Con đường tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Gwadar-Kashga

Nguồn: David Brewster, “China’s Rocky Silk Road”, East Asia Forum, 09/12/2015.

Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sáng kiến Một vành đai Một con đường (One Belt One Road – OBOR) của Trung Quốc là một kế hoạch cực kỳ tham vọng – và có lẽ Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu nhận ra kế hoạch này quá tham vọng tới mức nào.

OBOR bao gồm việc xây dựng một nhóm các kết nối hạ tầng giữa Trung Quốc, Nga, Trung Á và Ấn Độ Dương. Một loạt các cảng và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đi kèm dọc Ấn Độ Dương được gọi là Con đường tơ lụa trên biển (MSR), bổ sung con đường hàng hải cho các kết nối trên đất liền với Ấn Độ Dương, bao gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và Hành lang Kinh tế được đề xuất giữa Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM). Trung Quốc giờ đây đã thiết lập được các cơ quan tài chính lớn, bao gồm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ con đường tơ lụa, nhằm giúp chi trả cho các dự án OBOR có giá trị ước tính 250 tỉ đô la Mỹ.

Từ một vài góc độ, sáng kiến này có vẻ như biểu hiện tham vọng của Trung Quốc nhằm tái tạo thế giới xung quanh mình. Nếu được xây dựng, sáng kiến này có thể thay đổi đặc tính chiến lược và kinh tế của khu vực Á-Âu và Ấn Độ Dương. Trung Quốc sẽ không còn bị phụ thuộc vào các mối quan hệ với Đông Á và Thái Bình Dương; nước này sẽ nằm giữa hai đại dương và có tiềm năng thống trị toàn bộ đại lục Á-Âu.

Tuy nhiên cũng có lý do để nghi ngờ về mức độ thành công trong kế hoạch của Trung Quốc. Các thành phần của OBOR – cụ thể là trong khu vực Ấn Độ Dương – ngày càng được nhìn nhận giống như một cách biểu lộ mong muốn dài hạn của Trung Quốc hơn là thực tế.

Sáng kiến OBOR đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều quốc gia còn đang bất ổn về mặt chính trị, tham nhũng hay đối mặt với xung đột trong nước mức độ cao. Điều này gây ra các rủi ro đáng kể cho việc tiến hành và quản lý các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này đặc biệt đúng đối với khu vực Ấn Độ Dương. Một số nước láng giềng của Trung Quốc – đặc biệt là Ấn Độ – e ngại đáng kể về các hậu quả chiến lược trong kế hoạch của Trung Quốc, mặc dù các nước này vẫn bị cám dỗ bởi các lợi ích từ các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc.

Có một số vấn đề khác nữa. MSR vẫn là một trong những yếu đố mang tính quyết định trong OBOR. Trung Quốc đã và đang tham gia vào việc xây dựng một số cảng tại phía bắc Ấn Độ Dương trong một vài năm tới. Tuy nhiên cũng có một số biểu hiện cho thấy dự án này đang phát triển theo kế hoạch để trở thành một hệ thống khu vực chặt chẽ mà trong đó hàng hóa được vận chuyển tự do giữa các khu sản xuất do Trung Quốc sở hữu đặt tại các quốc gia khác nhau.

Một số quốc gia Đông Nam Á đang vướng vào các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc đang nhìn các dự án cảng mà Trung Quốc đề xuất một cách e ngại. Trong khi Myanmar và Sri Lanka vui vẻ chấp nhận đầu tư từ Trung Quốc, những năm gần đây lãnh đạo hai nước này đã phải đối mặt với nhiều phản ứng mạnh mẽ đáng kể về mặt chính trị đối với nạn tham nhũng cũng như sự kiểm soát của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng.

