Joan d’Arc – Nữ anh hùng trong Chiến tranh trăm năm

Capture-of-Joan-of-Arc

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 14/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Xuất thân từ một gia đình nông dân, Joan xứ Arc (thường gọi là Joan d’Arc, hoặc Jeanne d’Arc – ND) đã lãnh đạo quân đội Pháp trong thời kỳ nước này nằm dưới ách thống trị của người Anh. Đức tin tín ngưỡng cùng với lòng can đảm trên chiến trường của cô đã lên tinh thần cho quân đội Pháp và giành được những thắng lợi quan trọng. Những trận thắng của cô cũng mở đường cho Charles VII lên ngôi vua Pháp. Joan d’Arc không chỉ được tôn vinh bởi sự hy sinh cho đất nước mình, mà cô còn là một biểu tượng của lòng dũng cảm và sự bền bỉ cho bất cứ dân tộc nào đang bị tước mất tự do.

Ở tuổi 19, Joan d’Arc (1412-1431) đã lãnh đạo quân Pháp chiến đấu chống lại quân Anh và khôi phục ngôi vị hoàng đế Pháp.

Năm 1424, Joan nhận được thiên khải[1] và tin rằng mình được giao trọng trách giúp giải phóng Pháp khỏi người Anh. Lúc này nhiều người trong vùng cũng tin vào một lời tiên tri rằng nước Pháp sẽ được cứu giúp bởi một người phụ nữ trẻ. Khi cô kể lại những gì mình trải qua với mọi người, nhiều người nghĩ rằng cô chính là người phụ nữ trẻ đó.

Joan phải thuyết phục vua Charles VII rằng cô có thể cứu nước Pháp. Lúc này vua Henry VI của Anh và Charles VII đều tuyên bố rằng họ là vua Pháp. Charles cuối cùng cũng đồng ý giao cho cô dẫn đầu quân đội giải phóng thành phố Orléans khỏi sự bao vây của người Anh.

Ngày 29/4/1429, Joan tới Orléans và tới ngày 8/5, quân đội của cô đã buộc người Anh phải rút khỏi thành phố. Joan tiếp tục lãnh đạo quân đội Pháp và giải phóng thành phố Reims vào tháng 7. Charles VII làm lễ đăng quang lên ngôi vua tại Nhà thờ ở Reims.

Joan vẫn tiếp tục chỉ huy quân Pháp, giành được một số thắng lợi, nhưng lại không thể chiếm được Paris vào tháng 9/1429. Tháng 5/1430, cô bị người Anh bắt giữ và bị xử tội dị giáo bởi cô khẳng định thiên sứ đã truyền lệnh của Chúa cho mình. Cô bị kết tội là phù thủy và bị hỏa thiêu vào ngày 31 tháng 5 năm 1431.

Người Pháp tiếp tục đánh đuổi người Anh ra khỏi đất nước. Vua Charles VII trị vì thêm 30 năm sau khi Joan mất. Sau khi Chiến tranh Trăm năm kết thúc, bản án của cô được kêu gọi kháng án, và Nhà thờ Công giáo tuyên bố cô trắng án và tử vì đạo. Nhà thờ cũng đã phong thánh cho Joan d’Arc.

————————————————————

[1] Joan d’Arc kể lại rằng cô nhìn thấy và nghe thấy giọng nói của các thiên sứ – ND

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]