Lịch sử thăng trầm 4000 năm của người Do Thái (P.5)

Print Friendly, PDF & Email

talmud584x360

Tác giả: Đặng Hoàng Xa

Cộng đồng người Do Thái lưu vong

Có thể nói cuộc xâm lăng Vương quốc Israel phương Bắc của người Assyria vào năm 720 TCN đã khởi đầu phong trào lưu vong (Diaspora) của người Do Thái sang các vùng đất khác trên thế giới, hình thành nên các Cộng đồng Do Thái lưu vong. Phong trào lưu vong càng phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ nhất sau công lịch sau cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại người La Mã bị thất bại và quân La Mã phá hủy và san bằng Jerusalem vào năm 70. Có người bị ép buộc di cư. Có người tự ý. Dân tộc Do Thái bắt đầu cuộc đời trôi nổi, lang thang khắp Trung Đông, Địa Trung Hải và châu Âu qua nhiều thế kỷ.

Sự kiện Ngôi Đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ hai vào năm 70 là một cú sốc lớn đối với người Do Thái lưu vong đến tận xương tủy. Giữa năm 115-117, người Do Thái một lần nữa tiếp tục nổi dậy chống lại kẻ cai trị La Mã và người láng giềng Hy Lạp ở một vài trung tâm lớn bên ngoài vùng đất Palestine: Alexandria, Cyprus, Mesopotamia, và Bắc Phi. Tất cả các cuộc nổi dậy này đều bị dập tắt, riêng ở Alexandria thì bị đàn áp dã man. Người Do Thái lưu vong hiểu một điều là họ cần có một cái đầu lạnh nếu dân tộc và đức tin Do Thái muốn được sống còn.

Bị lấy đi mất Ngôi Đền và không còn nơi thờ cúng, Sách Talmud được các Rabbis thời lưu vong thu thập và soạn thảo trong khoảng thời gian thế kỷ 3-5 đã trở thành ‘hiến pháp bỏ túi’ cho người Do Thái trong cuộc sống lưu đày. Sách Talmud đã khích lệ những tranh luận bác học, nghiên cứu và trở thành một kho tàng độc đáo về phong tục tập quán, nhân chủng, lề luật, lịch sử và văn chương của người Do Thái. Dần dà theo thời gian, Babylon đã thay thế Galilee để trở thành tâm điểm văn hóa và tôn giáo của người Do Thái.

Một điểm đặc biệt trong hành trình của người Do Thái lưu vong là, ở bất cứ nơi nào họ lưu lạc đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vật quý nhất mà họ mang theo mình không gì khác là cuốn Kinh Thánh cùng những lời Thánh Vịnh của Vua David:

Thiên Chúa khôi phục linh hồn tôi

Thiên Chúa dẫn tôi đi trên đường công chính vì danh Ngài

Dù có bước qua thung lũng bóng tối của cái chết

Tôi cũng không sợ cái ác vì Thiên Chúa đang ở với tôi…

Kinh Thánh Hebrew đối với người Do Thái là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, giúp họ giữ được bản sắc trong giấc mơ trở về Đất Thánh.

Trong năm thế kỷ đầu tiên sau công lịch, trung tâm sinh hoạt của người Do Thái chuyển từ Vùng đất Israel sang Mesopotamia, đặc biệt ở thủ phủ Babylon. Trong những thế kỷ tiếp theo, họ di chuyển xa hơn tới các quốc gia Trung Đông, rồi tới vùng vành đai Địa Trung Hải, châu Âu, Bắc Phi, Mỹ. Trung tâm sinh hoạt của người Do Thái tiếp tục di chuyển từ Babylon sang Tây Ban Nha, rồi Ba Lan. Ở bất cứ đâu, người Do Thái cũng hình thành nên những cộng đồng nhỏ rải rác. Trong khi họ tồn tại là một tôn giáo và một dân tộc, họ không thiết lập bất kỳ một thể chế chính trị nào.

Từ thế kỷ 13 về sau, người Do Thái giáo chịu sự tẩy chay, bài trừ ở hầu hết ở mọi quốc gia châu Âu. Đến thế kỷ 18, ở mọi nơi người Do Thái giáo bị dồn vào những khu ổ chuột rất tù túng và không ánh sáng gọi là ghetto. Nhiều cuộc thảm sát người Do Thái giáo tiếp tục xảy ra.

Tất cả những yếu tố này đã định hình lịch sử Do Thái trong gần hai ngàn năm tiếp theo. Trong khoảng thời gian dài đó, người Do Thái đã cho thấy khả năng phục hồi và kỷ cương đầy ấn tượng. Do Thái giáo được củng cố mạnh trong các cộng đồng Do Thái lưu vong.

