Đánh giá khả năng nhân dân tệ tham gia giỏ SDR

Print Friendly, PDF & Email

lead11

Nguồn: Andrew Sheng, “What price will China have to pay to make renminbi an international reserve currency?”, South China Morning Post, 10/08/2015.

Biên dịch: Phan Huy Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những nhà ngân hàng và những trung tâm tài chính từ Hồng Kông đến Luân Đôn thèm thuồng hàng nghìn tỷ đô la trong các giao dịch mới, đến từ việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ đầy đủ. Nhưng khi nào điều đó sẽ xảy ra?

Một cột mốc của việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ đầy đủ là việc tham gia vào câu lạc bộ của những đồng tiền thành phần tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Không giống như tiền tệ được phát hành bởi các ngân hàng trung ương, tài sản dự trữ này được phát hành bởi IMF đến 188 nước thành viên, để đổi lấy đồng nội tệ của họ và những đồng tiền có thể chuyển đổi khác. SDR có thể được tính là một phần dự trữ ngoại hối của các nước thành viên.

Chính vì vậy, các quốc gia thành viên có thể rút vốn từ tài khoản này nếu họ cần nhiều ngoại hối hơn. Thông thường họ có thể sử dụng đến 4 lần hạn ngạch của mình, nhưng họ sử dụng càng nhiều thì họ sẽ càng phải chịu “điều kiện” của IMF, giống như cách ngân hàng của bạn áp đặt thêm nhiều điều kiện nghiêm ngặt hơn khi bạn càng vay nhiều. Người Hy Lạp và người châu Á hiểu được rằng khi bạn phải tuân theo một chương trình cho vay của IMF, bạn phải trao khá nhiều quyết định quốc gia cho IMF, và đó là lý do tại sao rất nhiều thành viên né tránh nguồn tín dụng của IMF.

SDR được đưa ra năm 1969 như một tài sản dự trữ quốc tế để bổ sung cho thanh khoản toàn cầu. Tài sản này không phải là một đồng tiền dự trữ với nghĩa rằng các thị trường không trao đổi chúng và bạn không thể mở một tài khoản tiền gửi tính bằng đơn vị tiền tệ này tại bất cứ ngân hàng nào. Chúng được sử dụng chủ yếu bởi các ngân hàng trung ương để giao dịch với IMF. Ví dụ, các tài khoản của IMF và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (ngân hàng trung ương trong thực tế của các ngân hàng trung ương) đang được tính bằng đồng SDR.

SDR bao gồm một rổ chỉ có bốn đồng tiền – đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Trở thành một phần của rổ tiền tệ này giống như tham gia một tiêu chuẩn vàng, do đồng tiền sẽ được xem như là thành viên đầy đủ của một câu lạc bộ đồng tiền dự trữ.

Ngoài danh tiếng, việc trở thành thành viên của câu lạc bộ này cũng có nhiều lợi ích rõ ràng. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương đã nắm giữ gần 12 nghìn tỷ đô-la Mỹ (không tính vàng) vào cuối năm ngoái, với đồng đô-la Mỹ chiếm 62,9% tổng số dự trữ, đồng euro chiếm 22,2%, bảng Anh 3,8% và đồng yên 4%. Nói cách khác, mặc dù có rất nhiều đồng tiền được tự do sử dụng và chuyển đổi hoàn toàn, như đồng đô-la Úc, bốn đồng tiền thành phần của SDR chiếm tới 92,9% tổng dữ trự ngoại hối của các ngân hàng trung ương.

Nói cách khác, nếu đồng nhân dân tệ hoặc bất kỳ đồng tiền nào khác tham gia vào câu lạc bộ, chỉ riêng nhu cầu từ các ngân hàng trung ương sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với đồng tiền đó, làm cho nó trở nên dễ sử dụng và giao dịch hơn.

Nhưng tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào cũng đều có điều kiện. Tuần trước, IMF đã công bố một tài liệu đề cập đến những điều kiện để đưa đồng nhân dân tệ vào câu lạc bộ này. Điểm quyết định tiếp theo là vào tháng 11, khi Ban Điều hành IMF xem xét lại thành phần SDR và giá trị của nó.

Đồng nhân dân tệ được xem xét cho vào rổ tiền tệ vào năm 2011, nhưng đã bị từ chối làm thành viên mới vì không được xem là một đồng tiền “tự do sử dụng”.

