Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Châu Á?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Barry Desker | Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền

China'Russia

Đối thoại thường niên Shangri-La được tổ chức tại Singapore vào cuối tháng Năm vừa qua đã chứng kiến những cuộc tranh luận sắc bén giữa các đại biểu đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản với các đại biểu đến từ Trung Quốc về các yêu sách đối địch nhau của Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Những đại diện tham dự của Việt Nam, Philippines và Mỹ cũng đã chỉ trích các yêu sách thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, các đại diện châu Âu cũng mâu thuẫn với các đại biểu của Nga về tác động của việc sáp nhập Crimea vào Nga và sự ủng hộ của Moscow đối với các nhóm ly khai ở miền đông Ukraine. Bầu không khí đầy tính đối đầu, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận không chính thức với quy mô nhỏ hơn.

Giống Chiến tranh Lạnh trước đây

Bầu không khí làm tôi nhớ lại những cuộc tranh luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu đầu những năm 1980, khi tôi đang là đại diện ngoại giao của Singapore tại Liên Hiệp Quốc. Những luận điệu giờ đây giống với thời Chiến tranh lạnh và làm nổi lên một câu hỏi liệu rằng thế giới có đang đi dần đến một cuộc chiến tranh lạnh mới, hoặc thậm chí là sự bùng nổ của chiến tranh.

Singapore không phải là một bên liên quan trong bất kỳ các tuyên bố lãnh thổ nào, và đã tìm cách mở rộng các mối quan hệ của mình với tất cả các quốc gia chủ chốt. Tuy nhiên, trong vai trò là một trung tâm toàn cầu hóa với các lợi ích về thương mại và kinh tế mang tính chất toàn cầu, Singapore cần phải duy trì sự cảnh giác đối với những tiến triển này. Như hầu hết người dân trên khắp thế giới, người Singapore tin tưởng rằng những nhà hoạch định chính sách có thể quản lý các xung đột và sẽ tránh bước xuống bờ vực khi đối đầu xảy ra.

Nhưng có một cảm nhận đặt nhầm chỗ cho rằng các thể chế toàn cầu được thành lập từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai có thể giải quyết những xung đột này. Singapore có thể trở thành nạn nhân của sự tự tin thái quá. Châu Á của năm 2014 có phải đang đối mặt với một thách thức tương tự như châu Âu của năm 1914 hay không?

Năm 1914, hầu hết các chính phủ ở châu Âu nghĩ rằng cuộc xung đột ở khu vực Balkans có thể được giải quyết và nền hòa bình giữa các cường quốc đã kéo dài từ khi Napoleon thất bại vào năm 1815 sẽ tiếp tục. Đó cũng là kỷ nguyên của toàn cầu hóa, với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân ở châu Âu và châu Mỹ. Thông tin liên lạc tức thời bằng điện báo, các kết nối hiệu quả bằng đường sắt và đường biển và nhiều nền kinh tế mở hơn đã mang lại sự phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn.

Nhiều nhà quan sát cảm thấy rằng bóng ma của chiến tranh đã biến mất khi người dân châu Âu ngày càng di động và liên kết hơn. Ngay cả khi chiến tranh bùng nổ sau vụ ám sát Thái tử Áo-Hung tại Sarajevo, các chính phủ vẫn mong đó là một cuộc chiến ngắn và nhanh chóng.

Hội tụ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc

Không ai nghĩ rằng bốn năm tiếp theo sẽ chứng kiến cuộc chiến dọc những chiến hào, nơi mà hàng ngàn người chết để bảo vệ hay chiếm lấy những vùng lãnh thổ không quan trọng. Những nam công dân khắp châu Âu đã bị tàn sát, các nhà nước bị suy kiệt và các chế độ lâu đời bị lật đổ.

Tới cuối năm 1918, các đế quốc Nga, Đức và Áo-Hung sụp đổ, lực lượng Đồng minh giành chiến thắng phải đối mặt với Liên bang Xô Viết. Hoa Kỳ cũng nổi lên mà không bị thách thức trong vai trò một cường quốc toàn cầu áp đảo, mặc dù các quan điểm nội bộ ở Mỹ ủng hộ việc thoái lui khỏi những xung đột nằm bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của Mỹ thuộc bán cầu của mình.

Năm 1917, Cách mạng Nga cũng ảnh hưởng đến các trí thức và công nhân trên khắp thế giới với sức mạnh của một tư tưởng – niềm tin rằng cách mạng vô sản đại diện cho làn sóng của tương lai, và chiến thắng của những người vô sản ở Trung Quốc vào năm 1949 đã dẫn đến sự xuất hiện của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mặc dù hiện nay tư tưởng này đã bị mất uy tín, nhưng nó đã đóng vai trò trong những xung đột và diễn biến chính trị chính trong thế kỷ 20 cho đến khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991.

Trung Quốc đang nổi lên hiện nay nhờ hơn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế vốn đã thay đổi cả đất nước.

Trong khi Trung Quốc kịch liệt khẳng định rằng họ không mong muốn thực thi bá quyền, và rằng họ tìm kiếm một sự trỗi dậy hòa bình, thì sự chuyển giao quyền lực nhìn chung thường dẫn đến xung đột giữa cường quốc thống trị và cường quốc đang lên.

Việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nga, tăng trưởng thương mại, kết nối năng lượng và đầu tư giữa hai quốc gia và nhận thức chung rằng họ đang là mục tiêu của một phương Tây đang hồi sinh đã dẫn đến một sự liên kết ngày càng tăng giữa hai cường quốc này. Điều này xảy ra ngay cả khi các liên kết kinh tế quan trọng của Trung Quốc hiện nay là với phương Tây và các quốc gia trong khu vực lân cận, những nước vốn cũng có mối liên hệ chặt chẽ với phương Tây.

Mối đe dọa lớn nhất: Biển Hoa Đông

Mối đe dọa lớn nhất là từ những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Lý do là những tranh chấp này được bao bọc trong một cuộc tranh cãi lớn hơn về sự thiếu ăn năn của Nhật Bản đối với vai trò của họ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ngoài ra, còn có nguy cơ của một xung đột rộng lớn hơn ở đây bởi sự ủng hộ của Mỹ đối với đối tác liên minh của họ là Nhật Bản. Chúng ta không nên để các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ dẫn đến việc xem nhẹ những nguy hiểm do sự đối đầu về an minh ngày càng gia tăng gây ra.

Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc nhằm đơn phương thực thi quyền tài phán của họ đối với các tuyên bố mở rộng ở Biển Đông sẽ bị thách thức chủ yếu bởi các quốc gia Đông Nam Á tương đối yếu. Trong khi ASEAN kêu gọi việc ký kết nhanh chóng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, các bên tranh chấp, bao gồm cả Trung Quốc, đã thay đổi các thực tế trên hiện trường bằng cách chiếm đóng các cấu tạo, khai hoang các rặng đá ngầm và thực hiện khoan dầu và khí trong các vùng biển tranh chấp.

Singapore không có lợi ích trực tiếp trong các tuyên bố chủ quyền đối địch này. Tuy nhiên, trong vai trò một trung tâm giao thông đường biển và hàng không, tự do hàng hải và hàng không là cực kỳ quan trọng đối với Singapore. Các lợi ích của Singapore nằm ở chỗ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các tòa án pháp lý quốc tế, giống như Malaysia và Singapore đã làm trong trường hợp tranh chấp Pedra Branca.

Tác giả là Hiệu trưởng, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang.

Bản gốc tiếng Anh: RSIS Commentaries