Quan điểm và lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

jpan

Nguồn: Yoji Koda, “Japan’s Perceptions of and Interests in the South China Sea“, The National Bureau of Asia Research, 01/2016.

Biên dịch: Trần Quang

Đối với Nhật Bản, Biển Đông không đơn giản chỉ là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ven biển, nó còn đặt ra một vấn đề lớn có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, làm xói mòn sự ổn định hiện tại và có khả năng đưa khu vực và thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có.

Các hành động quyết đoán và cậy quyền của Trung Quốc ở các vùng biển châu Á – đặc biệt là ở biển Hoa Đông và Biển Đông – đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, lập trường không giống ai và đơn phương của Trung Quốc đối với các vấn đề về biển, mà họ khẳng định được hỗ trợ bởi cách diễn giải rộng lớn hơn, và đôi khi tự cho mình là trung tâm của nước này về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các nguyên tắc quốc tế được thiết lập khác, đã làm cho các nước khu vực và các bên quyền lợi khác như Mỹ, khó xử. Đồng thời, những tranh chấp ở Biển Đông có nguy cơ leo thang thành những xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bởi vậy, đối với Nhật Bản, Biển Đông không đơn giản chỉ là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ven biển, nó còn đặt ra một vấn đề lớn có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, làm xói mòn sự ổn định hiện tại và có khả năng đưa khu vực và thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có. Bài phân tích này nghiên cứu nhận thức và những lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông. Những lo ngại chính của Nhật Bản ở khu vực này được nhân lên gấp đôi: Thứ nhất, các hoạt động cải tạo đảo và tăng cường quân sự của Trung Quốc cuối cùng có thể đem lại cho nước này sự kiểm soát chiến lược các tuyến đường giao thông trên biển. Thứ hai, khả năng leo thang căng thẳng tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh chủ chốt của Nhật Bản, gây ra một mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực. Bài phân tích này sau đó nghiên cứu chính sách an ninh của Nhật Bản và đánh giá xem Nhật Bản có thể có những hành động gì để góp phần ổn định tình hình.

Khái quát về những lo ngại chính của Nhật Bản

Các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc. Kéo dài khoảng 1.750 dặm từ Kênh Bashi/Eo biển Luzon đến Singapore và 1.250 dặm từ Hong Kong đến Brunei, Biển Đông lớn hơn Nhật Bản khoảng 9,5 lần và bao gồm khoảng 200 đảo, bãi đá, bãi cạn và bãi ngầm. Có một số quần đảo nổi bật, chẳng hạn như quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa), và mỗi quần đảo có ý nghĩa chiến lược riêng của nó.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu cải tạo ở 7 bãi đá và tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo. Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập) dường như là điểm cốt lõi bao gồm các hoạt động quân sự đầy đủ, đáng chú ý nhất là một đường băng và một cảng nước sâu. Đá Subi Reef (Đá Xubi) và Đá Mischief Reef (Đá Vành Khăn), khoảng 125 dặm mỗi đảo, là những hòn đảo nhân tạo khác có đường băng và các cơ sở cảng biển. Nhật Bản lo sợ rằng 4 hòn đảo nhân đạo khác có các cơ sở hỗ trợ khác nhau có thể có chức năng như là những tiền đồn bảo vệ 3 hòn đảo chính có sân bay và các khu vực giám sát trên không, điều có thể tạo điều kiện cho một vùng nhận dạng phòng không tiềm tàng của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hòn đảo nhân tạo này, khi được hoàn thiện đầy đủ, sẽ đem lại cho Trung Quốc những chỗ đứng vững chắc ở quần đảo Trường Sa để kiểm soát hầu hết các tuyến đường giao thông trên biển và để theo dõi các hoạt động hàng hải và hàng không của nước ngoài. Hơn nữa, nếu Trung Quốc trong tương lai có lúc nào đó xây dựng thành công một đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough, sẽ có một tam giác chiến lược nối đảo Woody (Phú Lâm), quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough mà sẽ bao gồm hầu hết Biển Đông. Ảnh hưởng của tam giác chiến lược này là vô cùng lớn đối với việc lập kế hoạch chiến lược của Mỹ và Nhật Bản và có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong các quan hệ nước lớn của khu vực.

