#123 – Tiếp cận thị trường và thương mại nông nghiệp: Tiêu chuẩn kép của các nước giàu

Print Friendly, PDF & Email

http://www.dreamstime.com/-image1626868

Nguồn: Oxfam (2002). ”Market Access and Agricultural Trade: The Double Standards of Rich Countries” (Ch. 4), in Oxfam, Rigged Rules and Double Standards: Trade, Globalisation, and the Fight against Poverty (pp. 95-121).>>PDF

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Tuấn Anh (lược dịch)

Thương mại có thể tạo ra động lực mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Để động cơ này hoạt động, các nước nghèo cần tiếp cận thị trường của các nước giàu. Mở rộng tiếp cận thị trường có thể giúp các quốc gia tăng trưởng kinh tế cùng lúc với việc tạo ra cơ hội cho người nghèo. Điều này đặc biệt [đúng] với sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động vì cuộc sống của nhiều người sống dưới mức nghèo khổ tập trung ở khu vực này.

Không may thay là tự do hóa thương mại trong toàn cầu hóa không hoạt động vì lợi ích của người nghèo. Như chương 5 giải thích, các quốc gia đang phát triển tự do hóa nhập khẩu một cách nhanh chóng, trong khi đó, các nước giàu mặc dù có tuyên bố của chính phủ về thị trường tự do, vẫn là ngưởi bảo hộ kiên quyết trong cách tiếp cận đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Những chính sách bảo hộ này là một trong lý do tại sao hội nhập vào thị trường thế giới lại không đưa lại lợi ích đầy đủ cho nước nghèo. Thuế quan và hệ thống phi thuế quan trừng phạt các nước đang phát triển trong những lĩnh vực mà các quốc gia này có nhiều lợi thế. Các nước nghèo tìm cách tiếp cận thị trường các nước phương Bắc đối với mặt hàng chế tạo sẽ phải đối mặt với hàng rào thương mại cao hơn 4 lần so với các nước cạnh tranh giàu có khác.

Giảm các rào cản thương mại ở các nước giàu không tự động tăng thị phẩn của các nước đang phát triển. Nhiều nhà sản xuất- đặc biệt ở các nước thu nhập thấp- thiếu cơ sở hạ tầng, kỹ năng và khả năng tận dụng cơ hội thị trường. Tuy nhiên, khi mở cửa thị trường kết hợp với các biện pháp tăng khả năng cung ứng, việc đạt được lợi ích cơ bản là khả thi. Thiếu khả năng tiếp cận đất đai, tín dụng và thông tin thị trường và đối mặt với chi phí vận tải cao, các khu nông thôn nghèo là nơi cuối cùng hưởng lợi từ cơ hội do thương mại tạo ra. Điều đó lý giải tại sao Chính phủ các quốc gia đang phát triển có trách nhiệm thực hiện các chương trình phát triển nông thôn giúp tái phân bổ cơ hội cho người nghèo và giải quyết các rào cản cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt.

Phần đầu của chương này sẽ nêu ra mức độ bảo hộ do các nước thu nhập cao áp dụng. Điều này được thực hiện thông qua “chỉ số tiêu chuẩn kép” (Double Standard Index – DSI) – thước đo khoảng cách giữa nguyên tắc thị trường tự do và thực tiễn bảo hộ. DSI đo các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Xếp hạng dựa theo thang đo đơn giản, EU đứng đầu về chỉ số DSI, mặc dù đang bị Hoa Kỳ thách thức, cùng với Canada và Nhật Bản xếp ngay phía sau.

Phần thứ 2 xem xét ngành dệt may, vốn tiếp tục là ngành sản xuất hàng qua chế biến đòi hỏi nhiều sức lao động quan trọng nhất đối với thế giới [các nước] đang phát triển. Sản xuất xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm, đặc biệt là đối với lao động nữ. Tuy nhiên, hạn chế về xuất khẩu có nghĩa là lương thấp, điều kiện làm việc kém hơn và thất nghiệp. Như trong ngành nông nghiệp, các nước giàu cam kết xóa bỏ trợ cấp trong ngành dệt và may mặc nhưng các nước này còn rất chậm so với kế hoạch.

