“Bảo thủ” và “tự do” trong chính trị Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

conservative-liberal-road-sign

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Bài liên quan: Một nước Mỹ luôn thay đổi

Khi nói đến sinh hoạt chính trị ở nước Mỹ, 2 khái niệm được đề cập khá nhiều là bảo thủ (conservative) và tự do (liberal). Tuy nhiên, “bảo thủ” và “tự do” là những khái niệm có tính tương đối và được hiểu khác nhau ở mỗi quốc gia cũng như trong các hệ thống chính trị khác nhau.

Vậy ở Mỹ các khái niệm này được hiểu ra sao, và những ai được coi là những người “bảo thủ” hay “tự do”? Theo “truyền thống”, những người Cộng hòa thường được coi là những người có quan điểm “bảo thủ”, còn những người Dân chủ thường được coi là những người có quan điểm “tự do”.

Tuy nhiên, trong xã hội Mỹ hiện đại ngày nay sự phân chia này ngày càng mang tính tương đối và một người có thể “bảo thủ” trong một vấn đề hay lĩnh vực nào đó lại có thể là ngươi “tự do” trong một vấn đề hay lĩnh vực khác. Quan điểm “bảo thủ” và “tự do” thể hiện trong một số vấn đề chính như sau:

Trong lĩnh vực chính trị

Những người “bảo thủ” chủ trương một chính phủ “nhỏ” vì cho rằng bản chất của chính quyền gắn với bệnh “quan liêu” và nếu chính phủ càng nhỏ thì sự “quan liêu” càng ít đi. Họ nhấn mạnh đến tính hiệu quả của nền kinh tế quốc gia, với nền tài chính “lành mạnh”, bao gồm sự cân bằng ngân sách quốc gia và việc duy trì nợ công ở mức an toàn. Trong khi đó, những người “tự do” thì bị “gán” cho việc điều hành một chính phủ ngày càng phình to, quan liêu và kém hiệu quả.

Trong lĩnh vực kinh tế

Những người “bảo thủ” ủng hộ việc giảm thuế của doanh nghiệp và cá nhân. Họ cho rằng:

  • Nếu như tiền thuế đóng cho nhà nước ít đi thì số tiền còn lại sẽ nằm trong tay cá nhân và các quyết định liên quan đến tài chính của cá nhân bao giờ cũng “sáng suốt” hơn quyết định của chính phủ liên quan đến tái chính;
  • Nếu thuế đóng cho chính phủ ít đi thì người dân sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu, kích thích sản xuất; còn doanh nghiệp sẽ có thêm tiền để tái đầu tư, mở rộng sản xuất và thuê mướn thêm nhân công;
  • Nếu chính phủ thu tiền thuế ít thì do eo hẹp về ngân sách họ sẽ không có cách gì “phình to” chính phủ được và phải tìm cách hoạt động sao cho có hiệu quả.

Những người “tự do” cho rằng nếu để xã hội tự điều tiết thì sẽ “loạn”, khoảng cách giàu, nghèo sẽ tăng lên đe dọa đến sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia. Còn các doanh nghiệp sẽ tìm cách “tự tung, tự tác” để thu được lợi nhuận tối đa, xâm hại lợi ích của người dân, môi trường tự nhiên, xã hội và nhà nước. Do đó, chính phủ phải “đủ lớn” để thực hiện các chức năng của mình, thông qua công cụ thuế để giải quyết các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cung cấp các dịch vụ và an sinh xã hội cần thiết cho người nghèo và người thu nhập thấp. Những người “tự do” cũng là những người chủ trương thực thi chính sách “sưu cao, thuế nặng” chủ yếu đánh vào giới thu nhập cao và nhà giàu để thực thi các chương trình an sinh-xã hội khổng lồ.

Trong các vấn đề xã hội

Những người “bảo thủ” (i) ủng hộ việc sử dụng súng, coi đó là một trong các quyền tự do “hiến định” của người Mỹ;(ii) cấm hôn nhân đồng tính; (iii) cấm nạo phá thai do những người “bảo thủ” là những người “mộ đạo” nên coi việc phá thai là “trái” với ý muốn của Chúa.

Trong khi đó, nhưng người “tự do” có xu hướng ủng hộ hôn nhân đồng tính. Điển hình của chính sách này là việc cựu Tổng thống Clinton thông qua sắc lệnh Tổng thống với chủ trương “không hỏi, không nói” (don’t ask, don’t tell). Trái với những người “bảo thủ”, những người “tự do” chủ trương việc hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng súng, ủng hộ việc nạo phá thai của phụ nữ.

Như vậy, qua một số điểm sơ lược như trên, chúng ta có thể thấy do xã hội Mỹ chuyển động không ngừng nên các quan điểm của những người được coi là “bảo thủ” hay “tự do” cũng thay đổi theo thời gian và theo từng lĩnh vực vấn đề khác nhau.

TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những phân tích đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.