Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (5/5/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Quan hệ Hoa Kỳ – Nhật Bản đã có bước đột phá hết sức quan trọng, thể hiện rõ qua bản định hướng hợp tác quốc phòng sửa đổi được công bố ngày 27 tháng 4 tại Washington. Tokyo sẽ thể hiện một hình ảnh chủ động hơn trong hợp tác quốc phòng với Washington, thậm chí sẽ cùng chia sẻ gánh nặng về tài chính, nhân lực với quân đội Hoa Kỳ. Không dừng lại đó, điều khiến nhiều chuyên gia khu vực và thế giới chú ý và phân tích rất nhiều là những hỗ trợ quốc phòng giữa hai bên sẽ không còn bị giới hạn bởi khu vực địa lý và nhiệm vụ. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ trong trường hợp bị tấn công không chỉ trên lãnh thổ Nhật Bản mà còn ở nhiều khu vực khác. Cụ thể, trong việc đối phó lại chiến lược “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) của Trung Quốc, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ về mặt tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), chỉ huy và kiểm soát (C2) trên không, chống tàu ngầm và tác chiến đổ bộ.

Cả Tokyo và Washington cũng cam kết tìm hiểu cách thức bố trí lực lượng Hoa Kỳ trên khắp lãnh thổ Nhật Bản, thông qua việc nâng cấp các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ và quyền tiếp cận khẩn cấp các sân bay và cảng biển dân sự. Điều này giúp “mở rộng khả năng tương tác và cải thiện tính linh hoạt và khả năng phục hồi” cho Nhật Bản. Sự phân tán sẽ gây khó khăn cho các lực lượng tên lửa thù địch, bảo đảm sự sống sót của các lực lượng Hoa Kỳ sau mọi cuộc tấn công ban đầu.

Cơ chế hợp tác mới cũng cho phép một liên minh hợp tác rộng lớn hơn nhằm chống lại một cuộc tấn công quân sự vào nước thứ ba “có quan hệ gần gũi với Nhật Bản”. Tương lai cho những liên minh hợp tác này có thể nhìn thấy trong quan hệ giữa Nhật Bản – Việt Nam và Nhật Bản – Philippines, hai nước mà Tokyo đang tích cực xây dựng và củng cố quan hệ.

Không khó hiểu khi bản định hướng hợp tác quốc phòng mới của Hoa Kỳ và Nhật Bản khiến Trung Quốc khó chịu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hồng Lỗi (Hong Lei) nói: “Hoa Kỳ và Nhật Bản phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm liên minh song phương của họ không được gây nguy hiểm cho lợi ích của bên thứ ba, bao gồm cả Trung Quốc, cũng như không được phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ông Hồng Lỗi cũng đặt câu hỏi về giá trị cốt lõi của liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản và cho rằng liên minh này thực chất chỉ là một sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cùng quan điểm này có người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc – Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yansheng). Ông Cảnh phát biểu rằng một “liên minh quân sự là một sản phẩm lạc hậu đi ngược lại xu hướng của thời đại là hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi”. Ông Cảnh cũng cho rằng “bất kỳ một nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự bằng cách thiết lập liên minh quân sự, ngăn cản sự phát triển của các quốc gia khác và tìm kiếm các lợi ích một cách ích kỷ sẽ đều lần lượt trở nên vô ích”.

Không dừng lại ở mối quan hệ với Nhật Bản, trong thời gian gần đây, quan hệ Hoa Kỳ – Philippines về hợp tác quốc phòng cũng đã có những bước tiến đáng kể. Cuộc tập trận thường niên Balikatan giữa Hoa Kỳ và Philippines đã được mở rộng kể từ sau khi hai nước ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) vào 2014. Hồi giữa tháng 4 vừa rồi, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố sẵn sàng hoan nghênh việc Hoa Kỳ triển khai các lực lượng không quân và hải quân đến Philippines như là một phần trong chiến lược tái cân bằng ở khu vực. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho biết Manila đã xem xét và lên kế hoạch các địa điểm nơi những lực lượng Hoa Kỳ có thể “được triển khai một cách thích hợp”, bao gồm cả căn cứ Subic và Clark, nơi Washington đã rút đi kể từ năm 1991. Ngày 24 tháng 4, Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Philippines Gregorio Catapang tiết lộ, Hoa Kỳ được quyền tiếp cận ít nhất 8 căn cứ quân sự theo khuôn khổ EDCA. Đó là căn cứ Magsaysay ở Neuva Ecija; Crow Valley ở Tarlac; Căn cứ không Basa ở Pampanga; Căn cứ hải quân San Miguel tại Zambales; Căn cứ không Bautista Antonio ở Palawan; Căn cứ không Ebuen Benito và Căn cứ hải quân Rafael Ramos ở Cebu. Hai trong số những căn cứ trên nằm sát biển Đông.

