Bất bình đẳng có thể gây rạn nứt xã hội Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china

Nguồn: Chris Buckley, “Studies Point to Inequalities That Could Strain Chinese Society”, The New York Times, 27/01/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Chủ tịch Tập Cận Bình gọi nó là “Trung Quốc Mộng” của ông – một tầm nhìn về một xã hội gắn kết, bình đẳng, ngày càng giàu có và khỏe mạnh, và vui vẻ chấp nhận sự thống trị của Đảng Cộng sản, lòng yêu nước mạnh mẽ và những nguyên tắc truyền thống. Tầm nhìn đó, được chiếu trên các kênh TV và bảng hiệu ở khắp mọi nơi, đã thúc đẩy hứa hẹn của ông Tập rằng dưới chính quyền của ông, xã hội Trung Quốc sẽ trở nên bình đẳng hơn và công bằng hơn.

Nhưng hai nghiên cứu mới từ những viện nghiên cứu ở Bắc Kinh cho thấy rằng tuy người Trung Quốc vẫn chấp nhận nguyên trạng, dù không phải luôn luôn vui vẻ, nhưng ông Tập đang đối diện với một dòng chảy ngầm dai dẳng của sự bất mãn về bất bình đẳng thu nhập, cơ hội giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sự rạn nứt xã hội này có thể trở nên rắc rối, đặc biệt nếu nền kinh tế tiếp tục sụt giảm.

“Trong tương lai, xã hội Trung Quốc sẽ đối mặt với một loạt những thách thức khó khăn,” theo  báo cáo Nghiên cứu Gia đình Trung Quốc 2015, được viết bởi Viện Khảo sát Khoa học xã hội của Đại học Bắc Kinh.

“Khi mà tổng tài sản của đất nước chúng ta đã tăng trưởng nhanh chóng, thì sự thiếu cân bằng trong xã hội Trung Quốc ngày càng lộ rõ hơn,” báo cáo cho biết. “ Điều này được phản ánh không chỉ trong việc phân hóa thu nhập và mức tài sản, mà còn trong những chênh lệch có thể thấy rõ ràng về mặt giáo dục, y tế và an sinh xã hội”

Ông Tập và thủ tướng của ông, Lý Khắc Cường, đã nói rằng vượt qua những mất cân bằng xã hội này là một ưu tiên. Nhưng báo cáo này, được rút ra từ kết quả của một cuộc thăm dò hằng năm đối với 35.000 người trưởng thành và 13.000 hộ gia đình, cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Những vấn đề này yêu cầu những giải pháp hiệu quả”, báo cáo cho biết. “Nếu không thì rất có thể chúng sẽ đe dọa bình ổn xã hội và trở thành một nút thắt cổ chai trong phát triển xã hội và kinh tế.”

Bài nghiên cứu đã gây nhiều chú ý, với các bản tin trích dẫn kết luận của báo cáo rằng 1% hộ gia đình Trung Quốc nắm giữ 1/3 tổng tài sản quốc nội của đất nước, còn ¼ số hộ gia đình nghèo nhất chỉ nắm có 1%. Nhưng thực chất thì kết quả đó đã được báo cáo trong nghiên cứu năm trước, và phần lớn báo cáo năm nay tập trung vào cơ hội tiếp cận nhà cửa, giáo dục và y tế.

Nghiên cứu cho thấy, như những xã hội khác, hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là mức giáo dục của cha mẹ, đóng một vai trò lớn trong việc quyết định mức giáo dục của một người. Nhưng ở Trung Quốc, những đặc quyền chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng. Theo nghiên cứu, việc người cha có là một đảng viên cộng sản hay không, một điều gần như bắt buộc đối với các quan chức chính phủ, là một nhân tố quyết định quan trọng, thậm chí đối với những người sinh sau năm 1980 dưới thời các chính sách hướng về thị trường của Đặng Tiểu Bình.