Ấn Độ cũng rất nhạy cảm với MSR, điều được thúc đẩy bởi các quan ngại an ninh do sự hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Vào tháng 6 năm 2015, Thư ký Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar đã gọi MSR là: “một sáng kiến quốc gia của Trung Quốc được thiết kế gắn với các lợi ích quốc gia (của nước này), các quốc gia khác không có nghĩa vụ phải chấp nhận nó”. Với trọng lượng kinh tế và vị trí địa lý trung tâm của Ấn Độ, dự án MSR không rõ có thể thực hiện được không nếu thiếu sự hợp tác của Delhi.

Ngoài ra cũng có một số ngờ vực về dự án BCIM được đề xuất. BCIM đã được thảo luận một vài năm nay và rất có thể vẫn chỉ là một ý tưởng trong những năm tới.

Để thành công, dự án BCIM sẽ cần sự phối hợp các dự án cơ sở hạ tầng lớn và sự lưu chuyển tự do về người và hàng hóa giữa các nước Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ – bốn quốc gia vốn có quan hệ ngoại giao khó khăn trong lịch sử. Delhi về bản chất đã tạm dừng dự án. Ấn Độ có những mối quan ngại an ninh về việc xây dựng các tuyến đường nối Trung Quốc với các tiểu bang ở đông bắc do tiềm tàng nguy cơ Trung Quốc “thuộc địa hóa” trên thực tế khu vực còn chưa phát triển về mặt kinh tế này.

Một số người tại Trung Quốc đang bắt đầu nhận ra rằng Ấn Độ là một thành phần thiết yếu trong dự án BCIM và MSR. Và việc Trung Quốc không tham vấn với Ấn Độ một cách phù hợp về các kế hoạch của mình sẽ không thể tránh khỏi việc làm Ấn Độ phật lòng.

Do các vấn đề mà BCIM và MSR phải đối mặt, Trung Quốc đang tập trung vào hướng thứ ba: CPEC. Vào tháng 3 năm 2015, Tổng bí thư Tập đã tuyên bố mức đầu tư của Trung Quốc vào CPEC vào khoảng 46 tỉ đô la Mỹ. Pakistan nhiệt tình hưởng ứng đề xuất của Trung Quốc, coi đây là một biện pháp quan trọng để cân bằng lại Ấn Độ, và có lẽ với nhiều người, đây là một cơ hội để nhận được đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ Pakistan. Tuyến đường của CPEC vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất, nhưng phần lớn con đường rất có khả năng sẽ đi qua các lãnh thổ đầy bạo động và tư tưởng thù địch đối với người ngoại quốc. Đảm bảo an ninh cho hàng ngàn người Trung Quốc sẽ là một vấn đề lớn và bản thân cơ sở hạ tầng này sẽ dễ dàng bị tấn công.

Nhiều nhà phân tích Trung Quốc có cách nhìn lạc quan rằng các vấn đề của Pakistan sẽ được giải quyết thông qua “phát triển” (tức là các dự án lớn được nhà nước tài trợ và được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên Bắc Kinh có thể thấy các phần tử Hồi giáo chính thống không dễ bị mua chuộc.

Dự án CPEC có tiềm năng thay đổi một cách căn bản quan hệ Trung Quốc – Pakistan. Cho đến giờ Trung Quốc vẫn có thể coi các vấn đề trong nước của Pakistan không phải vấn đề của họ. Tuy nhiên, khi an ninh cho hàng ngàn công dân và hàng tỉ đô la đầu tư của mình bị đe dọa, Trung Quốc có thể sẽ thấy bản thân ngày càng bị cuốn vào chính trị và các vấn đề an ninh của Pakistan. Trung Quốc có lẽ cần một chút may mắn để giải quyết các vấn đề này.

Trong bất kể trường hợp nào thì các dự án lớn trong khu vực Ấn Độ Dương này sẽ đều được triển khai từng bước chứ không phải với tốc độ chóng mặt như ta thường thấy ở Trung Quốc.

David Brewster là nghiên cứu viên khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc Phòng, Đại học quốc gia Australia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]