#221 – Lý Quang Diệu viết về tình hình Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

037255-topshots-palestinian-israel-conflict-demo

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Middle East: A Spring without a Summer”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 238-257.

Biên dịch: Ngô Văn Tổng | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn One Man’s View of the World

Cuộc xung đột Israel – Palestine là vấn đề lớn nhất đang gây nhức nhối trong khu vực Trung Đông. Nó là một vết loét lúc nào cũng rỉ mủ. Để kết thúc cuộc xung đột, cần phải có giải pháp hai nhà nước: một nhà nước của người Do Thái và một nhà nước của người Palestine. Nhà nước Palestine phải vững vàng được cả về mặt kinh tế và chính trị. Trong đó công dân của nhà nước ấy phải cảm thấy rằng đất nước này tạo cho họ cơ hội để an cư lạc nghiệp – chỉ có như vậy họ mới nhận thấy mình có lợi ích sát sườn khi gìn giữ hòa bình ở khu vực vốn đầy rẫy những bất ổn này.

Do chính sách ủng hộ Israel đã được nhóm vận động hành lang Do Thái gây dựng thành công trong chính quyền Mỹ, quan điểm cứng rắn càng có cơ sở thắng thế trong giới lãnh đạo Israel. Điều này có thể gây ra tác động bất lợi và không thể đảo ngược đối với tiến trình hòa bình. Chẳng hạn, bằng cách xây dựng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng, Israel đang thực hiện một cách chậm chạp nhưng chắc chắn ý đồ thôn tính vùng đất mà đáng lẽ sẽ được giao cho người Palestine nếu hai bên đạt được thỏa thuận bất kỳ nào. Phe bảo thủ cực đoan ở Israel tin rằng các khu định cư này đang giúp họ lấn gần hơn tới các đường biên giới lịch sử chính đáng của họ, như đã được nêu rõ trong Kinh thánh Hebrew. Israel tin rằng khôi phục lại vùng đất tổ chính là ý nguyện của Chúa. Các khu định cư gây ra những biến động không mong muốn trong một hiện trạng vốn dĩ đã phức tạp. Chúng đẩy những triển vọng cho mọi một thỏa thuận khả dĩ nào trong tương lai trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Trong những ngày đầu của phong trào phục quốc Do Thái, chính người Anh đã tích cực hậu thuẫn cho sự nghiệp của người Do Thái. Họ ủng hộ việc định cư người Do Thái ở Palestine với mục đích là nhằm tạo điều kiện cho họ xây dựng được một nhà nước của người Do Thái sau nhiều thế kỷ. Bản Tuyên bố Balfour 1917 đã chính thức đưa ra quan điểm này. Bản tuyên bố viết: ‘Chính phủ của Đức vua ủng hộ việc thành lập tại Palestine một nhà nước quê hương của người Do Thái, và sẽ cống hiến hết sức mình để hỗ trợ người Do Thái đạt được mục tiêu này’. Trước khi dòng người Do Thái theo đó đổ về Palestine thì số lượng người Do Thái sống ở khu vực này là không đáng kể. Sau thảm họa diệt chủng Holocaust thời Hitler với sáu triệu người Do Thái bị giết chết thì sự cảm thông của châu Âu dành cho người Do Thái lên đến đỉnh điểm, và các chính sách của chính phủ chuyển sang hướng có lợi cho người Do Thái. Tuy vậy, với đà suy tàn của siêu cường Anh quốc, người Mỹ đã nhảy vào để lấp đầy khoảng trống, và nhà nước Israel được thành lập năm 1948 chuyển sang xem Mỹ là đồng minh trọng yếu. Mỹ đã tiếp tục ủng hộ Israel kể từ đó.

Mỗi ngày trôi qua, giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột lại càng thêm xa vời. Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng các khu định cư của người Do Thái vi phạm luật pháp quốc tế, mô tả các khu định cư này như là ‘hành vi thôn tính dần dần’. Tuy vậy, người Do Thái hiểu rằng chừng nào người Mỹ còn chưa tán thành thì những lời tuyên bố như vậy vẫn là vô tác dụng. Chẳng hạn, trong trường hợp người Mỹ sẵn lòng cắt viện trợ tài chính dành cho Israel (số tiền đến nay đã lên đến 115 tỉ đô la Mỹ tính từ năm 1949) cũng như cắt giảm các hình thức viện trợ quân sự và chính trị khác cho tới khi việc xây dựng các khu định cư chấm dứt, Israel sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ luật. Nếu người Mỹ không gây áp lực đối với Israel thì chắc chắn thế giới vẫn chưa thể nhìn thấy hồi kết cho cuộc xung đột này.

Tất cả những điều này sẽ không mang lại lợi lộc gì cho Mỹ về lâu dài. Nó làm xói mòn uy tín chung của siêu cường này và kích động toàn bộ thế giới Ả rập chống lại người Mỹ. Vì vậy, việc đạt được mục tiêu ngoại giao trong khu vực của Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn. Cuộc xung đột này cũng sẽ đóng vai trò làm một cái cớ lâu dài cho những nhóm thánh chiến Hồi giáo có thể lợi dụng để biến thành công cụ tuyên truyền nhằm tuyển mộ các thành viên trẻ tuổi mới. Họ cố tình duy trì ngọn lửa kích động này cháy âm ỉ trên khắp Trung Đông cũng như các khu vực khác ở Châu Á, bằng cách trình chiếu trên ti-vi các hình ảnh về tình cảnh thống khổ mà người Palestine đang phải chịu đựng.

