Ernest Bevin – Nhà ngoại giao thời hậu chiến

Print Friendly, PDF & Email

???????????????????

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 10/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Từ thập niên 1920 đến thập niên 1950, Ernest Bevin (1881-1951) là một nhân vật trung tâm trong phong trào lao động Anh và trong chính sách đối ngoại nước này. Ông giữ chức Ngoại trưởng Anh những năm cuối thập niên 1940.

Bevin sinh ngày 9 tháng 3 năm 1881 tại Somerset. Ông hầu như không được đi học ở trường và trở thành trẻ mồ côi khi mới lên 8 tuổi. Năm 11 tuổi, Bevin bắt đầu làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Bristol, nhưng rồi ông sớm bộc lộ khả năng quản lý tổ chức xuất sắc. Ông tham gia vào Hiệp hội những người khuân vác ở bến tàu (Dockers’ Union) và đóng vai trò lớn trong sự thành lập Hiệp hội Công nhân vận tải và Người lao động (Transport and General Workers Union), đồng thời trở thành Tổng thư ký đầu tiên của Hiệp hội năm 1922. Đây là một thành tựu to lớn nếu xét đến những nỗ lực để đưa tất cả mọi người đang lao động trong rất nhiều ngành nghề xích lại gần nhau, và đoàn kết với nhau trong một hệ thống hiệp hội thống nhất.

Trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, dù không phải là nghị sĩ, nhưng Bevin lại là nhân vật chủ chốt trong quá trình phát triển chiến lược và tư tưởng của Công Đảng (hay còn gọi là Đảng Lao Động). Ông cũng chịu trách nhiệm đảm bảo cho những yêu cầu về tổ chức lao động chiếm vị trí trung tâm trong tinh thần cũng như chính sách của Công Đảng thời kì đó. Bài diễn thuyết đầy sức mạnh của ông tại đại hội đảng năm 1935 đã góp phần đưa Clement Attlee lên thay thế George Lansbury làm lãnh đạo đảng. Năm 1940, Bevin được thủ tướng Winston Churchill chỉ định làm Bộ trưởng Bộ lao động trong chính phủ liên minh thời chiến, và không lâu sau đó ông trở thành thành viên nghị viện, đại diện cho Central Wandsworth. Quyết định này của Churchill là một trong những hành động sáng tạo và hiệu quả nhất của ông trên cương vị thủ tướng Anh. Bevin đã thành công trong việc biến nước Anh thành một nền kinh tế phục vụ cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó tất cả nguồn nhân lực và vật chất đều được tập trung cho chiến tranh.

Năm 1945, Bevin trở thành ngoại trưởng trong chính phủ Công đảng của thủ tướng Clement Attlee. Trong môi trường chính trị bất ổn của những năm tháng hậu chiến tranh, ông đã xây dựng cho nước Anh một vai trò rõ ràng và kiên định: là một đồng minh trung thành của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh đối đầu với Liên Xô. Bevin cũng giúp định hình những tuyên bố mơ hồ từ phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để hình thành Kế hoạch Marshall[1] – một điểm mấu chốt trong quá trình tái cấu trúc Châu Âu thời hậu chiến. Ông còn là nhân vật trung tâm trong sự thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO năm 1949.

Các chính sách của Bevin đã bộc lộ một số sai lầm quan trọng, trong đó đáng chú ý có việc ông đã không đánh giá đúng thực tế rằng sức mạnh của nước Anh đã giảm sút sau năm 1945 – điều này đã bị phơi bày qua quyết định phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy vậy, khi ông mất vào ngày 14 tháng 4 năm 1951, Bevin vẫn được ca ngợi là một trong những người quan trọng nhất định hình thế giới sau chiến tranh.

—————————————-

[1] Tổng thống Mỹ Harry S. Truman thông qua Đạo luật Viện trợ Nước ngoài (3/4/1948), được biến đến rộng hơn với tên gọi Kế hoạch Marshall. Đạo luật này cuối cùng đã cung cấp hơn 12 tỉ đô la Mỹ (tương đương với khoảng 160 tỉ đô la hiện nay) để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của Tây Âu. Đọc thêm tại: http://nghiencuuquocte.net/2015/04/03/ke-hoach-marshall/