Mặt tốt – mặt xấu của bất bình đẳng

Print Friendly, PDF & Email

20121215_FNP002_0

Nguồn: Dani Rodrik, “Good and Bad Inequality”, Project Syndicate, 11/12/2014

Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Phạm Hồng Anh

Trong ngôi đền của các học thuyết kinh tế, nguyên tắc đánh đổi giữa sự bình đẳng và tính hiệu quả luôn chiếm một vị trí cao. Nhà kinh tế học người Mỹ Arthur Okun, tác giả của cuốn sách kinh điển về chủ đề này có tên Equality and Efficiency: The Big Tradeoff (Bình đẳng và Hiệu quả: Một sự đánh đổi lớn), tin rằng các chính sách công chỉ quẩn quanh việc giải quyết quan hệ căng thẳng giữa hai giá trị này. Năm 2007, nhà kinh tế học thuộc trường Đại học New York Thomas Sargent, trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học California, Berkeley, đã tóm lược toàn bộ kiến thức kinh tế học trong 12 nguyên tắc ngắn gọn, và nguyên tắc đánh đổi cũng nằm trong số đó.

Quan điểm cho rằng muốn thúc đẩy sự bình đẳng thì cần phải hi sinh hiệu quả kinh tế gắn liền với một trong những ý tưởng được tán thành nhất trong kinh tế học: các động lực khuyến khích. Các công ty và các cá nhân cần thấy được viễn cảnh thu nhập cao hơn để có động lực tiết kiệm, đầu tư, làm việc chăm chỉ và sáng tạo. Nếu mức thuế dành cho các công ty làm ăn có lãi và những hộ gia đình giàu có [cao đến mức] làm mờ đi viễn cảnh này, thì nó cũng sẽ đồng thời làm giảm các nỗ lực làm việc và kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính các nước cộng sản, nơi mà các mô hình thử nghiệm của chủ nghĩa bình quân dẫn tới các thảm họa kinh tế, từ lâu đã trở thành “minh chứng số một” trong các trường hợp phản đối chính sách tái phân phối.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, cả học thuyết kinh tế cũng như các bằng chứng thực tiễn đều không ủng hộ giả thiết về đánh đổi. Các nhà kinh tế học đã đưa ra những lý lẽ mới để giải thích tại sao thành tích phát triển kinh tế cao không chỉ tương thích với việc tái phân phối công bằng, mà thậm chí còn cần đến điều đó.

Chẳng hạn, trong các xã hội có sự bất bình đẳng cao, nơi những hộ gia đình nghèo bị tước đi các cơ hội về kinh tế và giáo dục, tăng trưởng kinh tế rơi vào đình trệ. Còn ở các nước tại khu vực Scandinavia, chính sách phân phối bình quân rõ ràng không hề cản trở kinh tế phát triển thịnh vượng.

Đầu năm nay, các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra các kết quả thực tiễn có khả năng xóa bỏ quan niệm cũ. Họ nhận thấy sự bình đẳng lớn hơn đi liền với sự tăng trưởng trung hạn nhanh chóng diễn ra tiếp đó, cả ở trong nước và giữa các quốc gia với nhau.

Hơn thế, chính sách tái phân phối có vẻ không có một tác động bất lợi nào đến thành tích kinh tế. Có vẻ như chúng ta vừa có thể có cái bánh trên tay, vừa có thể ăn nó cùng lúc. Đó là một kết quả gây bất ngờ – phần nhiều do kết luận này đến từ IMF, một cơ quan hiếm khi đưa ra các ý tưởng không chính thống hoặc cấp tiến.

Có thể nói kinh tế học là một môn khoa học hầu như không có những khám phá về các định luật hay chân lý. Cũng giống như hầu hết mọi thứ khác trong đời sống xã hội, mối quan hệ giữa bình đẳng và thành tựu kinh tế mang tính ngẫu nhiên hơn là cố định, phụ thuộc vào nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng và nhiều yếu tố trung gian khác. Vì thế quan điểm đồng thuận mới nổi về các tác động tiêu cực của bất bình đẳng cũng dễ sai lầm, giống như quan điểm cũ.

Chẳng hạn, hãy xem xét mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và bất bình đẳng. Ở một nước nghèo nơi phần lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp truyền thống, sự tăng vọt các cơ hội làm việc trong ngành công nghiệp tại thành thị sẽ tạo ra tình trạng bất bình đẳng, ít nhất là trong những giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Khi những người nông dân chuyển lên thành phố và kiếm được nhiều tiền hơn, khoảng cách trong thu nhập bắt đầu xuất hiện. Và đây cũng chính là quá trình tạo ra tăng trưởng kinh tế; tất cả các quốc gia đang phát triển thành công đều đã trải qua giai đoạn này.

