Nelson Mandela – Biểu tượng chống phân biệt chủng tộc

Print Friendly, PDF & Email

nelson-mandela

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 23/7/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Nelson Mandela (1918-2013) đấu tranh cho sự bình đẳng và dân chủ ở Nam Phi – điều mà phần lớn công dân da màu ở đất nước này không có được kể từ khi người Châu Âu đến xâm chiếm làm thuộc địa. Mandela là một nhà lãnh đạo vì nhân quyền xuất chúng và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự chấm dứt chế độ Apartheid (A-pác-thai). Mặc dù bị giam giữ trong tù, ông vẫn tập hợp được sự ủng hộ cho một trong những phong trào nhân quyền nổi tiếng nhất trên thế giới. Là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, ông đã thống nhất một đất nước chia rẽ, và giúp nước này trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về cả kinh tế lẫn chính trị.

Nelson Mandela sinh ra trong bộ lạc Madiba ở Nam Phi. Tại trường học, ông được đặt tên thánh là Nelson. Khi học đại học, ông bắt đầu thực hiện khát vọng chấm dứt chế độ Apartheid ở Nam Phi qua việc tham gia các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự.

Năm 1944, Mandela hoạt động chính trị nhiều hơn. Ông tham gia Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) – Đảng này bị chính quyền cấm hoạt động năm 1960. Năm 1962, ông bí mật trốn khỏi Nam Phi để thực hiện hành trình quanh Châu Phi và Châu Âu, vận động ủng hộ chấm dứt chế độ Apartheid. Ông bị bắt giữ và bị cầm tù vì những hoạt động này.

Năm 1990, Mandela được trả tự do và trở thành chủ tịch đảng ANC năm 1991. Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng với Tổng thống Nam Phi F. W. de Klerk vì những nỗ lực đem đến nền dân chủ cho đất nước này. Năm 1994, những người dân Nam Phi da màu được quyền tham gia bầu cử lần đầu tiên và Mandela đắc cử tổng thống.

Mandela lãnh đạo Nam Phi sau hàng thế kỷ chịu sự phân biệt chủng tộc. Ông thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại quốc tế và giúp bình ổn nền kinh tế. Ông phải đối mặt với một xã hội bị chia rẽ vì sắc tộc, nơi thiểu số người da trắng cai trị đa số người da màu. Khi Mandela giữ chức Tổng thống Nam Phi, ông không bao giờ ủng hộ sự trả thù hay đòi bồi thường từ phía thiểu số người da trắng. Thay vào đó ông kêu gọi người dân đất nước mình hãy tự tha thứ cho nhau.

Ông mất ngày 5 tháng 12 năm 2013.