07/07/1942: Đức quyết định thí nghiệm y học trên tù nhân Do Thái

34805

Nguồn:Himmler decides to begin medical experiments on Auschwitz prisoners,” History.com (truy cập ngày 06/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1942, Heinrich Himmler, người đứng sau nạn diệt chủng của Đức Quốc xã, cùng với ba người khác, trong đó có một bác sĩ, đã quyết định sẽ bắt đầu tiến hành thí nghiệm trên các nữ tù nhân bị giam giữ trong trại tập trung Auschwitz và khảo sát việc mở rộng những thí nghiệm này trên nam giới.

Himmler, kiến trúc sư của chương trình thảm sát người Do Thái ở châu Âu của Hitler, đã triệu tập một hội nghị ở Berlin để thảo luận về những triển vọng cho việc sử dụng tù nhân trong các trại tập trung làm đối tượng cho các cuộc thí nghiệm y học. Trong số những người tham gia hội nghị có trưởng cơ quan Thanh tra trại tập trung, đại tướng thuộc lực lượng Đội cận vệ (SS) Richard Glücks (bác sĩ trưởng), Thiếu tướng SS Karl Gebhardt, và giáo sư Carl Clauberg (một trong những bác sĩ phụ khoa hàng đầu của Đức).

Kết quả của hội nghị này là việc đạt được một thỏa thuận cho chương trình thí nghiệm y học trên các nữ tù nhân Do Thái tại trại tập trung Auschwitz. Các thí nghiệm này sẽ được tiến hành sao cho các nhân tù nhân không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra đối với họ. (Bao gồm việc triệt sản nữ bằng các phương pháp chiếu xạ liều lượng lớn và tiêm tử cung.) Hội nghị cũng quyết định việc tham khảo ý kiến của một chuyên gia tia X về những triển vọng của việc sử dụng tia X để triệt sản nam giới và thử nghiệm lý thuyết này trên các tù nhân Do Thái. Adolf Hitler thông qua kế hoạch này với điều kiện nó phải được giữ bí mật tuyệt đối.

Việc Heinrich Himmler triệu tập một cuộc họp hay đề xuất một chương trình như vậy không có gì là bất ngờ với những ai biết đến lý lịch của ông ta. Là người đứng đầu lực lượng Schutzstaffel (Quân áo đen hay Đội cận vệ), gọi tắt là SS, cánh tay quân sự của Đảng Quốc xã, và là phụ tá trưởng của Gestapo (lực lượng mật vụ), qua thời gian, Himmler dần củng cố được quyền lực của mình trong mọi lực lượng cảnh sát của Đế chế Đức. Sự thâu tóm quyền lực này tỏ ra là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện “Giải pháp chung cuộc” của Quốc trưởng Hitler (tức kế hoạch thảm sát người Do Thái trong các lãnh thổ Đức chiếm đóng trong Thế chiến II – ND). Himmler cũng là người tổ chức việc tạo ra các trại tử thần trên khắp Đông Âu và lực lượng lao động nô lệ.

Ảnh: Các nhân viên ở trại tập trung Auschwitz trên đường tới dự một buổi lễ. Từ trái qua phải: bác sĩ Carl Clauberg, bác sĩ Enno Lolling, Karl Höcker (hàng hai), Richard Baer, bác sĩ Eduard Wirths, Karl Bischoff (đằng sau Wirths, bên phải,) Rudolf Höss, và Karl Möckel. Ảnh được trưng bày tại Bảo tàng tưởng niệm nạn diệt chủng Hoa Kỳ. © www.ushmm.org.