Trung Quốc đã đánh mất Đài Loan như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

tsai

Nguồn: Nick Frisch, “How China Lost Taiwan”, The New York Times, 27/01/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào một ngày thứ ba nhiều mưa vào đầu tháng này, Chen Li-hung, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, sải bước trên sân khấu ở Chương Hóa, miền trung Đài Loan, và bắt đầu một bài diễn văn đầy tâm huyết, thêm lửa cho những thành viên nhiệt huyết của Dân Tiến Đảng đã tụ họp ở đó.

“Ba mẹ chúng tôi đến từ Đại Lục,” ông nói với khán giả. “Nhưng tôi được sinh ra ở Đài Loan. Tôi lớn lên ở Đài Loan. Vậy thì vì sao những thầy cô trong trường nói với tôi rằng tôi vẫn là người Trung Quốc? Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy tôi không phải là người Trung Quốc, tôi là người Đài Loan!” Ông đả kích tổng thống đương nhiệm Mã Anh Cửu. “Tám năm trước, Tổng thống Mã giành được một chiến thắng khá thuyết phục ở thùng phiếu, nhưng ông ấy lại dẫn dắt chúng ta đến gần Trung Quốc hơn bao giờ hết, và Đài Loan có trở nên tốt đẹp hơn chút nào không?”

Trong nhiều tiếng, những diễn giả như ông Chen đã hâm nóng khán giả. Rồi bà Thái Anh Văn, ứng viên tổng thống của đảng, đến để hạ nhiệt.

Bà Thái, một cựu giáo sư luật và nhà đàm phán thương mại, cho những đồng nghiệp dưới quyền thay mặt bà hâm nóng đám đông quần chúng trong chiến dịch tranh cử vốn chấm dứt vào ngày 16/1 với chiến thắng thuộc về bà và đảng của bà. Bà biết rằng nếu cử tri phát hiện mức độ dân túy quá cao, họ sẽ quay lại chống bà. Và bà nhận thức rằng Bắc Kinh và Washington theo dõi lời nói của bà sát sao.

Các màn trình diễn của ông Chen và bà Thái giúp giải thích mức độ chiến thắng vang dội của Dân Tiến Đảng trước Quốc Dân Đảng của ông Mã hai tuần trước khi họ đã mất cả ghế tổng thống và, lần đầu tiên, cả quốc hội. Cuộc mít tinh cho thấy vì sao, qua cuộc bầu cử này, Trung Quốc đã mất Đài Loan vĩnh viễn.

Khi Quốc Dân Đảng bị đánh bại trong cuộc nội chiến vởi Đảng Cộng Sản của Mao vào năm 1949, giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng rút về Đài Loan với hàng triệu người tị nạn từ Đại lục như ba mẹ của ông Chen, và thành lập một chính phủ chuyên chế mà sau này đã nhường bước cho dân chủ vào thập niên 1990. Từ năm 1949, Bắc Kinh đã tuyên bố Đài Loan là một tỉnh “nổi loạn” và sẽ phải thống nhất với Trung Quốc, một cách hòa bình nếu được và bằng vũ lực nếu cần. Mỹ là nước bảo hộ an ninh cho Đài Loan, nhưng họ cũng muốn tránh xúc phạm Bắc Kinh và đã không ủng hộ những lãnh đạo Đài Loan nào gây bất ổn nguyên trạng. Cử tri Đài Loan trừng phạt những ứng cử viên thách thức Trung Quốc ở mức không cần thiết, hay là chọc giận Washington.

Bắc Kinh đã đeo đuổi một chiến lược dài nhiều thập niên bằng sự kiên nhẫn và lôi kéo kinh tế, với mong muốn Đài Loan sẽ tái hợp một cách hòa bình với Đại lục. Còn người Đài Loan mong muốn các mối quan hệ ổn định và hiệu quả với Trung Quốc. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Đài Loan ủng hộ hiện trạng của một Đài Loan độc lập trên thực tế, mà không cần có bất kỳ một tuyên bố (độc lập) chính thức nào vốn sẽ làm Bắc Kinh phẫn nộ và có thể châm ngòi cho một cuộc xâm lược.

Nhưng với phép màu kinh tế của Đại lục giờ ngày càng mờ mịt đi, nhiều người Đài Loan đang nghi ngờ sự khôn ngoan của việc trói mình vào cột buồm. Người Đài Loan lo rằng việc xích lại gần Bắc Kinh của ông Mã đã đi quá xa, và không mang lại lợi ích cho những người dân thường Đài Loan. Một dự luật có thể đã cho phép các ngành nhạy cảm, như là truyền thông, được sở hữu bởi người Trung Quốc đại lục, đã bị kẹt lại ở quốc hội vào năm 2014 trong làn sóng những cuộc biểu tình của sinh viên, giờ được biết tới với tên gọi Phong trào Hoa hướng dương.