Phần 3 tập trung vào nông nghiệp. Thương mại nông nghiệp là [vấn đề] sống còn với nghèo đói vì hơn 2/3 người nghèo ở các nước đang phát triển sống ở nông thôn. Thêm nữa, phụ nữ chiếm tỷ trọng lớn về lao động nông nghiệp. Thị trường quốc tế là nguồn cầu quan trọng đối với các nước đang phát triển, giúp hỗ trợ đời sống và cải thiện kinh tế nông thôn. Chủ nghĩa bảo hộ phương Bắc đã phá hoại nhu cầu và làm bất ổn thị trường nội địa. Mặc dù đã hứa cắt giảm trợ cấp nông nghiệp, chính phủ các nước giàu đã tăng trợ cấp nông nghiệp tới mức kỷ lục. Kết quả là nhà sản xuất ở các nước đang phát triển đã mất thị trường toàn cầu và đối mặt với sự cạnh tranh mang tính phá hủy từ hàng xuất khẩu được trợ cấp tại thị trường trong nước. Sử dụng một chỉ số mới để đo lường khoảng cách giữa chi phí sản xuất và giá xuất khẩu – chỉ số Ước tính Phá giá Xuất khẩu (Export Dumping Estimate – EDE) – chúng tôi nêu bật mức độ cạnh tranh bất bình đẳng giữa nông nghiệp quy mô lớn của các nước phương Bắc và nông nghiệp các nước đang phát triển. Chương này sẽ kết thúc bằng việc đặt ra một lộ trình cải cách.

Cái giá của sự bảo hộ phương Bắc

Rào cản thương mại ở các nước giàu gây nên chi phí thực tế cho người nghèo ở các quốc gia nghèo. Các cộng đồng dễ bị tổn thương bị từ chối cơ hội gặt hái được các lợi ích của việc hội nhập vào thị trường thế giới. Người nghèo nói chung và phụ nữ nói riêng là những người gánh chịu vì họ sản xuất hàng hóa dễ bị tác động bởi rào cản nhập khẩu: sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Phụ nữ chiếm 62% lao động trong nông nghiệp ở các nước đang phát triển và chiếm 70% lao động ở khu chế xuất (Chen và đồng sự, 1999).

Những thua thiệt tài chính cùng với hạn chế xuất khẩu ở nước giàu vượt qua lợi ích thu được từ viện trợ. Thuế nhập khẩu, một vũ khí ít quan trọng nhất trong số các công cụ bảo hộ của các nước giàu, làm thiệt hại cho các nước đang phát triển khoảng 43 tỷ USD mỗi năm (Anderson và đồng sự, 2001). Tổng chi phí của các rào cản thương mại (gồm hàng rào thuế quan, phi thuế quan, các biện pháp chống phá giá và tiêu chuẩn sản phẩm) làm tăng gấp đôi con số này, khoảng 100 tỷ USD mỗi năm hoặc tương đương với hơn 2 lần tổng số viện trợ phát triển.

Những con số này chưa đề cập tới tác động thực sự đối với người nghèo. Con số đó không phản ánh chi phí của chính sách bảo hộ xét về làm giảm cơ hội việc làm, giảm thu nhập đối với hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe hoặc thiệt hại kinh tế trong dài hạn kết hợp với hạn chế cơ hội đầu tư. Con số này cũng không nói lên ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với những hộ gia đình rất nghèo. Vì chính phủ các nước phương Bắc áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu mang tính trừng phạt đối với hàng hóa do người nghèo sản xuất, các chính phủ này đã làm giảm một cách có hệ thống vai trò của thương mại như là chất xúc tác cho xóa đói nghèo.

Trong ngành nông nghiệp, nơi 2/3 người nghèo ở các nước đang phát triển đang sống và làm việc, chính sách của các nước công nghiệp (bao gồm thuế và trợ cấp) đã làm phúc lợi hàng năm đối với các nước đang phát triển giảm 10 tỷ USD, hoặc 40% giá trị viện trợ (Ngân hàng Thế giới, 2001). Các hàng hóa đòi hỏi nhiều lao động đối mặt với sự phân biệt đối xử nặng nề tương đương. Những tổn thất mà chỉ riêng những nhà xuất khẩu hàng dệt may gánh chịu đã lên tới trên 30 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu hàng dệt may là nguồn thu ngoại tệ chính của nhiều nước nghèo cũng như nguồn việc làm cho hàng triệu nữ công nhân.

Vì vậy, việc cải thiện trong tiếp cận thị trường ở những ngành đòi hỏi nhiều lao động đã có tác động tiềm tàng tới việc gia tăng bình đẳng cho nữ giới. Vì phụ nữ có xu hướng sử dụng nhiều thu nhập để tăng phúc lợi của trẻ em và gia đình hơn so với nam giới, những lợi ích từ việc cải thiện tiếp cận thị trường có thể lan tỏa rộng trong xã hội. Ngoài việc gây nạn thất nghiệp, sự không ổn định do chính sách hạn chế tiếp cận thị trường có thể đẩy người sử dụng lao động giảm chi phí lao động bằng việc giảm tiêu chuẩn và sử dụng lao động linh hoạt hơn, và điều này làm giảm quyền lợi của người lao động.

