Hậu quả về y tế của bất bình đẳng ở Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

san_francisco_homeless001_16x9

Nguồn: Joseph E.Stiglitz, “When Inequality Kills”, Project Syndicate, 7/12/2015.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tuần này, giải Nobel kinh tế sẽ được trao một cách hoàn toàn xứng đáng cho Angus Deaton vì “những phân tích của ông về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội”. Ngay sau khi giải thưởng được công bố vào tháng Mười, Deaton đã giới thiệu một công trình đáng ngạc nhiên với đồng tác giả Ann Case trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science[1]một bài nghiên cứu đáng lên báo chẳng kém gì lễ trao giải Nobel.

Sau khi phân tích nhiều dữ liệu liên quan tới sức khỏe và tình trạng tử vong của người Mỹ, Case và Daeton đã chỉ ra rằng tuổi thọ và tình trạng sức khỏe của những người Mỹ da trắng trung niên đang đi xuống, nhất là với những người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông trở xuống. Tự tử, ma túy và nghiện rượu là ba trong những nguyên nhân chính.

Nước Mỹ luôn tự hào là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, và có thể hãnh diện rằng trong những năm gần đây, ngoại trừ năm 2009, GDP bình quân đầu người nước này đều tăng. Sức khỏe và tuổi thọ công dân được cho là tiêu chí của một quốc gia thịnh vượng. Vậy mà trong khi số tiền bình quân đầu người (cũng như tỷ lệ phần trăm GDP) Mỹ chi cho chăm sóc y tế cao hơn đa số các nước khác, nước này vẫn chưa đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình. Ví dụ, Pháp chỉ chi ít hơn 12% GDP cho chăm sóc y tế, trong khi con số này của Mỹ là 17%. Thế nhưng tuổi thọ của người Mỹ lại kém hơn ba năm so với tuổi thọ của người Pháp.

Người Mỹ đã thanh minh cho vấn đề này trong nhiều năm. Họ lập luận rằng, Hoa Kỳ là một xã hội đa chủng tộc, và khoảng cách kia phản ánh sự cách biệt lớn về tuổi thọ giữa người Mỹ gốc Phi và người Mỹ da trắng.

Sự cách biệt về mặt chủng tộc trong vấn đề sức khỏe dĩ nhiên là có thật. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2014, tuổi thọ trung bình của người Mỹ gốc Phi so với người da trắng thấp hơn bốn năm đối với nữ và năm năm đối với nam. Tuy nhiên, sự phân biệt này không đơn thuần chỉ là kết quả vô thưởng vô phạt của một xã hội đa chủng tộc. Nó còn là một sự đáng xấu hổ của nước Mỹ: nạn phân biệt chủng tộc tràn lan đối với người Mỹ gốc Phi, điều được phản ánh trong việc thu nhập bình quân hộ gia đình của những người này thấp hơn tới 60% so với các gia đình da trắng. Hiệu ứng của mức chênh lệch thu nhập này còn trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ là quốc gia tiên tiến duy nhất không thừa nhận quyền được tiếp cận dịch vụ y tế là một quyền cơ bản.

Vậy nhưng một vài người Mỹ da trắng vẫn đang cố đẩy trách nhiệm về việc giảm tuổi thọ cho “lối sống” của những người Mỹ gốc Phi. Điều này có thể cũng đúng bởi lẽ những thói quen không lành mạnh thường tập trung ở những người nghèo mà đa số lại là người da đen. Tuy nhiên chúng lại chính là hệ lụy của điều kiện vật chất, chưa kể áp lực của nạn phân biệt chủng tộc.

Kết quả nghiên cứu của Case và Deaton đã chỉ ra rằng những lý thuyết như trên sẽ không còn đúng nữa. Nước Mỹ ngày càng bị phân hóa – sự phân hóa không chỉ giữa người da trắng và người Mỹ gốc Phi, mà còn giữa 1% công dân và số còn lại, giữa những người có học vấn cao và những người có học vấn thấp hơn, không kể thuộc chủng tộc gì. Tiền lương không còn là thước đo duy nhất cho khoảng cách ấy, thêm vào đó còn có vấn đề giảm tuổi thọ. Người Mỹ da trắng đang chết sớm hơn khi thu nhập của họ ngày cảng giảm.

