Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (07/07/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Trung Quốc thông qua dự thảo Luật An ninh Quốc gia mới hôm thứ tư vừa rồi, nhiều khả năng bao gồm cả vấn đề biển Đông. Động thái có thể xem là sự thể hiện cho tham vọng lớn của Bắc Kinh. Luật mới chủ yếu đề cập đến các vấn đề không gian mạng, vũ trụ, đại dương và vùng cực, trong đó bao gồm cả biển Đông và xem đây là nơi Trung Quốc có quyền phòng vệ.

Zheng Shu’na – một đại diện của Ủy ban Lập pháp thuộc Quốc hội Trung Quốc đánh giá luật an ninh mới là điều kiện cho “sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” cũng như “sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xã hội”. Zheng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh trong không gian địa lý, cụ thể là ở biển Đông.

Trong khi đó, Bonnie Glaser – một cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ nhận định, luật mới có thể đặt nền móng cho những tham vọng mới của Bắc Kinh. “Người Trung Quốc sẽ dẫn luật (an ninh quốc gia mới), cùng với những bộ luật nội địa khác để biện minh cho hành động của mình”, bà Glaser nói.

Cũng theo bà Glaser, luật mới của Trung Quốc quá rộng và mơ hồ. Điều này có thể giúp Bắc Kinh linh hoạt hơn trong việc viện dẫn và xử lý các vụ việc. “Trung Quốc không chỉ nói về chủ quyền mà còn tuyên bố lợi ích an ninh quốc gia của mình đang bị đe dọa, và bây giờ thì họ đã có các cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm bảo vệ công dân và an ninh quốc gia”. Đáp lại, Zheng cho biết “sẽ không có một chính phủ nào nhượng bộ hay thỏa hiệp và để bị nhiễu loạn trong bảo vệ các lợi ích cốt lõi” và “Trung Quốc cũng không ngoại lệ”.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc cho thấy sự phát triển mạnh cả về quy mô và trang bị vũ khí. Câu hỏi đặt ra là, dựa trên bối cảnh hiện tại cùng những kinh nghiệm rút ra được, quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ phát triển như thế nào trong một thập kỷ nữa? Tác giả Robert Farley từ trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson thuộc Đại học Kentucky đã chỉ ra một vài mảnh ghép trong bức tranh PLA 10 năm tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tác chiến nhằm đúc kết kinh nghiệm. Nếu nói về kinh nghiệm tác chiến, PLA vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với quân đội Hoa Kỳ. Nhờ đó, Washington có dịp kiểm tra và thử nghiệm những vũ khí mới nhất của mình. Trong khi đó, mặc dù liên tục cho ra các chủng loại mới, song khả năng thực sự của các loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo vẫn là một dấu hỏi rất lớn.

Thứ hai, tăng cường năng lực hiệp đồng quân – binh chủng. Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đã phát triển chiến lược chống xâm nhập-chống tiếp cận (A2/AD) nhằm bảo vệ bờ biển, ngăn chặn sự xâm nhập của Hoa Kỳ và kẻ thù. Chiến lược này dựa trên sự kết hợp năng lực của không quân, lục quân (tên lửa chiến lược) và hải quân. Tuy nhiên, công tác huấn luyện hiệp đồng vẫn chưa đi đến đâu. Thêm vào đó, không dừng lại ở A2/AD, nếu muốn chuẩn bị tốt cho tình huống xẩu nhất, Bắc Kinh cần gộp tất cả các lực lượng này thành một khối mạch lạc.

Thứ ba, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài, cụ thể ở đây là Nga. Trong nhiều thập kỷ qua, sự phát triển của công nghiệp vũ khí Trung Quốc phụ thuộc vào Nga. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực cải thiện điều này bằng các sản phẩm quốc phòng trong nước. Công nghệ chế tạo động cơ chứng kiến sự thay da đổi thịt. Hệ thống điện tử được chế tạo dựa trên sao chép công nghệ phương Tây. Trong một thập kỷ tới, có thể Trung Quốc sẽ tự chủ hoàn toàn công nghiệp quốc phòng và thoát khỏi cái bóng của Nga. Điều này dẫn đến hệ quả cuối cùng là Trung Quốc có vị trí cao hơn trong biểu đồ các nước xuất khẩu vũ khí của thế giới.

Cùng ý tưởng về một quân đội tương lai, tác giả Robert Farley tiếp tục đề cập đến một đối thủ của Trung Quốc – Hoa Kỳ. Farley nhận định, những ưu thế về công nghệ và nguồn lực mà Washington tận hưởng từ sau Chiến tranh Lạnh đang dần bị rút ngắn bởi các quốc gia khác. Tác giả cũng đồng thời liệt kê ra 5 vấn đề sẽ định hình quân đội tương lai của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, tìm kiếm sự thay thế cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân. Trong vòng 10 năm tới, Hoa Kỳ có lẽ không cần phát triển một thế hệ tàu ngầm mới, thay thế cho lớp tàu Ohio hiện có. Theo tính toán, đến năm 2029 các tàu này mới bắt đầu “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, nếu không có sự thay thế nào khác ngoài lớp Virginia cải tiến, tính răn đe của quân đội Hoa Kỳ có thể bị giảm đi. Điều này lại đi ngược lại với Trung Quốc, khi nước này liên tục nỗ lực phát triển lực lượng tên lửa hạt nhân và các công cụ mang phóng, trong đó có tàu ngầm.

