà còn cả cơ sở hạ tầng hiện đại, chính sách kinh tế hợp lí và lực lượng lao động được đào tạo tốt. Không có hy vọng lũng đoạn hệ thống kinh tế Mỹ để làm chậm tăng trưởng của đối thủ cạnh tranh, chính thể đầu sỏ Nhật Bản cần chính phủ áp dụng các thể chế, chính sách kinh tế giúp các doanh nghiệp của họ có khả năng cạnh tranh hơn. Họ cần những chính sách không chỉ biến bản thân họ mà cả đất nước trở nên giàu có đúng lúc.

Trong khi chính thể đầu sỏ Nhật Bản tạo ra ảnh hưởng ngầm thì quyền lực của họ trong việc định hình chính sách thông qua vận động hành lang phòng trà và cung cấp chế độ hưu trí thoải mái cho các quan chức là một bí mật ai cũng biết. Hayato Ikeda, thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 1960-1964 khi tăng trưởng nhanh chóng của đất nước bắt đầu, gọi gọn điều này bằng câu nói “chính phủ là thuyền trưởng và zaikai (giới vận động hành lang của các doanh nghiệp) là la bàn của con tàu”.[22]

Tham nhũng không có hại

Ít có điều nào hiển nhiên hơn thực tế rằng tham nhũng hết sức có hại cho sự phát triển kinh tế – tuy nhiên từ năm 1960 đến 1990, Hàn Quốc vừa là quốc gia có tỉ lệ tham nhũng cao, lại vừa là quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Các ca ngợi dành cho lịch sử kinh tế gần đây của Hàn Quốc có xu hướng không đề cập đến việc hai tổng thống Hàn Quốc, vô số đội ngũ nhân viên của tổng thống, các quan chức cấp cao và doanh nhân bị bỏ tù hoặc trục xuất sau những vụ bê bối về tham nhũng.

Những vụ tham nhũng này ít tiêu cực hơn người ta thường nghĩ bởi vì nó là biểu hiện của chính thể đầu sỏ hoạt động hiệu quả chứ không phải là chế độ độc tài kém hiệu quả. Giống như các công ty Nga, các công ty Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn thường hào phóng đóng góp cho đảng cầm quyền, Đảng Cộng hòa Dân chủ: từ năm 1971 đến 1975, Hyundai đóng góp 57 triệu đô la, Samsung 60 triệu đô la, LG 52 triệu đô la và Daewoo 37 triệu đô la. (Tất nhiên những con số chỉ phản ánh số tiền đóng góp hợp pháp). Đổi lại, các đầu sỏ chính trị Hàn Quốc có được những ảnh hưởng về chính sách và thực sự trở thành một bộ phận cấu thành của nhà nước Hàn Quốc. Năm 1964, 38% trong tổng số các khoản vay ngân hàng – tương đương với 43% tổng cung tiền M1 của nền kinh tế – đã được trao cho duy nhất 9 tập đoàn công nghiệp (chaebol), “tất cả các tập đoàn này đều có các thành viên gia đình nắm các vị trí quyền lực trong đảng cầm quyền hoặc bộ máy hành chính.”[23]

Đây chắc chắn là chủ nghĩa thân hữu. Tuy nhiên, giống như các công ty tiêu biểu của Nhật Bản, các chaebol cũng là những nhà xuất khẩu. Để đạt được sự giàu có trong một nước Hàn Quốc hậu chiến bị tàn phá, họ cần phải tiếp cận thị trường nước ngoài. Để làm được điều đó họ cần không chỉ các khoản vay ngân hàng dễ dàng mà cả một môi trường kinh doanh tuyệt vời tại nước nhà, các nhà cung cấp sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển toàn cầu và một mức tỷ giá hối đoái được định giá thấp. Nhà nước Hàn Quốc đáp ứng các nhu cầu đó, chẳng hạn như hỗ trợ một trong những chương trình giáo dục công thành công nhất thế giới. Kết quả của hệ thống này có thể được nhìn thấy trong thực tế hiện nay khi Hyundai, Samsung, LG là những cái tên xuất hiện trong các gia đình ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

Phải thừa nhận rằng để đạt được những kết quả này, Hàn Quốc phải trả một cái giá. Hàn Quốc không được quản trị tốt và nền chính trị của đất nước thường mang tính độc tài. Các cuộc biểu tình bạo lực của người dân Hàn Quốc đấu tranh đưa ra các yêu cầu chính trị thường xuyên diễn ra là biểu hiện xã hội của điểm yếu về quản trị này. Hàn Quốc dưới sự cai trị của chính thể đầu sỏ chaebol là thiên đường cho việc đầu tư vốn vào sản xuất xuất khẩu chứ không phải cho người lao động hay khách hàng thực sự. Tuy nhiên, đồng thời chính thể đầu sỏ cũng biến thành công kinh tế của Hàn Quốc trở thành hiện thực. Chính thể đầu sỏ, một sản phẩm của quản trị yếu kém, đã thúc đẩy các lựa chọn thể chế và chính sách nhằm tối đa hóa tăng trưởng một cách nhất quán, bất kể các chu kỳ chính trị, các tư tưởng và nhu cầu của các nhóm lợi ích khác.