Ví dụ ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cuối những năm 1970 gắn liền với sự gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng. Khoảng 50 phần trăm mức tăng trưởng là kết quả của sự chênh lệch trong thu nhập giữa nông thôn và thành thị, điều cũng chính là động lực của tăng trưởng.

Hoặc chúng ta hãy xem xét đến các chính sách trợ cấp người nghèo vốn đánh thuế người giàu và tầng lớp trung lưu để tăng thu nhập cho các hộ gia đình nghèo. Nhiều nước ở Mỹ Latinh như Mexico và Bolivia đã triển khai những chính sách này một cách cẩn trọng về mặt tài khóa, nhằm đảm bảo thâm hụt của chính phủ sẽ không dẫn đến nợ công cao và sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Ngược lại, chính sách trợ cấp mang tính tái phân phối ráo riết của Venezuela dưới thời Hugo Chávez và người kế nhiệm của ông ta, Nicolás Maduro, lại được hỗ trợ tài chính bởi doanh thu tạm thời từ dầu lửa, đặt ra rủi ro lớn cho cả chính sách trợ cấp người nghèo và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù tình trạng bất bình đẳng đã giảm ở Venezuela (trong thời điểm hiện tại), triển vọng tăng trưởng kinh tế đã suy yếu một cách nghiêm trọng.

Châu Mỹ Latinh là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến tình trạng bất bình đẳng được cải thiện từ đầu những năm 1990. Các chính sách xã hội tiến bộ và đầu tư cho giáo dục được tăng cường là các yếu tố then chốt. Nhưng bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa lao động có và không có chuyên môn – mà các nhà kinh tế học gọi là “skill premium” (thu nhập vượt trội nhờ kỹ năng cao hơn) – cũng đóng một vai trò quan trọng. Tùy vào lý do tại sao “skill premium” lại giảm sút mới có thể đánh giá được đây là tin tốt hay xấu đối với tăng trưởng kinh tế.

Nếu sự gia tăng nguồn cung lao động có chuyên môn giúp thu hẹp được khoảng cách thu nhập, thì chúng ta có thể hi vọng rằng việc giảm thiểu bất bình đẳng tại các nước Mỹ Latinh sẽ không cản trở mức tăng trưởng kinh tế cao hơn (và thậm chí đó có thể là một yếu tố báo hiệu tăng trưởng). Nhưng nếu nguyên nhân sâu xa đến từ sự suy giảm nhu cầu về lao động có chuyên môn, khoảng cách hẹp về thu nhập cho thấy những ngành công nghiệp hiện đại và yêu cầu chuyên môn cao – nguồn động lực của tăng trưởng trong tương lai –  đã không được phát triển một cách hiệu quả.

Ở các nước phát triển, nguyên nhân gia tăng bất bình đẳng vẫn còn gây tranh cãi. Quá trình tự động hóa và các thay đổi khác về công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, các nghiệp đoàn suy yếu, sự sụt giảm của mức lương tối thiểu, tài chính hóa, và sự thay đổi trong các quy chuẩn về mức chênh lệch thu nhập có thể chấp nhận được bên trong các tập đoàn, tất cả các yếu tố này có vai trò khác nhau từ Mỹ cho đến châu Âu.

Mỗi một yếu tố này lại tác động đến sự tăng trưởng theo một cách riêng. Mặc dù các tiến bộ công nghệ thúc đẩy tăng trưởng một cách rõ ràng, thì sự phát triển tài chính từ những năm 1990 lại gây tác động ngược, được thể hiện qua các cuộc khủng hoảng tài chính và các khoản nợ chồng chất.

Điều tốt là các nhà kinh tế học đã không còn coi sự đánh đổi giữa bình đẳng và hiệu quả là một quy luật hiển nhiên nữa. Chúng ta cũng không nên đảo ngược sự nhầm lẫn trước đây và kết luận rằng càng bất bình đẳng thì thành tích phát triển kinh tế càng cao. Rốt cuộc thì chỉ có một chân lý duy nhất trong kinh tế học: “Điều đó còn tùy…”.

Dani Rodrik hiện là Giáo sư Khoa học Xã hội của Viện nghiên cứu cao cấp tại Princeton, New Jersey. Ông là tác giả của cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth (Một ngành kinh tế học, nhiều công thức: Toàn cầu hóa, Các thể chế và Tăng trưởng kinh tế) và mới đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (Nghịch lý Toàn cầu hóa: Dân chủ và tương lai của nền kinh tế thế giới).