Chuyển động quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương (06/01/2016)

Print Friendly, PDF & Email

Picture_67

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Chính sách an ninh trong giai đoạn hiện nay của Trung Quốc là gì? Giáo sư Andrew S. Erickson thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ và chuyên gia Timothy Heath nhận định, các chính sách an ninh của Bắc Kinh đang hướng tới việc tái cấu trúc khu vực và ngăn chặn can thiệp (từ Mỹ). Hai tác giả thừa nhận, trong bối cảnh nguồn thông tin còn hạn chế như hiện nay thì nhận định này chỉ mang tính tham khảo, dựa trên các thông tin đã được công khai và những chỉ dấu gần đây sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Các chỉ dấu quan trọng bao gồm nỗ lực kiểm soát các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông của lãnh đạo Trung Quốc; tăng cường vai trò và nâng cao vị thế thông qua các sáng kiến, đề xuất các cơ chế hợp tác khu vực như Hội nghị Tương tác và Xây dựng Niềm tin (CICA), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)…để đối chọi lại các cơ chế do Mỹ dẫn đầu. Ở cấp độ quân sự, Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào nâng cao năng lực tác chiến, củng cố chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), phát triển và trang bị thêm nhiều loại vũ khí – khí tài hiện đại.

Hai nguồn tư liệu công khai quan trọng nhất là Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 (DWP) và phiên bản Sách trắng năm 2013 với tên gọi Khoa học Chiến lược Quân sự (SMS). Về cơ bản, nội dung của mỗi tài liệu là cơ bản giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng sẽ thấy có sự khác biệt. Trong khi DWP cung cấp các thông tin chính thống và có thẩm quyền cao về chính sách an ninh và chiến lược quân sự, thì SMS là đại diện cho tư duy của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc về những vấn đề này.

Mặc dù cả DWP và SMS đều nhắc đến yếu tố “phòng thủ”, song DWP lại mở rộng không gian phòng thủ ra bên ngoài, nhấn mạnh sự phát triển của Trung Quốc đã “đặt ra những yêu cầu mới” cho quân đội trong việc xây dựng một “cấu trúc thuận lợi chiến lược” và “đảm bảo sự phát triển hòa bình của đất nước”. DWP cũng giải thích và yêu cầu quân đội phải “chủ động mở rộng hợp tác quân sự và an ninh”, “thúc đẩy thành lập một khuôn khổ hợp tác an ninh và quân sự cấp độ khu vực”.

Trước đó, trong một bài báo hồi năm 2009, Đại tá Chen Zhou, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc (AMS) nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng phạm vi”, “vượt qua giới hạn của đường bờ biển Trung Quốc, chủ động xây dựng nền tảng ngoại vi chiến lược, mở rộng các tiền đồn phòng thủ và căng dãn tuyến phòng thủ trên không và trên biển”

Trong khi đó, SMS, như đã nói ở trên, là đại diện cho những tư duy về chính sách an ninh và quân sự của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc. SMS ghi nhận sự cần thiết phải tạo lập một “tình hình chiến lược thuận lợi cho sự ổn định nội bộ và mở rộng ra bên ngoài” và “sẽ ổn định lâu dài trong thời bình”. Cụm từ này ngầm ám chỉ đến một môi trường châu Á hòa bình, ổn định mà trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai trò lãnh đạo. Theo đó, để hình thành được môi trường chiến lược và thắt chặt kiểm soát “lợi ích cốt lõi” trong thời bình, SMS chủ trương các biện pháp quân sự phi chiến tranh. Mặc dù có sự kết hợp giữa với các yếu tố khác như chính trị, kinh tế và ngoại giao, song quân sự là nhân tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và đảm bảo các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Ở cấp độ chiến lược, việc hướng tới một chính sách an ninh mở rộng thời bình đã dẫn đến chuyện các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc theo đuổi mục tiêu cơ cấu lại trật tự an ninh khu vực theo một cách ít gây mất ổn định nhất có thể. Bắc Kinh hiểu rằng, những động thái mở rộng ảnh hưởng đó có thể thách thức trật tự khu vực vốn đã được định hình. Họ cũng sẵn lòng phớt lờ những chỉ trích của các nước xung quanh, xem những hành động đó là biểu hiện của sự “khiêu khích” và “bắt nạt”. Những phản ứng này đều nằm trong kế hoạch tái cấu trúc khu vực và mở rộng ảnh hưởng thời bình của Bắc Kinh. Trung Quốc không ngại gây ra căng thẳng, không ngại đối đầu nhưng họ chủ động tạo ra căng thẳng và giữ chúng ở mức độ có thể kiểm soát được.

Phần thứ hai của bài viết chủ yếu đề cập đến những động thái hiện đại hóa quân sự gần đây của Trung Quốc thông qua các trang thiết bị mới, tăng cường chiến lược A2/AD vốn đã được nhắc đến khá nhiều qua các bài viết trước nên bài hôm nay sẽ không đề cập lại.

Kế hoạch cải tổ quân đội của Trung Quốc mới đây đã có thêm một vài diễn biến mới. Bắc Kinh vừa tiết lộ 3 điểm mới mà theo như lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “quyết định chính sách quan trọng để hiện thực giấc mơ Trung Hoa về một đội quân mạnh”.

