Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở VN 1954-60 (P5)

Print Friendly, PDF & Email

thdn

Nguồn: Heinz Schütte, “Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960”, Hamburger Südostasienstudien, Band 3, 2009.

Biên dịch: Talawas

Bài liên quan: Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4

9. Xét lại, Trốt-kít, gián điệp

Mặc dù đã ban lệnh cấm Nhân văn, các tổ chức chính quyền vẫn tỏ ra khá dè dặt – những “sự kiện ở Hungary” đã gây ra bầu không khí hoang mang trong khối các nước xã hội chủ nghĩa khiến người ta phải đặc biệt cảnh giác. BáoNhân văn bị cho là đã:

từ đối lập văn nghệ càng lúc càng (lấn sang)… chính trị, có tính phá hoại và gây chia rẽ, (vì vậy) các tổ chức Đảng và các cơ quan báo chí vẫn phải tiếp tục (bàn về) vấn đề trí thức. Chủ trương chung của các bài viết này là trí thức, nhất là những người đã tham gia kháng chiến, phải tin tưởng hơn vào Đảng. Trong một bài phát biểu không công bố của Trường Chinh, Đảng đã đề cập tới vấn đề trí thức, trong đó nhấn mạnh Đảng phải có thái độ thẳng thắn và rõ ràng với trí thức. Đây là nền chuyên chính của toàn thể giai cấp công nhân chứ không phải của một vài cá nhân. Nếu quả thực có hiện tượng đó thì đấy là sai lầm và cần phải sửa.[i]

Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, không lâu sau khi Nhân văn bị cấm, Tố Hữu đã thúc ông viết một bài tự phê bình ngắn để đăng trên báo Nhân dân, theo đó Hoàng Cầm nên thú nhận ông đã mắc sai lầm với Đảng. Bởi vì, theo Tố Hữu, Nguyễn Hữu Đang đã là kẻ phá sản hoàn toàn về chính trị và không ai còn tin ông ta nữa, nhưng các nhà thơ thì khác. Thơ ca là vũ khí đích thực; mỗi nhà thơ là một đội quân, và điều này đã được chứng minh trong kháng chiến: “Khi chúng ta hết đạn, những bài thơ của cậu (Hoàng Cầm) đã động viên cả ngàn quân tuốt lưỡi lê xông lên, đánh giáp lá cà với quân Pháp…”, Tố Hữu nói.[ii]

Tuy nhiên lệnh cấm Nhân văn ở Hà Nội cũng như việc quân đội đàn áp ở Đông Âu vẫn chưa buộc được các nhà đối kháng im lặng. Điều này được thể hiện trong thời gian diễn ra Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai ở Hà Nội từ 20 đến 28 tháng 2 năm 1957 với sự tham dự của trên 500 đại biểu. Bộ Chính trị Đảng Lao động đã gửi thông điệp sau tới “các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”: “Cách mạng tháng Tám đã chặt đứt xiềng xích cho dân tộc… đồng thời giải phóng cho văn nghệ sĩ…”. Tuy nhiên, “vẫn còn thiếu những tác phẩm thực sự xứng tầm với thực tế cách mạng của nhân dân ta”. Đảng thừa nhận đã mắc phải những sai lầm trong chính sách văn nghệ. Tuy nhiên về phía mình, văn nghệ sĩ cũng có những sai lầm như “lập trường tư tưởng còn chưa rõ ràng; còn nông cạn, hời hợt khi viết về đời sống của quần chúng nhân dân; nhiều tác phẩm còn mắc bệnh tự nhiên chủ nghĩa, hình thức, giáo điều…”. Và để đạt được “những mục tiêu vĩ đại” do Đảng đề ra, văn nghệ sĩ cần “nỗ lực nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước, giữ vững lập trường giai cấp, từng bước hoàn thiện tư tưởng và phương pháp sáng tác”.[iii]

Tuy nhiên, những trí thức như Đào Duy Anh lại đòi hỏi phải có tinh thần khoa học: không biểu dương những sáng tác vội vã nếu như trước đó chưa có sự thẩm định nghiêm túc và khoa học về nội dung cũng như hình thức tác phẩm. Cảm hứng là tốt và cần thiết, nhưng chưa đủ. Chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta rất thiếu… những người vừa có trình độ văn hóa và khoa học cao, đồng thời lại có óc sáng tạo.[iv]