Với tư cách là một cường quốc toàn cầu lớn, Trung Quốc có mục tiêu quốc gia là trở thành một cường quốc hạt nhân có thể so sánh với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc thiếu máy bay ném bom tầm xa và kết quả là, đương nhiên phụ thuộc vào các lực lượng tên lửa chiến lược của nước này, trong đó có những khả năng hạt nhân chiến lược trên biển, như một thành phần chính. Trong bối cảnh này, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) phải duy trì một lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) hùng mạnh và bảo vệ lực lượng này trước những khả năng chiến tranh chống tàu ngầm của các kẻ thù tiềm tàng – đặc biệt là lực lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) của Hải quân Mỹ. PLAN đã hoàn thành một căn cứ hải quân mới ở Tam Á trên đảo Hải Nam, căn cứ lý tưởng cho việc triển khai lực lượng SSBN của nước này để tuần tra ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nếu quy mô của lực lượng SSBN của Trung Quốc tăng lên hơn 8 tàu ngầm, PLAN có thể thiết lập hai hoặc nhiều hơn khu vực tuần tra bằng tàu ngầm ở Ấn Độ Dương hoặc Tây Thái Bình Dương. Hai điểm công kích này cùng nhau có thể đem lại tầm với hạt nhân đến Mỹ, phủ bóng đen lên chiến lược hạt nhân và tư thế phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Tuy nhiên, Hải Nam đặt ra một vấn đề nghiêm trọng đối với PLAN: căn cứ này là mở ra Biển Đông, và bởi vậy cũng mở đối với các lực lượng chiến tranh chống tàu ngầm tiên tiến của Hải quân Mỹ. Bởi vậy, đối với PLAN, bảo vệ SSBN ở Biển Đông sẽ là một nhiệm vụ then chốt khác. Quyết tâm của Trung Quốc giành độc quyền phía Nam Biển Đông xung quanh quần đảo Trường Sa là một tín hiệu rõ ràng cho thấy PLAN đang bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình nhằm sử dụng quyền kiểm soát trên biển lớn hơn để bảo vệ SSBN trong khu vực.

Mỹ và quyền tự do hàng hải. Theo truyền thống, Mỹ không ủng hộ bất kỳ nước cụ thể nào trong một tranh chấp lãnh thổ, và lập trường của Chính phủ Mỹ đối với các tranh chấp ở Biển Đông cũng là trung lập, thậm chí đối với cả Trung Quốc. Tuy nhiên, đồng thời Mỹ đã nhiều lần khẳng định quyền tự do hàng hải là một trong những lợi ích quốc gia then chốt của nước này.

Có hai cách giải thích về chính sách này. Một cách giải thích chấp nhận nguyên tắc đơn giản rằng tự do hàng hải đảm bảo cho hoạt động tự do trên biển của bất kỳ bên nào theo UNCLOS. Cách giải thích thứ hai quan trọng hơn cách giải thích thứ nhất nhưng khó hiểu hơn. Theo quan điểm này, bởi quyền tự do hàng hải là một lợi ích quốc gia của Mỹ, nếu bất kỳ xung đột nào Biển Đông được coi là gây cản trở đến việc sử dụng biển tự do và an toàn, thì Mỹ, thậm chí có thể không phải là một bên tranh chấp, có thể diễn giải xung đột này là sự xâm phạm lợi ích quốc gia. Bởi vậy, Mỹ duy trì quyền can thiệp vào bất kỳ xung đột biển nào ở Biển Đông nếu xung đột đó được diễn giải là vi phạm nguyên tắc tự do hàng hải. Bởi vậy, cả trên lý thuyết lẫn thực tiễn, để bảo vệ những lợi ích quốc gia, Mỹ có thể can thiệp vào xung đột khu vực ở Biển Đông.

Chiến lược an ninh của Nhật Bản

Chiến lược an ninh của Nhật Bản trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc chỉ được tập trung vào việc bảo vệ Nhật Bản theo nghĩa hẹp. Điều này có nghĩa là tuân theo hiến pháp hòa bình của nước này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã bị hạn chế nghiêm ngặt ở việc chống lại sự xâm lược của quân đội nước ngoài vào Nhật Bản, và bất kỳ cuộc tấn công phòng ngừa hay phản công nào vào đất nước của kẻ thù được coi là vi hiến. Sau Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã dần dần mở rộng vai trò của JSDF nhằm đáp ứng những đòi hỏi của các tổ chức quốc tế bằng việc thông qua đạo luật mới trong khi vẫn dựa vào cách giải thích tương tự về hiến pháp hòa bình: việc JSDF sử dụng vũ lực bị cấm hoàn toàn trong bất kỳ sứ mệnh nước ngoài nào. Trong bối cảnh này, JSDF chỉ có thể tiến hành các hoạt động quân sự với tư cách là một lực lượng vũ trang thực sự trong việc phòng vệ lãnh thổ và không phận của Nhật Bản cũng như các vùng biển xung quanh tới 1.000 hải lý tính từ Nhật Bản. Bởi vậy khó mà tìm thấy một lý do hợp lý cho việc triển khai JSDF với khả năng quân sự đầy đủ đối với các vụ việc ở Biển Đông. Tuy nhiên, các đơn vị của JSDF có thể được triển khai cho các sứ mệnh khác ngoài bảo vệ tổ quốc – những sứ mệnh như vậy bao gồm giám sát, hỗ trợ hậu cần, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai, các chuyến thăm cảng và huấn luyện và diễn tập hỗn hợp.

