Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh đến đâu?

Print Friendly, PDF & Email

???????????

Nguồn: Justin Yifu Lin, “How Fast Will China Grow?”, Project Syndicate, 29/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong 35 năm kể từ khi công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc bắt đầu, nước này đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 9,8% – một mức tăng bùng nổ chưa từng có. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy phép lạ của Trung Quốc đang dần đến hồi kết thúc – hay ít nhất là tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm kể từ quý đầu tiên của năm 2010. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng tương đối yếu, đạt 7,4%.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những cơn gió ngược chiều trong năm nay, ít nhất là nếu so với thập niên trước. Khi các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch năm năm lần thứ 13 của đất nước, họ sẽ phải vật lộn với một câu hỏi căn bản: Trung Quốc mong đợi tăng trưởng nhanh đến đâu?

Khi xây dựng mục tiêu GDP của một quốc gia, điều đầu tiên cần phải hiểu là tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế: nhịp độ tăng trưởng tối đa có thể đạt được, giả định những điều kiện thuận lợi trong và ngoài nước không đe dọa đến tăng trưởng ổn định và bền vững trong tương lai. Như Adam Smith đã bàn trong cuốn Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (hay Quốc phú luận), tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào việc cải thiện năng suất lao động, mà ngày nay điều đó là kết quả của hoặc đổi mới công nghệ hoặc nâng cấp công nghiệp (tái phân bổ năng lực sản xuất vào các lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao hơn).

Nhưng các nước phát triển đi tiên phong trong đổi mới đang gặp bất lợi. Để được hưởng lợi từ công nghệ mới, họ phải tạo ra nó. Ngược lại, các nước đang phát triển sở hữu một “lợi thế đi sau” bởi họ có thể đạt được những tiến bộ công nghệ thông qua mô phỏng, nhập khẩu, hội nhập, và mua giấy phép sử dụng. Kết quả là chi phí và rủi ro của họ ở mức thấp hơn. Trong hơn 150 năm qua, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng với tốc độ bình quân 3% mỗi năm, trong khi một số nước đang phát triển lại đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7% hoặc cao hơn trong quãng thời gian 20 năm hoặc lâu hơn.

Để tính toán Trung Quốc có được lợi thế đi sau đến đâu sau 35 năm tăng trưởng chưa từng có, cần xem xét khoảng cách giữa mức độ phát triển công nghệ và công nghiệp của nó với các nước có thu nhập cao. Cách tốt nhất là so sánh thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) giữa Trung Quốc với các nước phát triển. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người càng lớn thì lợi thế đi sau càng lớn và tiềm năng tăng trưởng càng cao.

Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ hơn 1/5 của Hoa Kỳ. Khoảng cách này tương đương với khoảng cách giữa Mỹ và Nhật Bản hồi năm 1951, sau đó Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 9,2% trong 20 năm tiếp theo, hoặc giữa Mỹ và Hàn Quốc hồi năm 1977, sau đó Hàn Quốc đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 7,6% mỗi năm trong hai thập niên tiếp theo. Singapore năm 1967 và Đài Loan năm 1975 cũng có khoảng cách tương tự – kéo theo là tốc độ tăng trưởng tương tự. Nói rộng ra, trong 20 năm sau năm 2008, Trung Quốc phải đạt tốc độ tăng trưởng tiềm năng khoảng 8%.

Nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng chỉ là một phần câu chuyện. Việc có thể đạt được nó hay không còn phải dựa trên các điều kiện trong nước và môi trường quốc tế. Để khai thác lợi thế đi sau của mình, Trung Quốc phải cải cách sâu sắc hơn và loại bỏ những phần méo mó còn lại trong nền kinh tế của nó. Trong khi đó, chính phủ nên đóng vai trò chủ động trong việc khắc phục những thất bại của thị trường – như các vấn đề về phối hợp và các hậu quả ngoại hiện (externality) – vốn chắc chắn đi kèm với đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp.

Trung Quốc có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng cách dựa vào nhu cầu nội địa – và không chỉ là tiêu thụ hộ gia đình. Đất nước không thiếu những cơ hội đầu tư với quy mô đáng kể cho việc nâng cấp công nghiệp và có nhiều tiềm năng để cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nhà ở công cộng, và quản lý môi trường.

Hơn nữa, các nguồn lực đầu tư của Trung Quốc rất phong phú. Tổng nợ của chính phủ trung ương và địa phương ở mức dưới 50% GDP – vẫn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, tiết kiệm tư nhân ở Trung Quốc lên tới gần 50% GDP, và dự trữ ngoại hối của nước này đã đạt 4 nghìn tỉ đô la. Ngay cả dưới điều kiện bên ngoài tương đối không thuận lợi, Trung Quốc vẫn có thể dựa vào đầu tư để tạo công ăn việc làm trong ngắn hạn; khi số lượng việc làm tăng lên, tiêu dùng sẽ tăng theo.

Thế nhưng các kịch bản bên ngoài lại ảm đạm hơn. Dù chính quyền các nước phát triển đã can thiệp mạnh mẽ để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khởi động các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa đáng kể, nhiều thiếu sót về mặt cấu trúc của họ vẫn chưa được giải quyết. Chính sách “Abenomics” của Nhật Bản vẫn chưa đem lại kết quả, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu thì đang bước theo dấu chân của Mỹ và Nhật Bản, theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng trong nỗ lực kích thích tổng cầu.

Số lượng việc làm ở Mỹ đang tăng, nhưng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở mức thấp và nền kinh tế nước này vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng 6-7% như thường đạt được trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng. Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải chịu đựng tăng trưởng kinh tế chậm chạp, làm kiềm chế sự tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.

Kết quả là tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống dưới mức tiềm năng 8% một năm. Khi các nhà hoạch định chính sách đề ra kế hoạch cho 5 năm tiếp theo, họ nên đặt mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong mức 7-7,5%, rồi điều chỉnh chúng phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh quốc tế. Một mục tiêu tăng trưởng như vậy có thể giúp ổn định tỉ lệ việc làm, giảm thiểu rủi ro tài chính, và vẫn giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập vào năm 2020.

Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu), nguyên Kinh tế trưởng và Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới, là Giáo sư và Hiệu trưởng danh dự Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh, và là Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Trung Quốc (CCER).