Công nghệ quốc phòng: đã đến lúc xoay trục sang khu vực tư nhân

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ben FitzGerald and Katrina Timlin, “Time for a private-sector pivot to military technology”, War on the Rocks, 22/5/2015.

Biên dịch: Lê Thanh Danh | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến lược xoay trục sang châu Á của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã được theo dõi và tranh luận rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cũng đang theo đuổi một chiến dịch xoay trục khác, ít được quan tâm bàn luận hơn, hướng sang khu vực công nghệ thương mại. Chuyến viếng thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đến Thung lũng Silicon đã nhấn mạnh tới mối lo ngại ngày càng lớn trong toàn bộ cộng đồng quân sự, rằng khu vực thương mại chính là khởi nguồn của các công nghệ đột phá, với ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết để tận dụng sự phát triển này.

Chuyến thăm của ông Carter đã thể hiện sự quan tâm ở cấp cao đối với khu vực công nghệ thương mại ngay bên trong Lầu Năm Góc. Những lãnh đạo của cơ quan này như ông Carter, Thứ trưởng Bob Work và người phụ trách lĩnh vực mua sắm Frank Kendall đang tiếp tục thúc đẩy Bộ Quốc phòng thích nghi với sự phát triển của các công nghệ mang tính thương mại.

Vẫn còn nhiều câu hỏi lớn xung quanh chiến lược xoay trục này. Liệu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có khả năng thực hiện những cải cách cần thiết để tiếp cận khu vực thương mại công nghệ như Bộ này mong muốn hay không? Đấy là câu hỏi đáng chú ý nhất. Nhưng đó chỉ mới là những câu hỏi dạo đầu. Kể cả khi ban lãnh đạo của Bộ Quốc phòng xoay trục thành công sang khu vực công nghệ thương mại, làm cách nào quân đội Hoa Kỳ có thể duy trì những lợi thế chiến đấu độc nhất vô nhị của mình trong khi phải sử dụng những công nghệ vốn có thể được tiếp cận một cách rộng rãi?

Một tương lai mà các mục tiêu về mặt quân sự được thoả mãn hoàn toàn bởi các công nghệ thương mại hoá là điều khó có thể xảy ra. Việc tồn tại các tàu sân bay hiệu Google X hay một máy bay ném bom iBomber của hãng Apple là không tưởng (mặc dù khó có ai không lấy làm tò mò, Apple mà thiết kế máy bay ném bom thì sẽ “đỉnh” cỡ nào). Dẫu sao đi nữa, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vẫn phải tìm ra cách thức để vừa thu lợi từ tốc độ phát triển chóng mặt của các phát minh trong khu vực thương mại công nghệ, vừa duy trì được những lợi thế mà chỉ riêng Hoa Kỳ có được. Thách thức này không chỉ có một lời giải. Bộ Quốc phòng có nhiều cách thức để tận dụng khu vực thương mại công nghệ mà không đánh mất các đặc quyền công nghệ của mình, như: thích ứng với các công nghệ hiện có; mở các hợp đồng đối tác thương mại; lợi dụng hợp tác nguồn mở; phát triển hệ thống đào tạo và các khái niệm tác chiến (concepts of operation – CONOPS) tích hợp các phát minh mới về công nghệ.

Phân chia nguồn lực hiệu quả

Khu vực thương mại công nghệ đang ngày càng nâng cao năng lực, đủ sức để đáp ứng các yêu cầu về mặt quân sự. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), thay vì tự phát triển các hệ thống đặc dụng dành cho những chức năng căn bản, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thường tìm kiếm các giải pháp đến từ khu vực thương mại, từ điện thoại thông minh của Apple hay Galaxy đến các dịch vụ thư tín điện tử.

Xu hướng này đang dịch chuyển ngày một mạnh mẽ từ văn phòng ra đến tận chiến trường. Chính phủ nên mở rộng cách tiếp cận này vượt ra khỏi lĩnh vực IT, cũng như cần phải tư duy một cách sáng tạo để có thể ứng dụng ngày càng nhiều loại công nghệ vào các kiểu môi trường quân sự khác nhau. Trong khi trên thị trường vẫn chưa xuất hiện dòng máy bay không người lái tàng hình và có trang bị vũ khí, những máy bay không người lái đã được thương mại hóa có thể phục vụ cho các mục đích chiến thuật, với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của các mẫu thiết kế quân sự. Một sự phân công lao động hiệu quả, tận dụng các sản phẩm giá rẻ, được thương mại hóa và luôn sẵn sàng để huy động, có thể giúp Bộ Quốc phòng tiết kiệm thời gian, nhân lực và tiền bạc. Từ đó, Bộ có thể đầu tư nhiều hơn vào các mục tiêu khó khăn và chuyên sâu hơn về mặt quân sự.