Luật an ninh mới của Nhật Bản từ tháng 9/2015 lần đầu tiên sẽ đem lại cho Chính phủ những sự lựa chọn rộng rãi hơn đối với các vụ việc an ninh liên quan đến Nhật Bản theo hiến pháp hiện hành. Theo luật mới, về lý thuyết, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng nước ngoài đồng minh – không phải là một hành động xâm lược trực tiếp nhằm vào Nhật Bản mà rõ ràng thách thức chủ quyền quốc gia của Nhật Bản và gây nguy hiểm cho sự ổn định cơ bản của nước này – có thể là đối tượng để Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Những chi tiết của những sự lựa chọn của chính phủ theo đạo luật mới này vẫn chưa được công bố, nhưng rõ ràng là khả năng các hoạt động quân sự của JSDF ở Biển Đông theo chính sách mới sẽ trở nên lớn hơn so với trước đây. Một điểm được lưu ý là thực tế Chính phủ Nhật Bản đặt ra một chính sách khác nhằm hạn chế nghiêm ngặt những điều kiện để thực thi quyền phòng vệ tập thể của nước này trong những tình huống được đề cập ở trên. Mục tiêu then chốt của những sự hạn chế này là không vi phạm hiến pháp hòa bình hiện nay.

Đồng thời, việc duy trì sự hiện diện của các lực lượng Mỹ trong khu vực là thành phần cốt lõi của chiến lược an ninh của Nhật Bản. Các lực lượng Mỹ đồn trú và hoạt động xung quanh Nhật Bản có hai sứ mệnh chính. Thứ nhất là duy trì khả năng tấn công chiến lược trong việc phòng thủ của Nhật Bản, và thứ hai là ngăn chặn sự xâm lược thông qua sự hiện diện của họ, bởi vậy giúp duy trì sự ổn định khu vực. Trong sứ mệnh thứ hai, Nhật Bản đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với Mỹ. Không có các căn cứ quân sự và các cơ sở hỗ trợ của Mỹ, trong đó có các kho nhiên liệu và đạn dược ở Nhật Bản, sự hiện diện liên tục của các lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ rất khó duy trì. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng xã hội và công nghiệp của Nhật Bản, hình thành nên nền tảng của sự hỗ trợ toàn diện của nó cho các lực lượng Mỹ, là không thể thiếu. Có khả năng nhất là JSDF sẽ tiến tới gánh vác trách nhiệm lớn hơn so với trước đây trong việc hỗ trợ các hoạt động của Mỹ trong các vụ việc xảy ra trong tương lai ở biển Biển Đông.

Quan điểm của Nhật Bản và những biện pháp có thể thực hiện đối với Biển Đông

Bất chấp thực tế là gần 80% nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản, có ý nghĩa then chốt đối với sự sống còn của nước này, đi qua Biển Đông, vùng biển đã nằm ngoài việc lập kế hoạch hoạt động của JSDF trong nhiều thập kỷ. Nhìn chung, nhiều người Nhật Bản đã nhận thấy thoái mái hơn trong việc kiên trì với cách diễn giải thiếu thực tế về hiến pháp hòa bình hơn là đối mặt với khả năng rủi ro quân sự trong thế giới thực. Hơn nữa, trong nhiều năm, sự đối đầu phi quân sự kéo dài hàng thập kỷ đối với hòn đảo Senkaku ở biển Hoa Đông đã thu hút sự chú ý từ chính phủ, các phương tiện truyền thông và dân thường Nhật Bản nhiều hơn so với tình hình ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông toàn cầu đưa tin về các hoạt động cải tạo đất đơn phương của Trung Quốc ở Trường Sa đã khiến Nhật Bản tỏ rõ thái độ của mình. Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng xác định các hành động của Trung Quốc là vi phạm UNCLOS và coi chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông là một nỗ lực nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. Nhật Bản cũng ủng hộ lập trường của Mỹ đối với các hành động phiêu lưu mạo hiểm quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và các hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ. Bất chấp những giới hạn quân sự của nước này, Nhật Bản có thể tiến hành một số hành động hỗ trợ sự ổn định ở Biển Đông.

