Vai trò của Luật nhân đạo quốc tế trong xung đột

Print Friendly, PDF & Email

international-humanitarian-law

Nguồn: Olivier Bailly, “Même la guerre a ses lois”, Le Monde diplomatic, 10/2015.

Biên dịch: Lý Vân Anh

Trước khi ngồi lại với nhau ở Cuba để tìm kiếm con đường hòa bình, các lực lượng nổi dậy và chính phủ Colombia đã trải qua một thời kỳ xung đột lâu dài. Ngay cả trong thời kỳ nội chiến cũng tồn tại những luật lệ để bảo vệ thường dân: đó là luật nhân đạo quốc tế. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến chống khủng bố”, luật nhân đạo quốc tế vẫn ngăn không cho các bên hành động tùy ý đối với kẻ thù của mình.

Buổi sáng một ngày tháng giêng năm 2013, trong một khu dân cư tại thành phố nhỏ của Colombia là Saravena, Pedro đậu xe bên vệ đường và thả Sylvia xuống dưới tán cây. Cậu trêu cô: “Này, đừng có tra tấn các cậu bé đấy nhé”. Sylvia là y tá, hôm nay cô tới để tiêm vắc xin cho trẻ em trong khu phố này. Pedro đã định lái xe đi luôn, nhưng lại nhìn thấy 4 cảnh sát đi mô tô tới. Hôm nay cậu quên không đội mũ bảo hiểm. Nếu bị bắt, cậu sẽ phải nộp phạt nặng, vì thế Pedro muốn chờ đội cảnh sát đi qua rồi mới lái xe rời đi. Nhưng đến lúc viên cảnh sát thứ ba đi qua thì một tiếng nổ vang lên, một quả bom do quân nổi dậy đặt ngay trong cái cây nơi Pedro đứng phát nổ. Máu và bụi hòa lẫn với nhau, Sylvia ngã xuống. Pedro vẫn đứng đó, mắt phải bị phá hủy và cột sống bị chấn thương.

Cuộc tấn công này diễn ra tại tỉnh Arauca, miền Đông Bắc Colombia, giáp ranh với Venezuela. Vụ nổ sau đó đã được lực lượng phiến quân trong vùng có tên gọi Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) lãnh trách nhiệm. Lực lượng này đã thông báo trước cho dân thường là phải tránh xa quân đội và cảnh sát, nếu không họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu có chuyện xảy ra. Đối với những người sống trong vùng chiến sự, các bên tham chiến phải tôn trọng luật về xung đột vũ trang: đó là luật nhân đạo quốc tế hay “luật về chiến tranh”.

Đây là hạn chế duy nhất giúp ngăn ngừa hành vi man rợ”[1] này và theo ông Knut Dormann, trưởng bộ phận pháp lý thuộc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nó không phải để nhằm chấm dứt xung đột mà giúp giảm bớt tối đa những thiệt hại gây ra cho dân thường nhờ vào việc hỗ trợ trực tiếp người dân và cấm vũ khí tấn công không phân biệt mục tiêu (ví dụ như bom phân mảnh), mà việc sử dụng chúng sẽ vi phạm các nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc về quy mô thiệt hại phù hợp (với mục đích chiến tranh).

