Hiện đại hoá PLA: Thông tin và những nghi vấn

Print Friendly, PDF & Email

Tổng hợp: Nguyễn Thế Phương

Hiện nay có rất nhiều thông tin đề cập tới quá trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc vốn đang là tâm điểm chú ý của giới phân tích. Tuy nhiên, không phải bất cứ thông tin nào được đề cập trên các bài báo hay các blog chính trị đều đúng. Các thông tin chính xác cần được tổng hợp và tham khảo từ các nguồn chính thống của nhà nước Trung Quốc như từ trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc, từ China Daily hay hãng tin Tân Hoa Xã.

Những gì chúng ta đã biết chính xác tập trung vào bốn mảng cải cách chính: (1) quy mô và cấu trúc lực lượng; (2) tổ chức chỉ huy từ Quân uỷ Trung ương (CMC) xuống các đơn vị chiến đấu; (3) khả năng tác chiến hiện đại thể hiện qua các “lực lượng chiến đấu kiểu mới” và (4) năng lực huấn luyện chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc (PLA) thông qua các trường, các học viện quân sự của nước này.

Vào tháng 11 năm 2013, Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố quyết định “tối ưu hoá số lượng và cấu trúc của quân đội, điều chỉnh và cải thiện mức độ cân bằng giữa các lực lượng và các quân chủng, giảm thiểu nhân lực phi tác chiến”. CMC sau đó cũng tuyên bố tiến hành thành lập “bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp dưới quyền chỉ huy của CMC, và hệ thống chỉ huy tác chiến hỗn hợp trên chiến trường” và “tăng cường tốc độ triển khai xây dựng năng lực chiến đấu mới, và cải cách toàn diện các trường quân sự”.

Hai năm sau, vào tháng 9 năm 2015, Chủ tịch CMC Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 quân, và giảm tổng quân số của PLA xuống còn hai triệu quân. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng sau đó nói rằng quá trình này sẽ hoàn tất vào năm 2017 và sẽ loại bỏ “các lực lượng trang bị vũ khí cũ và lạc hậu, các đơn vị phụ trách hành chính, các đơn vị phi tác chiến, và tối ưu hoá cấu trúc các đơn vị còn lại”. Cho tới hiện tại, lực lượng duy nhất được công khai loại bỏ là Đoàn kịch hát Quân khu Nam Kinh.

Vào tháng 11 năm 2015, Tập tuyên bố rằng “các bộ chỉ huy quân khu hiện tại sẽ được điều chỉnh và tái cấu trúc thành các bộ chỉ huy mới (battle zones commands) đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của CMC. Một hệ thống chỉ huy ba cấp từ CMC thông qua các bộ chỉ huy mới tới các đơn vị thực chiến sẽ được thiết lập. Nhưng hệ thống chỉ huy này sẽ hoàn toàn tách biệt với hệ thống chỉ huy hành chính từ CMC xuống các quân chủng rồi tiếp tục tới các đơn vị thực chiến. Như thế, chỉ huy các quân chủng có nhiệm vụ tổ chức, đào tạo nhân lực, và tổ chức trang bị cho các đơn vị cấp dưới. Các thay đổi này sẽ được tiến hành từ này cho tới năm 2020.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, Chủ tịch Tập tham dự buổi lễ ra mắt Bộ chỉ huy Lục quân mới, các Lực lượng Tên lửa (PLARF) và Lực lượng Hỗ trợ chiến lược (PLASSF).

Một trong những mục tiêu quan trọng khác ít được nói tới đó chính là giảm quy mô của lực lượng dân quân. Mặc dù không trực thuộc PLA, nhưng dân quân là một trong ba nhân tố cấu thành nên lực lượng vũ trang Trung Quốc. Các lực lượng dân quân được chỉ huy bởi một hệ thống các sở chỉ huy của PLA từ tỉnh xuống tới cấp huyện và xã. Các chi tiết cải cách chưa được công bố, nhưng bước đi này nếu được thực hiện sẽ giúp cắt giảm nhân sự tại những tại những sở chỉ huy địa phương ở các khu vực hành chính cấp xã và huyện.