Sách Talmud

Theo ngữ nghĩa, Talmud có nghĩa là ‘học’ (learning). Tuy nhiên ý nghĩa thực của Talmud còn rộng hơn rất nhiều. Với nhiều người, ngoài Kinh Thánh Hebrew thì sách Talmud là đại diện cho hiến pháp tôn giáo và dân sự của người Do Thái, một bản ‘hiến pháp bỏ túi’ đã giúp họ sống sót trong gần hai thiên niên kỷ lưu vong. Những người khác coi Talmud là kho tàng vô giá của văn minh Do Thái truyền thống.

Rộng hơn nữa, Talmud tượng trưng cho một quá trình kéo dài nhiều thế kỷ, một lối sinh hoạt của các học giả và một hướng dẫn sống cho tất cả những ai thực hành Do Thái giáo. Talmud chứa đựng những lề luật nghiêm ngặt, những tranh luận về đạo đức, minh triết của các nhà thông thái, lịch sử và triết học, những câu hỏi và trả lời, nhận định về những ý nghĩa tiềm ẩn trong Kinh Thánh, thậm chí cả truyện ngụ ngôn và phương ngôn tục ngữ. Kiệt tác đồ sộ này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay và như được hiểu thì không bao giờ chấm dứt.

Rất hiếm ở các dân tộc khác (bao gồm Việt Nam) có những kiệt tác vô giá như thế này. Cũng rất hiếm ở các dân tộc khác có một diễn đàn như Talmud cho phép các nhà thông thái và giới trí thức được phản biện để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Người Do Thái đã làm được điều này từ trên 2.000 năm trước!

Khẩu Luật (Oral Law)

Hai bản Talmud của Palestine và Babylon, theo nghĩa hẹp, chỉ là giải nghĩa của Khẩu Luật (Oral Law). Về ngữ nghĩa, Khẩu Luật có nghĩa là những lề luật truyền miệng. Các truyền thống Do Thái cho biết Khẩu Luật đi kèm với Luật Viết (Written Law) – tên gọi khác của Kinh Thánh Hebrew – và được các ngôn sứ, các bậc trưởng lão, các Rabbis… truyền miệng cho các môn sinh của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nền tảng của Lề Luật Do Thái là 613 mitzvot, hay ‘điều răn’, có thể tìm thấy trong Sách Levi (Leviticus) và Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy) của Kinh Torah. Những điều răn này nhiều khi không được giảng giải cụ thể và đòi hỏi có thêm sự giải thích bên ngoài, và đó chính là lý do tại sao lại có Khẩu Luật. Thí dụ như, khi Kinh Torah đơn giản nói “thou shall not cook the calf in its mother’s milk” (Deuteronomy 14:21 – “Anh em không được lấy sữa dê mẹ mà nấu thịt dê con”), thì Khẩu Luật sẽ phải dựa trên chỉ dụ này mà dựng lên cả một câu chuyện giải thích như thế nào và tại sao người ta không thể nấu lẫn sữa và thịt cùng với nhau.

Vậy Khẩu Luật đã được hình thành như thế nào và tại sao đã là truyền miệng lại còn được biên soạn thành văn bản thánh?

Theo phương thức đã nói ở trên, các Rabbis thường cắt nghĩa một điều luật hay điều răn trong Kinh Torah song song với một truyền thống được truyền miệng. Khi trong Kinh Torah có những từ ngữ chưa được giảng giải, những nghi thức không có hướng dẫn thì người Do Thái mặc nhiên cho rằng họ đã biết thông qua kiểu truyền miệng. Cách giải thích song song này dần dần trở thành Khẩu Luật. Kết quả là trong vài ba thế kỷ sau sự sụp đổ của Ngôi Đền Jerusalem, nhiều phần trong Khẩu Luật được các Rabbis sưu tập và biên soạn lại thành một bộ sách quí gọi là Talmud. Đây là văn bản trung tâm của các Rabbis.

Mishna (hay Mishnah)

Về cấu trúc, Talmud gồm 2 bộ: Mishna được soạn vào thế kỷ 2, và Gemara được soạn vào thế kỷ 5. Mishna là bản tóm lược đầu tiên bằng văn bản của Khẩu Luật, thực chất tóm tắt tất cả những tranh luận của các thế kỷ trước từ thời Ezra và dựa trên đó định ra bổn phận và trách nhiệm của người Do Thái trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Rabbi Yehuda HaNasi là người đầu tiên biên soạn văn bản này vào năm 200. Câu hỏi là tại sao Rabbi Yehuda lại quyết định viết Khẩu Luật thành văn bản thánh? Một số cho rằng rất nhiều học giả đã hy sinh trong hai cuộc nổi dậy vì vậy việc viết Khẩu Luật thành văn bản đơn giản là để nhằm tránh sự thất lạc trong tương lai.

