Bắc Kinh gây hấn: Những cơ hội cho Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Zachary Abuza | Biên dịch: Nguyễn Tiến Chương

VIETNAMCHINA

Các nhà lãnh đạo Việt Nam rõ ràng đang bị thách thức bởi sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và những nguy cơ đánh mất các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cuộc xung đột xung quanh vị trí hạ đặt giàn khoan dầu HYSY-981 chỉ cách bờ biển của Việt Nam150 hải lý, bao gồm các vụ đâm tàu diễn ra hàng ngày từ phía Trung Quốc về phía tàu thuyền Việt Nam, có khả năng leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn, mặc dù đã có sự kiềm chế của Hà Nội. Kể từ tháng 5, vấn đề chủ quyền đã tràn ngập cả các phương tiện truyền thông lẫnquan hệ chính trị và dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân chưa từng có tiền lệ. Nhưng cuộc khủng hoảng cũng cung cấp các cơ hội ngoại giao, quân sự và kinh tế cho Việt Nam, qua đó Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ hơn.

Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng Việt Nam sẽ nộp một Bản ghi nhớ để phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên ủy ban trọng tài về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Haye, Hà Lan. Tuyên bố đã thu hút được một số lợi ích ngoại giao. Thứ nhất, Việt Nam duy trì chính nghĩa của mình bằng cách tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp và quy chuẩn quốc tế. Điều đó cũng tương tự như việc đệ trình của Philippines. Dù Bắc Kinh tuyên bố rằng sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết của tòa trọng tài nếu nó bất lợi cho họ, và cho đến nay, đã từ chối nộp Bản ghi nhớ phản bác lại, nhưng điều này tiếp tục cô lập họ và gây nghi ngờ về việc Bắc Kinh tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” cũng như cam kết tuân thủ pháp luật và quy chuẩn quốc tế.

Bắc Kinh có thể tuyên bố là đang hành động một cách phòng thủ khi đối mặt với sự gây hấn từ phía Việt Nam, nhưng họ đang thua trước tòa án công luận với các video bằng chứng thể hiện sự khiêu khích của nước này. Trung Quốc tỏ vẻ đạo đức giả khi họ sử dụng Liên Hiệp Quốc để lên án sự khiêu khích từ phía Việt Nam trong khi bỏ qua Tòa án Trọng Tài Quốc tế (International Court of Arbitration).

Đã có những hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng để xoa dịu tình hình khi gửi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Dương Khiết Trì tới Hà Nội để đàm phán, nhưng không nhượng bộ  nào được thực hiện. Dương Khiết Trì không những không nhượng bộ mà còn tỏ ra cứng rắn hơn: “Sẽ không bao giờ đánh đổi lợi ích cốt lõi của chúng tôi hoặc “nuốt trái đắng” làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chúng tôi”. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh đã tuyên bố hạ đặt thêm một giàn khoan gần vùng biển Việt Nam.

Bắc Kinh cần phải biết rằng chính sách của họ đang làm cho Bắc Kinh không có bạn bè trong khu vực và đang phá hoại nhiều lợi ích lâu dài của họ. Việc khai hoang tại đảo Gạc Ma ở Trường Sa và các hành động khiêu khích khác là một sự vi phạm rõ ràng bản Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Mặc dù không mang tính ràng buộc nhưng bản Tuyến bố này buộc các nước không được làm bất cứ điều gì dẫn tới thay đổi nguyên trạng. Ngay cả Singapore cũng đã ra yêu cầu rằng mọi thứ cần được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế bởi sức mạnh không mang lại chính nghĩa.

Điều quan trọng là nếu các nước khác cũng theo đuổi khiếu nại pháp lý chống lại Bắc Kinh, điều đó sẽ bắt đầu trở thành vấn đề đa phương mà Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng tránh. Chiến lược của Bắc Kinh cho đến nay là đàm phán giải quyết các tranh chấp chồng chéo trên cơ sở song phương. Hành động của Trung Quốc đã khiến ASEAN thúc đẩy các cuộc thảo luận của về một bộ quy tắc ứng xử lâu nay đã bị đình trệ. Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam đã ủng hộ một vòng đàm phán mới. Bắc Kinh rõ ràng không muốn điều đó xảy ra.

