5 hiểu lầm về các Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

declaration_independence

Nguồn: Newt Gingrich, “Five myths about the Founding Fathers”, The Washington Post, 02/07/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Từ những nền văn minh Athens và Rome cho tới ngày nay, mọi xã hội vĩ đại đều có những huyền thoại về sự ra đời của mình – những câu chuyện họ kể cho nhân dân nghe về nguồn gốc tổ tiên của mình là ai và từ đâu đến. Có lẽ bởi Mỹ non trẻ hơn hầu hết các quốc gia khác (239 tuổi vào thứ Bảy tuần này), sự ra đời của chúng ta là một trong những sự kiện được ghi lại đầy đủ nhất. Chúng ta may mắn có hàng ngàn trang thư từ, bài phát biểu và các ghi chép khác từ các nhà lập quốc, lưu lại những suy nghĩ và tranh luận đã diễn ra. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình thành lập nước Mỹ đã và vẫn đang thể hiện quyền lực về mặt chính trị và đóng vai trò quan trọng về mặt lịch sử như thế nào, khiến những huyền thoại đã ăn sâu vào gốc rễ đó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh, chúng ta hãy cùng xem xét một vài huyền thoại lớn nhất về các bậc Tổ phụ Lập quốc.

  1. Họ mong muốn một quốc gia thế tục

Theo trang web của Liên đoàn Quyền Tự do Công dân Mỹ (ACLU), các Tổ phụ Lập quốc “hiểu cách tốt nhất để bảo vệ tự do tôn giáo là để tôn giáo không dính dáng tới chính phủ.” Và theo phóng viên Austin Cline của trang About.com, lá thư của Thomas Jefferson gửi những người phái Baptist ở Danbury vào năm 1802 về “bức tường ngăn cách giữa Nhà thờ & Nhà nước” chỉ đơn thuần là một “lối diễn đạt ôn hòa” của Jefferson và các nhà lập quốc khác về mong muốn không chỉ đạt được tự do tôn giáo mà còn không muốn chính trị bị tác động bởi tôn giáo.

Không hẳn thế.

Jefferson đã đặt ra câu hỏi: “Liệu sự tự do của một quốc gia có được đảm bảo không khi chúng ta loại bỏ nền tảng vững chắc duy nhất của nó, đó là niềm tin trong tâm trí con người rằng sự tự do này là món quà từ Thượng Đế ban tặng?”  George Washington cho rằng tôn giáo là cần thiết để kiềm chế sự ảnh hưởng của chế độ độc tài và mang lại thẩm quyền cao hơn cho nền pháp quyền. Ông đã tuyên bố trong bài diễn văn chia tay (Farewell Address) của mình rằng: “trong tất cả các khuynh hướng và tập quán dẫn tới sự thịnh vượng của chính trị, tôn giáo và đạo đức là hai yếu tố hỗ trợ không thể thiếu.” Đồng thời Alexander Hamilton đã viết: “Chính trị gia nào yêu tự do… hiểu rằng khi đạo đức bị lật đổ (và đạo đức phải bị sụp đổ cùng với tôn giáo), thì chỉ có sự kinh hoàng của chủ nghĩa độc tài mới có thể kiềm chế được những ham muốn hung hăng của con người.” Đây khó có thể là lời lẽ của những người đang nỗ lực loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống cộng đồng.

Quan niệm hiện đại cho rằng đạo đức và tôn giáo có thể được tách rời khỏi nền Cộng hòa có vẻ nghe rất xa lạ với những nhà lập quốc của chúng ta. Họ đã thể hiện niềm tin của mình lên những dòng mở đầu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập như sau: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” và “Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được,” công khai nhắc tới Thượng Đế như là nguồn gốc tính chính danh của văn kiện này cũng như của chính phủ mới.

Chắc chắn rằng hệ triết lý này đủ bao dung với tín đồ của mọi tôn giáo. Tuy nhiên, việc khẳng định ngày hôm nay rằng các nhà lập quốc của chúng ta đã không dành cho Thượng Đế một vị trí trong các đời sống công cộng sẽ không phù hợp với lịch sử. Họ đòi hỏi sự bao dung (tôn giáo) chứ không phải chủ nghĩa thế tục.

  1. Họ đồng lòng ủng hộ cuộc Chiến tranh Cách mạng (Revolutionary War)

Chúng ta hình dung cuộc chiến tranh giành độc lập của chúng ta như một cuộc đụng độ trực tiếp giữa những người dân thuộc địa yêu nước và binh lính người Anh. Nhưng bản thân những người yêu nước là người Anh, và họ đã bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh với mẫu quốc.