“Có một người cha là đảng viên cộng sản cũng có ảnh hưởng rõ ràng và có lợi lên thời gian một cá nhân được giáo dục,” nghiên cứu cho biết. (Người mẹ có phải là đảng viên hay không không có ảnh hưởng rõ rệt, nghiên cứu cũng cho thấy).

Theo nghiên cứu, phân biệt đối xử với phụ nữ đã yếu đi, nhưng nó vẫn là một yếu tố mạnh mẽ khi nói đến cơ hội giáo dục. Tính trung bình thì nam giới được học nhiều hơn nữ giới 1 năm rưỡi.

Mức tiếp cận y tế không bình đẳng cũng là một nguồn của sự bất mãn đối với nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là người dân ở các vùng quê và thị trấn, nơi mà bảo hiểm y tế không có nhiều và có ít bác sĩ và bệnh viện hơn.

Cuộc khảo sát cho thấy nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng bảo hiểm y tế đã làm nên một sự khác biệt. Ngày càng nhiều người dân vùng quê có bảo hiểm, nhưng thường không đầy đủ như những gói bảo hiểm mà người dân thành thị có. Và phụ nữ cũng không được hưởng nhiều lợi ích bằng đàn ông.

“Phụ nữ, dân vùng quê và nhóm có thu nhập thấp đều được hưởng ít hỗ trợ y tế hơn và phải trả một tỷ lệ cao hơn từ tiền túi,” nghiên cứu cho thấy.

Giới làm việc chuyên môn, quản lý, nhân viên và chủ doanh nghiệp, những người tạo nên giới trung lưu Trung Quốc, là một nguồn hy vọng và cũng là một nỗi lo âu cho giới lãnh đạo của đất nước. Nếu số lượng, thu nhập, và mức hài lòng của giới trung lưu tăng lên, thì nhóm này có thể vẫn sẽ là một trụ cột ổn định cho sự cai trị của Đảng Cộng sản. Nhưng nếu giới thành thị giàu có và có giáo dục cao hơn trở nên bất mãn, thì sự kiểm soát của đảng có thể sẽ yếu đi.

Cho đến bây giờ, phần lớn các thành viên của giới trung lưu Trung Quốc có thể được xem là chịu chấp nhận nguyên trạng, theo nghiên cứu này của Đại học Bắc Kinh. Ý niệm rằng giới thành thị giàu có hơn sẵn sàng thách thức sự cai trị của Đảng là thiếu căn cứ, nếu tính đến việc nhiều người ở Trung Quốc có thể do dự trong việc phê phán chính phủ, thậm chí trong cả các cuộc thăm dò.

Nghiên cứu cho thấy 60% những người trả lời thuộc giới “thượng trung lưu” của xã hội có quan điểm tích cực về hiệu quả của chính phủ địa phương. Ngược lại, 48 phần trăm những người ở tầng lớp “hạ trung lưu” có quan điểm tích cực.

“So với tầng lớp lao động, và đặc biệt những người lao động trong phân khúc nhà nước, giới trung lưu của Trung Quốc có đánh giá tích cực hơn về khoảng cách giàu nghèo, mức độ tín nhiệm của quan chức và mức độ hiệu quả của chính phủ,” nghiên cứu cho biết. “Giới trung lưu có khả năng trở thành một nguồn ổn định xã hội.”

Điều đó có thể thay đổi. Một cuộc thăm dò hơn 3.000 người được công bố bởi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc phát hiện rằng giới trung lưu Trung Quốc tham gia chính trị nhiều hơn các thành phần khác của xã hội.

Cuộc thăm dò này, được tiến hành trong 12 tháng từ cuối năm 2014 và được công bố trong cuốn “sách xanh” về những vấn đề xã hội của Viện, phát hiện rằng 42,6% số người phản hồi thuộc tầng lớp trung lưu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nói rằng họ bàn luận về chính trị với những người xung quanh. Chỉ 27,7% số người không thuộc tầng lớp trung lưu nói rằng họ đã làm như vậy.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]