Tác động của sự bất bình đẳng lên trẻ em Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: BBC

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Inequality and the American Child”, Project Syndicate, 11/12/2014

Biên dịch: Hà Quỳnh Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trẻ em từ lâu đã được công nhận là một nhóm đặc biệt. Chúng không được chọn cha mẹ, chưa nói đến việc lựa chọn hoàn cảnh được sinh ra. Chúng không có khả năng tương tự như người lớn để bảo vệ hoặc chăm sóc cho bản thân. Đó là lý do vì sao Hội Quốc Liên phê chuẩn Tuyên bố Geneva về Quyền Trẻ em vào năm 1924, và cộng đồng quốc tế đã thông qua Công ước về Quyền Trẻ em vào năm 1989.

Đáng buồn thay, Hoa Kỳ đang không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Trong thực tế, cho đến ngày hôm nay Hoa Kỳ thậm chí vẫn chưa phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em. Nước Mỹ, với hình ảnh được ca ngợi như là một vùng đất của cơ hội, đáng ra phải là một hình mẫu đầy cảm hứng về cách đối xử đúng đắn và gương mẫu đối với trẻ em. Thay vào đó, nó lại là một biểu tượng của sự thất bại – một đất nước góp phần vào tình trạng trì trệ toàn cầu về quyền trẻ em trên trường quốc tế.

Mặc dù thời thơ ấu của một người Mỹ trung bình có thể không phải là tồi tệ nhất trên thế giới, nhưng sự chênh lệch giữa sự thịnh vượng của nước Mỹ với điều kiện của trẻ em ở nước  này là không đâu sánh bằng. Khoảng 14,5% dân số Mỹ là người nghèo, nhưng 19,9% trẻ em – tức khoảng 15 triệu người – sống trong nghèo đói. Trong số các nước phát triển, chỉ Romania có tỷ lệ trẻ em nghèo cao hơn. Tỷ lệ này ở Mỹ cao hơn ở Anh hai phần ba, và cao gấp bốn lần so với tỷ lệ ở các nước Bắc Âu. Đối với một số nhóm sắc tộc, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều: hơn 38% số trẻ em da đen, và 30% trẻ em gốc Tây Ban Nha, là người nghèo.

Thực trạng này không phải là vì người Mỹ không quan tâm đến con cái của họ. Đó là bởi vì nước Mỹ đã theo đuổi một chính sách trong những thập niên gần đây vốn làm cho nền kinh tế của mình để trở nên cực kỳ bất bình đẳng, làm cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội ngày càng bị bỏ lại xa hơn. Sự tập trung của cải đang tăng lên  – và sự cắt giảm đáng kể các loại thuế đối với số của cải này – có nghĩa là có ít tiền hơn để chi cho các khoản đầu tư vào hàng hóa công, như giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Kết quả là trẻ em Mỹ trở nên khó khăn hơn. Số phận của chúng là một ví dụ đau đớn của việc bất bình đẳng không chỉ làm suy yếu tăng trưởng và ổn định kinh tế – như các nhà kinh tế và các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế cuối cùng cũng phải thừa nhận – mà còn xâm hại tới các khái niệm được trân trọng nhất của chúng ta về một xã hội công bằng như thế nào.

Bất bình đẳng thu nhập tương quan với sự bất bình đẳng trong y tế, tiếp cận giáo dục, và tiếp xúc với các nguy cơ về môi trường, tất cả những vấn đề này đều ảnh hưởng nặng đối với trẻ con hơn các nhóm khác trong dân số. Thật vậy, gần một phần năm trẻ em nghèo người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn, cao hơn 60% so với trẻ em không nghèo. Các khuyết tật ảnh hưởng tới học tập ở các trẻ em sống trong các gia đình kiếm được ít hơn 35.000 USD/năm xảy ra gần như gấp đôi so với ở các hộ gia đình có thu nhập nhiều hơn 100.000 USD. Và một số dân biểu Mỹ muốn cắt tem phiếu thực phẩm – thứ mà khoảng 23 triệu hộ gia đình Mỹ phụ thuộc vào – đe dọa khiến các trẻ em nghèo sẽ bị đói.

