Clement Attlee – Thủ tướng phi thực dân hóa

Print Friendly, PDF & Email

Clement-Attlee-4

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 8/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Clement Richard Attlee (1883-1967) là lãnh đạo Công đảng Anh (hay còn gọi là đảng Lao động Anh – Labour Party) trong 20 năm, và giữ cương vị thủ tướng trong chính phủ Công đảng từ 1945 đến 1951. Đây là chính quyền đã thi hành nhiều cải cách sâu rộng nhất của nước Anh trong thế kỷ 20. Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của Dịch vụ Y tế Quốc gia, sự quốc hữu hóa một phần năm nền kinh tế nước Anh, và sự trao trả độc lập cho Ấn Độ.

Attlee sinh ngày 2 tháng 1 năm 1883. Ông được nuôi dạy như bao đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu khác, và sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông bắt đầu sự nghiệp với nghề luật sư. Tuy nhiên, Attlee đã từ bỏ con đường này để trở thành một công nhân lao động ở khu East End của thành phố London, rồi sau đó gia nhập Công đảng. Ông tham gia phục vụ trong quân đội trong Thế chiến I.

Attlee dần vươn lên và trải qua từng cấp bậc của Công đảng, từ đó ông hiểu được văn hóa và đặc tính của đảng, điều mà những thành viên khác cũng xuất phát từ nền tảng xã hội tương tự (như Hugh Dalton và Stafford Cripps) không có được. Năm 1922, Attlee trở thành nghị sĩ đại diện cho Stepney và giữ chức bộ trưởng trợ lý (junior minister) trong chính phủ của thủ tướng MacDonald các năm 1924 và 1929-1931. Năm 1935 ông trở thành lãnh đạo đảng mà gần như không chịu sự cạnh tranh nào, bởi nhiều đối thủ nặng ký hơn đã bị mất ghế trong cuộc bầu cử năm 1931. Tính cách trầm lặng, khiêm tốn của Attlee khiến nhiều người đánh giá thấp ông. Mưu đồ thay thế ông diễn ra thường xuyên trong suốt hai thập niên tiếp theo, nhưng Attlee có đủ sự tự tin để không bị xao động bởi những âm mưu của Herbert Morrison hay Ernest Bevin.

Trong Thế chiến II, Attlee đã đảm nhiệm rất thành công cương vị phó thủ tướng dưới thời chính phủ liên minh của Churchill. Sau đó vào năm 1945, khi Công đảng lên nắm quyền sau một chiến thắng vượt trội ở cuộc bầu cử [trước liên minh đảng Tự do và Bảo thủ của Churchill – ND], ý thức trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước tuyệt đối của Attlee đã dẫn tới những cải cách của Công đảng theo hướng chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Điều này dẫn tới sự thành lập của Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service) và việc quốc hữu hóa các mỏ than đá và ngành công nghiệp thép. Attlee coi vai trò của thủ tướng như là một người phân xử, giúp hòa giải các ý kiến trong một nội các tập trung nhiều cá nhân quyền lực như Morrison, Bevin và Aneurin Bevan. Attlee đóng vai trò quan trọng trong việc hậu thuẫn chính sách ngoại giao của Ngoại trưởng Bevin thời Chiến tranh lạnh, và trong việc thúc đẩy trao trả độc lập cho Ấn Độ (đây cũng là một lý do ông nhận được sự ủng hộ trong suốt nhiều năm).

Sau khi Công đảng bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1951, quyền lực của Attlee suy yếu rõ rệt, uy thế của ông sụt giảm do những đấu tranh bè phái trong đảng. Ông rời khỏi vị trí lãnh đạo vào năm 1955 và được sắc phong tước hiệu bá tước. Ông qua đời ngày 8 tháng 10 năm 1967.