Hội nghị đồng thuận đưa ra nghị quyết, trong đó nhiệm vụ của văn nghệ được miêu tả như sau: “Cổ vũ miền Bắc từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tích cực xây dựng một nền văn nghệ dân tộc tiến bộ”.[v] Tuy nhiên cái được gọi là đồng thuận trong nghị quyết này vẫn không che giấu được những điểm khác biệt cố hữu, những điểm đã xuất hiện mạnh mẽ trong các cuộc tranh luận trong và sau hội nghị. Tổng Bí thư Trường Chinh, người miêu tả Nhân văn như một “cơ quan tác động tinh thần của địch” chống nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã phê bình gay gắt phong trào Trăm hoa đua nở: “Hoa nào tốt thì mới nên được nở, còn hoa thối, hoa độc thì phải loại bỏ. Và ngay khi Trường Chinh đang phát biểu, ông đã bị những người đối kháng phản đối mạnh mẽ”.[vi]

Phan Khôi giơ tay phát biểu, và điều này “đã gây ra một không khí lộn xộn lớn trong phòng hội nghị”, bởi vì Phan Khôi đòi “tự do… trình bày quan điểm trên báo chí”, để quần chúng hiểu sự thật về những người bị cáo buộc. “Phan Khôi đòi những bằng chứng cụ thể cho những điều Trường Chinh nói mà không có bằng chứng. Một thành viên của chủ tịch đoàn cắt lời và đề nghị Phan Khôi trình bày vào dịp khác, vì thiếu thời gian.” Cả Phùng Quán, tác giảVượt Côn Đảo, cũng tấn công Trường Chinh: “Người ta cứ nói mãi về sự thống nhất quan điểm giữa văn nghệ sĩ. Tôi xin nói rằng không hề có sự thống nhất. Sự thống nhất đó đã bị phá vỡ. Chúng tôi đều có những thắc mắc, những dằn vặt kìm nén chất chồng. Chỉ có một cách để thống nhất quan điểm, đấy là phải cho chúng tôi tự do nói ra quan điểm của mình. Nếu còn bắt chúng tôi im lặng thì không thể có sự thống nhất quan điểm hay đoàn kết được”. Về yêu cầu “loại bỏ những hoa thối” của Trường Chinh, Phùng Quán nói: “Cái khó là làm thế nào biết được hoa nào thối, hoa nào độc… Vì thế người ta phải để việc đó cho phê bình, cho nhân dân phán xét, chứ không phải một nhóm người nào đó không phận sự. Thật quá tiện khi bảo chúng tôi chống Đảng, thực tế chúng tôi chỉ chống lại những sai lầm của Đảng.” Báo cáo kèm ghi chú: “Im lặng, không ai vỗ tay”. Trong khi đó, khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận hùng hồn phát biểu chống lại Phùng Quán và Nhân văn, ông “được vỗ tay nhiệt liệt. Không khí rất căng thẳng. Người ta sợ có xô xát.”[vii]

Các cuộc tranh luận chẳng dẫn tới đâu và ban lãnh đạo Đảng và nhà nước vẫn giữ nguyên lập trường không thỏa hiệp. Tuần báo Văn của Ban Chấp hành Hội Nhà văn xuất bản tháng 7.1957, vốn được Đảng sắp đặt như một “cây gậy tư tưởng”, đã, tương tự như tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính, sớm quật trở lại Đảng, và bị đình bản sau 37 số. Tuần báo Văn bị phê phán là “ảnh hưởng tư tưởng tư sản” và “xa rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh”.[viii] Theo đó, “nhiều văn nghệ sĩ… những năm qua đã xa rời thực tế chính trị và không hiểu được những thay đổi đang diễn ra. Họ không hiểu mục đích thực sự của cuộc đấu tranh chống sùng bái cá nhân mà lợi dụng nó để chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó nhiều nhà văn còn chịu dao động bởi những tư tưởng như của Sartre.”[ix]

