Marshall – Thẩm phán da màu đầu tiên của Tòa án Tối cao Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

GTY_thurgood_marshall_nt_130827_16x9t_608

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 15/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Thurgood Marshall (1908-1993) lãnh đạo phong trào nhân quyền tại Mỹ trong thế kỷ 20. Năm 1950, với tư cách là trưởng luật sư của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), ông đã tranh tụng thành công trước Tòa án Tối cao trong vụ việc hai sinh viên Mỹ gốc Phi đã bị đối xử bất công khi bị hai trường đại học công từ chối. Vụ kiện nổi tiếng nhất của Marshall là vụ giữa Brown và Hội đồng giáo dục, theo đó kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt trong trường học ở Mỹ. Năm 1967, Marshall là người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành thẩm phán Tòa án tối cao.

Thurgood Marshall, cháu trai của một nô lệ, đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong phong trào nhân quyền tại Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Lincoln, một trường đại học vốn dành cho người da đen, nhưng không thể theo đuổi sự lựa chọn hàng đầu của mình là trường Luật Maryland bởi chính sách phân biệt của họ.

Marshall theo học trường Luật Howard nhờ ảnh hưởng của thầy hiệu trưởng Charles Hamilton Houston. Houston tin rằng cần bãi bỏ luật Plessy và Ferguson – một án lệ từ năm 1896 hợp thức hóa quy định ‘phân cách nhưng bình đẳng’[1]. Marshall chuyển tới New York và trở thành luật sư cho Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP). Một trong những vụ quan trọng đầu tiên của ông là vụ kiện giữa Murray và Pearson (1936), trong đó Marshall và Houston kiện thành công chính sách phân biệt của trường Đại học Maryland.

Marshall thành công trong 14 vụ kiện trước Tòa án Tối cao. Một số vụ liên quan đến sự phân biệt chủng tộc, trong đó có cả vụ nổi tiếng nhất của ông: Brown kiện Hội đồng giáo dục (năm 1954). Thành công của vụ kiện này mang lại nhiều cơ hội giáo dục hơn cho những người Mỹ gốc Phi. Những nỗ lực của Marshall cho nhân quyền và tự do dân sự đã dẫn tới những thay đổi bước ngoặt trong luật về nhà ở, quyền bầu cử và giáo dục.

Marshall trở thành Luật sư đứng đầu Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP). Tổng thống John F. Kennedy bổ nhiệm Marshall làm việc cho Tòa Phúc thẩm vòng hai của Hoa Kỳ. Dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson, Marshall giữ chức Tổng biện lý sự vụ (Solicitor General – tức người đại diện cho chính phủ liên bang trước Tòa án Tối cao trong các vụ việc có liên quan). Năm 1967, Tổng thống Johnson đề cử Thurgood Marshall lên Tòa án Tối cao. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đảm nhiệm cương vị này. Trong những năm làm việc ở Tòa án Tối cao, Marshall vẫn tiếp tục thúc đẩy nhân quyền cho tất cả người dân Mỹ.

Marshall qua đời ngày 24 tháng 1 năm 1993.

—————————————————–

[1] Plessy kiện Ferguson là một vụ kiện xảy ra năm 1896 tại Louisiana, tiểu bang có luật ‘phân cách nhưng bình đẳng’. Plessy là một người có 1/8 dòng máu da đen đi toa xe lửa dành cho người da trắng. Plessy bị bắt và bị thẩm phán Ferguson kết tội phạm luật ‘Phân Cách Chuyên chở’ của Louisiana. Plessy kháng án lên Tòa án Tối cao, tuy nhiên, Tòa vẫn phán quyết đạo luật đó của Louisiana là hợp hiến. Phán quyết này bị đảo ngược năm 1954 trong vụ kiện giữa Brown và Hội đồng Giáo dục Topeka; Tòa án tối cao phán quyết mọi hành vi phân cách chủng tộc đều vi hiến.