Hỗ trợ việc tăng cường khả năng khu vực. Sự bành trướng đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng và những bất đồng với các nước ven biển, kể cả các nước không có tuyên bố chủ quyền như Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, nhiều lực lượng quân sự trong số các nước này hết sức hạn chế và không theo kịp những khả năng của Trung Quốc. Bởi vậy, rõ ràng là Nhật Bản có thể giúp cải thiện những khả năng biển của các nước này, với ưu tiên cao nhất là xây dựng thúc đẩy năng lực hoạt động trên biển cho các quốc gia này, trong đó tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển đang là ưu tiên cao nhất. Nhật Bản đã khởi xướng, và năm 2015 đã bắt đầu thực hiện, một số chương trình xây dựng khả năng cho các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, hai nước từ lâu đã chịu sức ép chính trị và quân sự từ Trung Quốc. Các hoạt động bao gồm chuyển giao các tàu tuần tra phi quân sự và đào tạo nhân viên thực thi pháp luật biển. Nội dung của các chương trình xây dựng khả năng này sẽ mở rộng nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng.

Thách thức khác là sự hạn chế rất lớn về năng lực trên không – trên biển của các nước Đông Nam Á ven biển. Một ý tưởng nhằm giúp cải thiện vấn đề này sẽ là xây dựng một mạng lưới hoạt động chung trong khu vực nhờ đó các bên tham gia ven biển cung cấp thông tin trên không-trên biển, Nhật Bản và Mỹ cung cấp thông tin vệ tinh và thông tin từ bên ngoài. Tất cả các quốc gia tham gia sẽ lấy thông tin miễn phí từ mạng lưới này. Nếu hoàn thành, đây có thể trở thành một công cụ chủ chốt nhằm cải thiện khả năng hoạt động  khu vực của các quốc gia tham gia và có thể khuyến khích họ có những hành động hợp tác và phối hợp chống lại hành vi gây hấn của bất kỳ quốc gia nào. Để giúp phát triển những khả năng này, Nhật Bản và Mỹ cần phải cùng nhau hỗ trợ việc xây dựng năng lực của các nước Đông Nam Á ven biển.

Ủng hộ chiến lược của Mỹ và duy trì sự hiện diện của Mỹ. Điều rõ ràng là Mỹ là quốc gia duy nhất có thể đem lại sự răn đe hiệu quả chống lại Trung Quốc, do khả năng của nước này trong việc phá hủy cơ sở hạ tầng chủ yếu và các cơ sở quân sự trong một kịch bản chiến tranh. Như được thảo luận ở trên, các căn cứ chính của Trung Quốc trên Biển Đông ở Tam Á, đảo Woody (Phú Lâm) và Fiery Cross (Đá Chữ Thập) cũng như có thể là bãi cạn Scarborough trong tương lai, có ý nghĩa chiến lược rất lớn; tuy nhiên, chúng cũng có những khả năng dễ bị tổn thương, đặc biệt từ tên lửa hành trình có độ chính xác cao. Do tất cả những căn cứ then chốt này đều có thể bị tấn công từ trên biển và trên không, chúng có thể là mục tiêu của các khả năng tấn công tầm xa từ các lực lượng của Mỹ.

Washington cần phải gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Mỹ không khoan dung cho các hành động đơn phương và hiếu chiến vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập. Điều cũng quan trọng là cần phát đi tín hiệu rằng để ngăn chặn những hành động phiêu lưu mạo hiểm và sự khiêu khích của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông mà còn bên trong toàn bộ khu vực châu Á, Mỹ quyết tâm sử dụng khả năng quân sự của mình khi cần thiết. Theo quan điểm của Nhật Bản, kiểu hành động này của Mỹ sẽ có đóng góp thực sự cho sự ổn định khu vực, điều mà các nước ven biển châu Á đã chờ đợi từ lâu.

