Sự trỗi dậy trong chính sách đối ngoại Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

0,,17808617_303,00

Nguồn: Yuriko Koike, “Japan Stands Up”, Project Syndicate, 24/06/2015.

Biên dịch: Trần Thị Thu Hiền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định gia hạn kỳ họp hiện tại của Quốc hội đến ngày 27 tháng 9, nghĩa là thêm 95 ngày, biến đây trở thành kỳ họp liên tục dài nhất trong lịch sử quốc hội Nhật kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Lí do của việc này chính là quyết tâm của thủ tướng Abe muốn thông qua một loạt những dự luật mới về an ninh quốc gia nhằm diễn dịch lại Hiến pháp Nhật Bản, cho phép nâng cao vai trò của đất nước trong việc đảm bảo an ninh quốc gia cũng như thúc đẩy hòa bình thế giới.

Những động thái này của Thủ tướng Abe nối tiếp những gì ông đã thể hiện ở hội nghị G7 gần đây, khi ông đã phá vỡ phong cách truyền thống của Nhật Bản. Suốt 39 năm qua, những đại diện của Nhật Bản ở G7 thường chỉ tập trung sôi nổi vào các thảo luận kinh tế, còn khi những lãnh đạo của các quốc gia công nghiệp phát triển khác bàn về các điểm nóng chính trị an ninh thì họ thường giữ im lặng phần lớn thời gian, và chỉ đưa ra đề xuất về hành động hoặc, thông thường hơn, là không hành động.

Tuy nhiên hội nghị lần này lại cho thấy Nhật Bản không còn chấp nhận nằm ngoài lề chính trị thế giới. Ở cả hai vấn đề chính trị ngoại giao nổi bật nhất, thủ tưởng Abe đều tham gia thảo luận tích cực. Ông ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đẩy lùi nhà nước hồi giáo tự xưng IS và công khai ủng hộ những đáp trả cứng rắn đối với hành động xâm phạm chủ quyền Ukraine của Nga. Và trên thực tế, Abe đã đến thăm Kiev trước thời gian diễn ra hội nghị.

Sự tham gia của thủ tướng Abe ở G7 cũng như quyết tâm của ông trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho chiến lược an ninh toàn diện hơn chính là những bằng chứng cho thấy nước Nhật cuối cùng cũng đã hướng đến một chính sách ngoại giao (Weltpolitik) mà qua đó phản ánh không chỉ sức mạnh kinh tế của nước Nhật mà cả các ảnh hưởng từ những sự kiện xa xôi đối với an ninh quốc gia.

Sự quyết đoán về chính sách đối ngoại này là một cuộc cách mạng đối với nền ngoại giao Nhật Bản tương tự như vai trò của chính sách “Abenomics” đối với nền kinh tế. Điều này đánh dấu sự khác biệt to lớn so với chính sách mà Nhật Bản theo đuổi suốt 7 thập niên qua kể từ sau thất bại trong Thế chiến II, khi các chính quyền Nhật gần như giao phó cho Hoa Kỳ hoàn toàn về mặt đối ngoại.

Cho đến những năm 1980 thì đây là một chính sách đúng đắn. Bằng việc tập trung vào kiến thiết nền kinh tế đất nước sau những tàn phá của chiến tranh, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã làm nên được điều kỳ diệu về kinh tế. Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới và hầu như mọi người Nhật đều hài lòng với mức sống cũng như mức an sinh xã hội mà họ được hưởng, những điều thế hệ bố mẹ họ chưa từng tưởng tượng tới.

Tất nhiên, cũng có một vài gập ghềnh xảy ra trong giai đoạn này mà trong đó hai sự kiện nổi bật nhất được tạo ra bởi phía Hoa Kỳ. Thứ nhất là chuyến thăm bí mật của Henry Kissinger đến gặp Mao Trạch Đông để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Nixon. Sau đó là sự kiện thường được biết đến với tên gọi “cú sốc Nixon” (Nixon shock) – quyết định diễn ra một thời gian ngắn sau đó về việc chấm dứt chế độ bản vị vàng của đồng Đôla Mỹ (một trụ cột của hệ thống tiền tệ quốc tế sau chiến tranh được tạo ra ở Bretton Woods năm 1944).  Sự cởi mở với Trung Quốc của Mỹ và “cú sốc Nixon” đã củng cố niềm tin của một số người Nhật, những người nhận thấy rằng đất nước không thể nào mãi mãi đứng ngoài trách nhiệm cũng như vai trò đối ngoại của nó.