Kể từ vòng đàm phán Uruguay, các nước công nghiệp đã từng bước giảm rào cản thương mại. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng lo ngại của việc chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Đề xuất mới đây của Ủy ban thương mại Quốc tế (ITC) của Hoa Kỳ nhằm nâng thuế nhập khẩu thép lên 40% để bảo vệ ngành công nghiệp thép yếu kém của Hoa Kỳ chỉ là một ví dụ về tiêu chuẩn kép mà các nước giàu sử dụng để bảo vệ lợi ích thương mại của riêng họ. Nếu việc này được thực thi thì biện pháp tăng thuế sẽ tác động tới một số nước đang phát triển xuất khẩu thép tới Hoa Kỳ gồm Mêhicô, Braxin, Nam Phi và Achentina, trong số này nhiều nước đang phải đối mặt với hạn chế chống phá giá của Hoa Kỳ đối với hoạt động xuất khẩu thép.

Các rào cản thương mại phương Bắc cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng vì phần lớn kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển là hướng tới thị trường của các nước công nghiệp. Năm 2000, trên 50% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Châu Á, 75% kim ngạch xuất khẩu của Châu Mỹ Latinh và 70% kim ngạch của Châu Phi là tới thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ hoặc Nhật Bản (WTO, 2001a). Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại áp dụng các rào cản thương mại đối với chính các nước đang phát triển khác. Các rào cản này đã hạn chế sự phát triển của thương mại Nam – Nam, làm giảm nguồn gốc tiềm tàng của sự năng động về kinh tế và tạo việc làm.

Việc cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của các nước nghèo là điều căn bản nhưng chỉ một biện pháp đó là không đủ để tạo tác động tích cực đối với việc làm và cơ hội sinh kế. Cơ sở hạ tầng, kỹ năng và tài sản sản xuất (productive assets) là sống còn nếu muốn người nghèo được hưởng lợi. Cần tăng viện trợ phát triển hướng vào mục tiêu giải quyết những hạn chế về phía cung ở các nước nghèo hơn; điều này nên được bổ sung bằng các chính sách phát triển quốc gia nhằm giúp người nghèo tận dụng cơ hội thị trường trong những điều kiện có lợi hơn.

Chỉ số tiêu chuẩn kép

Một trong những vấn đề khi đánh giá các rào cản thương mại là các rào cản này mang nhiều hình thái và quy mô. Điều này khiến cho việc so sánh các thiệt hại đối với các nước đang phát triển do một nước công nghiệp phát triển đơn lẻ gây ra trở nên khó khăn, do những nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia phát triển rất giỏi trong việc lập luận rằng các vấn đề (bảo hộ) của một ngành được cân bằng lại bởi sự hào phóng ở một ngành khác. Để nỗ lực phát triển một chỉ số so sánh tương đối tổng thể, Oxfam đưa ra “Chỉ số tiêu chuẩn kép” (DSI). Về cơ bản, chỉ số này đo lường mức độ bảo hộ trong chính sách thương mại do các nước giàu và có ảnh hưởng lớn trong thương mại áp dụng chống lại hàng hóa từ các nước đang phát triển. Chúng tôi gọi nó là Chỉ số tiêu chuẩn kép vì chỉ số này làm nổi bật khoảng cách giữa các nguyên tắc của tự do thương mại và các biện pháp bảo hộ. Chỉ số này xếp hạng thị trường 4 nước công nghiệp chính (nhóm Bộ tứ) theo 10 chỉ số. Các chỉ số này bao gồm biện pháp đo lường tiêu chuẩn về thuế quan (bao gồm tỷ lệ thuế bình quân áp dụng với các nước đang phát triển), phạm vi của mức thuế cao nhất áp dụng vượt quá 15%, thuế lũy tiến [tariff escalation], trợ cấp nông nghiệp, các bước áp dụng khi hạn chế nhập khẩu hàng dệt may bị bãi bỏ và hoạt động chống bán phá giá.

Hình 4.2 cho thấy tóm lược về chỉ số tiêu chuẩn kép. Sơ đồ này cho thấy xuất khẩu hàng nông sản và sản phẩm chế tạo sử dụng nhiều lao động của các nước đang phát triển phải đối mặt với rào cản cao hơn khi họ thâm nhập vào thị trường của các nước phương Bắc hơn là sản phẩm công nghiệp mà chủ yếu do các nước công nghiệp xuất khẩu. Các nước nghèo nhất phải đối với mặt rào cản cao nhất. Các nước công nghiệp áp dụng mức thuế đối với hàng chế tạo từ nước đang phát triển cao hơn 4 lần so với mức thuế từ các quốc gia công nghiệp.

