Đã đến lúc từ bỏ việc tìm kiếm các nhà lãnh đạo vĩ đại

Print Friendly, PDF & Email

gettyimages-166657345

Nguồn: Stephen M. Walt, “It’s Time to Abandon the Pursuit for Great Leaders,” Foreign Policy, 03/03/2016.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Từ Napoleon đến Donald Trump, việc trao quyền cho những cá nhân có vẻ phi thường luôn có sức hấp dẫn. Và nó cũng luôn là một sai lầm.

Mọi người còn nhớ thời kỳ hồ hởi ngay sau Chiến tranh Lạnh, khi toàn cầu hóa trở thành một cụm từ thời thượng, dân chủ lan nhanh như cháy rừng, còn hệ thống chính trị và kinh tế của nước Mỹ trông có vẻ như một mô hình hấp dẫn không? Các học giả đáng lẽ ra nên hiểu rõ hơn thì lại tin rằng chủ nghĩa hiện thực sẽ bị ném vào thùng rác của lịch sử, và nhiều người học cao hiểu rộng cho rằng các bạo chúa, độc tài, chuyên quyền và những kẻ chuyên chế khác sẽ không còn tồn tại được bao lâu nữa. Họ tin rằng tiếng nói của công chúng (vox populi) sẽ trở nên ngày càng lớn, ngày càng nhiều quốc gia sẽ áp dụng các chính thể đại diện, chấp nhận nền kinh tế thị trường, và bảo vệ các quyền con người, rồi rất nhanh chúng ta sẽ được sống hạnh phúc mãi mãi ở vườn địa đàng như mong ước của Immanuel Kant.

Ngày nay, những ý niệm ấy ít nhất cũng bị coi là khá kỳ quặc. Quả thật, một trong những xu hướng nổi bật nhất trong nền chính trị thế giới đương đại là số lượng người nghĩ rằng chúng ta thực sự cần những nhà lãnh đạo vĩ đại – những người không bị giới hạn bởi những trói buộc phiền hà trong nước. Thay vì xây dựng những thể chế hiệu quả và củng cố các giá trị tự do, chúng ta thấy người ta lao vào ủng hộ một nhà lãnh tụ vĩ đại nào đó, người sẽ đưa họ ra khỏi bóng tối và tới tương lai xán lạn huy hoàng. Có lẽ việc phần lớn những ứng cử viên cho vai trò ấy dường như đều là đàn ông cũng không phải chuyện ngẫu nhiên.

Ví dụ, ở Trung Quốc, một Tập Cận Bình năng nổ và mạnh mẽ đã thay thế Hồ Cẩm Đào cẩn trọng và chẳng mấy thu hút, và ông Tập đã củng cố quyền lực của mình ở mức độ chưa từng có kể từ thời Đặng Tiểu Bình, thậm chí từ thời Mao Trạch Đông. Ông không hề có dấu hiệu dừng lại bất chấp những sai lầm gần đây cũng như nền kinh tế biến động của Trung Quốc, và dường như quyết tâm tạo dựng sự sùng bái cá nhân cho riêng mình. Tương tự, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Recep Erdoğan dường như cũng nghĩ rằng chỉ có ông mới biết điều gì là tốt cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, và tiếp tục tìm cách đàn áp những ý kiến bất đồng và củng cố quyền kiểm soát cá nhân. (Mà không hề nghĩ đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển từ “không có vấn đề” với các nước láng giềng sang “có vấn đề với gần như tất cả” dưới sự lãnh đạo của mình). Ai Cập đã quay lại thời kỳ quân đội cầm quyền sau một trải nghiệm ngắn với dân chủ, và Tổng thống (vốn là Tướng) Abdel al-Sisi đang giận dữ bảo người Ai Cập “đừng có nghe theo ai ngoài tôi.” Vladimir Putin vẫn đang yên ổn cầm quyền ở Moskva, và cả Viktor Orbán ở Hungary và chính phủ cánh hữu mới ở Ba Lan (do lãnh đạo đảng Jaroslaw Kaczsyński kiểm soát) đều cho thấy những xu hướng chuyên chế mạnh mẽ.