Lần đầu tiên, Bắc Kinh chính thức lên tiếng xác nhận nước này đang nghiên cứu và phát triển một tàu sân bay thứ hai, sau Liêu Ninh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang liên tục có những động thái đáng quan ngại trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Yang Yujun xác nhận: “các bên liên quan đang bắt đầu công việc nghiên cứu và phát triển hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, vốn được thiêt kế và chế tạo hoàn toàn độc lập”. Theo Yang, tàu sân bay mới của Bắc Kinh có tải trọng khoảng 50.000 tấn và sử dụng thiết kế mặt boong kiểu nhảy cầu tương tự như trên Liêu Ninh. Tiêm kích được sử dụng vẫn là J-15 (thiết kế dựa trên Su-33 của Nga).

Tạp chí Quốc phòng Kanwa thì dự đoán, nhiều khả năng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ đóng tại căn cứ hải quân mới trên đảo Hải Nam, hướng trực tiếp ra Biển Đông hơn là cảng Đại Liên. Hiện tàu sân bay Liêu Ninh vẫn giữ vai trò là tàu sân bay huấn luyện hơn là tác chiến thực thụ do Bắc Kinh vẫn chưa sở hữu một biên đội tàu hộ tống đúng nghĩa.

Diễn biến mới thứ hai là việc Trung Quốc thông báo thành lập hai lực lượng mới trong kế hoạch thực hiện hiện đại hoá toàn diện lực lượng vũ trang. Hai lực lượng mới được thành lập là Lực lượng tên lửa (PLARF) và Lực lượng Hỗ trợ Chiến thuật (PLASSF). Lực lượng tên lửa sẽ thay thế hoàn toàn Binh đoàn Pháo binh số hai (Nhị Pháo), kiểm soát hoàn toàn bộ ba hạt nhân của Trung Quốc. Vậy là hiện tại, PLA chính thức sở hữu bốn quân chủng riêng biệt và ngang hàng với nhau bao gồm Hải, Lục, Không quân và Tên lửa. Hiện vẫn chưa rõ cơ cấu và chức năng cụ thể của PLASSF là như thế nào, song một số dự đoán cho thấy có thể PLASSF sẽ bao gồm một số đơn vị phụ trách tác chiến không gian và chiến tranh thông tin/chiến tranh mạng.

Lục quân kể từ nay sẽ sở hữu bộ chỉ huy trung tâm của riêng mình, hay còn được gọi là Bộ Tư lệnh Lục quân. Trước đây, Lục quân Trung Quốc chịu sự kiểm soát trực tiếp của bốn Tổng cục trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trung Quốc cũng đã ban hành bản định hướng hiện đại hóa quân đội tầm nhìn 2020, bao gồm cả kế hoạch cắt giảm quân số và nâng cao năng lực tác chiến cá nhân.

Một số tin vắn đáng chú ý

Ấn Độ thiết lập trạm giám sát vệ tinh ở Việt Nam, mà cụ thể là ở Thành phố Hồ Chí Minh và một trạm khác ở Indonesia. Theo đó, nhiệm vụ của trạm không gian này chủ yếu là theo dõi các vụ phóng vệ tinh từ Ấn Độ và thu thập dữ liệu truyền về. Chi phí để xây dựng trạm không gian tại thành phố Hồ Chí Minh ước tính khoảng 23 triệu USD.

Không quân Indonesia mua thêm nhiều tên lửa từ Nga và Hoa Kỳ. Trị giá hợp đồng lần này khoảng 48 triệu USD bao gồm các tên lửa không đối đất tầm ngắn KH-31A và KH-31P (24 triệu USD), tên lửa KH-59ME (18 triệu USD) và tên lửa không đối không tầm ngắn nâng cấp AIM-120 của Hoa Kỳ (6 triệu USD).

Hai chiếc tiêm kích hạng nhẹ FA-50PH của Không quân Philippines được biên chế vào cuối năm 2015, nhưng không kèm theo một loại vũ khí nào. Để bảo đảm khả năng tự vệ cho FA-50PH, không quân nước này đã phải trang bị tạm các quả tên lửa AIM-9B Sidewinder, được sản xuất từ năm 1962 và vốn được lắp trên máy bay F-5A đã bị Philippines loại biên cách đây 10 năm. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết sẽ dành ra 106 triệu peso (2,25 triệu USD) để mua 93.600 viên đạn 20mm cho pháo chính của FA-50PH. Số tiền này sẽ được trích từ ngân quỹ hiện đại hóa các lực lượng quốc phòng. Buổi đấu thầu sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (6/1), đơn vị nhận được hợp đồng sẽ phải cung cấp lô đạn này trong vòng một năm tới.

Vào ngày 5 tháng 12, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm loại tên lửa liên lục địa đặt trên đường ray di động DF-41. Tên lửa này cũng đã tiến hành một thử nghiệm khác một ngày trước đó. Theo các nhà phân tích, tên lửa đặt trên các bệ phóng đặt trên đường ray sẽ rất khó theo dõi và phát hiện. Theo thông tin tình báo Mỹ, Lực lượng Nhị pháo đã xây dựng 2.000 cây số đường ray để phục vụ cho hệ thống tên lửa này. DF-41 có khả năng mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch với sức nổ từ 150-300 kiloton cho mỗi tên lửa và có thể tấn công bất cứ đâu trên lục địa Hoa Kỳ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]