Kết quả chi tiết của tiêu chuẩn kép được mô tả qua Bảng 4.1. Qua đó có thể thấy một số kết quả như sau:

  • 30% kim ngạch nhập khẩu của Canada và 15% kim ngạch nhập khẩu của EU từ các nước kém phát triển phải đối mặt với mức thuế cao nhất (vượt quá 15%).
  • Mức thuế bình quân đối với những hàng hóa chịu mức thuế cao nhất dao động trong mức từ 21% đối với Hoa Kỳ và 40% đối với EU.
  • Trợ cấp nông nghiệp chiếm 1/4 giá trị sản phẩm nông nghiệp ở Hoa Kỳ, 40% ở EU và 60% ở Nhật Bản.
  • Thuế bình quân đối với sản phẩm nông nghiệp qua chế biến được xuất khẩu vào Nhật Bản và Canada cao hơn 3 lần so với sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến.
  • Mức thuế đối với sản phẩm nông nghiệp bình quân đạt gần 10% ở Canada và Mỹ, đạt 20% ở EU và Nhật Bản.
  • EU và Hoa Kỳ chỉ xóa bỏ 1/4 hạn ngạch nhập khẩu dệt may mà các nước này cam kết loại bỏ theo cam kết Hiệp định Dệt may của WTO.
  • Trong số các nước này, Hoa Kỳ và EU đã tiến hành 234 vụ chống bán phá giá đối với các nước đang phát triển trong 5 năm qua kể từ khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc.

Nếu tính riêng, mỗi hạn chế thương mại được xem xét trong Chỉ số tiêu chuẩn kép thực tế làm tổn hại cho các nước đang phát triển rất nhiều. Nếu xem xét cùng nhau, Chỉ số tiêu chuẩn kép giúp giải thích tại sao các nước đang phát triển không thể tăng thị phần trên thị trường thế giới và tại sao mối liên hệ giữa thương mại quốc tế và xóa đói nghèo lại yếu. Trong khi không quốc gia công nghiệp nào đáp ứng được những yêu cầu trong thương mại với các nước đang phát triển, một số nước công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn bất bình đẳng hơn một số nước khác. Trong đó, EU là bên vi phạm đứng đầu, theo ngay sau đó là Hoa Kỳ.

Chi phí của chủ nghĩa bảo hộ phương Bắc có thể ước tính thông qua mô hình kinh tế dự báo lợi ích tiềm tàng từ việc tự do hóa nhập khẩu. Một mô hình như vậy cho thấy nếu các nước công nghiệp thực hiện tự do hóa nhập khẩu hoàn toàn trong giai đoạn 2000-2005 sẽ tạo ra lợi ích sau (Anderson và đồng sự, 2001):

  • Trên 3 tỷ USD đối với Ấn Độ, Trung Quốc và Braxin;
  • Trên 14 tỷ USD đối với các nước Châu Mỹ Latinh;
  • Trên 2 tỷ USD đối với các nước tiểu vùng Sahara;
  • Trên 600 triệu USD cho Indonesia.

Mặc dù có vẻ to lớn nhưng các con số này chưa đề cập hết được lợi ích tiềm tàng thu được từ giảm các rào cản thương mại. Điều này là do các con số này không tính tác động tích cực đối với đầu tư và năng động do các cơ hội thị trường mới tạo ra. Trong trường hợp của Braxin, theo một cuộc điều tra, chỉ tính riêng 9 nhóm sản phẩm, ước tính lợi ích thu được là 831 triệu USD nếu rào cản thương mại của Hoa Kỳ được dỡ bỏ.

Các rào cản thương mại ở các nước công nghiệp tác động mạnh nhất đối với các nước nghèo nhất trên thế giới. Nhóm 48 nước kém phát triển chịu mức thuế bình quân cao hơn 20% so với mức thuế áp dụng cho các nước khác khi xuất khẩu tới các quốc gia công nghiệp. Mức thuế này tăng lên 30% đối với hàng chế tạo (Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, 2001a). Các nước kém phát triển thua thiệt mỗi năm 2,5 tỷ USD thu nhập xuất khẩu tiềm năng do mức thuế bảo hộ cao ở Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Những khoản thiệt hại trong kim ngạch xuất khẩu của các nước kém phát triển do chủ nghĩa bảo hộ ở các nước công nghiệp được bù đắp bằng khoản viện trợ dành cho những nước này. Năm 1999, Bộ Tứ đã dành cho các nước kém phát triển gần 10 tỷ USD viện trợ. Nhưng cứ 4 USD viện trợ, nước tài trợ lấy đi 1 USD thông qua việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng xuất khẩu của các nước kém phát triển. Sự không nhất quán giữa chính sách thương mại và phát triển của các nước công nghiệp có thể đạt đến mức vô lý như sau: các hạn chế thương mại của Canada gây thiệt hại cho các nước đang phát triển xấp xỉ 1,6 tỷ USD doanh thu xuất khẩu, gấp khoảng 5 lần mức viện trợ của Canada cho các nước kém phát triển (Oxfam Quốc tế 2001a).