Trong khi đó, ở ngay tại xứ sở tự do (Hoa Kỳ) này, một tài phiệt khiếm nhã lão luyện trong quan hệ công chúng và có thành tích kinh doanh xoàng xĩnh nhiều khả năng sẽ trở thành đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống, dựa trên những tuyên ngôn bài ngoại khoa trương và lời hứa rằng ông sẽ “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Ông vẫn chưa giải thích được ông sẽ làm điều đó bằng cách nào, nhưng nhiều cử tri có vẻ sẵn sàng tin rằng những lời nói hoa mỹ có thể giải quyết được các thách thức phức tạp hiện nay.

Chuyện gì đang xảy ra? Điều gì có thể lý giải niềm tin đang trỗi dậy rằng tất cả những gì một quốc gia cần là một nhà lãnh đạo mạnh và có viễn kiến có thể vượt qua những vấn đề rối rắm của nền chính trị dân chủ và dẫn dắt người dân tới tương lai mới tươi sáng hơn?

Lý do thứ nhất, sức hấp dẫn của việc đặt niềm tin vào một lãnh đạo mạnh đã có lịch sử lâu dài. Nền dân chủ của Athen không chống đỡ nổi chính sách mị dân của Alcibiades, và số phận tương tự cũng xảy ra với nền Cộng hòa La Mã. Những người cha lập quốc của nước Mỹ đã không quên những bài học này, và đó là một lý do khiến Hiến pháp Mỹ chứa đựng những rào cản rườm rà để chống lại quyền lực hành pháp quá mức. Nền dân chủ tự do hiện đại là một bước phát triển khá mới trong lịch sử loài người, và phần lớn các nhóm xã hội không được quản trị theo các chuẩn mực tự do và không giới hạn giới lãnh đạo bằng một hệ thống kiềm chế và đối trọng được thể chế hóa, chưa nói gì đến một bản hiến pháp thành văn. Ở hầu hết mọi nơi và hầu hết mọi lúc, chính trị ít giống Athens cổ điển mà giống bộ truyện Game of Thrones hơn.

Hơn nữa, có nhiều khu vực trong xã hội nơi hệ thống chỉ huy phân cấp vẫn là chuẩn mực, và những người đứng đầu vẫn được đối xử với cả sự kính sợ và tôn trọng. Hãy nhìn vào cách chúng ta sùng bái những người khổng lồ của ngành công nghiệp như Jeff Bezos, Bill Gates, Larry Ellison, hay Steve Jobs quá cố, những người nổi tiếng không hẳn vì sự khiêm nhường hay sự sẵn lòng của họ trong việc để quyền lực của mình bị giới hạn bởi người khác hay chịu sự phán xét của số đông. Cũng có sự tôn kính tương tự đối với các chỉ huy quân đội, kể cả những người không hẳn đã khoác được lên mình ánh hào quang trong những cuộc chiến phần lớn là thất bại của nước Mỹ gần đây.

Thậm chí còn có thể cảm nhận được sức quyến rũ của nhà lãnh đạo vĩ đại trong thế giới học thuật vốn nổi tiếng là nhiều tranh cãi, khi các trường đại học tìm kiếm các vị hiệu trưởng năng nổ, gây được các khoản quỹ khổng lồ, khởi động các chương trình sáng tạo mới, nâng thứ hạng học thuật của trường, đưa đội bóng bầu dục đến các đại hội thể thao, và khiến sinh viên, giảng viên, nhân viên, và cựu sinh viên vui vẻ. Vâng, tôi biết CEO của các tập đoàn vẫn phải chịu trách nhiệm giải trình trước ban giám đốc và cổ đông (đại loại thế), và các hiệu trưởng đại học và giám đốc điều hành các tổ chức phi lợi nhuận vẫn phải làm các ủy viên quản trị vui vẻ. Nhưng kể cả như vậy, các tổ chức này cũng còn cách xa khái niệm dân chủ, và những người đứng đầu thường được cấp dưới nể sợ.