Nhật Bản, với tư cách là đối tác đồng minh chủ chốt của Mỹ, cần phải hỗ trợ các lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực vì mục đích này. Để làm như vậy, JSDF cần phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với các hoạt động trên không và trên biển ở Tây Thái Bình Dương và biển Hoa Đông. Việc gia tăng các sứ mệnh của JSDF sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ có được tư thế triển khai linh hoạt hơn ở các khu vực khác, phụ thuộc vào những đòi hỏi chiến lược của Mỹ, chứ không phải tiếp tục bị ràng buộc với các hoạt động trong các vùng biển của Nhật Bản. Đặc biệt, những vai trò được mở rộng đối với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) ở các vùng biển của Nhật Bản sẽ giảm bớt các nhiệm vụ cũ của Hải quân Mỹ và tăng cường hơn nữa khả năng đối với các hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm ở Biển Đông. Tư thế tác chiến mới của JSDF cũng sẽ cải thiện sự linh hoạt của các lực lượng Mỹ trong việc duy trì một sự hiện diện không bị gián đoạn trong khu vực.

Hỗ trợ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. Gần đây, Hải quân và Không quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc bằng việc điều tàu USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý của một trong những hòn đảo này và sau đó là máy bay ném bom B-52 bay qua. Theo truyền thông đưa tin, Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải của riêng mình bằng máy bay P-3 Orion vào giữa tháng 12.

Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động này. Là một quốc gia biển và đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản cần phải có hành động rõ ràng để hỗ trợ hoạt động tự do hàng hải ngay cơ hội đầu tiên. Việc điều máy bay và tàu của JSDF đến khu vực vì mục đích này được coi là phù hợp với hiến pháp của Nhật Bản. Cách tốt nhất để Nhật Bản thực hiện hoạt động này là điều các tàu của JMSDF, theo lộ trình sẽ được triển khai đến Vịnh Aden phục vụ cho các hoạt động chống cướp biển, đi qua các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà theo luật quốc tế là các vùng biển quốc tế. Bởi vậy, Nhật Bản có thể thực hiện các hoạt động tự do hàng hải một cách tự nhiên và bình tĩnh và bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình dựa trên UNCLOS.

Ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo ở bãi cạn Scarborough. Nhằm kiểm soát có hiệu quả khu vực nằm trong “đường 9 đoạn”, Trung Quốc có khả năng cần sử dụng các hòn đảo nhân tạo vì mục đích chiến lược và có thể tìm cách cải tạo bãi cạn Scarborough. Nếu các cơ sở quân sự trên bãi cạn này được hoàn thành, cán cân quyền lực chiến lược ở Biển Đông sẽ bị thay đổi đáng kể tới mức độ không thể hồi phục đối với Nhật Bản và Mỹ. Tác động tiêu cực được tạo ra bởi thách thức mới này cần phải được cả Nhật Bản và Mỹ nhận biết và xem xét lại một cách nghiêm túc. Bởi vậy, điều có tầm quan trọng chiến lược là  huy động tất cả các công cụ chính trị và ngoại giao có thể có cho sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn những nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough.

Thúc đẩy hơn nữa các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đã bắt đầu có các cuộc trao đổi quân sự với các quốc gia của khu vực Biển Đông, và nhìn chung các mối quan hệ của Nhật Bản với các nước này rất tốt. Các quốc gia này bao gồm Úc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam. JMSDF cũng đã và đang tiến hành các cuộc diễn tập song phương và đa phương với hải quân các nước ở Biển Đông  rong hai thập kỷ qua. Những cuộc diễn tập này đã cải thiện một cách nhanh chóng và thực chất các mối quan hệ giữa hải quân hai nước và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và phối hợp hoạt động, điều để cho Bắc Kinh thấy rằng Nhật Bản và Mỹ sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động phiêu lưu mạo hiểm nào của Trung Quốc trong khu vực. Điều cũng quan trọng đối với Nhật Bản và Hạm đội 7 của Mỹ là tiến hành các cuộc diễn tập tiến hành chiến tranh song phương hỗn hợp ở Biển Đông, phòng xa để bảo vệ những yếu tố tình báo của chính mình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các chuyến cập cảng mang tính chiến lược có một vai trò quan trọng ở Biển Đông. Một hiệp định gần đây giữa Nhật Bản và Việt Nam cho phép tàu của JMSDF cập cảng Cam Ranh, theo truyền thống là một điểm chiến lược để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, là một diễn biến đáng chú ý. Khả năng rất lớn là Hải quân Mỹ sẽ nhanh chóng tham gia với JMSDF, và điều này sẽ tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Có nhiều cơ hội khác cho các chuyến thăm cảng chiến lược của Hải quân Nhật Bản và Hải quân Mỹ và nhiều vai trò mà cả hai nước có thể đảm nhận trong việc trợ giúp sự ổn định khu vực.

Yoji Koda nguyên là Phó Tư lệnh JMSDF, nguyên Tham mưu trưởng hạm đội JMSDF.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]