Các thành viên của Nhân văn bị cho là đã tìm được nơi “lẩn lút” bên cạnh các đồng nghiệp ở báo Văn, những người lâu nay vốn chưa bị qui là dao động, và tại nơi ẩn náu này, họ tiếp tục việc chống phá. Theo đó, báo Văn đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc: “tiếp tục cuộc thanh lọc tư tưởng, vốn bắt đầu từ Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, từ khẩu hiệu Bách hoa tề phóng của Trung Quốc và sau những sự kiện Hungary (dù đã bị dập tắt nhưng chưa thể coi là đã xong hẳn)”. Tạp chí Cứu quốc, nơi đăng bài thơ “Gửi những người mai sau” của Bertolt Brecht, cũng bị phê phán nặng nề. Bài thơ của Bertolt Brecht được dịch từ tiếng Pháp và in ở Nhà xuất bản Hội Văn nghệ năm 1957 “được những kẻ xét lại, cụ thể là Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm ca tụng. Lời nói đầu do Huy Phương, cũng là một kẻ xét lại, viết.” Trong bản dịch của mình, Trần Dần đã “sử dụng thủ pháp biểu tượng hai mặt để xuyên tạc Bertolt Brecht, hòng lợi dụng Bertolt Brecht để ám chỉ chế độ ta”, bởi vì: “Quả tôi sống những ngày đen tối lắm / Những lời nói ngây thơ là những lời nói dại khờ… Thời thế gì/ Mà nói đến cỏ cây / Cũng như đã phạm vào tội ác”.[x]

Hội nghị Moskva của 12 Đảng Cộng sản cầm quyền thuộc khối Liên Xô–Trung Quốc nhân kỉ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười cuối năm 1957 đã dẫn tới sự đồng thuận hoàn hảo giữa Khrushchev và Mao Trạch Đông, ít nhất là ở quan điểm cần phải chấm dứt sự dao động trong lãnh đạo trí thức và văn nghệ. Ngày 6.1.1958, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ra quyết định thắt chặt công tác trí thức.[xi] Tại Việt Nam, các khóa chỉnh huấn “học tập các văn kiện Mạc Tư Khoa” được tổ chức dồn dập cho văn nghệ sĩ, giảng viên đại học và trí thức.[xii] Bộ Chính trị tuyên bố “tiến hành chỉnh huấn toàn diện với các văn nghệ sĩ”, để văn nghệ sĩ “học tập sự khác nhau giữa quan điểm tư sản và quan điểm xã hội chủ nghĩa”. “Một số ‘lý luận gia’, ‘học giả’ của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ như Trương Tửu, Phan Khôi là những người đã có nhiều ‘thành tích’ trong việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác, hoặc chống lại chủ nghĩa Mác hàng chục năm nay”, Nguyễn Đình Thi phát biểu trong bài “Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” đăng trên báo Học tập số 3 năm 1958. Các khuynh hướng xét lại được thể hiện trong văn nghệ như thế nào? Theo Nguyễn Đình Thi, những điểm chính của nó là “chống lại đường lối văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Nó đưa ra nhiều khẩu hiệu trống rỗng về ‘tự do’, ‘chân thành’, ‘tìm cái mới’, v.v… thật ra đó chỉ là những khẩu hiệu của ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’ cũ rích.”[xiii]

Không lâu sau đó, tất cả đều rõ rằng người ta muốn phân biệt rạch ròi giữa gạo và cám: tại khóa chỉnh huấn ở ấp Thái Hà với sự tham dự của 304 văn nghệ sĩ, trong đó cũng có 20 người Nhân văn, tuy nhiên 4 thành viên khác của Nhân văn là Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy và Nguyễn Hữu Đang thì không được phép tham gia, vì họ bị coi là “những phần tử chống đối ra mặt”, những kẻ phản bội lý tưởng chủ nghĩa xã hội và “bị báo chí vạch mặt trước công luận”.[xiv] Bốn người bị loại bỏ hiểu rằng, họ đã chính thức bị coi là kẻ thù của chế độ và chờ đợi sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Ví dụ Phan Khôi bị tố là một “tên phản trắc”, một kẻ đã luôn phản bội tổ quốc trong tất cả các phần đời của mình, là “gián điệp cũ của Pháp” và “kẻ thù công khai của chủ nghĩa cộng sản”. Trần Duy cũng bị cáo buộc “làm mật thám cho Pháp”. Giáo sư văn chương Trương Tửu bị chửi là một “kẻ bất mãn có lịch sử và là một tên tờ-rốt-kít vô tổ quốc”, kẻ ngay từ những năm 1932/33 đã có những bài phê bình văn học in tại một “nhà xuất bản của bọn tờ-rốt-kít” và năm 1945 đã dịch một tuyên ngôn của Romain Rolland về độc lập trí thức.[xv] Rốt cuộc thì cả triết gia Trần Đức Thảo, sáng lập viên tờ Les Temps Modernes, cũng bị đưa ra đấu. Đầu những năm 1950, Trần Đức Thảo đã từ Paris trở về để gia nhập cách mạng. Trong thời gian giữa tháng 3 và tháng 4 năm 1958, ông đã phải chịu một cuộc đấu tố công khai không khoan nhượng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mà người đứng ra tố ông lại chính là Phạm Huy Thông, người bạn thân nhất của ông trong hàng thập kỉ.[xvi]