Cải thiện các cơ hội tiếp cận thị trường có thể làm đảo ngược tiến trình bị gạt ra bên lề của các nước kém phát triển trong thương mại quốc tế. Nếu có tiếp cận không thuế và không hạn ngạch dành cho hàng xuất khẩu của các nước kém phát triển mà hiện tại đang chịu mức thuế suất đỉnh có thể làm tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước này 11% (Hoekman và đồng sự, 2001). Các lợi ích này đạt được từ việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của các nước kém phát triển tới thị trường Hoa Kỳ và Canada. Các nhà xuất khẩu nông sản ở các nước kém phát triển cũng đạt lợi ích từ việc cải thiện tiếp cận thị trường EU và Nhật Bản đặc biệt là mặt hàng đường và ngũ cốc. Các chi phí của các quốc gia đang phát triển sẽ là nhỏ nhất, chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với các quốc gia công nghiệp, tự do tiếp cận thị trường sẽ tạo ra lợi ích đối với người tiêu dùng và giảm thiểu chi phí cho các nhà sản xuất. Ngược lại, việc tăng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia kém phát triển sẽ được chuyển thành những cơ hội việc làm và sinh kế quan trọng cho người nghèo cũng như tăng doanh thu cho các Chính phủ ở các nước nghèo.

Bất chấp chi phí điều chỉnh của việc cải thiện tiếp cận thị trường ở mức khiêm tốn và các lời tuyên bố trịnh trọng của Chính phủ các nước phương Bắc, rất ít tiến bộ được thực hiện. Các quốc gia công nghiệp đã lặp đi lặp lại các cam kết đối với việc cho phép tất cả hàng xuất khẩu từ các quốc gia nghèo nhất được tự do tiếp cận thị trường của họ. Nhưng phần lớn các sáng kiến của các nước này cho tới nay đã loại trừ các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu được các nước kém phát triển quan tâm. Chỉ có New Zealand là mở cửa thị trường đầy đủ nhất đối với tất cả sản phẩm từ các nước kém phát triển.

Áp lực bảo hộ do các nhóm vận động hành lang mạnh là một trong những nhân tố cản trở sự phát triển của cơ hội tiếp cận thị trường. Sáng kiến năm 2001 “Tất cả trừ vũ khí” của Liên minh Châu Âu (EBA) ban đầu được dự kiến cung cấp khả năng tiếp cận thị trường tự do ngay lập tức với tất cả các hàng hóa không phải hàng quân sự từ các nước kém phát triển. Tuy nhiên, do chiến dịch vận động của các nhà sản xuất Châu Âu và các nhà xuất khẩu truyền thống Caribê, những người vốn lo sợ họ sẽ mất thị phần vào tay những nhà xuất khẩu từ các nước kém phát triển, dự định này đã được sửa đổi khiến việc tiếp cận thị trường tự do cho 3 sản phẩm quan trọng của các nước kém phát triển (gạo, đường và chuối) sẽ trì hoãn thêm 8 năm.

Với sự ra đời của EBA, một vài nước chậm phát triển đã có được cơ hội xuất khẩu. Ví dụ, [mặc dù] đã bị loại khỏi thị trường EU đối với mặt hàng đường, Mozămbic đã giành được một số tiếp cận thị trường EU (dù bị hạn ngạch) trong thời hạn chuyển đổi 8 năm tính đến năm 2009. Điều này được kỳ vọng là đem lại thị trường xuất khẩu mới cho vài trăm ngàn tấn đường của Mozămbic mỗi năm và tạo ra thêm 8.000 việc làm mới trong các nhà máy và đồn điền mía. Số công việc này sẽ đem lại lợi ích cho người nghèo ở nông thôn nơi có rất ít cơ hội việc làm và giúp cải thiện kinh tế nông thôn (Hazeleger 2001, Hanlon 2001). Tuy nhiên, việc tiếp cận không hạn chế sẽ đưa lại nhiều lợi ích hơn.

Các rào cản mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt

Chỉ số DSI cho thấy hàng loạt rào cản thương mại gây khó khăn cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên do chỉ số này mới chỉ đề cập tới mức trung bình chung nên chưa đề cập tới quy mô của sự bảo hộ cũng như chi phí ngầm định đối với các nước đang phát triển. Các rào cản cao nhất bao gồm thuế, mức tăng thuế lũy tiến (tariff escalation), hàng rào phi thuế quan, tiêu chuẩn sản phẩm và các biện pháp chống phá giá.

Thuế

Thuế được áp dụng với sản phẩm nhập khẩu vào một quốc gia. Bởi vì thuế làm tăng giá bán của hàng nhập khẩu so với hàng trong nước nên thuế bảo vệ nhà sản xuất sản phẩm cùng loại hoặc tương tự trong nước (và các nhà cung cấp) khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài. Thuế cũng đem lại nguồn thu cho Chính phủ.