Những bất bình đẳng trong kết quả thường gắn liền với sự bất bình đẳng trong cơ hội. Chắc chắn, ở các nước nơi trẻ em không có đủ dinh dưỡng, không đủ quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, và bị phơi nhiễm cao với các hiểm họa môi trường, thì con em của người nghèo sẽ có triển vọng cuộc sống khác xa với những người giàu có. Và một phần bởi vì triển vọng cuộc đời của một đứa trẻ Mỹ phụ thuộc  nhiều vào thu nhập và giáo dục của cha mẹ mình hơn so với ở các nước tiên tiến khác, nên Hoa Kỳ hiện nay có sự bất bình đẳng lớn nhất về cơ hội so với bất kỳ quốc gia tiên tiến nào khác. Ví dụ, tại các trường đại học ưu tú nhất của Mỹ, chỉ khoảng 9% học sinh đến từ nửa dưới của dân số, trong khi đó 74% đến từ tốp một phần tư trên cùng.

Hầu hết các xã hội công nhận nghĩa vụ đạo đức trong việc giúp đảm bảo rằng những người trẻ tuổi có thể phát huy hết tiềm năng của họ. Một số quốc gia thậm chí áp đặt nghĩa vụ hiến định về sự bình đẳng cơ hội giáo dục.

Nhưng ở Mỹ, người ta tiêu nhiều tiền hơn  cho việc giáo dục học sinh giàu hơn cho người nghèo. Kết quả là Mỹ đang lãng phí một số tài sản có giá trị nhất của nó khi một số người trẻ tuổi – bị tước mất các kỹ năng – chuyển sang các hoạt động phi pháp. Các bang của Mỹ như California chi ngân sách cho nhà tù bằng hoặc đôi khi nhiều hơn ngân sách cho giáo dục đại học.

Nếu không có các biện pháp khắc phục – bao gồm giáo dục mầm non, tốt nhất là bắt đầu từ khi còn rất nhỏ – thì cơ hội không bình đẳng sẽ chuyển thành các kết quả chênh lệch suốt đời khi trẻ lên năm tuổi. Điều này phải thúc đẩy các hành động chính sách.

Thực tế, trong khi các hiệu ứng có hại của sự bất bình đẳng là rất rộng lớn, và gây ra chi phí rất lớn về kinh tế và xã hội cho chúng ta, thì phần nhiều trong số này có thể tránh được. Những thái cực của sự bất bình đẳng quan sát được ở một số quốc gia thực ra không phải là kết quả nhẫn tâm của các lực lượng kinh tế và pháp luật. Các chính sách đúng đắn – có thể kể ra một vài ví dụ như hệ thống an sinh xã hội mạnh hơn, đánh thuế lũy tiến, và chính sách điều tiết tốt hơn (đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính) – có thể đảo ngược các xu hướng mang tính tàn phá này.

Để tạo ra ý chí chính trị mà những cải cách như vậy đòi hỏi, chúng ta phải cho các nhà hoạch định chính sách vốn nhiều sức ỳ và không chịu hành động thấy được sự thật ảm đạm về tình trạng bất bình đẳng và tác động tàn phá của nó đối với con em chúng ta. Chúng ta có thể làm giảm tình trạng tuổi thơ bị đánh cắp và tăng bình đẳng về cơ hội, từ đó đặt nền móng cho một tương lai đúng đắn và thịnh vượng hơn – phản ánh các giá trị được thừa nhận của chính chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không làm?

Trong số các tác hại mà tình trạng bất bình đẳng gây ra cho nền kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta, những tổn hại đối với trẻ em đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt. Bất kể người lớn nghèo khó phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với số phận của họ – như họ có thể không làm việc đủ chăm chỉ, không tiết kiệm đủ tiền, hoặc đã có những quyết định tồi – thì trẻ em bị hoàn cảnh áp đặt mà không có quyền lựa chọn. Trẻ em, có lẽ hơn ai hết, cần sự bảo vệ mà các quyền đem lại – và nước Mỹ nên cho thế giới thấy một tấm gương sáng của việc nhận thức vấn đề này.

 Joseph E. Stiglitz, từng nhận được giải Nobel Kinh tế và là Giáo sư tại Đại học Columbia, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và là cựu Phó chủ tịch cấp cao và Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Mới đây nhất, ông đã cho ra đời cuốn sách viết cùng Bruce Greenwald, có tên “Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.”