Chính sách đối ngoại có lợi cho ISIS của Trump

Print Friendly, PDF & Email

trumpisis

Nguồn: Fawaz A. Gerges, “Trump’s Pro-ISIS Foreign Policy,” Project Syndicate, 24/08/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tuyên bố gần đây của Donald Trump rằng đối thủ của ông trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, và Tổng thống Barack Obama, đã thành lập Nhà nước Hồi giáo (ISIS) là vớ vẩn. Nhưng trớ trêu là nếu ở Mỹ có người đang giúp đỡ cho ISIS thì đó chính là Trump.

Trong một phát biểu gần đây về chính sách đối ngoại, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa đã đề xuất một kế hoạch đánh bại ISIS theo đúng tác phong cổ điển của mình, đầy mâu thuẫn và thiếu nhất quán, thậm chí còn không đưa ra được những chi tiết cụ thể và các dữ liệu. Trong khi đề ra những kiến nghị hoàn toàn không thể thực hiện được – như tiến hành một cuộc kiểm tra ý thức hệ đối với người nhập cư từ các nước Hồi giáo trước khi được vào Mỹ – Trump còn cố tỏ ra là một nhà hiện thực chủ nghĩa và là người duy nhất có thể cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trọng tâm trong cách tiếp cận “hiện thực chủ nghĩa” của Trump là sử dụng nhiều lực lượng quân sự tại Syria hơn so với chính quyền Obama. Trump tuyên bố rằng phương pháp này sẽ “đè bẹp và tiêu diệt” ISIS. Trên thực tế, sự can thiệp quân sự như vậy chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Dĩ nhiên, Trump không hiểu điều đó. Bất chấp những tuyên bố tự mãn rằng mình hiểu rõ ISIS hơn các tướng lĩnh quân đội Mỹ, ông hoàn toàn không biết gì về những động lực phức tạp trong sự mong manh của các thể chế, chủ nghĩa bè phái âm thầm len lỏi, và những cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Trung Đông, vốn được thúc đẩy bởi sự đối đầu giữa các cường quốc khu vực và toàn cầu. Và, như những tuyên bố của ông về Clinton và Obama cho thấy, Trump cũng không biết ISIS nổi lên như thế nào hay ở đâu.

Thật ra, ISIS là hệ quả của một cuộc đụng độ bên trong Hồi giáo, chứ không phải giữa Hồi giáo và phương Tây. Điều này không có nghĩa là chính sách đối ngoại của phương Tây – và đặc biệt là của Mỹ – không có vai trò quan trọng. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu đã phá vỡ xã hội Iraq vốn đã mong manh, phá hủy các thể chế khu vực, bao gồm quân đội và đảng Ba’ath cầm quyền, cũng như làm nổ ra các cuộc xung đột quyền lực bè phái bạo lực. Về cơ bản, nó đã tạo ra khoảng trống cho các nhóm thánh chiến – đầu tiên là Al Qaeda ở Iraq, và giờ là ISIS, phiên bản mở rộng của Al Qaeda với một bộ máy quân sự hiệu quả hơn và được dẫn dắt bởi các cựu quân nhân Iraq.

Điều tương tự đang xảy ra ở Syria, sau các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra năm 2011 chống chính quyền của người Alawite thiểu số thuộc dòng Hồi giáo Shia của Tổng thống Bashar al-Assad. Lấy cảm hứng từ các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở các nước như Tunisia và Ai Cập, người dân Syria đã đổ xuống đường, chắc chắn là mong đợi sự tự do lớn hơn và có đại diện Sunni trong chính phủ.

Nhưng Assad, được hưởng sự hỗ trợ vững chắc của Iran, đã từ chối lùi bước và cố gắng đàn áp cuộc nổi dậy bằng bạo lực. Syria rơi vào một cuộc nội chiến đã phá hủy các thể chế nhà nước và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ bè phái. Các chiến binh thánh chiến Hồi giáo dòng Sunni đã nắm lấy cơ hội này để tăng cường lực lượng bằng cách nhắm vào nhóm dân số đang giận dữ, tuyệt vọng, và tương đối trẻ, phần lớn đến từ các vùng nông thôn, để tuyển quân.