Các nước công nghiệp giảm mức thuế bảo hộ trung bình của họ từ 18% vào đầu những năm 1980 xuống còn 5% vào năm 1999. Tuy nhiên, mức thuế đối với một số mặt hàng được các nước đang phát triển như các sản phẩm nông sản chính, thuốc lá, một số đồ uống, hoa quả, rau, sản phẩm công  nghiệp thực phẩm gồm cả nước hoa quả và thịt hộp và dệt may, quần áo và giầy dép chịu mức thuế cao hơn so với mức thuế bình quân (Ngân hàng Thế giới, 2001). Các loại thuế này được gọi là thuế đỉnh và có thể vượt 100% hoặc cao hơn. Liên minh Châu Âu đã áp dụng mức thuế 250% đối với sản phẩm thịt và Hoa Kỳ và Canada áp dụng mức thuế trên 120% với lạc (đậu phộng) và sản phẩm thịt. Giày da nhập khẩu vào thị trường Nhật cũng chịu mức thuế chuẩn là 160% với một số lượng hạn chế hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển được phép vào với mức 1/2 mức thuế này.

Thuế lũy tiến

Thuế lũy tiến thường nguy hiểm vì nó tăng cùng với mức độ chế biến [của sản phẩm]. Thuế này có tác động không khuyến khích đầu tư hướng vào giá trị gia tăng đồng thời không khuyến khích đa dạng hóa. Điều này khiến các quốc gia đang phát triển bị sa lầy vào thị trường hàng hóa thứ cấp có đặc trưng là giá thấp và ngày càng giảm. Như trình bày trong chương 3, đây là điều làm cho các nước kém phát triển bị gạt ra bên lề trong thương mại quốc tế. Việc loại bỏ thuế lũy tiến sẽ đảm bảo cho các nước đang phát triển kiếm được thị phần lớn hơn từ giá trị cuối cùng của kim ngạch xuất khẩu và điều đó tạo ra việc làm và cơ hội đầu tư.

Ngành chế biến thực phẩm là ngành chịu tác động bởi thuế lũy tiến. Các sản phẩm qua chế biến phải chịu mức thuế cao gấp hai lần sản phẩm sơ chế tại thị trường EU và Nhật Bản. Tại Canada, thuế đối với thực phẩm chế biến cao hơn thực phẩm chưa qua chế biến tới 13 lần. 30% số dòng thuế cao nhất ở thị trường EU là để bảo hộ ngành thực phẩm. Mức thuế này thay đổi từ 12% tới 100%, tác động tới sản phẩm chế biến từ đường, ngũ cốc và hoa quả đóng hộp. Tình hình ở Hoa Kỳ tương tự trong đó ngành thực phẩm chiếm 1/6 các loại thuế cao nhất, gồm nước cam (30%) và bơ lạc (132%). 40% trong số mức thuế cao nhất ở Nhật bản nhằm bảo hộ ngành thực phẩm, có tác động tới nhiều sản phẩm từ bột cacao tới thịt hộp và nước hoa quả (UNTACD 2000a).

Mặc dù ngành thực phẩm là ngành xuất khẩu chính với nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng phần lớn hàng xuất khẩu của các quốc gia này tập trung vào sản phẩm qua sơ chế lần đầu, giá trị tương đối thấp. Các loại thực phẩm qua chế biến ở mức cao chỉ chiếm 5% tổng số kim ngạch xuất khẩu của các nước kém phát triển và 17% kim ngạch của các nước đang phát triển. Đối lập lại, các sản phẩm thực phẩm qua chế biến ở mức cao chiếm 32,5% kim ngạch xuất khẩu của các nước công nghiệp (như trên).

Các rào cản phi thuế quan

Các rào cản phi thuế quan thường là cản trở lớn hơn đối với xuất khẩu của các nước đang phát triển hơn là thuế quan. Các rào cản phi thuế quan bao gồm hạn chế định lượng như hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu theo mùa, quy định xuất xứ (xem mục tiêu đề “Cải thiện tiếp cận thị trường EU và Hoa Kỳ”) và hàng loạt tiêu chuẩn sản phẩm. Các rào cản phi thuế quan cũng có hiệu lực như thuế quan trong việc hạn chế xuất khẩu từ các nước đang phát triển nhưng kém minh bạch hơn. Ví dụ như mức bảo hộ đối với các ngành công nghiệp ở Châu Âu tăng từ 5,1% nếu chỉ tính riêng thuế, nhưng nếu tính cả thuế và rào cản phi thuế quan thì mức này là 9% (Messerlin 2001).