Kết hợp hiệu quả sản phẩm thương mại trong hệ thống quân sự độc nhất

Có nhiều năm kinh nghiệm tích hợp các sản phẩm thương mại vào trong các hệ thống khí tài chủ lực của mình, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang cố cải thiện khả năng tích hợp những công nghệ được thương mại hóa mới nhất bằng cách thiết kế những hệ thống vũ khí theo kiểu mô-đun (modular military systems). Thiết kế và thử nghiệm các hệ thống khí tài tinh vi rất tốn kém và mất thời gian. Điển hình là quá trình phát triển quá lâu và tốn nhiều chi phí của chiếc máy bay F-35.

Để tăng tốc cho quá trình này, sáng kiến mua sắm quốc phòng “Better Buying Power 3.0” (Tạm dịch: Sức mạnh Mua sắm Cải tiến 3.0 – ND) sẽ tập trung vào gia tăng tốc độ phát triển và các công nghệ mô-đun tiêu chuẩn, tùy theo nhu cầu của hệ thống khí tài. Các thiết kế mô-đun tiêu chuẩn tạo điều kiện cho quá trình hiện đại hóa, tránh được các tình huống phát sinh như trong việc phát triển bộ vi xử lý cho dòng máy bay F-22. Các cấu tạo phần mềm của chiếc máy bay này đã trở nên lỗi thời so với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay. Bằng cách phân tích xem những thành tố nào của hệ thống khí tài có thể được phát triển thông qua các công nghệ hiện hữu, Bộ Quốc phòng có thể giảm chi phí “vòng đời” của vũ khí, đồng thời đảm bảo quân đội có đủ khả năng khai thác lợi ích từ những phát triển công nghệ.

Các sáng kiến như trên có thể được mở rộng hơn nữa bằng cách áp dụng các quy trình thương mại, chẳng hạn như trong lĩnh vực trải nghiệm thiết kế của người dùng, hoặc các hoạt động phát triển công nghệ. Việc cập nhật hoạt động mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một quân đội Hoa Kỳ biết thu lợi từ các phát minh khu vực thương mại, và một quân đội Hoa Kỳ hiện đang bỏ quên những lợi ích từ khu vực tư nhân.

Áp dụng thiết kế quân sự đối với các sản phẩm thương mại

Các sản phẩm thương mại hiếm khi nào được ứng dụng ngay lập tức thành thiết bị quân sự. Tuy nhiên, việc tích hợp các công nghệ đã được thương mại hóa có thể giảm chi phí và tăng tốc độ sản xuất các hệ thống khí tài. Bằng cách tích hợp các công nghệ thương mại hóa, quân đội Hoa Kỳ sẽ sở hữu lợi thế về tốc độ sản xuất, khả năng thích nghi, có nhiều phương án phối hợp quân sự, và có thể dễ dàng xuất khẩu các hệ thống vũ khí cho đồng minh. Chẳng hạn, chiến đấu cơ Textron Scorpion chỉ sử dụng các công nghệ đã được thương mại hóa, tiến đến trở thành một chiến đấu cơ giá rẻ, không sử dụng kinh phí từ quỹ nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhưng vẫn thích hợp cho các nhiệm vụ mang tính định kỳ. Không quân Hoa Kỳ thậm chí đã tích hợp thêm các bộ điều khiển của PlayStation 3 vào một siêu máy tính, khiến nó không những rẻ hơn mà còn tiết kiệm năng lượng hơn. Cách tiếp cận này giúp Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ quản lý được chi phí, sáng tạo nhanh hơn và kết nối tốt hơn với các đồng minh – đặc biệt khi đối đầu với kẻ địch có mức phát triển công nghệ thấp hơn – trong khi vẫn giữ được sự độc nhất của các hệ thống quân sự cao cấp.

Yếu tố thương mai như nhân tố nhân rộng sức mạnh của các hệ thống quân sự

Công nghệ được thương mại hóa cũng có thể được triển khai kết hợp với các hệ thống quân sự để mở rộng phạm vi ứng dụng của chúng. Trong số các chương trình kết nối công nghệ thương mại hóa với mục đích quân sự, có thể kể đến Hệ thống chi viện không quân trực tiếp (Persistent Close Air Support System – PCAS) của DARPA. Sử dụng các máy tính bảng mang hệ điều hành Android, PCAS giúp tăng cường phối hợp giữa lực lượng bộ binh và không quân, gia tăng mức độ nhận thức tình huống bằng cách kết hợp nhiều đường truyền dữ liệu và liên lạc với nhau để cung cấp chi viện không quân trực tiếp.