Luận điểm của tôi là nhiều thể chế hiện đại đang vận hành theo cách gần như là chuyên chế, kể cả trong những xã hội có tính dân chủ cao. Với việc chúng ta bị bao bọc bởi những người quyền lực, giàu có và nổi tiếng bởi vì họ giỏi ra lệnh và khiến người khác nghe theo, thì có gì phải quá ngạc nhiên khi nhiều người bị lôi cuốn bởi một hình mẫu tương tự trong chính trị? Thêm vào nỗi ám ảnh kỳ cục hiện nay về ngành “nghiên cứu lãnh đạo” (Leadership Studies) và nhiều chương trình học thuật tìm cách tuyển chọn và đào tạo “các nhà lãnh đạo vĩ đại,” bạn sẽ thấy tại sao nhiều người bị thuyết phục rằng chìa khóa thành công chỉ là đưa đúng người lên vị trí đầu của sơ đồ tổ chức. Một khi bạn đã hoàn toàn tin tưởng vào mô hình đơn giản này, rất nhanh bạn sẽ trở thành một cỗ máy biết nghe lời.

Tôi nghi ngờ rằng sức hấp dẫn của nhà lãnh đạo vĩ đại cũng phản ánh những nhược điểm hiện tại của các thể chế dân chủ đang tồn tại ở châu Âu và Bắc Mỹ, thái độ đạo đức giả tinh vi của phần lớn các chính trị gia chuyên nghiệp, và sự tẻ nhạt của nhiều quan chức hiện nay. Nếu loại bỏ dần vẻ ngoài hào nhoáng được tô vẽ cẩn thận giúp các vị tổng thống và thủ tướng có vẻ đầy quyền lực và hiểu biết, bạn sẽ thấy các nhà lãnh đạo dân chủ hiện nay không phải là một nhóm truyền nhiều cảm hứng. Nghiêm túc mà nói, tôi cho rằng bất luận kỹ năng chính trị của họ là gì, thì liệu một người có thể thực sự ngưỡng mộ một kẻ “mê gái” (skirt-chaser) vô nguyên tắc như Bill Clinton, một kẻ bất tài nhiều đặc quyền và thiếu nhạy cảm như George W. Bush, hay một kẻ cơ hội vô nguyên tắc như Tony Blair hay không? Nghe theo David Cameron hay Francois Hollande có mang lại cho bạn sự tự tin và nhiệt tâm yêu nước? Tôi vẫn dành một sự kính trọng nhất định cho Barack Obama, người vừa sâu sắc và không có khiếm khuyết rõ ràng về mặt tính cách, nhưng không ai còn nói về ông như một tổng thống “mang tính thay đổi.” Trong khi đó, sự thể hiện mờ nhạt của Hilary Clinton trong chiến dịch tranh cử và trò hề trong vòng sơ bộ Đảng Cộng hòa chỉ củng cố cảm nhận chung của người Mỹ rằng không ai trong số họ chân thành, nghiêm túc, và thực sự quan tâm đến phúc lợi công, hay xứng đáng, đáng ngưỡng mộ hay đáng tôn trọng. Thay vào đó, họ ở đó phần lớn vì bản thân mình, và họ sẽ nói và làm gần như mọi thứ nếu họ nghĩ điều đó sẽ khiến họ được bầu. Và nếu chuyện này là đúng (rõ ràng nhiều người tin vậy), thì một anh hề như Trump hay một kẻ ngoài lề cộc cằn như Bernie Sanders sẽ trở nên tương đối hấp dẫn so với những người kia.