248 xung đột vũ trang kể từ năm 1945

Ra đời năm 1864 với Công ước Geneva đầu tiên, nhưng thực sự phát triển từ sau năm 1945, luật nhân đạo quốc tế dần trở nên phổ biến với việc thông qua 4 Công ước Geneva năm 1949 về xung đột vũ trang.[2]  Các Công ước này trước hết pháp điển hóa các quy phạm điều chỉnh xung đột giữa các quốc gia, tức các xung đột quốc tế. Dần dần, những xung đột loại này ngày càng ít, nhường chỗ cho các xung đột phi quốc tế (non-internationaux). Năm 1977, luật đã cố gắng theo kịp thực tiễn: Các nghị định thư bổ sung I và II[3] quy định về việc bảo vệ các nạn nhân (cả trong xung đột quốc tế lẫn phi quốc tế) và điều chỉnh “các cuộc xung đột vũ trang giữa dân thuộc địa chống lại thực dân và ngoại bang, và chống lại các chế độ phân biệt chủng tộc nhằm thực thi quyền dân tộc tự quyết”.[4] Hoa Kỳ, Pakistan, Israel[5] và Iran nằm trong số các nước không phê chuẩn các Nghị định thư này.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế là “lực lượng canh gác” chính thức cho luật nhân đạo quốc tế. Hoạt động độc lập, trung lập và không thiên vị, tổ chức này được thực hiện những nhiệm vụ mà không một bên tham chiến nào có thể làm: đó là thăm hỏi tù nhân, chuyển thi thể về cho gia đình, gặp và đối thoại với tất cả các bên (ngay cả khi luật quốc gia cấm tiếp xúc với các nhóm “khủng bố”). Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế được phép giữ bí mật về các hoạt động của mình: các hồ sơ và tài liệu của Tổ chức này không được phép sử dụng trong các phiên tòa và không bao giờ được công bố. Ngược lại, chúng được chuyển cho các chính quyền liên quan tới các tội ác nhằm sửa đổi hành vi của họ. Trong trường hợp Colombia, theo yêu cầu chung của Chính phủ Colombia, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), Cuba và Na Uy, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã bí mật đưa đại diện của FARC tới La Havana để đàm phán.

Từ năm 1945, người ta thống kê có tổng cộng 248 xung đột vũ trang. Cứ một chiến binh bị chết thì có 10 dân thường mất mạng. Luật nhân đạo quốc tế là một trong các luật bị nhạo báng nhất trên thế giới. Trong số các nguyên nhân thì có nguyên nhân là do yếu kém về mặt thực thi quốc tế. Nếu như Tòa án Hình sự Quốc tế có thể phán quyết về các tội ác chiến tranh (vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva), Tòa chỉ có thể hành động khi một quốc gia yêu cầu truy tố. Ngoài ra, thẩm quyền của Tòa chỉ giới hạn ở các công dân hoặc lãnh thổ của các quốc gia đã phê chuẩn Quy chế của Tòa. Như vậy, Tòa không với tới được Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ hay Israel[6]

Tuy nhiên, Luật nhân đạo quốc tế không tồn tại một cách vô nghĩa. Đúng là “trong tình trạng bạo lực, không ai buồn tuân thủ luật lệ. Nhưng khía cạnh tích cực của Luật nhân đạo quốc tế, đó là có tồn tại một thứ luật mà người ta cần tuân thủ. Ít ra còn có một điều gì đó để đòi hỏi các bên phải tuân theo”, ông Jordi Raich, trưởng phái đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Colombia cho đến tháng 9/2014 giải thích. Ngoài ra, luật nhân đạo quốc tế cũng có tác dụng tại chỗ vì nó được … chính các bên giương ra. “Một số sử dụng luật chiến tranh để thiết lập kỷ luật quân đội”, bà Audrey Palama, cố vấn về đối thoại với các thực thể vũ trang phi nhà nước của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nhận định. “Đây là một khía cạnh không thể phủ nhận. Rất nhiều lực lượng quân đội có đội ngũ luật gia, họ nắm về luật.” Tại Cộng hòa Dân chủ Congo chẳng hạn, đem Tòa án Hình sự Quốc tế ra dọa cũng có ảnh hưởng phần nào tới các lãnh đạo địa phương vốn rất mạnh về quân sự.

Thành công, dù nhỏ nhoi, cũng được ghi nhận ở một số nơi. “Năm 2013, tại Yemen, xung quanh Dammaj, phái viên của chúng tôi đã đóng vai trò trung gian giữa hai nhóm xung đột và đã giúp sơ tán hàng chục người bị thương và đem thi thể người chết về gia đình họ”, ông Robert Mardini, trưởng bộ phận các chiến dịch của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Trung Đông giải thích. “Mọi người đều có lợi ích khi tuân thủ các nguyên tắc nền tảng về nhân đạo. Chúng tôi phải biết tận dụng những thời điểm mấu chốt”.