Có hai tiêu chí để qua được cánh cửa này – tiêu chí về xuất khẩu và tiêu chí “tiền tệ được tự do sử dụng”. Trung Quốc hoàn thành tiêu chí đầu tiên vào năm 2011, là nước xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn thứ ba trên thế giới. Tiêu chí “tiền tệ được tự do sử dụng” có nhiều định nghĩa pháp lý và kỹ thuật. Để đủ điều kiện, một đồng tiền phải được “sử dụng rộng rãi” và “giao dịch rộng rãi”, có nghĩa là nó phải được giao dịch trong “những thị trường ngoại hối chính”; đồng tiền đó nên chuyển đổi được (nhưng không nhất thiết phải hoàn toàn tự do chuyển đổi); và nó được sử dụng rộng rãi trong “các giao dịch quốc tế”.

Khá thú vị là “tính hoàn toàn được tự do chuyển đổi” không phải là một điều kiện cần và đủ cho định nghĩa của một “đồng tiền được sử dụng tự do”. Nếu có đủ sự tự do hóa để người nắm giữ đồng tiền, ví dụ đồng nhân dân tệ chẳng hạn, có thể tiếp cận đầy đủ với thị trường đồng nhân dân tệ để có thể đổi đồng nhân tệ lấy những đồng tiền có thể chuyển đổi khác, thì điều này có thể đáp ứng điều kiện về chuyển đổi.

Do đó có hai khó khăn để đồng nhân dân tệ tham gia vào câu lạc bộ SDR. Các rào cản kỹ thuật đã được đặt ra thông qua ghi chú kỹ thuật được viết một cách đầy ngoại giao của IMF. Chúng thật phức tạp, nhưng không phải là không thể vượt qua được. Trên thực tế, chúng cho phép thêm thời gian để đánh giá vấn đề, điều có thể đưa thời hạn được kéo dài đến ngày 30 tháng 9 năm sau.

Mặc dù Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng sự biến động cổ phiếu loại A[1] gần đây (trên thị trường chứng khoán Trung Quốc) không ảnh hưởng đến những quyết định kỹ thuật, nhưng một bình luận đằng sau hậu trường của một nhân viên cao cấp IMF cho thấy IMF muốn có một mức lãi suất cũng như một mức tỷ giá hối đoái do thị trường tự do quyết định nhiều hơn, cũng như các dữ liệu minh bạch hơn.

Các trở ngại phức tạp hơn đến từ trong nước và yếu tố địa chính trị. Về mặt chính thức thì có một cam kết lớn trong nước để đồng nhân dân tệ tham gia vào rổ SDR, nhưng về mặt không chính thức thì sau các biến động trong nước gần đây, có ý kiến cho rằng một tài khoản vốn mở hoàn toàn có thể mang lại những rủi ro cho quá trình cải cách của Trung Quốc. Ý kiến của tôi là không có thời gian nào gọi là lý tưởng cho việc mở cửa cả, và đây thực sự là một vấn đề liên quan đến ý chí chính trị.

Quyết định phức tạp hơn thuộc về yếu tố địa chính trị. Những người châu Âu, bao gồm cả người Anh, đã cho thấy sự sẵn sàng chào đón đồng nhân dân tệ. Nhưng Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang do dự. Hoa Kỳ, nước trong thực tế có quyền phủ quyết đối với ban điều hành IMF, sẽ muốn có các nhượng bộ và áp đặt điều kiện đối với bất kỳ thành viên mới nào. Những điều kiện như vậy có thể không liên quan gì đến IMF, nhưng lại liên quan rất nhiều tới quan hệ Trung-Mỹ.

Do đó điều quan trọng là cái giá chính trị mà Trung Quốc phải trả để tham gia vào câu lạc bộ là gì. Diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ Groucho Marx từng nói rằng ông không muốn tham gia vào bất kỳ câu lạc nào mà dễ dàng chấp nhận ông làm thành viên.

Nếu đồng nhân tệ không được chấp nhận vào tháng 11, liệu Trung Quốc sẽ chơi một cuộc chơi khác hay không? Đó là một câu hỏi thực sự mà chúng ta cần phải tính đến.

Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào) là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toàn cầu Fung (Fung Global Institute) và là thành viên Hội đồng cố vấn của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP về lĩnh vực Tài chính bền vững. 

———————–

[1] Cổ phiếu loại A (A shares) là các cổ phiếu tính bằng đồng nhân dân tệ được giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Các cổ phiếu này được giao dịch chủ yếu bởi nhà đầu tư nội địa Trung Quốc, trong khi nhà đầu tư nước ngoài muốn giao dịch phải đáp ứng các điều kiện khắt khe liên quan đến quy chế nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NHĐ).