Cuộc xung đột Israel – Palestine là trung tâm của một mạng lưới bạo lực và bất ổn đan xen phức tạp tại khu vực Trung Đông. Nó giống như một ung nhọt trong hệ thống quốc tế mà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ mở đường cho giải pháp của hàng loạt các vấn đề khác. Nó có thể thay đổi môi trường chính trị trong khu vực. Hòa bình giữa người Israel và Palestine là một điều kiện cần thiết (nhưng chưa đủ) cho một nền hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông. Nếu người Mỹ có thể thể hiện thái độ trung lập và nghiêm túc hơn nữa trong cuộc tìm kiếm một giải pháp hai nhà nước, thì chính phủ của nhiều nhà nước Ả rập, đặc biệt là các nước có người Sunni chiếm đa số, sẽ sẵn sàng công khai ủng hộ chính sách của Mỹ hơn nữa trong khu vực. Đây nên là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong khu vực.

Nếu có quốc gia nào muốn hủy hoại mọi thỏa thuận hòa bình như vậy thì đó hẳn là Iran. Chính phủ Iran đã nhiều lần khẳng định cam kết phá hủy nhà nước Israel của mình. Là một quốc gia có đa số người Shi’ite, Iran xem cuộc xung đột Israel – Palestine là cần thiết trong cuộc chiến của họ với các nhà nước Ả rập Sunni nhằm bảo vệ vị trí lãnh đạo của mình ở Trung Đông. Mâu thuẫn giữa người Hồi giáo dòng Shi’ite và Sunni bắt rễ từ hơn một thiên niên kỷ trước. Các quốc gia Ả rập Sunni vốn luôn có mối nghi ngờ sâu sắc đối với Iran bởi quốc gia này nắm giữ sức ảnh hưởng sâu rộng đối với dân số Shi’ite thiểu số sống rải rác trên khắp khu vực. Như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã từng nói: “Người Shi’ite gần như luôn trung thành với Iran chứ không phải với quốc gia họ đang sinh sống”. Iraq dưới thời Saddam Hussein từng là một thế lực cân bằng trọng yếu với Iran trong khu vực, nhưng giờ đây khi đối trọng này đã không còn, Mỹ trở thành vật cản duy nhất trên con đường thống trị toàn khu vực của Iran.

Những tham vọng của Iran xuất phát ít nhất phần nào từ cách nhìn nhận bản thân của họ: một nền văn minh tự lực, tách biệt tương đối với thế giới Ả rập. Người Iran rất tự hào về lịch sử của họ. Tôi đã từng rất kinh ngạc trước câu trả lời của một vị bộ trưởng Iran cho câu hỏi phỏng vấn trong một chương trình của đài BBC cách đây vài năm. Ông ấy đã phát biểu: “Ở châu Á thực sự chỉ có duy nhất hai nền văn minh đáng để bàn luận tới, đó là Trung Quốc và Ba Tư.” Nhận định này phản ánh lối suy nghĩ của người Iran. Họ vẫn khao khát những năm tháng hào hùng của đế chế năm xưa.

Cuộc đấu tranh địa chính trị này có những tác động hết sức to lớn đối với nền hòa bình thế giới, bởi Iran tỏ ra tích cực phát triển các loại vũ khí hạt nhân và có thể thổi bùng lên một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc tối thiểu cũng là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Nếu Iran tiến hành thử nghiệm thành công hạt nhân, Ai Cập có thể cũng muốn sở hữu hạt nhân, và họ có thể mua từ Pakistan. Điều này sẽ dẫn đến một tình thế hết sức nguy hiểm ở Trung Đông, với bốn cường quốc hạt nhân trong khu vực, gồm Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Israel và Iran. Tình trạng này cũng có thể làm gia tăng nguy cơ nguyên vật liệu và năng lực hạt nhân này bị bán cho các quốc gia ở những khu vực khác trên thế giới hoặc thậm chí các lực lượng phi quốc gia.

Tôi không thấy ý kiến cho rằng Israel có đủ khả năng ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự thuyết phục. Người Mỹ có thể làm công việc này, nhưng chỉ khi họ được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ, mà khả năng này trên thực tế lại bất khả thi trong bối cảnh Mỹ vừa mới thoát ra khỏi Iraq. Điều này có nghĩa là thế giới trở nên bất ổn hơn, với nguy cơ đáng sợ là xảy ra tính toán sai lầm luôn treo lơ lửng. Thậm chí, chúng ta có thể chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên tại khu vực kể từ sau Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Có lẽ, ý nghĩ an ủi duy nhất ở đây là nếu cuộc chiến hạt nhân quả thực có nổ ra, thì mong là các đám mây hạt nhân sẽ không lan tới chúng ta ở Đông Nam Á. Chúng sẽ bao phủ phần lớn khu vực Trung Đông và có lẽ lan tới châu Âu. Chúng ta có lẽ sẽ chỉ bị ảnh hưởng bởi một vài đám bụi nhỏ.

Hỏi – Đáp

………..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Ly Quang Dieu ve tinh hinh Trung Dong.pdf