Bởi vì các chính quyền Nhật Bản kế tiếp nhau đã đánh giá quá thấp hệ quả của sự vươn lên của Trung Quốc nên nó đã trở thành cú sốc thứ ba và cũng là cuối cùng đối với chính sách tân biệt lập (neo-isolationism) của Nhật Bản. Trong suốt ba thập niên qua, các công ty cũng như cơ quan nhà nước của Nhật Bản đã hăng hái đầu tư hàng trăm tỉ đô la vào Trung Quốc, hy vọng có thể gắn kết hai nền kinh tế nhằm làm xóa nhòa những hận thù đeo bám từ Thế chiến II.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ từ những va chạm gần đây rằng Trung Quốc đang tiếp tục nuôi dưỡng lòng hận thù của người dân nước này cũng như của những quốc gia châu Á khác đối với Nhật Bản, nhằm xóa bỏ bất kỳ vai trò nào của Nhật trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và làm giảm thiểu khả năng của liên minh Mỹ- Nhật.

Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất làm thức dậy tham vọng ngoại giao của Nhật, Nga cũng được xem là một mối đe dọa, thậm chí từ trước khi tổng thống Putin xua quân vào Ukraine. Kremlin trước nay vẫn chiếm đóng một cách bất hợp pháp những hòn đảo phía Bắc của Nhật –vốn bị chiếm dưới thời Stalin ngay khi Nhật đầu hàng trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (Thế chiến II).

Trong nhiều thập niên sau đó, chính quyền Xô-viết cũng như chính quyền Nga thời tổng thống Yeltsin đã thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết mối bất đồng này với Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời Putin, Nga không còn thể hiện một chút thiện chí muốn đối thoại nào nữa. Thậm chí, các nhà lãnh đạo Nga còn thăm những đảo này, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi chúng bị chiếm đóng, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.

Nếu xét những động thái này của Nga và Trung Quốc thì rõ ràng là không có gì đáng ngạc nhiên khi Nhật Bản đã bắt đầu điều chỉnh lại một cách căn bản tư thế ngoại giao của mình. Thế giới đang chứng kiến kết quả của điều đó, không chỉ ở việc Abe diễn dịch lại hiến pháp Nhật nhằm cho phép những hỗ trợ quân sự lớn hơn đối với đồng minh mà còn ở việc tái tăng cường Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật vừa được Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama ký kết tại Washington DC tháng Tư vừa rồi.

Đồng thời, Nhật Bản đang bước ra khỏi cái bóng ngoại giao của Mỹ. Quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ đang được củng cố kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền hồi năm ngoái. Cùng với đó, ông Abe cũng đang đẩy mạnh hơn nữa các mối quan hệ chiến lược của Nhật tại Đông Nam Á, đặc biệt với các nước như Philippines và Việt Nam, những nước đang phải đối mặt với tham vọng bá chủ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự tham gia của Nhật vào những vấn đề nổi cộm của thế giới không chỉ giới hạn ở châu Á. Nước Nhật là quốc gia đầu tiên trong số các nền kinh tế dẫn đầu thế giới hỗ trợ tài chính cho Ukraine sau khi Tổng thống thân Putin Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi năm ngoái. Đồng thời Nhật cũng đang tăng cường hơn nữa quan hệ với các cường quốc đang lên như Brazil, Mexico, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những động thái này cho thấy sự thừa nhận của Nhật Bản rằng khuôn khổ toàn cầu nhằm giữ gìn hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng cho các quốc gia – bao gồm cả Trung Quốc – đang bị đe dọa. Nhật Bản và những quốc gia có cùng chí hướng cần tích cực hành động để bảo vệ nó. Những quan điểm mà ông Abe đưa ra gần đây ở Đức thể hiện một bước đi quan trọng theo hướng này.

Bà Yuriko Koike là cựu bộ trưởng Quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản, và từng là chủ tịch Đại hội đồng Đảng Dân chủ Tự do. Bà hiện là thành viên của Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Japan Stands Up