Trong khi PCAS đang được ứng dụng trên các máy bay MV-22, DARPA đang muốn nhân rộng chương trình này trên nhiều hệ thống khí tài trên không khác. Điều này là khả thi vì hệ thống PCAS dựa trên phần mềm và có khả năng tích hợp theo kiểu mô-đun dễ dàng. Cách tiếp cận này vừa giúp mở rộng công dụng và vòng đời của vũ khí, vừa biến các lợi thế quân sự thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho khu vực thương mại công nghệ. Ai cũng có thể mua một máy tính bảng với hệ điều hành Android, nhưng họ không thể sử dụng nó để yêu cầu viện trợ hỏa lực từ trên không trong một môi trường đảm bảo an toàn an ninh cao.

Bộ dụng cụ rô-bốt tích hợp Qinetiq là một ví dụ khác về các phương tiện thương mại hóa truyền thống, trong trường hợp này là xe ủi Bobcat, được tạo cảm hứng để có thể phát triển thêm các chức năng phục vụ những nhiệm vụ và ứng dụng mang tính quân sự. Bằng cách tích hợp các ứng dụng thông thường vào mục đích quân sự, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có thể tận dụng một sản phẩm đã được kiểm chứng đủ năng lực hoạt động trong khu vực tư nhân, và điều chỉnh nó phù hợp với môi trường quân sự.

Các thị trường dẫn đầu

Tận dụng các công nghệ thương mại hóa cho mục đích quân sự cũng giúp tăng thêm cơ hội cho khu vực tư nhân. Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều trường hợp khu vực chính phủ và tư nhân cộng sinh cùng nhau, bao gồm cả các công nghệ như Internet và GPS (Hệ thống định vị toàn cầu). Như Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã nói trong bài diễn văn tại đại học Stanford, mối quan hệ cộng sinh này có thể tạo nên thị trường mới và đôi bên cùng có lợi. Dù các dự án ban đầu thuộc khu vực công, chính phủ vẫn cần sự phối hợp và các phát minh của khu vực thương mại để đưa chi phí công nghệ về mức hợp lý.

Những lợi ích đôi bên cùng có lợi trong mối quan hệ đối tác này có thể được nhận thấy rõ ràng qua các công ty như Palantir và SpaceX. Những công ty này đã phát triển các kiểu mẫu công nghệ trước cả các đối thủ cạnh tranh, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, và sử dụng lượng tư bản và kinh nghiệm này để làm việc với các khách hàng đến từ khu vực chính phủ như một hình thức mở rộng kinh doanh sơ bộ. Các hợp đồng đối tác thương mại cho phép chính phủ khai thác lợi ích từ chi phí R&D, khi chi phí này được toả xuống các công ty và quỹ hỗ trợ. Tốc độ đối mới công nghệ cũng sẽ gia tăng nhanh chóng bởi cơ hội mà thị trường dành cho các sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh, qua đó giúp hạ giá thành. Chính phủ do vậy, có thể hoàn thiện được công nghệ và đồng thời giảm chi phí.

Các hợp đồng đối tác tương tự trong giai đoạn thập niên 1960 – 1970 đã tạo ra những lợi thế chiến lược, đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhanh chóng chiếm vị trí áp đảo trên thị trường quốc tế, tăng lợi nhuận sau thuế và tạo công ăn việc làm, cho phép các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ ảnh hưởng mạnh mẽ lên quá trình lan tỏa và sử dụng nhiều công nghệ như Internet và GPS.

Cạnh tranh bên ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin

Trong khi công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đại đa số các phát minh xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo các thống kê của Neal Stephenson, Peter Thiel và một số nhà khoa học khác. Công nghệ thông tin, bao gồm các hệ thống bổ trợ như vi xử lý và trang thiết bị mạng máy tính, chính là những ưu thế của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng cùng lúc với việc duy trì thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nên lưu tâm khai thác các ưu thế công nghệ khác như công nghệ động cơ đẩy, điện từ hoặc năng lượng định hướng, và các công nghệ giúp gia tăng khả năng sống sót. Các công nghệ này đòi hỏi sự đầu tư về thiết kế và tiền bạc, cũng như nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như nguồn năng lượng cho các hệ thống năng lượng định hướng. Điều này làm cản trở khả năng phổ biến rộng rãi các công nghệ trên thị trường trong ngắn và trung hạn. Mở ra sự cạnh tranh nếu có thể trong các lĩnh vực công nghệ, song trùng với các thế mạnh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, sẽ cho phép Lầu Năm Góc thu hút nhiều đối tác hơn và duy trì ưu thế đối với một số đối thủ nhất định.