Đầu năm 1958 xuất hiện những bài viết tấn công gay gắt những quan điểm “xét lại” trên tuần báo Văn – “những quan điểm không thể chấp nhận được trong chế độ chuyên chính công nông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động… với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đây là hệ quả của “những hoạt động lâu năm của một nhóm phản động gian ác với mục đích thủ tiêu những thành tựu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Cách mạng tháng Tám tới khi hòa bình lập lại (1954), để lập lại chế độ tư sản”.[xvii] Ngôn từ được sử dụng trong các bài báo này không còn có tính xoa dịu và thỏa hiệp như vài tháng trước đây nữa, mà trở nên cứng rắn, giáo điều, đầy vẻ đe dọa. Từ tháng 7.1958, những trí thức liên quan bị “đưa đi thực tế”, nghĩa là bị đưa về các vùng nông thôn hoặc các xí nghiệp quốc doanh để làm việc chân tay dưới những điều kiện hết sức khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng – để họ có thể cải tạo thông qua việc tiếp xúc với quần chúng. Tất cả những người này đều phải viết tường trình thừa nhận tội lỗi và bày tỏ sự ân hận. Vài người bị liệt vào hạng ly khai và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Báo chí không còn tờ nào dám hé răng phê phán gì nữa, nội dung báo chí trở nên “nghèo nàn, đơn điệu và không còn hấp dẫn bạn đọc”.[xviii]

Từ tháng 1.1958, thông qua phong trào “thực hành văn hóa”, tất cả các văn nghệ sĩ cần “có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm xã hội chủ nghĩa chân chính”[xix], bằng cách “hòa mình với quần chúng”[xx]. Đặc biệt các văn nghệ sĩ ly khai cần phải “tìm thấy ở đó vũ khí giúp họ gột rửa những tư tưởngNhân văn”.[xxi] Trường Chinh, người hẳn có ý thức rất rõ về vai trò của văn nghệ sĩ và trí thức đối với Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã tỏ ra là người nhìn xa, bởi vì từ lâu ông đã thấy “giáo dục là phương tiện cơ bản để giúp các đồng chí lầm đường lạc lối có thể sửa chữa sai lầm”, với mục đích “loại bỏ bệnh tật, nhưng vẫn giữ được mạng sống cho người bệnh”[xxii]. Các khóa chỉnh huấn được diễn ra liên tục, và các văn nghệ sĩ và trí thức phải viết đi viết lại các bản kiểm thảo tự phê bình. Giáo sư Đặng Thai Mai, nhạc phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đề xuất các biện pháp thực tế. Trong bản báo cáo tại Đại hội Văn học Nghệ thuật tháng 1.1959, với tư cách Chủ tịch Hội, ông phát biểu: “Chỉ khi người văn nghệ sĩ cùng sống với dân, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm, anh ta mới nhận ra được bản tính thông minh, tâm hồn trong sáng và lối sống giản dị của họ trong những sinh hoạt hàng ngày. Người văn nghệ sĩ mới cảm nhận được sự kiên trì bền bỉ để vượt qua những khó khăn gian khổ của nhân dân, những người đang tích cực xây dựng một cuộc đời mới và một tương lai hạnh phúc trên đất nước ta theo tiếng gọi của Đảng.”[xxiii]