Một số ví dụ khác chứng minh rằng luật nhân đạo quốc tế đã thấm vào tư duy của các nhóm vũ trang. “Nhiều nhóm còn trích dẫn luật nhân đạo trong nội quy và quy định các hình phạt trong trường hợp vi phạm”, bà Palama nhấn mạnh. Về điểm này, Colombia là một thí dụ. Trong những năm 1990 tại Arauca thường xuyên diễn ra các vụ bắt cóc và phiến quân còn vào tận phòng mổ của bệnh viện để bắt người bị thương đi. Không chỉ các nhóm vũ trang phi nhà nước mới vi phạm luật về chiến tranh. Quân đội Colombia từ lâu đã ném bom bừa bãi không phân biệt khu vực quân sự và dân sự. Dưới thời chính phủ ông Alvaro Uribe, hàng nghìn thường dân đã bị giết trong các chiến dịch quân sự vô lý, chỉ để đe dọa các nhóm chính trị đối lập hoặc đơn giản là để “vẽ ra các con số báo cáo”.[7]

Tuy nhiên chính vào thời ông Uribe, quân đội Colombia đã quyết định đưa luật nhân đạo quốc tế vào luật của mình. Theo đại tá không quân Juan Carlos Gomez, luật nhân đạo được áp dụng lần đầu tại Santo Domingo, thuộc tỉnh Arauca năm 1998. Các cuộc ném bom đã giết chết 19 thường dân trong đó có 6 trẻ em. “Lực lượng không quân khi đó đổ trách nhiệm cho Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, nhưng hai năm sau, một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc đã vạch ra kẻ chịu trách nhiệm. Một cuộc điều tra hình sự khi đó đã được tiến hành đối với các phi công. Sự kiện này trở thành một điểm mốc”.[8]

Liệu có phải vì những lý do chiến lược mà quân đội Colombia chấp nhận đưa luật nhân đạo quốc tế vào – chẳng hạn để chiến đấu tốt hơn hay tránh bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích? Điều đó không quan trọng, quan trọng là những tiến bộ đạt được là rất cụ thể. “Tôi từng đi lính trong suốt 32 năm và tôi chưa từng thấy quân đội nắm về luật nhân đạo rõ như thế bao giờ”, ông Frederico Assoreira Almendra, điều phối viên của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế làm việc với các nhóm vũ trang tại Colombia và cũng là cựu binh tại Afganistan, Iraq, Li-băng và Ban-căng. “Chỉ tính riêng lực lượng bộ binh, đã có 300 cố vấn pháp lý và 172 luật gia. Cách đây năm năm, số cố vấn không nhiều như bây giờ.” Từ năm 2003, việc kiểm soát các chiến dịch không quân đã được tập trung hóa, Luật nhân đạo quốc tế được đưa vào các khóa đào tạo lính, và các cố vấn pháp lý đều được cử đi theo chỉ huy trong các chiến dịch.

Về phía các lực lượng du kích, lực lượng quân đội giải phóng quốc gia và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia đều có một bộ quy tắc ứng xử được soạn ra dựa trên luật nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, về phía quân du kích cũng như chính phủ, đây không phải là những cuốn sách lý thuyết cứng nhắc. Ông Leon Valencia đã chiến đấu cho Quân đội Giải phóng Quốc gia trong khoảng chục năm, trước khi rời tổ chức năm 1995 để trở thành một cây xã luận rất nổi tiếng ở Colombia. “Tôi còn nhớ những tranh luận về luật nhân đạo quốc tế khi tôi còn là lính. Tôi đã cãi nhau với đồng đội của tôi về việc phải chấm dứt việc bắt cóc. Mỗi quân lính đều có một bản sao luật nhân đạo trong túi”, ông kể lại. Liệu điều đó có làm thay đổi thực tế? “Thực tế có thay đổi đôi chút, nhưng không nhiều như lý thuyết, bởi vì chiến sự thời đó khiến bạn luôn phải vi phạm luật. Vào thời của tôi, chiến tranh đã trở nên kinh khủng, nếu tay bạn không nhúng chàm thì bạn cũng sẽ chết thôi.”