Mối quan hệ gần gũi giữa Hà Nội và Jakarta là chìa khóa cho vấn đề này. Indonesia không những đã thúc đẩy một giải pháp hòa bình mà còn gia tăng sự chú ý về quân sự và ngoại giao đối với Biển Đông, nơi mà đường chín đoạn của Bắc Kinh đã cắt qua vùng biển của Indonesia và các khu vực giàu khí đốt của quần đảo Natuna. Các lực lượng hải quân Indonesia và Việt Nam đã tăng cường các cuộc huấn luyện chung, trong khi Jakarta gia tăng chi tiêu quân sự cũng như triển khai thêm nhiều lực lượng tới Natuna. Indonesia đã lớn tiếng lo ngại về sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc là nước có vị trí hàng đầu trong số các nước bằng vai phải lứa ở ASEAN làm cho vai trò của Jakarta trở nên quan trọng. Hợp tác giữa Jakarta và Hà Nội càng quan trọng hơn khi Thái Lan phải tập trung cho tình hình trong nước sau cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 và đe dọa sẽ có mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc để đáp lại các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ.

Tuyên bố pháp lý của Việt Nam chống lại Bắc Kinh là rất mạnh mẽ; hay nói một cách khác, tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là rất yếu về mặt pháp lý và mang tính đạo đức giả. Ví dụ như Trung Quốc từ chối yêu sách củacác nước Đông Nam Á đối với các quyền trên thềm lục địa trong khi đó lại là cơ sở yêu sách của họ chống lại Nhật Bản ở quần đảo Senkaku.

Tương tự như vậy, người Trung Quốc xây dựng trên các đảo san hô, khẳng định các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)200 hải lý của họ, trong khi từ chối EEZ của Nhật Bản xuất phát quần đảo Senkaku. Thậm chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang dần lảng tránh việc bào chữacho đường chín đoạn, bởi vì nó hoàn toàn bất hợp pháp theo UNCLOS. Vì vậy, Bắc Kinh đang muốn tạo ra những “thực tế trên hiện trường” vốn đe dọa các quốc gia yêu sách khác.

Nhưng Việt Nam cũng có thể gặt hái phần thưởng ngoại giao khác: Việt Nam sẵn sàng tìm kiếm các biện pháp pháp lý và hòa bình để tránh leo thang căng thẳng, điều đó đã thu hút được sự hỗ trợ đáng kể từ Washington và Tokyo vốn đã trở nên quan ngạitrước hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ngoại giao công chúng của Hà Nội chưa bao giờtốt hơn thế.

Về mặt quân sự, mối đe dọa ở Biển Đông sẽ tiếp tục thu hút thêm các nguồn lực cho quân đội để hỗ trợ trong chương trình hiện đại hóa. Kể từ giữa những năm 1990, quân đội nhân dân Việt Nam (VPA) đã phát triển năng lực không quân và hải quân một cách ấn tượng. Chi tiêu quân sự Việt Nam tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2003 lên 3,4 tỷ USD trong năm 2012. Không một quốc gia ở Đông Nam Á nào triển khai được nhiều năng răn đe như vậy trong những năm gần đây, bao gồm các máy bay phản lực chiến đấu tiên tiến nhất, chiến hạm đời mới, tàu ngầm lớp kilo và một kho vũ khí ấn tượng gồm các tên lửa chống tàu. Nhưng dù sao, việc hiện đại hóa này vẫn chưa hoàn thành. Hơn nữa, nó bị lu mờ trước  sự gia tăng chi tiêu quân sự và khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc.