Cuối cùng, việc phó thác vận mệnh của một người vào một nhà lãnh đạo vĩ đại là khá hấp dẫn bởi vì nó giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng phải tự mình suy nghĩ. Để nền dân chủ có hiệu quả, các công dân phải có một sự chú ý nhất định, phải được thông báo khá đầy đủ về các sự kiện quan trọng, và sẵn sàng quy trách nhiệm thực sự cho các chính trị gia dù thành công hay thất bại. Ngược lại, đặt những hy vọng của mình lên một nhà lãnh đạo vĩ đại cho phép chúng ta bỏ qua trách nhiệm kiểm tra đánh giá của mình: mọi thứ chúng ta cần làm là tin vào trí tuệ mà ta cho là nhà lãnh đạo đó sở hữu và mọi thứ sẽ ổn. Với những thất bại liên tục mà các hệ thống dân chủ gây ra trong những năm gần đây (khủng hoảng tài chính, chiến tranh Iraq, sự thất bại của Eurozone, bất bình đẳng gia tăng, v.v.) thì có gì phải băn khoăn khi một vài công dân sẵn sàng giao quyền định đoạt cho ai đó mang lại một hình ảnh độc lập, cương quyết, và tự tin?

Vậy chúng ta có nên buông xuôi và phó thác vận mệnh cho một nhà lãnh đạo vĩ đại đã hứa hẹn về những giải pháp thần kỳ cho những bất mãn hiện tại của chúng ta? Lịch sử cảnh báo điều ngược lại. Các lãnh đạo vĩ đại có xu hướng nghĩ rằng họ không thể thất bại, và họ thường rất giỏi trong việc loại trừ các mối đe dọa đối với chế độ và những rào cản đối với quyền lực của họ. Những đức tính này có thể thúc đẩy tính hiệu quả, theo nghĩa là sẽ có nhiều thứ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng không có gì đảm bảo những gì được làm sẽ có ý nghĩa hay có hiệu quả. Và khi (không phải nếu) nhà lãnh đạo vĩ đại mắc sai lầm, ai sẽ là người ngăn họ đưa đất nước xuống vực?

Như James ScottAmartya Sen đã khám phá ở một mức độ nhất định, các chế độ độc tài dễ phải chịu những thảm họa khủng khiếp thực sự, chính bởi vì chúng thiếu những thể chế có thể khiến lãnh đạo chịu trách nhiệm và cung cấp thông tin cần thiết cho việc sửa sai giữa chừng. Cứ một nhà lãnh đạo chuyên quyền thành công như Lý Quang Diệu của Singapore thì lại có hàng loạt nhà lãnh đạo vĩ đại khác dẫn đất nước họ tới thảm họa. Hãy nhìn vào Stalin: các chính sách kinh tế và xã hội của ông đã hại chết hàng triệu người, và ông đã để nước Nga Xô viết lâm nguy trước cuộc xâm lược của Đức năm 1941, khiến hơn 20 triệu người Nga mất mạng. Hay Mao Trạch Đông, người đưa ra chương trình “Đại nhảy vọt” đã gây ra nạn đói trên diện rộng và những chính sách được định hướng sai lầm trong suốt ba thập niên khiến người Trung Quốc mắc kẹt trong nghèo đói không cần thiết. Napoleon có thể là thiên tài trên chiến trường, nhưng kết cục cuối cùng của nền lãnh đạo không bị thách thức của ông là nước Pháp đã bại trận hoàn toàn, và hàng triệu người đi theo ông phải chết, cũng như bản thân ông bị đày ải nhục nhã và cô độc ở Nam Đại Tây Dương.

Vấn đề của việc phó thác vận mệnh của mình cho các nhà lãnh đạo vĩ đại là chúng ta đều là con người, và không ai là không mắc sai lầm (bất kể những người sùng bái cá nhân một vị lãnh đạo tuyên bố ra sao). Quyền lực lớn luôn đi cùng với sự ngạo mạn, và sự ngạo mạn không bị kiềm chế chính là công thức dẫn đến thảm họa.

Nếu định đi bầu năm nay, có lẽ bạn nên ghi nhớ điều này.

Stephen M. Walt là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trường Quản trị Kennedy thuộc Đại học Harvard.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]