Cùng lúc đó, người Đài Loan thấy một chính quyền đại lục ngày càng thô bạo ở bên kia eo biển – và họ không muốn trở thành một phần của chính quyền đó. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình đàn áp những người bất đồng chính kiến và vận dụng những luận điệu dân tộc chủ nghĩa về nền văn hóa Trung Quốc vinh quang gợi nhắc một cách khó chịu về những trải nghiệm của Đài Loan trong thời thiết quân luật.

Nhưng chính những tình cảm của ông Chen thể hiện trong cuộc mít tinh giải thích vì sao, trừ khi Bắc Kinh dùng vũ lực, cuộc “ly dị” Trung-Đài sẽ trở nên vĩnh viễn. Các cuộc thăm dò cho thấy thế hệ cư dân đảo tự nhận mình là người Trung Quốc đang phai mờ dần đi, và ngày càng nhiều người tự nhận mình là người Đài Loan. Nhiều thập niên độc lập trên thực tế đã kích thích sự mong muốn của người Đài Loan có được độc lập thực thụ. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Đài Loan thậm chí không muốn tái hợp với một Trung Quốc dân chủ.

Những cảm giác như thế sẽ ngày càng ăn sâu khi một thế hệ người Đài Loan trẻ tìm được tiếng nói chính trị. Bản sắc bản địa và sự trung thành với những giá trị công dân tự do thể hiện mạnh mẽ nhất ở một giới trẻ giờ ngày càng tự khẳng định mình hơn, những người mà Phong trào Hoa hướng dương của họ đã khai sinh nên Đảng Lực lượng Thời đại (New Power Party) mới, đảng đã liên minh với Dân Tiến Đảng của bà Thái để lật đổ một vài dân biểu đương chức của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử.

Dù vậy, trong khi người Đài Loan có thể ngày càng tự nhận mình thuộc về một nền văn hóa mang đậm bản sắc địa phương – và ủng hộ nhiệt huyết của một vài người như ông Chen – nhưng vào lúc này họ thích vai trò điềm đạm trước công chúng của bà Thái. Là một nhà kỹ trị nhiều đầu óc, bà khác với những bậc cao niên bình dân hơn trong đảng của bà, một vài người trong số họ khởi đầu sự nghiệp chính trị trong tù của Quốc Dân Đảng.

Ngay cả khi những người dưới trướng của bà Thái sử dụng ngón bài bản sắc, chiến dịch của bà vẫn nhấn mạnh năng lực kinh tế và hứa sẽ không có tuyên bố độc lập, một lập trường nhằm tránh kích động Bắc Kinh và Washington. Nhưng đường lối đảng của bà Thái vẫn ủng hộ độc lập, và chiến thắng của bà sẽ cho bà quyền lực để bảo vệ sự tách biệt của Đài Loan bằng những thay đổi chính sách tinh tế.

Những thay đổi chính trị ở khu vực vành đai Thái Bình Dương cũng có thể thay đổi những tính toán của Washington. Từ thời chính quyền Nixon, Washington đã chú trọng một mối quan hệ thực dụng với Trung Quốc hơn là bất kỳ một mối quan hệ nào với Đài Loan. Lập trường hiện tại của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan là một sự chấp nhận ngầm. Nhưng việc Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn gây báo động cho các đồng minh của Mỹ ở Tokyo, Seoul và Manila, tất cả đều đang theo dõi sát sao cách Trung Quốc thách thức những cam kết phòng thủ của Mỹ đối với Đài Loan.

Bà Thái sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nhắc nhở Washington về tầm quan trọng của liên minh đó. Đảng của bà dự tính sẽ sử dụng ưu thế đa số ở quốc hội để dẫn dắt Đài Loan vào TPP, một hiệp định sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế hòn đảo vào Trung Quốc và gắn nó gần hơn với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Trong lúc ông Chen chấm dứt bài diễn văn đầy lửa, đoạn kết của bản giao hưởng số 5 của Beethoven được phát ra từ những chiếc loa. “Bảo vệ lối sống của chúng ta, giữ vững tính cách của chúng ta… hãy đi bầu!” ông kêu gọi. ”Hãy giúp Dân Tiến Đảng có một khởi đầu mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của mình!”

Các cử tri Đài Loan đã làm như vậy, và thông qua đó đẩy giấc mơ thống nhất của Bắc Kinh ngày càng xa tầm với hơn.

Nick Frisch đang học tiến sĩ ngành Châu Á học tại trường cao học của Đại học Yale và là một nghiên cứu sinh tại Trường luật Yale.

Xem thêm:

Ai là người Trung Quốc? Chính trị bản sắc tại Đài Loan và Hong Kong