Thứ hai, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Trong khi tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 vẫn chưa phủ bụi thì Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đã bắt đầu định hình về máy bay thế hệ thứ 6. Điều này tương tự những gì đã xảy ra trong quá khứ, khi những tiêm kích F-15 và F-16 vừa đi vào phục vụ, Washington đã bắt tay vào phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 từ những năm 1980. Thêm vào đó, khả năng Trung Quốc trong tương lai có thể triển khai các máy bay thế hệ thứ 5 càng là nguyên nhân thúc đẩy Hoa Kỳ nghiên cứu một thế hệ máy bay chiến đấu cao hơn.

Thứ ba, xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới. Trong gần 4 thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã cố gắng tìm kiếm sự thay thế cho xe chiến đấu Bradley, vốn được chế tạo cho cuộc đối đầu tiềm tàng giữa NATO và khối Warsaw. Bradley tiếp tục được sử dụng trong những chiến dịch quân sự cường độ thấp gần đây do Washington tiến hành. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thế hệ xe chiến đấu mới của Hoa Kỳ có nguy cơ trở nên quá nặng để có thể cơ động. Nhưng nếu giảm trọng lượng xe xuống, điều đó đồng nghĩa nó có thể dễ bị tổn thương hơn trong chiến đấu.

Thứ tư, chương trình “Tàu sân bay không người lái” (Unmanned Carrier-Launched Airborne Surveillance and Strike – UCLASS) của Hải quân Hoa Kỳ. Cơ quan này đang trong cuộc tranh luận với Quốc hội về bản chất của UCLASS. Thực chất chương trình này sẽ hoạt động như một nền tảng cho các hoạt động Tình báo-Giám sát-Trinh sát (ISR) hay là một vũ khí tấn công tầm xa đầy tham vọng? Khả năng tấn công tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ phụ thuộc vào các tên lửa Tomahawk đã già cỗi. Do đó, nhiều ý kiến ủng hộ UCLASS đã nghiêng về vế thứ hai – một vũ khí tấn công tầm xa đầy tham vọng.

Thứ năm, tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) thế hệ mới. Tương tự như Tomahawk, các tàu chiến Hoa Kỳ hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào tên lửa chống hạm Harpoon. Trong khi các nước như Trung Quốc, Nga và thậm chí là Ấn Độ đã sở hữu những tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa, Hoa Kỳ lại bị tụt lại phía sau. Gần đây, tên lửa Tomahawk đã được cải biến để có thể đảm trách thêm nhiệm vụ chống hạm. Song tốc độ vẫn là hạn chế lớn nhất của các tên lửa chống hạm Hoa Kỳ so với nước khác. Do đó, đòi hỏi cấp bách là Washington cần sớm có một thế hệ tên lửa chống hạm mới, bởi khoảng cách công nghệ giữa Hoa Kỳ và đối thủ đã bị rút ngắn đi đáng kể.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Trung Quốc có máy bay chống ngầm thế hệ mới, Y-8Q. Đây là biến thể săn ngầm do Công ty Hàng không Thiểm Tây phát triển dựa trên máy bay vận tải tầm trung Y-8/Y-9. Theo Tạp chí Quốc phòng IHS Jane của Anh, các máy bay Y-8Q đầu tiên đã được triển khai đến Hạm đội Bắc Hải. Các hạm đội Đông Hải và Nam Hải sẽ lần lượt tiếp nhận Y-8Q một thời gian sau đó. Báo cáo của IHS Jane không nêu rõ số lượng Y-8Q đã được trang bị. Còn theo tạp chí Popular Science, Y-8Q có khả năng sẽ được trang bị ngư lôi Yu-7, tầm bắn 5km; máy bay có thể mang tối đa 10 tấn vũ khí. Popular Science cũng lưu ý, với kích thước của Y-8Q, nó có thể hoạt động như một trung tâm chỉ huy cho các thiết bị không người lái dưới nước (UUV) của Trung Quốc. Việc đưa Y-8Q vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho chiến lược A2/AD của Bắc Kinh trong tương lai.

Trong khi đó, đối thủ của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tiến rất xa trong năng lực chống ngầm. Washington được cho là đang phát triển tàu săn ngầm không người lái, với tên gọi Thợ săn trên biển (Sea Hunter). Loại tàu này được thiết kế đặc biệt chuyên săn các tàu ngầm diesel-điện. Trung Quốc hiện đang sở hữu một số lượng lớn các tàu ngầm loại này, bao gồm lớp Kilo và các tàu ngầm do Bắc Kinh tự chế tạo. Theo Ellison Urban, quản lý của dự án, việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân để theo dõi là quá đắt đỏ và nguy hiểm. Do đó, Sea Hunter có thể là sự lựa chọn phù hợp. Dự kiến, công tác thử nghiệm Sea Hunter trên biển sẽ được tiến hành vào mùa thu năm nay.