Mục đích ban đầu của cuộc chiến Crimea 1854 là gì?

Print Friendly, PDF & Email

crimenia

Nguồn:What the original Crimean war was all about“, The Economist, 18/03/2014.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê hồng Hiệp

Vào ngày 16/03/2014, người Crimea đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý đầy vấn đề để ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga. Cuộc khủng hoảng trên bán đảo này đã khiến Nga quay sang chống lại Mỹ và EU, một tranh chấp ngoại giao tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Crimea, một vùng đất nằm trên bờ Biển Đen, là đối tượng cho cuộc tranh cãi giữa Nga và phương Tây. Ngày 28/03/1854 – 160 năm trước đây – Anh, một siêu cường thời đó, đã tuyên chiến với Nga. Cuộc xung đột sau đó đã diễn ra chủ yếu ở Crimea khi quân đội Anh và các đồng minh bao vây căn cứ hải quân chính của Nga ở Biển Đen tại Sebastopol. Vậy mục đích ban đầu của cuộc chiến Crimea là gì?

Cuộc chiến bắt đầu trong bối cảnh Nga theo đuổi chủ nghĩa bành trướng khi Đế quốc Ottoman suy yếu. Mồi lửa là một tranh chấp tôn giáo về việc ai sẽ là người giám hộ cho cộng đồng thiểu số Kitô giáo của Đế chế Ottoman, đặc biệt là tại vùng Đất Thánh: Nước Nga theo Chính thống giáo hay nước Pháp theo Công giáo. Napoleon III đã gửi con tàu tốt nhất của mình, Charlemagne, đến Biển Đen để bảo vệ yêu sách của Pháp. Cùng với những động lực về ngoại giao và tài chính mạnh mẽ, điều này đã định hình tư tưởng của các nhà lãnh đạo Ottoman, những người tuyên bố ủng hộ Pháp.

Nga đã phản ứng bằng cách xâm lược các lãnh thổ do Ottoman kiểm soát là Moldavia và Wallachia (các khu vực hiện thuộc Moldova và Romania) và nhấn chìm hạm đội của Ottoman trong trận Sinope vào năm 1853. Điều này đã làm dư luận ở Anh và Pháp sôi sục khi các quốc gia này lo sợ rằng sự thống trị của Nga trên khu vực biển Đen sẽ đe dọa các tuyến đường thương mại của họ đến Ấn Độ thông qua Ai Cập và đông Địa Trung Hải. Sau một số thỏa hiệp ngoại giao khiến Nga tin rằng họ có thể tiếp tục gây hấn chống lại quân Ottoman mà không phải chịu hậu quả gì, Anh và Pháp đã tuyên chiến [với Nga] vào tháng 03/1854. Một năm sau, vương quốc Sardinia-Piedmont (mà sau này trở thành nước Ý) cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại nước Nga.

Mặc dù Anh và các nước đồng minh cuối cùng cũng giành chiến thắng vào năm 1856, nhưng cuộc xung đột này đã được hoạch định một cách tệ hại và triển khai một cách yếu kém. Hạm đội xâm lược từ Anh và Pháp đã xuất phát trong khi thiếu sự chuẩn bị; kế hoạch quân sự thiếu sót đến mức các chỉ huy của họ còn chưa quyết định được xem họ sẽ hướng tới khu vực nào của Biển Đen. Khi cập bến ở Crimea, những thảm họa quân sự tiếp tục diễn ra, bao gồm cả cuộc tấn công nổi tiếng của lữ đoàn kỵ binh nhẹ, trong đó lực lượng kỵ binh mỏng của Anh đã tấn công trực diện vào lực lượng pháo binh Nga trong trận Balaclava.

Các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc cho những người bị thương cũng thiếu tổ chức. Số lượng binh lính Anh chết vì bệnh tật trong cuộc xung đột nhiều gấp bốn lần số binh lính chết trong lúc chiến đấu. Cuối cùng, Anh và các đồng minh phải thực hiện một cuộc bao vây kéo dài một năm mới chiếm được căn cứ hải quân ở Sebastopol.

Các nhà sử học đổ lỗi cho những sai lầm dẫn đến cuộc chiến tranh là do việc thiếu các kế hoạch chiến lược về mặt ngoại giao lẫn quân sự của phía Anh và Pháp. Những lời kết tội tương tự cũng đã được đặt ra đối với các động thái thận trọng cho đến nay của Mỹ và EU. Nhưng mặc dù một số nhà bình luận đã nỗ lực đưa ra những so sánh giữa cuộc xung đột này và cuộc khủng hoảng hiện tại ở Crimea, lần này có vẻ mọi thứ sẽ không diễn ra theo cách tương tự. Nước Mỹ hiện đại và nước Anh thế kỷ 19 dù đều là các siêu cường thống trị trong thời đại của mình nhưng lại khác xa nhau về mặt chiến lược ngoại giao. Nhưng rất ít người, thậm chí cả trong những năm 1850, lại có thể nghĩ rằng Nga và phương Tây vẫn sẽ tiếp tục tranh giành nhau một bán đảo nhỏ một thế kỷ rưỡi sau. Nếu lịch sử không có những điệp khúc thì nó cũng có một cách gieo vần kỳ lạ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]