Môi trường an ninh hiện nay cũng đã buộc VPA chuyển sang tinh thần sẵn sàng để tham gia vào các cuộc tập huấn luyện song phương và đa phương với các đối tác truyền thống, chẳng hạn như Ấn Độ, và dần dần với ASEAN và Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ không trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ -vì điều đó là giới hạn đỏ đối với Trung Quốc – nhưng hai nước đang đẩy mạnh quan hệ quân sự. Sự tăng cường tiếp cận cảng, diễn tập chung nhiều hơn, và chia sẻ thông tin tình báo đều đã được xác định trong thỏa thuận quốc phòng năm 2011 với Hoa Kỳ. Việt Nam gần đây đã tham gia Sáng kiến ​​An ninh chống phổ biến vũ khígiết người hàng loạt (PSI) do Mỹ dẫn đầu, được cho là sẽ giúp tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh song phương.

Cũng quan trọng như hiện đại hóa quân sự là đầu tư vào cảnh sát biển. Hà Nội đã có những nỗ lực đáng kể trong vấn đề này, đưa những thế hệ mới các tàucảnh sát biển và tàu kiểm ngư vào hoạt động. Quốc hội gần đây đã dành 16 nghìn tỷ đồng (200 triệu USD) để đóng mới bốn tàu cho cảnh sát biển. Nhật Bản cũng công bố việc chuyển giao một đội tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm 2015. Việt Nam cần tàu mới và lớn hơn để tàu Trung Quốc không thể đâm húc một cách dễ dàng. Hơn nữa, tàu dân sự giúp kiểm soát nguy cơ leo thang căng thẳng và giúp duy trì chiến lược ngoại giao của Hà Nội trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình và pháp lý cho cuộc tranh chấp.

Cuộc xung đột hiện tại và các cuộc bạo loạn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay xuống khoảng 5,4 phần trăm. Điều đó là không thể tránh khỏi. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn ở lại, mặc dù các cuộc bạo loạn có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã đầu tư 2,28 tỷ USD trong số 21,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (trong năm qua). Những phản ứng mạnh mẽ đối với các cuộc bạo loạn và cam kết bồi thường của Hà Nội có thể xoa dịu các nhà đầu tư rằng Việt Nam vẫn có một môi trường kinh doanh an toàn và ổn định. Tuy nhiên, một số cơ hội kinh tế khác lại mở ra cho Việt Nam.

Thứ nhất, tình hình bắt buộc Việt Nam phải giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chiếm gần 50 tỷ USD trong thương mại song phương của Việt Nam trong năm 2013. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thâm hụt thương mại kéo dài với Trung Quốc – tính riêng năm 2013 là 23,7 tỷ USD. Khoảng 11 phần trăm xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc, nhưng chủ yếu là xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cần phải đa dạng hóa các đối tác thương mại.

Thứ hai, Việt Nam phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình để kết thúc đàm phán TPP, trong đó cần thực hiện một số quyết định “đau đớn” về vai trò kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và sự can thiệp của chính phủ vào thị trường. Những nhà lãnh đạo bảo thủ trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vốn đã chống lại những cải cách và ủng hộ vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước giờ đang bị yếu thế bởi sự quyết đoán của Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các nhà cải cách kinh tế của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Những cải cách này sẽ rất đau đớn lúc đầu, nhưng chúng sẽ dẫn Việt Nam vào một con đường đem đến tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, và tiếp tục hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp tăng cường an ninh cho đất nước. Điều đó cũng sẽ giúp tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Hoa Kỳ và làm cho mối quan hệ song phương toàn diện hơn.

Việt Nam đang ở trong một vị trí thuận lợi để tăng thu hút đầu tư nước ngoài: chi phí đang gia tăng ở các nước ASEAN khác, trong khi một số nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui khỏi Thái Lan do bất ổn chính trị. Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu như tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế mạnh mẽ.

Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu là chìa khóa đối với an ninh quốc gia Việt Nam. Một điều rõ ràng là chi tiêu quân sự có mối quan hệ với tăng trưởng GDP. Rốt cuộc, một đất nước nghèo không bao giờ là một đất nước hùng mạnh. Và với những quyết định đúng đắn, Việt Nam có thể trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng này để trở nên mạnh mẽ hơn một cách toàn diện.

Tiến sĩ Zachary Abuza là một giáo sư và chuyên gia phân tích chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á. Ông có bằng Tiến sĩ từ Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao.

Bản gốc tiếng Anh đầy đủ: Indo-Pacific Review