Tăng cường “âm mưu tăng trưởng”

Khái niệm quản trị tốt

Ủng hộ một cách thận trọng

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Quan tri kem co loi cho phat trien hay khong.pdf


[1]    Foreign Aid in the National Interest: Promoting Freedom, Security and Opportunity (Washington DC: USAID, 2002), p. 6.

[2]    ‘First Get the Basics Right’, Economist, 15 January 2004, http://www.economist.com/node/ 2328624? story_id=2328624.

[3]    Francis Fukuyama, State Building: Governance and World Order in the Twenty-First Century (London: Profile Books, 2004), p. 25.

[4]    ‘Zoellick Seeks Development Reform’, Financial Times, 29 September 2010, http://www.ft.com/ cms/s/0/0dc96fb4-cbe4-11df-bd28-00144feab49a.html#axzz1807yW3Mr.

[5]    ‘Seoul Development Consensus for Shared Growth’, Annex 1, G20 Seoul Summit, 2010, http://media.seoulsummit.kr/contents/dlobo/E3._ANNEX1.pdf.

[6]    Joshua Cooper Ramo, The Beijing Consensus: Notes on the New Physics of Chinese Power (London: The Foreign Policy Centre, 2004).

[7]    Dữ liệu lấy từ Alan Heston, Robert Summers and Bettina Aten, Penn World Table Version 6.3, Center for International Comparisons of Production, Income and Prices, University of Pennsylvania, August 2009, available at http://pwt.econ.upenn.edu/php_site/pwt_index.php. Tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người thực tế được tính trung bình cho các giai đoạn 30 năm từ 1950 đến 2007 cho tất cả các nước và vùng lãnh thổ có dữ liệu nhằm xác định giai đoạn 30 năm nào có tốc độ tăng trưởng thu nhập cao nhất cho từng nước. Kết quả danh sách các nước và tốc độ tăng trưởng thu nhập sau đó được xếp hạng.

[8]    Daron Acemoglu, Simon Johnson and James A. Robinson, ‘The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation’, American Economic Review, vol. 91, no. 5, December 2001, pp. 1,369–1,401.

[9]    Xem James A. Robinson, ‘From Current-Day Russia to Porfirio’s Mexico’, Studies in Comparative International Development, vol. 38, no. 3, Fall 2003, p. 86.

[10]   Shada Islam, ‘Lords of Misrule’, Far Eastern Economic Review, 20 May 1999.

[11]   World Bank World Development Indicators, http://databank.worldbank.org/ddp/home.do.

[12] Paul Klebnikov, ‘The Golden Hundred’, Forbes, 22 July 2004, http://www.forbes.com /2004/07/21/cz_pkl_0721russianintro.html.

[13]   Chrystia Freeland, ‘Not-so-Badfellas’, New Republic, 11 April 1994.

[14]   Ví dụ, xem Joel Hellman, Geraint Jones and Daniel Kaufmann, ‘Seize the State, Seize the Day: State Capture, Corruption and Influence in Transition’, World Bank Policy Research Working Paper 2444, September 2000.

[15] Raghuram Rajan and Luigi Zingales, Saving Capitalism from the Capitalists (New York: Crown Business, 2003).

[16]   Trích trong Hellman, Jones and Kaufmann, ‘Seize the State, Seize the Day’, p. 1.

[17]   Như ở trên các con số này dựa trên dữ liệu tăng trưởng thu nhập đầu người thực tế lấy từ Penn World Table Version 6.3.

[18]   Chitoshi Yanaga, Big Business in Japanese Politics (New Haven, CT: Yale University Press, 1968), p. 33.

[19] Kotaro Suzumura, ‘Formal and Informal Measures for Controlling Competition in Japan: Institutional Overview and theoretical Evaluation’, in J. David Richardson and Edward M. Graham (eds), Global Competition Policy (Washington DC: Peterson Institute for International Economics, 1997), p. 447.

[20]   Các con số này dựa trên dữ liệu tăng trưởng thu nhập đầu người thực tế lấy từ Penn World Table Version 6.3.

[21]   Cụm từ đầu tiên trong cuốn sách của Ogawa là “thank you!”, và cụm từ thứ hai là “Thank you, awefully!” Xem John Dower, Embracing Defeat: Japan in the Wake of World War II (New York: Norton, 1999).

[22] Richard L. Carson, Comparative Economic Systems, Volume 2, Transition and Capitalist Alternatives, 2nd ed. (Armonk, NY: M.E. Sharpe, 1990), p. 195.

[23] David Kang, ‘Bad Loans to Good Friends: Money Politics and the Developmental State in South Korea’, International Organisation, Winter 2002, p. 189.