Đến tận ngày 1 tháng 7 năm 1776, John Dickinson, vị Tổ phụ Lập quốc đã cùng Jefferson viết “Bản tuyên bố các nguyên do và sự cần thiết phải cầm lấy vũ khí” (Declaration of the Causes and Necessity of Taking Up Arms) trước đó một năm, vẫn đang lập luận “chống lại quyền độc lập của các thuộc địa này” với hi vọng về một sự hàn gắn khả quan. Thực tế là khi Quốc hội Lục địa bỏ phiếu ủng hộ quyền độc lập vào ngày 2 tháng 7, kết quả thu được là tất cả đều nhất trí với 12 phiếu ủng hộ, không một phiếu phản đối nào. Tuy nhiên lại một lần nữa, toàn bộ đoàn đại biểu New York đã bỏ phiếu trắng vì các thành viên đều không chắc chắn về nguyện vọng của cử tri mình. (Đặc biệt, tầng lớp thương nhân của tiểu bang này không thể hiện quan điểm rõ ràng về cuộc cách mạng.)

Nhà sử học Robert M. Calhoon đã viết rằng thậm chí sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời sau sự gia tăng ban đầu của những người ủng hộ, thì vẫn chỉ có tối đa 45% dân số tích cực tham gia vào các nỗ lực chiến tranh. Các nhà sử học ước tính rằng 1/5 dân số thuộc địa công khai đối đầu với lực lượng yêu nước trong suốt cuộc chiến tranh.

Điều này lý giải tại sao câu chuyện được lưu truyền rằng Paul Revere cưỡi ngựa trên phố vào lúc nửa đêm và hét lên “Quân Anh đang tới!” có thể hoàn toàn là hư cấu. Ông đang làm một nhiệm vụ bí mật và không thể phân biệt được một người dân thường là một người yêu nước hay thuộc phe Bảo hoàng. (Và bởi tại thời điểm bấy giờ những người dân thuộc địa luôn nghĩ mình là người Anh, cụm từ trên có thể gây bối rối cho họ.)

  1. Các nhà lập quốc là những người theo chủ nghĩa biệt lập

Trong một bài xã luận của tờ Manchester Union Leader năm 2007, Ron Paul – hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Texas đang chạy đua tranh chức Tổng thống – đã nỗ lực tái xây dựng lập trường chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập của mình. Cụ thể, ông kêu gọi Mỹ rút khỏi vai trò truyền thống của mình như là một cường quốc lớn nhất trên thế giới thông qua việc tuyên bố rằng ông ủng hộ “chính sách đối ngoại theo hướng của các vị Tổ phụ Lập quốc.”

Nhưng các nhà lập quốc không phải là những người theo chủ nghĩa biệt lập. Washington đã phát biểu rằng “đây là chính sách đúng đắn của chúng ta nhằm tránh xa các liên minh vĩnh viễn với bất kỳ thế lực nào của thế giới bên ngoài”, một đoạn thường được trích dẫn lại bởi những người theo đường lối biệt lập của Mỹ. Tuy nhiên, lúc đó ông đang nói về việc hiệp ước năm 1778 với Pháp hết hiệu lực, chứ không phải đưa ra quan điểm rằng Mỹ nên rút khỏi các vấn đề quốc tế. Thực tế, Washington và Quốc hội Lục địa trước đó thông qua đại sứ Mỹ Benjamin Franklin đã đề nghị nước Pháp của nhà Bourbon lúc đó can thiệp vào Mỹ nhân danh nhân dân thuộc địa trong cuộc Chiến tranh Cách mạng.

Kiến nghị của Jefferson trong diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình về việc tìm kiếm “hòa bình, thương mại, và tình hữu nghị chân thành với tất cả các quốc gia, nhưng không liên minh với thế lực nào” là một đoạn trích khác được những người theo chủ nghĩa biệt lập hiện nay ưa thích. Tuy nhiên ông cũng chính là người đã phát động Chiến tranh Barbary để bảo đảm quyền tự do hàng hải phục vụ thương mại, một trong những chuyến viễn chinh đầu tiên của Mỹ ở nước ngoài.

  1. Họ vượt lên sự chia rẽ đảng phái

Năm 2004, phóng viên Chuck Raasch của tờ USA Today đã viết bài báo “Tầm nhìn của các nhà lập quốc chẳng vĩ đại đến thế,” kể về việc những mưu đồ chính trị của các đảng phái được phơi bày trong cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống năm đó. Trong tuần qua, phóng viên Matthew Dowd của ABC News đã nhắc tới các nhà lập quốc và kêu gọi “một nền chính trị đặt quốc gia lên trên các đảng phái.” Suy cho cùng thì ai đã có thể phản đối việc đặt quốc gia lên hàng đầu?