Trên thực tế, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ liên quan tới Nhân văn đều bị cấm xuất bản. Lương tháng của họ bị cắt giảm khiến họ bị rơi xuống mức sống gần như bần hàn, ngay cả phiếu gạo của họ cũng bị xà xẻo. Lê Đạt sống được là nhờ mẹ ông, một người buôn bán tháo vát. Các đồng nghiệp khác đều phải tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Suốt những năm dài, Hoàng Cầm đã bán hàng nước tại căn hộ ọp ẹp của ông ở Hà Nội, ở cái thời bao cấp mà tất cả hàng hóa đều bị cấm, và trong cái bầu không khí của Hà Nội “rầm rập lính tráng và cán bộ, sôi sục các hoạt động quân sự và chính trị”[xxiv], ông đã phải bán thêm rượu (lậu – dĩ nhiên). Một thời gian ông và Trần Dần đã phải kéo xe tay đến mức gần như kiệt sức cho một xưởng cưa để kiếm sống. Đối với các trường hợp có kết án chính thức, thường người ta chỉ không được hành nghề một hai năm. Tuy nhiên đối với hầu hết những người Nhân văn, bản án đó đã kéo dài ba mươi năm. Nhà thơ Lê Đạt bị đưa lên miền núi, tuy nhiên sau 10 năm, ông vẫn bị coi là “mal éduqué” – cải tạo không tốt. “Tôi bị người ta xem như một tên phản động, một kẻ bệnh hoạn. Tất cả đều tránh mặt tôi, cả bố tôi cũng vậy. Tôi bị đối xử như một kẻ tà đạo trong một tòa án dị giáo”, Lê Đạt hồi tưởng lại trong cay đắng. Ông đã phải sống bên lề xã hội ba mươi năm.[xxv] Người bạn Tử Phác của ông phải lao động 1 năm trong một trại nuôi bò ở Quảng Bình, trước khi được trở về Hà Nội. Họa sĩ Bùi Xuân Phái – giống như một số văn nghệ sĩ và trí thức khác, đã rời hàng ngũ kháng chiến cuối những năm 1940 để về thành, do không chịu được đói rét và bệnh tật[xxvi] – Bùi Xuân Phái chỉ tham gia Nhân văn bằng một bức biếm họa. Tháng 10.1956, ông đã phải làm một cuộc tự phê bình nhục nhã và đánh mất vị trí giảng viên tại Đại học Mỹ thuật. Tranh của ông bị cấm trưng bày. Ông bị mất địa vị xã hội và nguồn thu nhập.[xxvii] Các học giả tầm cỡ như Trần Đức Thảo[xxviii], Nguyễn Mạnh Tường hoặc Đào Duy Anh tuy được phép ở Hà Nội, nhưng họ bị cho “ngồi chơi xơi nước”, họ trở thành những người bị xua đuổi, những kẻ vật vờ, bị cách ly khỏi tất cả các tầng lớp xã hội, bị bỏ đói. Họ bị nghi ngờ, bị giám sát từng bước và bị các học trò và đồng nghiệp cũ xa lánh (với lời đe dọa tống vào hỏa lò), đến mức họ gần như trở nên mất trí.[xxix] Đến những năm 1970 và 1980, vài người trong số họ bị bỏ tù lâu năm mà không có án, ví dụ như nhà văn Phùng Cung bị giam từ 1960 đến 1972 ở Lào Cai.[xxx] Giữa năm 1982, nhà thơ Hoàng Cầm cũng bị bỏ tù 18 tháng – sáu tháng đầu ở Hà Nội và một năm sau bị nhốt ở nông thôn trong sự khủng bố tinh thần thường trực: Hoàng Cầm thường nghe thấy những âm thanh ghê rợn không rõ từ đâu. Vì có liên hệ với giới văn nghệ hải ngoại, Hoàng Cầm liên tục bị nghe lén, và ông đã phải viết đi viết lại những bản kiểm thảo, tới lúc ông phải “thú hết” theo yêu cầu.[xxxi]

Tháng 6 năm 1958, nhà chính trị đầy quyền lực, nhà lãnh đạo văn nghệ kiêm nhà thơ Tố Hữu cùng người bạn thơ đồng thời là người đồng hành  chính trị nhiều năm, Huy Cận, hồi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đã báo cáo về kết quả các hoạt động văn hóa những năm qua và đưa ra các nhiệm vụ trong những năm tới. Họ nói về những kẻ “phản bội” trong công tác văn hóa thông qua sự “gian trá” của nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Hai tác giả lưu ý “đến nay… vẫn còn những sách báo phản động, chống Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chống Hồ Chủ tịch” tại các quầy sách “tư nhân”[xxxii]. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết khóa họp thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, “những phần tử phản động đã bị đánh trả quyết liệt và sự tấn công của bọn tư sản đã bị chúng ta đập tan”.[xxxiii] Cùng thời gian này, thông tín viên của Thông tấn xã CHDC Đức AND ở Hà Nội, Erwin Brochers (tức Chiến Sĩ), báo cáo về Berlin: “… bọn chủ nhiệm và bọn cộng tác viên (của Giai phẩmNhân văn) đã ra sức làm rối loạn tư tưởng và làm suy giảm niềm tin của độc giả… bọn này đã không từ bỏ thủ đoạn nào trong việc xuyên tạc sự thật và phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam… cũng giống như các hoạt “tâm lý” của Cơ quan Tuyên truyền của Pháp trước đây… việc bình luận báo chí vô trách nhiệm và ủng hộ các quan điểm tư sản cũ rích về văn nghệ và tự do văn nghệ cho thấy bọn chúng là những tên xét lại đúng nghĩa.”[xxxiv]