Tháng 11/2014, ông Marco Sassoli, Trưởng Khoa Luật quốc tế trường Đại học Geneva đã thuyết trình trước các nhóm quân sự phi nhà nước. Sau cuộc diễn thuyết có một không hai này, 35 tổ chức đã cam kết tăng cường nỗ lực để đưa các quy định về nhân đạo vào các hoạt động của họ.[9] Tại sao các tổ chức này lại muốn tuân thủ luật trong khi cuộc đấu tranh của họ dù sao cũng bị Nhà nước coi là phạm pháp? “Trước hết là vì lý tưởng hoặc vì tôn giáo”, ông Sassoli giải đáp. “Các nhóm này thừa nhận nếu họ tấn công dân thường  thì không khác gì phản bội lại lý tưởng của mình. Thứ nữa, họ muốn được công nhận, nếu là sự công nhận quốc tế thì càng tốt. Ngoài ra, điều này còn rất có lợi đối với các nhóm du kích ẩn nấp trong dân và cần dân giúp đỡ. Cuối cùng, nhiều nhóm trong số đó được một cộng đồng dân cư ủng hộ cho sự nghiệp đấu tranh, nhưng người dân sẽ rất quan ngại khi quân vũ trang có những hành vi không chấp nhận được”.

Ông Almendra diễn giải sự hữu ích của luật chiến tranh một cách giản dị hơn: “Luật nhân đạo quốc tế cho phép bạn được trở về nhà, về với gia đình, khu phố của bạn”. Đó là một phương cách để bạn có thể tiếp tục tồn tại trong cộng đồng con người.

Tác giả Olivier Bailly là nhà báo. Ông được Quỹ dành cho báo chí (Bỉ) tài trợ và được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Bogota và Saravena hỗ trợ về hậu cần để thực hiện nghiên cứu này.

—————

[1] Fréderic Koller, « Đây là giới hạn duy nhất chống lại sự man rợ » (« C’est la seule limite à la barbarie »), Le Temps, Geneva, 10/8/2009.

[2] Các Công ước Geneva đã được 195 Quốc gia ký và phê chuẩn.

[3] Nghị định thư I được 167 Quốc gia ký và Nghị định thư II được 174 Quốc gia ký.

[4] Điều 1 khoản 4 Nghị định thư I

[5] Palestine đã phê chuẩn hai Nghị định thư này vào năm 2014 và 2015.

[6] Xem Francesca Maria Benvenuto, « Tòa án hình sự quốc tế bị kết tội » (« La Cour pénale internationale en accusation »), Le Monde diplomatique, 11/2013.

[7] Chẳng hạn trong trường hợp « các con số báo cáo giả », con số hàng nghìn thường dân bị quân đội giết hại này được biến hóa thành số liệu báo cáo cho các chiến dịch tấn công vào phiến quân địa phương. « The rise and fall of “false positive” killings in Colombia : The role of US military assistance, 2000-2010 », Fellowship of Reconciliation et Colombia-Europe-US Human Rights Observatory, 5/2014.

[8] Liên quan tới cuộc thảm sát Santo Domingo, sự chặn rất tương đối : Chính phủ Colombia vẫn biện hộ vô tội trước Tòa án nhân quyền liên Mỹ năm 2012 và 2013. Human Rights Watch, « World Report 2014 ».

[9] Tuyên bố tại cuộc gặp lần 3 các nước ký kết lời kêu gọi Geneva, 20/11/2014, www.genevacall.org.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]