Triều Tiên phóng tên lửa, quan hệ Trung – Hàn nguội lạnh

Print Friendly, PDF & Email

missile

Nguồn:N Korea rocket launch chills Beijing-Seoul ties”, The New York Times, 11/02/2016.

Biên dịch: Phan Nguyên

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ là Hàn Quốc vào năm 2014, đó dường như là sự khởi đầu của một mối quan hệ gần gũi đầy hứa hẹn.

Người đón tiếp ông Tập, Tổng thống Park Geun-hye, đã đáp lại bằng cách đến Bắc Kinh năm ngoái để tham dự một cuộc diễu binh mà các đồng minh khác của Mỹ tẩy chay, một cử chỉ mà ông Tập có thể đã tin rằng sẽ khiến bà Park ngày càng cách xa Washington hơn.

Về phần mình, bà Park hy vọng rằng người bạn mới ở Bắc Kinh – đối tác kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc – sẽ giúp kiềm chế tham vọng không ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhưng triển vọng về một kỷ nguyên thân thiện mới giữa Trung Quốc và Hàn Quốc dường như đã sụp đổ trong tuần này. Sau khi Bắc Triều Tiên, một đồng minh hiệp ước của Trung Quốc, phóng một quả tên lửa, rõ ràng là để thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc đã đón nhận điều mà Trung Quốc từ lâu đã cố gắng ngăn chặn: Một hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ sẽ được triển khai ngay trên ngưỡng cửa của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện tỏ ra giận dữ hơn với Hàn Quốc, thay vì ông Kim, người đã bỏ ngoài tai lời khuyên của Trung Quốc là đừng phóng tên lửa.

Chính phủ của bà Park nói rằng họ đang bước vào cuộc đàm phán với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc triển khai hệ thống này của Mỹ, và Lầu Năm Góc nói rằng việc lắp đặt hệ thống này, vốn được chi trả bởi Mỹ, sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng nhất có thể.

Hàn Quốc đã hành động sau khi phản ứng của Trung Quốc đối với vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Hàn tỏ ra nhẹ nhàng hơn so với những gì bà Park mong đợi sau gần hai năm ve vãn của ông Tập (đối với Seoul), các nhà phân tích người Hàn Quốc nói.

Hệ thống này, được gọi là THAAD, (Terminal High-Altitude Area Defense – Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường tầm cao giai đoạn cuối), sẽ cung cấp cho Hàn Quốc, và gần 30.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở đó, sự bảo vệ vượt trội chống lại thách thức hạt nhân ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng so với hệ thống phòng thủ tên lửa chưa đầy đủ hiện tại của Seoul, các nhà phân tích này nói.

“Tổng thống Park đã rất thất vọng và chán nản với sự thiếu hành động và im lặng của ông Tập đối với Bắc Triều Tiên khi bà cần sự giúp đỡ của ông Tập nhất,” Giáo sư Kim Heung-kyu, Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Ajou ở Suwon, Hàn Quốc, nói. Ông Tập sau đó đã bị mất mặt ở trong nước khi bà Park nhanh chóng chấp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Giáo sư Kim nói.

“Những nỗ lực của Tập Cận Bình để biến Tổng thống Park thành một người bạn đã không diễn ra như ông hy vọng,” ông nói, “và chắc chắn bà ấy thất vọng với những nỗ lực của ông Tập trong việc kiểm soát Kim Jong Un.”

Sau vụ phóng tên lửa vào ngày Chủ Nhật, Trung Quốc lấy “làm tiếc” và tranh luận gay gắt tại Liên Hiệp Quốc chống lại các lệnh trừng phạt mới sâu rộng hơn đối với Bắc Hàn.

Ngược lại, Trung Quốc nói nước này “quan ngại sâu sắc” về quyết định của Hàn Quốc cho phép triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa. Bắc Kinh cảnh báo “mọi quốc gia không được phép phá hoại lợi ích an ninh của các nước khác trong quá trình theo đuổi lợi ích an ninh của riêng mình”, ngụ ý rõ ràng rằng hệ thống tên lửa là nhằm củng cố mạng lưới các liên minh của Washington tại Đông Bắc Á, thay vì cung cấp sự bảo vệ chống lại Bắc Hàn.

Để chứng minh sự không hài lòng của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc tại Bắc Kinh Kim Jang-soo nhằm phản đối các cuộc đàm phán giữa Seoul và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa. (Nhằm thể hiện sự công bằng, Trung Quốc cũng triệu tập đại sức Bắc Hàn Ji Jae Ryong nhằm phản đối vụ phóng tên lửa.)

Sự tức giận của Trung Quốc về hệ thống tên lửa sắp được lắp đặt của Mỹ ngay sát biên giới của mình bắt nguồn từ hai nguyên nhân, ông Chu Shulong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói.

Thứ nhất, nhiều người trong chính phủ Trung Quốc không tin Bắc Hàn sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, Giáo sư Chu nói. Thứ hai, niềm tin rằng việc triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Đông Bắc Á tồn tại rộng rãi ở Bắc Kinh, nơi giới chức lo ngại mục tiêu cuối cùng của nó là để ngăn chặn Trung Quốc.

“Bắc Triều Tiên là một chế độ xấu, vâng, tất cả mọi người đều đồng ý với điều đó”, Giáo sư Chu nói. “Nhưng liệu Bắc Triều Tiên sẽ có sử dụng vũ khí (hạt nhân) của mình không? Có lẽ là không. Không nên coi Bắc Hàn là một mối đe dọa tức thì.”

Nhận định này rất khác so với tường trình đầu tuần này trước Quốc hội Mỹ của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, ông James Clapper, người đặt Bắc Hàn đứng đầu danh sách của Washington về các mối đe dọa liên quan đến vũ khí hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đáng lo ngại hơn với Trung Quốc không phải là vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Giáo sư Chu nói, mà là quan điểm rằng THAAD sẽ gắn kết chặt chẽ hơn Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ vốn đang có những cuộc cãi vã riêng, dưới một chiếc ô chung của Washington.

Quyết định của Hàn Quốc đứng cạnh người bảo lãnh an ninh của mình là Washington diễn ra khi mối quan hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn, được thể hiện không chỉ bởi sự khác biệt về quan điểm đối với vấn đề Bắc Triều Tiên mà còn bởi sự cạnh tranh ở Biển Đông.

Tuần tới, ông Obama sẽ đón tiếp lãnh đạo 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Sunnylands, địa điểm ở California nơi ông và ông Tập đã gặp nhau hồi năm 2013. Vào dịp đó, hai vị lãnh đạo cam kết sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Lần này, ông Obama có khả năng sẽ đề nghị các lãnh đạo ASEAN, dù chỉ gián tiếp, đứng về phía Washington thay vì Bắc Kinh.

Đối với Trung Quốc, “sự ra đời của THAAD là một trở ngại vì nó kết nối Hàn Quốc với một chiến lược khu vực của Mỹ”, ông Scott Snyder, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu Hàn Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói. “Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng với trở ngại này bằng cách hạn chế hợp tác với Mỹ về Bắc Triều Tiên, hay Trung Quốc sẽ có thể trừng phạt Hàn Quốc vì quyết định này.”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″
box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″
show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]