Gemara

Mishna đánh dấu sự kết thúc của một quá trình và bắt đầu của một quá trình khác. Như đã nói ở trên, Mishna được viết thành văn bản gồm những lề luật, hướng dẫn, tranh luận mà trước đây chỉ được truyền miệng. Nó cũng làm khởi phát những tranh luận nóng bỏng giữa các Rabbis, và những tranh luận này về sau đã được biên soạn thành một bộ sách chú giải chi tiết khác gọi là Gemara, lấy từ thuật ngữ ‘nghiên cứu’ (study) trong tiếng Aramaic.[1] Bộ Gemara này vượt trên cả những chú giải trong sách Mishna và Kinh Torah, đề cập tới mọi lĩnh vực trong đời sống của người Do Thái trong những năm lưu lạc. Có hai phiên bản Gemara: một Gemara được biên soạn bởi cộng đồng Do Thái giáo ở Palestine và một Gemara được biên soạn ở Babylon. Talmud là kết quả gộp chung cả hai bộ Gemara và Mishna. Bộ Talmud của Palestine được hoàn thành vào năm 425. Còn bộ Talmud của Babylon hoàn thành vào năm 500, có khối lượng gấp ba lần bộ Talmud của Palestine, in thành 5.894 trang khổ đôi với 12 tập và có ảnh hưởng rất lớn với cộng đồng người Do Thái giáo trên toàn thế giới. Toàn bộ Talmud có 63 bài luận, bao gồm những ý kiến của hàng ngàn Rabbis trong nhiều chủ đề, cả về pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Trong một số sách vở, thế kỷ 3-5 được gọi là ‘Thời kỳ Talmud’.

Một điều chắc chắn là Talmud có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của người Do Thái, cung cấp nghi lễ thực hành tại các Hội đường Do Thái và tài liệu cho các bài thuyết giảng của các Rabbis. Sách Talmud hé lộ những lời dạy cụ thể giúp con người kéo dài cuộc sống, tăng cường sức khỏe thể chất, mang lại sự ổn định về tinh thần, giúp xây dựng gia đình và xã hội vững mạnh, và cung cấp cho con người sự khôn ngoan trong mọi quyết định của cuộc sống.

Sự thành công đáng kinh ngạc của người Do Thái trong lịch sử đã trở thành điều bí ẩn và được nghiên cứu qua nhiều thế hệ và từ nhiều góc độ. Nhiều học giả cho rằng chìa khóa của sự thành công đó là vì trọng tâm của Do Thái giáo chính là đọc sách, học tập, và làm theo những lề luật và các điều răn trong Kinh Thánh và Talmud.

Halakha

Halakha là bộ luật tôn giáo Do Thái được xây dựng dựa trên Torah Viết (Ngũ kinh Moses) và Torah Nói (Talmud), quy định những điều người Do Thái được và không được làm, những điều họ nên và không nên làm trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật, từ việc thực hiện nghĩa vụ tôn giáo, lễ nghi cho tới quan hệ hôn nhân, từ ứng xử trong cộng đồng cho tới luật dân sự và hình sự. Torah Viết (Ngũ kinh Moses) đóng vai trò trung tâm trong việc định hình tất cả các khía cạnh của đời sống Do Thái trong và sau cuộc lưu đầy Babylon [586 TCN – 538 TCN]. Còn Torah Nói (Talmud) phát triển dựa trên các cuộc tranh luận, hướng dẫn, phân xử của các thế hệ học giả, hiền triết, Rabbis, những người nổi lên như những lãnh tụ tôn giáo thế hệ mới trong thời kỳ Đền Thờ thứ Hai. Có thể nói Kinh Torah, Talmud và cuối cùng bộ luật tôn giáo Halakha là trụ cột tâm linh vững chắc của Do Thái giáo, tạo ra sự khác biệt của Do thái giáo với các tôn giáo khác.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Hình: Sách Kinh Talmud. Nguồn: jewishjournal.com.

(Còn tiếp)

Xem thêm các phần khác của chuỗi bài tại đây: Lịch sử Do Thái

—————-

[1] Aramaic: thuộc cận họ Semitic, nằm trong họ ngôn ngữ Phi-Á (Afro-asiatic). Tiếng Aramaic là một phần trong nhóm ngôn ngữ Tây-Bắc Semitic, trong nhóm này còn có các ngôn ngữ Canaanite như tiếng Hebrew và tiếng Phoenicia. Aramaic là ngôn ngữ chính của xứ Syria.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]