Tại sao Washington, DC lại muốn thành một tiểu bang?

Print Friendly, PDF & Email

27-statehood

Nguồn:Why Washington, DC is seeking statehood“, The Economist, 27/4/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 15/4/2016, Quận Columbia (DC) đã tổ chức chào mừng Ngày Giải phóng nô lệ, để kỷ niệm sắc lệnh giải phóng nô lệ năm 1862 của Abraham Lincoln vốn diễn ra tại Washington, DC. Năm nay, Muriel Bowser, thị trưởng thành phố, đã tận dụng dịp này để công bố các kế hoạch của bà về một cuộc trưng cầu dân ý toàn thành phố nhằm biến quận này trở thành một tiểu bang. Cuộc trưng cầu dân ý là một chiến thuật mới trong một nỗ lực đã kéo dài hàng thập niên nhằm đạt được địa vị của một tiểu bang. Tại sao Quận này lại muốn trở thành một bang vào thời điểm này?

Địa vị pháp lý của Washington là độc nhất vô nhị trong toàn nước Mỹ. Khi quốc gia này được thành lập, các chính khách đã lo lắng rằng nếu thủ đô được đặt trọn trong một bang, tiểu bang đó có thể thực hiện quyền lực quá lớn đối với chính phủ quốc gia. Do đó, hiến pháp cho phép tạo ra “một quận, không quá mười dặm vuông” để làm thủ đô, và cho phép Quốc hội nắm toàn quyền đối với quận thủ đô này. Kết quả là quận Columbia đã được hình thành từ các phần đất của Maryland và Virginia (mặc dù phần thuộc Virginia cuối cùng đã được trả về cho bang này). Kể từ đó, Washington đã được quản lý bởi Quốc hội, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Không phải là một bang, nên quận này không có quyền đại diện trong Quốc hội và cũng từng không có quyền bỏ phiếu bầu tổng thống.

Khi mới được thành lập, quận này chỉ có dân số khoảng 14.000 người, nhưng khi chính phủ liên bang lớn mạnh, thành phố này cũng phát triển theo. Đến năm 1950, thành phố này có hơn 800.000 người. Hơn nữa, cư dân của thành phố phần lớn là người Mỹ gốc Phi, và việc thiếu vắng quyền đại diện được coi là một vấn đề dân quyền. Năm 1961, một sửa đổi trong hiến pháp đã cho phép cư dân DC quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống. Sau đó Quốc hội lại ban hành quy định về nhà ở hạn chế cho thành phố, nhưng một nỗ lực năm 1980 nhằm cho phép quận có quyền đại diện pháp lý và nhiều quyền lợi khác của một bang đã không thành công, và địa vị của quận đã thay đổi rất ít kể từ đó.

Chính phủ liên bang tiếp tục duy trì thẩm quyền đối với ngân sách thành phố, tạo điều kiện cho các biện pháp can thiệp từ các nhà lập pháp vốn tìm cách thay đổi tất cả mọi thứ, từ các chính sách ma túy của thành phố cho đến cách taxi đặt giá cước. Thị trưởng Bowser đã nhìn thấy được đường đi: một chiến thắng tại tòa vào tháng ba sẽ cho phép chính quyền của bà lần đầu tiên được thông qua ngân sách riêng của mình, mặc dù Quốc hội vẫn có thể thay đổi nó. Nhưng bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân địa phương (một cuộc thăm dò của Washington Post năm ngoái cho thấy hai phần ba cư dân ủng hộ việc thành phố trở thành tiểu bang), triển vọng này vẫn còn rất mong manh.

Cuộc trưng cầu dân ý của Bà Bowser, nếu diễn ra, sẽ không mang tính ràng buộc: chỉ có Quốc hội mới có quyền cho phép quận có quyền đại diện lớn hơn. Đây là điều mà Quốc hội cảm thấy miễn cưỡng. Cư dân Washington là những người đa phần ủng hộ Đảng Dân chủ: từ khi có được tiếng nói trong các cuộc bầu cử tổng thống, quận này đã ủng hộ Đảng Dân chủ trong mọi cuộc bầu cử; Tổng thống Obama chiếm được 91% số phiếu bầu của quận này trong năm 2012. Phe đa số thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội không hề thích thú với việc tạo ra những ghế nghị sĩ vững chắc cho Đảng Dân chủ.

Các nhà phê bình cũng cho rằng, mặc dù DC đông dân hơn hai tiểu bang (Vermont và Wyoming), nhưng nó chiếm một diện tích rất nhỏ, toàn bộ là đô thị, và bị chi phối bởi các lực lượng lao động làm việc cho các cơ quan liên bang, điều đem lại cho các đại diện của nó những mối quan tâm khác thường. Những người phản đối thường đề nghị “nhượng lại” – có nghĩa là trả quận này về cho bang Maryland – như một phương án thay thế. Nhưng các chính trị gia ở cả hai nơi đều cảm thấy lãnh đạm với ý tưởng này: Washington sẽ trở thành thành phố lớn nhất của Maryland, và việc trả về sẽ làm thay đổi đáng kể bức tranh chính trị của bang cũng như bản sắc của Quận Columbia. Có vẻ như câu khẩu hiệu trên biển số xe của Washington, “Đóng thuế nhưng không có đại diện”, sẽ vẫn còn được áp dụng trong một thời gian nữa trong tương lai.

Xem thêm:

Tên gọi Washington, Đặc khu Columbia có từ đâu?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]