Nguồn mở (Open Source) và Nguồn số đông (Crowdsource)

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy họ có thể sử dụng sức mạnh của các phương thức hợp tác mở rộng, bất chấp các quan ngại về mức độ an ninh thông tin và an toàn hoạt động. DARPA đã duy trì một danh sách phần mềm mở, cho phép họ tối đa hóa tác động của các khoản đầu tư và hưởng lợi từ năng lực chuyên môn của một nền tảng phát triển rộng hơn so với các hợp đồng đóng kín. Quân đội Hoa Kỳ cũng đã thử nghiệm phương pháp “Nguồn số đông” để giải quyết một số vấn đề về năng lực, và xây dựng một mô hình kinh doanh mới là Local Motors – nhà sản xuất chiếc xe hơi in 3D đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, không phải tất cả các hệ thống vũ khí có thể được thiết kế hoặc phát triển theo cách thức “mở”, tuy vậy phần nhiều những hệ thống khí tài có thể được thực hiện theo cách thức này lại tỏ ra vô cùng giá trị khi phải tranh đua với một đối thủ có khả năng thích ứng cao. Hợp tác mở cho phép Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có cơ hội xác định nhu cầu năng lực trực tiếp từ người dùng, thiết kế và chế tạo nhanh hơn, với đầu vào chuyên nghiệp hơn – thường với chi phí thấp hơn – dẫn tới các giải pháp mang tính đột phá về công nghệ và các hệ thống được kiểm nghiệm chặt chẽ hơn.

Lợi thế vận hành

Đa số những cách tiếp cận nói trên dựa vào một lợi thế khác của quân đội Hoa Kỳ – nguồn lực con người. Thông qua các chương trình dành cho lãnh đạo hay các chương trình luyện tập, các chuyên gia của quân đội có khả năng suy nghĩ hiệu quả về việc làm thế nào để ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo nhất, ví dụ như khi thiết kế CONOPS hay xem xét việc điều khiển và ứng dụng nhiều loại vũ khí khác nhau để đạt được các mục tiêu quân sự khác nhau. Triển khai vũ khí một cách hiệu quả không phải tự dưng mà thực hiện được, và điều này giúp kết hợp khả năng lãnh đạo và quản lý chủ động với quá trình phát triển các công nghệ mới cùng cấu trúc quân sự hiện hành. Đầu tư vào công nghệ mang tính thương mại giúp đa dạng hoá lực lượng quân sự, tạo ra một sự kết hợp đa dạng hơn các hệ thống vũ khí khí tài và đặt lợi thế trọng tâm vào con người như không phải vũ khí. Tuỳ vào mức độ mà Bộ Quốc phòng có thể đầu tư vào công nghệ và cơ chế chiến đấu trong đó con người là yếu tố gây khác biệt chính, việc sở hữu các ưu thế vượt trội so với đối thủ là điều nằm trong tầm tay.

Công nghệ thương mại không phải là liều thuốc vạn năng, và công nghệ thương mại cũng không phải luôn luôn là lợi ích tốt nhất khi so sánh với các giải pháp thuần tuý quân sự trong lựa chọn của quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để có thể giữ ưu thế trước các địch thủ luôn luôn có khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu, Bộ Quốc phòng cũng phải thích ứng để có thể giành lấy nhiều lợi ích hơn từ các công nghệ mang tính thương mại. Những cách tiếp cận được đề cập trong bài viết này không phải là những cách thức làm thay đổi cuộc chơi hay giúp thúc đẩy công nghệ một cách vượt trội hàng thập kỷ so với đối thủ. Tuy nhiên, chúng có khả năng thực hiện được trong hiện tại và có thể giúp duy trì tính cạnh tranh trong ngắn hạn, thứ mà Lầu Năm Góc phải tái tiếp cận để có thể giữ vững được ưu thế trong chiến tranh. Các lợi thế ngắn hạn còn tốt hơn là chẳng có lợi thế nào.

Ben FizGerald là giám đốc Chương trình Công nghệ và An ninh quốc gia tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (Center for a New American Security). Ông là đồng tác giả sáng kiến “Beyond Offset” tại CNAS

Katrina Timlin là nhà phân tích cấp cao tại Avascent, nơi bà nghiên cứu về an ninh mạng và công nghệ tại các thị trường được thúc đẩy chủ yếu bởi chính phủ