Khai thác sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa người Sunni và người Shia, những kẻ lãnh đạo và tuyển quân cho ISIS thể hiện mình là người bảo vệ cho tất cả người Hồi giáo đích thực trước những kẻ thù giả định của Hồi giáo về cả ý thức hệ lẫn tôn giáo, bao gồm phương Tây. Có vẻ Trump đã tin tưởng luận điệu này.

Bằng cách khắc họa cuộc chiến chống ISIS như một cuộc đấu tranh ý thức hệ kiểu Chiến tranh Lạnh giữa “Hồi giáo cực đoan” và phương Tây, Trump không chỉ thu nhỏ một cuộc khủng hoảng phức tạp thành một câu chuyện chỉ có hai ngôi; mà còn viện dẫn chính kịch bản mà những kẻ chiêu quân cho ISIS đang sử dụng để thu hút sự ủng hộ. Không ngạc nhiên khi những người Hồi giáo bình thường, vốn bác bỏ hoàn toàn hệ tư tưởng hư vô chủ nghĩa (nihilistic) của ISIS, đang lên án luận điệu hời hợt của Trump, thứ làm gia tăng nỗi sợ Hồi giáo. Nhưng, với Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ tự phong của ISIS, và các cộng sự, chiến dịch tranh cử của ông Trump lại là tin tốt.

Tình hình đang xấu đi. Bằng cách so sánh cuộc chiến chống ISIS với cuộc đối đầu với Liên Xô, Trump đã nâng tổ chức khủng bố này lên vị thế của một cường quốc. Điều này góp phần đem lại nhận thức rằng ISIS mạnh hơn rất nhiều so với thực tế, và một lần nữa đem lại lợi thế cho những kẻ chiêu quân cho ISIS.

Trump cũng đã bày tỏ ý định hợp tác với Nga để triệt hạ ISIS, mà có lẽ không hề biết rằng sự can thiệp của Nga vào Syria chỉ tập trung vào việc chống đỡ cho chính quyền Assad. Sự hợp tác như vậy có thể dẫn Trump đến một thỏa thuận với Iran, đất nước nóng lòng mong đánh bại những kẻ cực đoan dòng Sunni tại Iraq và Syria. Iran giờ đã cho phép các máy bay ném bom tầm xa của Nga được sử dụng một căn cứ không quân của nước này để không kích Syria, làm phức tạp nỗ lực vốn đã căng thẳng của Obama nhằm đạt được một sự hiểu biết với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt cuộc nội chiến. Trump cũng đã ngỏ ý muốn hợp tác với Assad để đánh bại ISIS.

Những nỗ lực giữ Assad cầm quyền của các chủ thể bên ngoài đã chọc giận người Syria và những người Hồi giáo dòng Sunni khác, tạo ra mảnh đất màu mỡ hơn trước cho những kẻ chiêu quân cho ISIS. Nếu Mỹ bắt đầu hợp tác gần gũi hơn với các nước dẫn đầu những nỗ lực đó (Nga, Iran, và giờ Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện các lực lượng Syria), tình hình sẽ trầm trọng hơn, bởi điều này sẽ làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác của mình ở Trung Đông.

Đã đến lúc Mỹ cần ủng hộ những hy vọng và khát khao của người Hồi giáo trẻ về một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này đòi hỏi một sự đầu tư lớn về ngoại giao và xã hội của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm giúp dập tắt những ngọn lửa đang hoành hành ở Trung Đông, xây dựng lại các thể chế nhà nước đã tan vỡ, và thành lập các chính phủ thống nhất dân tộc.

Trung Đông không cần thêm một vòng chính sách đối ngoại liều lĩnh nữa của Mỹ, điều chính xác là những gì mà Trump sẽ mang đến.

Fawaz A. Gerges, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn, là tác giả cuốn ISIS: A History (Princeton University Press, 2016).

Copyright: Project Syndicate 2016 – Trump’s Pro-ISIS Foreign Policy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]