24/09/1789: Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ được thành lập

Print Friendly, PDF & Email

USSC

Nguồn:The First Supreme Court,” History.com (truy cập ngày 23/9/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1789, Đạo luật Tư pháp 1789 đã được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống George Washington phê chuẩn, thiết lập nên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, một tòa án liên bang gồm sáu thẩm phán phục vụ trọn đời cho đến khi qua đời hoặc nghỉ hưu. Cũng trong ngày này, Tổng thống Washington đã đề cử John Jay làm chánh án, và John Rutledge, William Cushing, John Blair, Robert Harrison, và James Wilson làm thẩm phán. Cả sáu vị trí bổ nhiệm đều được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào ngày 26 tháng 9 sau đó.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ được thành lập theo Điều 3 của Hiến pháp Mỹ.[1] Hiến pháp trao cho Tối cao Pháp viện thẩm quyền tối cao đối với mọi điều luật, đặc biệt là các điều luật có tính hợp hiến còn gây tranh cãi. Tòa án tối cao cũng được chỉ định giám sát các trường hợp liên quan đến các điều ước của Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao nước ngoài (đại sứ, các công sứ và các lãnh sự), các trường hợp liên quan đến luật pháp hàng hải và hải quân. Phiên họp đầu tiên của Tối cao Pháp viện được triệu tập tại tòa nhà Royal Exchange ở thành phố New York vào ngày mùng 1 tháng 2 năm 1790.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã phát triển thành cơ quan tư pháp quan trọng nhất trên thế giới xét về vị trí trung tâm của nó trong nền chính trị Mỹ. Theo hiến pháp, Quốc hội có quyền quyết định quy mô của Tối cao Pháp viện, và số lượng thẩm phán của tòa án tối cao trong thế kỷ 19 đã thay đổi cho đến khi ổn định ở con số chín người vào năm 1869.[2] Trong thời gian diễn ra những khủng hoảng liên quan đến hiến pháp, tòa án tối cao của đất nước luôn đóng vai trò quan trọng tối hậu trong việc giải quyết các vấn đề lớn của thời đại.

—————–

[1] Điều III, khoản 1 của Hiến pháp Mỹ quy định về Ngành Tư pháp như sau: “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án Tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng, và trong thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.” (Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam). Theo http://www.uscourts.gov/, mức lương năm 2015 của Chánh án Tối cao Pháp viện là 258.100 USD, trong khi mức lương của các Thẩm phán là 246.800 USD.

[2] Chính xác hơn, hiến pháp Mỹ không quy định số lượng thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Đạo luật Tư pháp 1789 của Quốc hội Mỹ quy định số thẩm phán ban đầu là sáu người, sau tăng lên đến mười người vào năm 1863, rồi cuối cùng duy trì ở con số chín người sau khi Đạo luật Tư pháp 1869 được phê chuẩn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]