Mới đây, Chương trình Quản trị Toàn cầu Tương lai đã công bố một báo cáo dự đoán về sự phát triển của các hệ thống vũ khí không người lái (WUS – Weaponized Unmanned Systems) đến năm 2025 với hai kịch bản. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra tranh luận rằng có hay không một khung pháp lý về việc sử dụng WUS mà không làm tổn hại đến các lợi ích thương mại giữa các quốc gia và chủ thể phi quốc gia.

Ở kịch bản đầu tiên, WUS giữ vai trò cốt lõi trong cuộc chiến chống khủng bố mang tính mở rộng và các xung đột liên quốc gia thông thường khác. Kịch bản này nhấn mạnh những thiết bị bay vũ trang không người lái (WUAVs) sẽ tiếp tục đóng vai trò đáng kể trong những nỗ lực quân sự chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến toàn cầu, nhưng với một mức độ tự động hoá cao hơn. Những công nghệ này cũng sẽ định hình các cuộc xung đột khu vực quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên bên cạnh đó, những rủi ro về mặt kỹ thuật của WUS – như khả năng bị tấn công và kiểm soát bởi các nhóm khủng bố hay quốc gia thù địch – là mối đe dọa cho sự an toàn và an ninh chung. Một số nỗ lực cấp khu vực nhằm thiết lập một hệ thống pháp lý toàn cầu trong việc sử dụng WUS tiếp tục bị cản trở bởi các cường quốc, với lý do cuộc chiến chống khủng bố ở nước ngoài phụ thuộc nhiều vào WUS. Như vậy, ở kịch bản này, sẽ không có một cơ chế nào liên quan tới WUS được hình thành cho đến năm 2025.

Kịch bản thứ hai lại hoàn toàn ngược lại. Trước nhận thức về một mối đe dọa chung đến từ WUS, một trật tự pháp lý mới được thảo luận và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia. Kịch bản này cũng đề cập đến khả năng sử dụng các UAV cho mục đích dân sự như hậu cần và vận tải hàng hóa. Những ưu đãi đến từ chính phủ có thể ngăn cản việc vũ trang hóa ở quy mô nhỏ các loại UAV của thành phần tư nhân.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Nga dẫn nguồn tin giấu tên từ Trung Quốc cho biết, Quân đội Trung Quốc (PLA) hôm thứ Tư đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tiêm kích J-11D, phiên bản mới nhất của dòng tiêm kích J-11. Đây chính là sản phẩm sao chép từ tiêm kích Su–27 nổi tiếng của Nga. Theo bài báo, trong phiên bản mới nhất này, J–11 được tích hợp một số công nghệ từ tiêm kích J–16, vốn cũng do Trung Quốc tự sao chép và chế tạo. Đáng chú ý có việc thay thế ra-đa cũ trên J–11 bằng ra-đa mảng pha điện tử chủ động (AESA) của J–16. Việc nâng cấp này sẽ tăng cường đáng kể khả năng của J–11, cho phép máy bay có khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn máy bay địch ở khoảng cách xa hơn. Trong thực tế, mặc dù chỉ mới tiến hành nâng cấp ra-đa, song một số nhà phân tích đã cho rằng biến thể J–11D thực chất là phiên bản Trung Quốc của tiêm kích Su–35 của Nga.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa cập nhật bảng số liệu về số lượng vũ khí các quốc gia gia tiếp nhận trên trang web của mình. Số liệu này lấy từ các đăng ký vũ khí thông thường của các quốc gia gửi cho Liên Hợp Quốc. Đáng chú ý trong bảng mới cập nhật có việc Việt Nam đã nhận được 28 tên lửa họ Klub từ Nga trong 2 năm qua. Các biến thể mà Việt Nam đã tiếp nhận và sẽ nhận trong tương lai có khả năng tấn công tàu mặt nước và các công trình công sự trên mặt đất với độ chính xác cao và tầm bắn xa. Hiện vẫn chưa rõ tên lửa chống hạm họ Klub mà Nga bán cho Việt Nam là loại 3M-54E Klub-S (tầm bắn khoảng 220km) hay 3M-54E1 (tầm bắn khoảng 300km), nhưng khả năng gần như chắc chắn biến thể tấn công mặt đất là 3M-14E (tầm bắn 300km), có khả năng mang đầu đạn 450kg. Franz-Stefan Gady trên The Diplomat nhận định, mục tiêu của các tên lửa mới của Việt Nam có thể là căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc và các căn cứ quân sự (cảng và sân bay) mà nước này đang xây dựng trên biển Đông.