Vào ngày 11 tháng 1, 15 đơn vị mới dưới sự kiểm soát trực tiếp của CMC được thành lập. Một chi tiết đáng chú ý đó là Cục động viên Quốc phòng Quốc gia sẽ chịu trách nhiệm “quản lý các sở chỉ huy quân đội ở cấp tỉnh”, nhiệm vụ vốn trước đây được giao trực tiếp cho các sở chi huy quân khu.

Cho tới hiện nay, vẫn tồn tại một số câu hỏi chưa có lời đáp về quá trình hiện đại hoá PLA ở hiện tại, bao gồm:

  • Các tổng cục/uỷ ban/văn phòng trực thuộc CMC cũng như các bộ chỉ huy chiến trường có thực sự phối hợp ăn ý với nhau dưới cấu trúc chỉ huy hiện tại (bốn quân chủng kết hợp với PLASSF) hay không?
  • Vai trò của Bộ Quốc phòng có bị thay đổi? Trước đây, Bộ Quốc phòng không nằm trong chuỗi chỉ huy kiểm soát chạy từ CMC xuống tới các đơn vị thực chiến. Chuỗi chỉ huy hành chính mới cũng không có mặt Bộ Quốc phòng. Liệu có sự thay đổi vai trò lớn nào của Bộ Quốc phòng trong cấu trúc mới không?
  • Mặc dù đã tuyên bố cắt giảm 300.000 quân, thì con số hai triệu còn lại sẽ được phân bổ như thế nào giữa các quân chủng? Thậm chí ngay cả khi con số 300.000 quân bị cắt giảm đó được áp dụng hoàn toàn cho Lục quân, thì lực lượng này vẫn chiếm 63% tổng số quân của PLA.
  • Những đơn vị thực chiến nào sẽ bị giải thể? Một nguồn tin cho hay tất cả 18 sư đoàn lục quân vẫn sẽ được giữ nguyên. Liệu các Hạm đội hải quân có thay đổi nào về mặt cấu trúc hay không? Chưa có báo cáo nào về các thay đổi cấu trúc trong không quân.
  • PLASSF sẽ trực thuộc uỷ ban nào của CMC? PLASSF sẽ bao gồm những đơn vị nào? Nhiệm vụ của PLASSF sẽ là gì? Số phận của các đơn vị trực thuộc bốn tổng cục giải thể sẽ như thế nào là câu hỏi cần được trả lời.
  • Bên cạnh lực lượng dân quân, thì lực lượng dự bị có thay đổi nào không?
  • Các học viện, trường đại học trực thuộc PLA sẽ thay đổi như thế nào? Liệu các đơn vị này có còn trực thuộc CMC? Những thay đổi nào sẽ được thực thi đối với hệ thống các trường và học viện quân sự?
  • Lực lượng quân cảnh sẽ có thay đổi nào về mặt chỉ huy? Liệu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có còn đồng kiểm soát lực lượng này hay không?

Các tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Việt Nam sẽ tham dự cuộc tập trận Hổ mang vàng lần thứ 35 tại tỉnh Chonburi, Thái Lan với tư cách là quan sát viên. Cuộc tập trận có 27 nước tham dự với 8.564 binh sỹ, trong đó có 7 nước tham dự đủ các bài tập trận. Trung Quốc và Ấn Độ tham gia phần cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo. Năm nay, cuộc tập trận này quy mô hơn năm ngoái và sẽ kết thúc vào 19 tháng 2 tới.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, mẫu máy bay tàng hình mới của Nhật với mã hiệu ATD-X hay X-2 sẽ bay từ sân bay Nagoya tới căn cứ không quân Gifu vào cuối tháng hai. Đây sẽ là chuyến bay thử đầu tiên của X-2 và sẽ là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch phát triển máy bay tàng hình nội địa của Nhật Bản.

Trung Quốc đã chuẩn bị xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của mình ở nước ngoài tại Djibouti. Tổng thống Djibouti cho rằng Trung Quốc đang nghiên cứu và sẽ sớm tiến hành khởi công. Quân cảng này sẽ nằm trong tổ hợp cảng đa năng 590 triệu USD Doraleh cũng do một công ty Trung Quốc trúng thầu xây dựng. Được biết, hiện Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Djibouti.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]