Điều kiện để nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ

Print Friendly, PDF & Email

101301576-171149389.1910x1000

Nguồn: Alexander Friedman, “Can the Renminbi Take on the World”, Project Syndicate, 05/08/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Người Trung Quốc có câu “Xem lại chẳng hại cái gì”. Lời khuyên thật chí lý trong bối cảnh biến động trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc hiện nay, sự cố mà tác động của nó lớn hơn nhiều những lo lắng tức thì mà các nhiễu loạn gần đây gây nên. Trên thực tế, bất ổn này cần được xem xét trong mối liên hệ với mục tiêu chiến lược cốt lõi của Trung Quốc: biến đồng Nhân dân tệ (NDT) thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Tiềm năng của NDT trở thành một loại tiền tệ dự trữ đã được chú ý hơn trong năm nay, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chuẩn bị xem lại giỏ tiền tệ xác định giá trị tài sản dự trữ của riêng họ là Quyền Rút Vốn Đặc biệt (SDR). SDR được tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho dự trữ chính thức của các nước thành viên. Trung Quốc đã vận động trong nhiều năm để NDT được tính vào giỏ dự trữ cùng với đồng Đô-la Mỹ, bảng Anh, Euro và Yên Nhật.

Nỗ lực của Trung Quốc để đảm bảo đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ là điều dễ hiểu vì những lợi ích to lớn mà thay đổi này có thể mang lại. Việc này sẽ làm cho đồng tiền ổn định hơn và giảm sự cần thiết phải có lượng dự trữ lớn. Khi các nhà hoạch định chính sách không còn buộc phải kiềm chế nhu cầu trong nước để duy trì mức dự trữ cao, tiêu dùng có thể thay thế đầu tư vào tài sản cố định (để làm động lực tăng trưởng) và đặt nền kinh tế Trung Quốc vào một con đường phát triển bền vững hơn. Lượng dự trữ dư thừa có thể được rót vào các quỹ đầu tư quốc gia và các dự án tài chính qua các kênh như Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á mới được thành lập để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này.

IMF đã tuyên bố rằng sự gián đoạn gần đây trên thị trường chứng khoán sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội đồng NDT gia nhập giỏ SDR. IMF muốn tập trung vào “một số các tiêu chí rõ ràng” bao gồm những nỗ lực để mở cửa hệ thống tài chính và phát triển các thị trường vốn.

Nhưng việc đưa NDT vào giỏ SDR không phải là điều kiện cần hay đủ để nó được coi là đồng tiền dự trữ đúng nghĩa. SDR chỉ chiếm 2% tổng lượng dự trữ ở các ngân hàng trung ương, và nó không hề được sử dụng ở khu vực tư nhân. Trên thực tế, giỏ tiền tệ gồm bốn loại tiền này đã không thay đổi trong 15 năm qua, chủ yếu là do nó ít quan trọng.

Tất nhiên, việc đưa đồng NDT vào rổ SDR sẽ là một mốc quan trọng mang tính biểu tượng trên con đường quốc tế hóa đồng tiền này. Nhưng con đường đó sẽ lâu dài và khó khăn, và chính phủ buộc phải vượt qua các trở ngại chính về kinh tế, bao gồm biến động giá tài sản khắc nghiệt, dọc lộ trình ấy.

Ở mức tối thiểu thì đồng tiền dự trữ phải được tự do chuyển đổi phục vụ các giao dịch tài khoản vãng lai như thanh toán thương mại và trả lãi. Tuy nhiên để được coi là đồng tiền dự trữ chính thức nó cũng phải được tự do chuyển đổi cho các mục đích liên quan đến tài khoản vốn như đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quan trọng nhất là các ngân hàng trung ương yêu cầu thanh khoản bằng một loại tiền tệ dự trữ nhằm đáp ứng các yêu cầu về cán cân thanh toán, trả nợ, và đôi khi là can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Để đạt được điều này, nước cung cấp đồng tiền dự trữ cần có thị trường vốn nội địa lớn – đặc biệt đối với các trái phiếu nợ ngắn hạn có chất lượng cao mà thông qua đó dự trữ của ngân hàng trung ương có thể được lưu giữ. Tại Hoa Kỳ, trái phiếu kho bạc phục vụ mục đích này, trong khi ở Vương quốc Anh trái phiếu chính phủ ngắn hạn rất nhiều và có tính thanh khoản cao. Nhưng thị trường nợ chính phủ của Trung Quốc, nơi khả dĩ nhất để chứa các tài sản dự trữ, vẫn còn quá nhỏ và có tính thanh khoản thấp đối với mục đích của các nhà quản lý dự trữ tại các ngân hàng trung ương.

Ngoài việc duy trì tự do chuyển đổi, đất nước có đồng tiền dự trữ phải chấp nhận có “nhu cầu quá mức” với đồng tiền của mình và phải đảm bảo cung tiền một cách tự do. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ cần liên tục có thâm hụt tài khoản vãng lai, điều mà họ có thể không sẵn sàng chấp nhận. Đồng thời, phần còn lại của thế giới có thể không sẵn sàng để đưa ra các yêu cầu đối với Trung Quốc – ít nhất là không tới mức quy mô cần có cho một đồng tiền dự trữ khả thi.

Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc đạt được khả năng tự do chuyển đổi và giao dịch đầy đủ cho đồng NDT thì cũng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ thực sự trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, đơn giản là vì không dễ để tạo ra một đồng tiền dự trữ. Thật vậy, qua ba thế kỷ của toàn cầu hóa, chỉ có ba “đồng tiền” đạt được vị thế thống trị: vàng, bảng Anh, và Đô-la Mỹ. Mặc dù Mác Đức, Frăng Thụy Sĩ và Yên Nhật đã trở thành các giải pháp thay thế hữu hiệu cho Đô-la Mỹ kể từ Thế chiến II do chúng thường là nơi lưu giữ giá trị tốt hơn vì ít bị lạm phát, nhưng chưa đồng tiền nào trong số này có thể xâm nhập lâu dài vào thị phần dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng Đô-la.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các trung tâm tài chính toàn cầu và đồng tiền dự trữ xuất hiện chủ yếu ở các nước có tinh thần thượng tôn pháp luật vững vàng và người nước ngoài không có khả năng bị phân biệt đối xử về mặt pháp luật. Liệu Trung Quốc có thể đạt được địa vị pháp lý tương tự hay không vẫn còn bỏ ngỏ, hay ít ra thì đây sẽ là một quá trình lâu dài và chậm chạp.

Trung Quốc tiếp tục tiến hành một số các bước đi cần thiết để đạt được vị thế đồng tiền dự trữ. Có lẽ những bước đi này sẽ đủ để đưa đồng NDT thỏa mãn điều kiện được vào giỏ SDR trong năm nay. Nhưng như thị trường chứng khoán của Trung Quốc gần đây đã cho thấy, con đường này có khả năng sẽ gập ghềnh.

Alexander Friedman là Giám đốc điều hành của Tập đoàn GAM Holding, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Công ty Quản lý Tài sản Ngân hàng UBS, Giám đốc tài chính của Quỹ Bill & Melinda Gates, và nghiên cứu viên tại Nhà Trắng thời chính quyền Clinton.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Can the Renminbi Take on the World