Quả thực, John Adams và James Madison đã tỏ rõ thái độ khinh miệt dành cho tư tưởng đảng phái. Adams cho biết các đảng phái chính là “những thế lực chính trị ma quỷ khủng khiếp nhất trong Hiến pháp của chúng ta.” Madison đã cảnh báo trong “Luận thuyết liên bang số 10″ (The Federalist No. 10) rằng “xu hướng của nhân loại là đắm chìm trong sự hận thù lẫn nhau quá mạnh mẽ tới mức khi không có cơ hội thích hợp (để hóa giải hận thù), chỉ những khác biệt phù phiếm và hoang đường nhất cũng đủ để khơi dậy các tâm địa xấu xa và châm ngòi cho những cuộc xung đột bạo lực nhất.”

Nhưng Madison đã viết luận thuyết này với tư cách nhà lãnh đạo của một phe riêng biệt, Đảng Liên bang (Federalist), những người đã tranh luận gay gắt nhằm ủng hộ việc phê chuẩn hiến pháp. Trong khi đó, các đối thủ đối lập chống Đảng Liên bang, trong đó có Patrick Henry, đã công kích những quan điểm của Đảng Liên bang với những lời lẽ không được lịch sự. Madison sau đó bắt tay với Jefferson và James Monroe trong Đảng Dân chủ- Cộng hòa đối lập, xa rời Đảng Liên bang của Washington và Hamilton.

Dù sao thì Madison cũng đã đúng về “những xung đột bạo lực”: Aaron Burr – đồng minh của Jefferson – đã chửi rủa Hamilton thậm tệ (hận thù của họ là về cả cá nhân lẫn chính trị) tới mức Burr đã thách thức Hamilton đấu súng tay đôi, và sau đó giết chết ông trong cuộc đấu súng. Các nhà lập quốc cũng đã ủng hộ tư tưởng đảng phái giống như các nhà lãnh đạo của chúng ta ngày nay, nhưng đồng thời họ cũng tội lỗi không kém, thậm chí là nhiều hơn, trong việc đấu đá đảng phái.

  1. Họ cho rằng Hiến pháp sẽ “tiến hóa”

“Các quy định của Hiến pháp không phải là các công thức toán học,” Thẩm phán Oliver Wendell Holmes cho biết. “… Chúng là những tổ chức hữu cơ sống.” Những lời lẽ của ông đã dự báo trước chủ nghĩa “hiến pháp sống” của Woodrow Wilson – một quan điểm cho rằng Hiến pháp sẽ tiến hóa theo thời gian. Ngay cả Thẩm phán Anthony Kennedy, người đã soạn thảo quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới của Tòa án Tối cao hồi tháng trước, cũng đã khẳng định rằng các nhà lập quốc “đã mang lại cho các thế hệ tương lai một bản hiến pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người được hưởng tự do tùy theo cách hiểu của chúng ta về khái niệm đó. Khi một quan điểm mới cho thấy sự xung đột giữa các quyền cốt lõi được bảo vệ trong Hiến pháp và các hạn chế rõ rệt về mặt luật pháp, đòi hỏi về quyền tự do phải được đáp ứng.”

Tuy nhiên, dù không nghi ngờ gì về việc các nhà soạn thảo tin rằng Hiến pháp có thể được thay đổi thông qua một quá trình sửa đổi được lên kế hoạch thận trọng, một văn bản thường xuyên tiến hóa không phải là điều họ nghĩ đến. “An ninh đặc biệt của quốc gia,” Jefferson đã viết vào năm 1803, “đang chịu sự chi phối của một văn bản Hiến pháp. Đừng để nó trở thành tờ giấy trắng chờ được sửa đổi.” Washington khẳng định rằng Hiến pháp là bất biến “cho đến khi được thay đổi bởi một hành động minh bạch và thực sự của toàn dân.”

Ông nói thêm: “Nếu theo ý kiến của nhân dân, nếu việc ban hành hoặc sửa đổi các quyền lực hiến định bị xem như sai sót ở bất kỳ điểm nào thì sẽ được sửa lại bởi một tu chính án theo cách Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng không có thay đổi nào gây ra bởi sự tiếm quyền; cho dù điều này trong một số trường hợp có thể là một công cụ tốt, nhưng nó cũng là thứ vũ khí truyền thống làm phá hủy các chính phủ tự do”.

Newt Gingrich là cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]