Điều này không có gì là đáng ngạc nhiên đối với những người nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng ở Mỹ như chúng tôi. Thu nhập trung bình của một nam nhân viên làm việc toàn thời gian hiện nay thấp hơn so với thu nhập của 40 năm trước. Mức lương dành cho người tốt nghiệp trung học phổ thông giảm khoảng 19% trong thời kỳ mà Case và Deaton nghiên cứu.

Để cứu vãn tình thế, nhiều người Mỹ đã vay ngân hàng với lãi suất cao. Trong năm 2005, chính sách của tổng thống George W. Bush đã gây khó khăn cho các hộ gia đình muốn tuyên bố phá sản hay xóa nợ. Rồi lại đến cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến hàng triệu công dân Mỹ mất nhà và việc làm. Khi bảo hiểm thất nghiệp – được dùng cho một vài trường hợp mất việc trong một xã hội toàn dụng lao động – cạn kiệt, họ sẽ phải tự thân vận động mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào (ngoài những phiếu mua lương thực), trong khi đó chính phủ lại bảo lãnh cho những ngân hàng đã gây ra khủng hoảng.

Đời sống trung lưu với những đặc quyền của nó đã vượt xa tầm với của ngày càng nhiều công dân Mỹ khi mà cuộc Đại Suy Thoái đã làm bộc phát sự dễ bị tổn thương của họ. Người đầu tư vào thị trường chứng khoán thì mất tài sản; người dốc tiền mua trái phiếu chính phủ thì mất khoản thu nhập hưu trí, tất cả là do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã không ngừng hạ lãi suất cả ngắn hạn và dài hạn. Học phí tăng cao khiến vay nợ trở thành cách duy nhất trẻ em được tới trường để mang lại chút ít hy vọng; thế nhưng việc trả khoản vay này gần như là không thể, dẫn tới vay nợ cho mục đích giáo dục thậm chí còn tệ hơn các khoản nợ khác.

Áp lực tài chính ngày càng leo thang không thể không đẩy các gia đình trung lưu Mỹ vào tình trạng căng thẳng. Và cũng chẳng ngạc nhiên khi điều này dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ người lạm dụng ma túy, nghiện rượu và tự tử.

Tôi đã làm kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới cuối những năm 1990, khi mà chúng tôi bắt đầu nhận được những tin buồn tương tự từ Nga. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy GDP nước này đã giảm khoảng 30% kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng chúng tôi cũng chưa tự tin vào sự đo lường của mình. Các dữ liệu chỉ ra rằng tuổi thọ của đàn ông nước này đang giảm xuống, trong khi trên thế giới, con số lại đang tăng, càng cho thấy Nga đang trong trạng thái không tốt, nhất là những khu vực bên ngoài các thành phố lớn.

Ủy ban quốc tế về Đo lường Trạng thái Kinh tế và Tiến bộ Xã hội, nơi Deaton từng làm việc và tôi làm đồng chủ tịch, đã nhấn mạnh rằng GDP thường không phải là thước đo chính xác cho phúc lợi của một xã hội. Những dữ liệu gần đây về tình trạng sức khỏe giảm sút của người Mỹ da trắng càng khẳng định hơn kết luận này. Nước Mỹ – xã hội trung lưu điển hình của thế giới – đang dần quay về với hình mẫu xã hội trung lưu sơ khai của mình.

Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel Kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và từng là Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới. Quyển sách gần đây nhất của ông, đồng tác giả với Bruce Greenwald, là quyển Xây dựng Xã hội Học tập: Phương pháp Mới để Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ Xã hội.

Copyright: Project Syndicate 2015 – When Inequality Kills

————-

[1] Tạp chí khoa học của Viện hàn lâm khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (ND)
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]