Sự tẩy chay của người tiêu dùng cũng có thể coi như là một biện pháp phi thuế quan không chính thức nhưng khá hiệu quả với tác động gây phá hoại thương mại của các nước đang phát triển. Ví dụ, các chiến dịch của một nhóm gây áp lực ở Hoa Kỳ tên là “Những người ủng hộ sự đối xử có đạo đức với động vật” (PETA) chống lại việc sử dụng sản phẩm da sản xuất tại Ấn Độ với lý do cho rằng điều này thể hiện sự tàn bạo (đối với động vật). Kết quả là việc cấm sử dụng sản phẩm da của Ấn Độ do các nhà nhập khẩu của Châu Âu và Mỹ gồm Gap, Marks và Spencer và Clarks đã làm xuất khẩu da của Ấn Độ giảm 7% cùng với tác động tiêu cực lên đời sống của hơn 2,5 triệu lao động làm việc trong ngành này.

Tiêu chuẩn sản phẩm

Khi các nước đang phát triển xuất khẩu tới các nước công nghiệp, các nước đang phát triển phải tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe rất nghiêm ngặt đặc biệt áp dụng với sản phẩm nông nghiệp. Phần lớn tiêu chuẩn này thực sự bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định này có thể áp dụng theo cách làm giảm khả năng các nước đang phát triển tận dụng cơ hội xuất khẩu và để các nước này bị loại ra ngoài các thị trường quan trọng. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (Otsuki và cộng sự, 2001) cho thấy việc thực thi các quy định bảo vệ người tiêu dùng khỏi aflatoxin (một chất gây ung thu xuất hiện tự nhiên) sẽ làm các nhà xuất khẩu lạc, ngũ cốc và hoa quả khô thiệt hại 670 triệu USD mà không tạo ra bất kỳ lợi ích đáng kể nào cho sức khỏe cộng đồng.

Tiêu chuẩn sản phẩm gây ra nhiều vấn đề đối với các nước đang phát triển vì các nước này thường không có đủ năng lực để tuân thủ. Các quy định đối với tiêu chuẩn sản phẩm có thể phức tạp và đòi hỏi hiểu biết chi tiết về pháp luật và khoa học để hiểu được. Tiêu chuẩn sản phẩm bao gồm hàng loạt nội dung từ yêu cầu đóng gói tới chất phụ gia cho phép, vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn chế biến tới dư lượng thuốc trừ sâu. Việc giám sát và thực thi tiêu chuẩn sản phẩm đòi hỏi một trình độ về kinh nghiệm khoa học và kỹ thuật vốn không dễ có ở các nước nghèo.  Đáp ứng các tiêu chuẩn này không hề rẻ: chi phí đáp ứng các yêu cầu về luật pháp bào gồm kiểm tra và xác nhận có thể chiếm tới 10% tổng chi phí sản xuất đối với một số nông phẩm (DFID 2001). Thậm chí các nhà xuất khẩu ở các nước phát triển cũng khó đáp ứng tiêu chuẩn. Ví dụ các nhà xuất khẩu hoa quả tươi của Hoa Kỳ thường phàn nàn rằng EU áp dụng các quy định với sản phẩm một cách nghiêm ngặt và sử dụng các tiêu chuẩn này về cơ bản như các biện pháp phi thuế quan (BER 2001).

Trong một số trường hợp, tiêu chuẩn sản phẩm có tác động bảo hộ vượt mức, hoặc là về hình thức hoặc là về ý định. Xét trường hợp của cá da trơn của Việt Nam. Trong một số năm trở lại đây, người nông dân nuôi cá ở Việt Nam đã có được cuộc sống tử tế nhờ việc xuất khẩu sản phẩm này tới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tháng 9/2001, chiến dịch do ngành nuôi cá da trơn của Hoa Kỳ khiến Quốc hội thay đổi định nghĩa về cá da trơn để loại trừ cá da trơn của Việt Nam mặc dù theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì chưa có cơ sở khoa học nào đối với quyết định này. Sự hạn chế này đã đe dọa tới đời sống của 15.000 hộ gia đình ở Việt Nam những người đã đầu tư hết khoản tiền kiệm cả đời của mình vào những lồng nuôi cá dùng cho sản xuất.

Tiêu chuẩn sản phẩm đe dọa tới đời sống một cách nghiêm trọng. Các tổ chức đấu tranh vì thương mại công bằng đã thúc đẩy chương trình có quy mô nhỏ sản xuất mật ong ở Châu Phi đã thấy những nỗ lực của họ chịu ảnh hưởng bởi quy định của EU về dư lượng thuốc trừ sâu. Trong một số trường hợp, các biện pháp cảnh báo được tiến hành một cách thái quá. Năm 1997, EU phản ứng với việc bùng nổ tiêu chảy ở Đông Phi bằng cách cấm nhập khẩu cá từ bất kỳ quốc gia mà không cần điều tra ban đầu về thiệt hại tiềm tàng. Ngay sau sự can thiệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng cá không phải là nguyên nhân truyền bệnh tiêu chảy, lệnh cấm trên mới được dỡ bỏ. Không may, thiệt hại do lệnh cấm này đã phát huy tác dụng. Xuất khẩu cá của Kenya đã giảm 1/3 và làm ảnh hưởng tới đời sống của 40.000 ngư dân Kenya và gia đình họ cũng như ngành chế biến và các ngành có liên quan khác.

Các biện pháp chống bán phá giá

Hiệp định chống bán phá giá của WTO cho phép các nước thành viên được tự bảo vệ khỏi cạnh tranh không công bằng của các sản phẩm bị bán phá giá. Theo nghĩa rộng, hiệp định này ngăn chặn các quốc gia, các công ty đạt được lợi thế không công bằng từ việc bán sản phẩm ở mức giá rất thấp, ví dụ thông qua trợ giá. Không may thay, bản thân hiệp định này khá mơ hồ khi cho phép các quốc gia bắt đầu các hành động chống bán phá giá ngay cả với những lý do không chính xác và các nước đang phát triển thường là mục tiêu chính.

Bán phá giá được định nghĩa là sản phẩm bán ở nước ngoài có gía thấp hơn sản phẩm đó khi bán ở thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Hiệp định WTO cho phép các nước thành viên đáp trả việc bán phá giá bằng cách áp dụng khoản phạt hoặc thuế chống bán phá giá vốn sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu so với giá tại thị trường trong nước. Các cuộc điều tra thường khởi xướng ngay khi có lời yêu cầu của các công ty hoặc các ngành chịu ảnh hưởng. Thuế chống phá giá có thể áp dụng trong vòng 5 năm. Kể từ khi Hiệp định này được ký năm 1995, EU và Hoa Kỳ đã tiến hành 234 hoạt động chống bán phá giá chống lại các nước đang phát triển. Mặc dù một số nước đang phát triển lớn như Braxin hay Achentina cũng đã bắt đầu sử dụng các hoạt động chống bán phá giá nhưng nhiều nước đang phát triển khác vẫn là mục tiêu của các nước công nghiệp. Dữ liệu sơ bộ năm 2001 cho thấy các nước giàu đã tăng cường hoạt động chống bán phá giá trong đó Hoa Kỳ và Canada khởi xướng nhiều vụ trong nửa đầu năm (WTO, 2001c)

Hoa Kỳ đã phát triển một số chiến thuật để lạm dụng câu chữ và tinh thần của Hiệp định chống bán phá giá của WTO. Theo văn bản được gọi dưới tên tu chính án Byrd, Hải quan có quyền thu thuế chống bán phá giá rồi chuyển tới công ty chịu thiệt hại để cung cấp cho các công ty này như một khoản trợ cấp. Thực tiễn này là đối tượng gây tranh chấp trong WTO ngay sau khi có phản ứng từ 9 quốc gia gồm Brazil, Thái Lan, Ấn Độ và Indonexia vốn đã bị tác động tiêu cực bởi quy định này.

Do toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ tăng cường áp lực cạnh tranh đối với các ngành, biện pháp chống bán phá giá cung cấp một giải pháp khắc phục nhanh chóng đối với những ngành có ảnh hưởng chính trị. Do thiếu khả năng trả đũa, các quốc gia đang phát triển thường là mục tiêu ưa thích. Ví dụ, ngành thép của Hoa Kỳ đã nhắm vào ngành thép cuộn của Braxin để thực hiện biện pháp chống bán phá giá ngay cả khi thép của Braxin chỉ chiếm dưới 1% thị trường Hoa Kỳ.

Thủ tục tiến hành hoạt động chống bán phá giá rất phức tạp và tốn kém và do đó các quốc gia đang phát triển khó có thể chống lại biện pháp chống bán phá từ các nước công nghiệp. Nhưng tác động của thuế chống bán phá giá đối với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển có thể rất lớn: lượng xuất khẩu và lượng sản xuất suy giảm, và kết quả thường thấy là công ăn việc làm bị mất ở các công ty. Cũng có tác động đối với toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tới nhà cung cấp của công ty. Và tương lai của công ty xuất khẩu có thể là không chắc chắn, tác động tới đầu tư, mở rộng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu trong tương lai.

Thương mại Nam – Nam và “chủ nghĩa khu vực mở”

Thương mại nông nghiệp – đánh vào người nghèo

Quy mô của trợ cấp

Quy mô của phá giá xuất khẩu 

Tác động đối với các nước đang phát triển 

Viện trợ lương thực

Khuyến nghị: Chiến lược cải cách

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tiep can thi truong va thuong mai nong nghiep.pdf

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]