Mục đích của Đảng là làm cho trí thức văn nghệ sĩ tin vào lý tưởng. Các văn nghệ sĩ có nhiệm vụ làm cho quần chúng tin rằng lý tưởng có thể đạt được, nếu tất cả đều phục tùng kỷ luật Đảng. Đồng thời việc này cũng củng cố niềm tin của Ban lãnh đạo Đảng và nhà nước vào sứ mệnh thần thánh của mình. Nếu như giới lãnh đạo chỉ xem các văn nghệ sĩ như những kẻ lầm đường lạc lối, những kẻ ngây thơ nhưng hữu dụng, những con cừu (cần thiết), những kẻ có thể (và cần phải) cải tạo, thì với một cái đầu chính trị tầm cỡ như Nguyễn Hữu Đang lại khác. Ông bị chính thức tuyên bố là “kẻ thù” của dân tộc. Ngày 11 tháng 3 năm 1958, Tố Hữu, “Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Văn hóa Bộ Chính trị”, đã thông báo cho các đại diện ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội về sự phân loại “các lực lượng chống đối trong văn nghệ”. Dưới đây tôi xin trích dẫn hồ sơ của Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, bởi nó có thể rọi sáng vào phiên tòa kết tội Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội năm 1960. Nó cho thấy người ta đã chuẩn bị kĩ lưỡng như thế nào cho việc khởi tố ông:

Nhóm 1: Những tên phản bội, từng làm việc cho Pháp, có kinh nghiệm về chiến tranh tâm lý, có thời đã làm cho cơ quan thông tin và tuyên truyền của Pháp. Có tên từng là nhân viên Phòng Nhì của Pháp. Những tên này lợi dụng Hiệp định Genève để ở lại… hoặc trở lại miền Bắc. Núp dưới các hoạt động văn nghệ, chúng tiếp tục các hoạt động chống phá cách mạng trước đây.

Bọn này là những cái loa cho các chương trình phát thanh của Mỹ và ngụy quyền miền Nam.

[…] đối với mỗi tên này đều (có) một bộ hồ sơ đầy đủ về các quan hệ phản bội và các hoạt động chống nhân dân của chúng […]

Nhóm 2: Những phần tử tờ-rốt-kít, đặc biệt trỗi dậy từ hai năm cuối sau  Đại hội 20 Liên Xô. Những tên này thường núp dưới lớp vỏ chống độc tài và chống chủ nghĩa Xta-lin để liên tục tiến hành các cuộc tấn công chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội và chống Liên Xô.

Vài văn nghệ sĩ bị nhiễm các lập luận tờ-rốt-kít, mặc dù chúng không thừa nhận là tờ-rốt-kít. Vài tên trong số này có vị trí trong ngành điện ảnh, hội nhà văn, các nhà xuất bản và các trường đại học.

Nhóm 3: Đây là những phần tử bất mãn, những kẻ bị mất quyền lợi cá nhân trong xã hội cũ. Đó là những tên bị mất quyền lợi trong Cải cách Ruộng đất hoặc là thân nhân của bọn địa chủ phong kiến cũ. Cũng có những tên bất mãn với vị trí xã hội hiện tại, trong đó có cả những tên từng là đảng viên. Một số tên trong đó có thể cải tạo được. Tuy nhiên Tố Hữu lưu ý phân loại, vài kẻ trong số này rất dễ bị mua chuộc. Điều tra cho thấy, những tên bỉ ổi nhất trong số này đã được bọn tư sản ủng hộ về tài chính, cho nhà cửa để làm nơi tụ họp cho các nhóm phản động. Một số ngôi nhà tư sản đã trở thành điểm trụy lạc cho một số  văn nghệ sĩ.[xxxv]

Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội báo cáo rằng, Đảng Lao động Việt Nam không còn cách nào khác là phải điều tra những tên phản động. Quá trình điều tra đã chỉ ra, “nhiều tên trong nhóm là gián điệp của Pháp, từng có liên hệ với những ông chủ cũ”, bởi vậy cơ quan an ninh Việt Nam bắt buộc phải “bắt ba tên thành viên của nhóm này”[xxxvi]. Và ngày 10 tháng 4 năm 1958, “ba tên bỉ ổi nhất” là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến (tức Thụy An) và Trần Thiếu Bảo (tức Minh Đức) đã bị bắt giam tại Hỏa Lò và khởi tố vì tội phản động (chứ không phải vì tội tham gia Nhân văn – Giai phẩm).[xxxvii] Nhận được những tin báo cho thấy bị dồn vào đường cùng, Nguyễn Hữu Đang đã tìm cách đến Hải Phòng để bỏ trốn ra nước ngoài, nhằm tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh ở hải ngoại để thống nhất đất nước, tuy nhiên trong chuyến đi này ông đã bị phản bội và bị bắt. Có nhiều chỉ dấu cho thấy ông đã bị gài bẫy. Theo như Nguyễn Hữu Đang kể lại, ông đã muốn tới Ấn Độ và Nam Tư để gặp Nehru và Tito, những người mà ông “tin tưởng” như những đại diện cho một chủ nghĩa xã hội khác, một chủ nghĩa xã hội tự do hơn[xxxviii]. Để tiến hành “vạch mặt” Nguyễn Hữu Đang và hai người bị bắt trước công luận, ngày 15.4.1958, báo Nhân dân đăng bài của Mạnh Phú Tư, trong đó tác giả cáo buộc Nguyễn Hữu Đang là kẻ “đầu cơ cách mạng”, cả đời “mưu đồ làm phản, mưu đồ vương bá”, sau hòa bình lập lại đã không ngừng câu kết với “những phần tử tư sản phản động và bọn gián điệp của đế quốc để lại”. Nguyễn Hữu Đang đã trở thành một “tên phản cách mạng”, “tên phá hoại đầu sỏ rất nguy hiểm”.[xxxix]

Tháng 10 năm 1960, tại Hội nghị Học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ ba của Đảng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có bài phát biểu trước các văn nghệ sĩ (tức những người làm “công tác văn hóa”). Về “điểm nổi bật trong tình hình miền Bắc nước ta trong thời gian gần đây”, ông cho rằng đã “xuất hiện những bông hoa…, những cái chồi đầu tiên của chủ nghĩa xã hội”. Ông giao nhiệm vụ cho các văn nghệ sĩ: “… phải phản ánh được cái mới trong xã hội, làm sao cho mọi người thấy được cái nụ, cái chồi, cái bông hoa mới của chủ nghĩa xã hội… phải thấy được nó, diễn tả, biểu dương, ca ngợi nó, giúp cho nó sống và nảy nở… Diễn tả cho được nhất định là có sáng tạo”. Trong khi các văn nghệ sĩ tư sản cũng miêu tả cùng một hiện thực, nhưng họ miêu tả bằng tầm hồn và tư tưởng cá nhân, thì các nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa lại hoàn toàn khác, bởi họ “miêu tả và phản ánh hiện thực bằng tâm hồn và tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Văn nghệ sĩ phải luôn lạc quan và sống với hiện thực, họ phải miêu tả “những con người đương vươn lên với chế độ, với chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đó là “những người công nhân, những người nông dân xã viên hợp tác xã, những người chiến sĩ bộ đội, những người trí thức cách mạng, những người thanh niên, những người phụ nữ”. Đó là những người lớn lên và trưởng thành trong cách mạng: “Phải thấy những con người mới này trong tư tưởng và tình cảm, trong đạo đức và nhân sinh quan mới của họ. Miêu tả những con người mới này là miêu tả xã hội mới, đời sống mới, làm nổi bật bản chất tốt đẹp của chế độ ta, lực lượng sáng tạo vô biên của nhân dân ta” – đó là nhiệm vụ chính của văn nghệ. Trong đó, “đường lối, chính sách của Đảng soi đường cho những người xây dựng chủ nghĩa xã hội và người hoạt động văn hóa nghệ thuật”.[xl] Tư tưởng trong “Bức thư gửi đồng chí họa sĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1951, trong đó Chủ tịch nói rõ, văn nghệ cũng là một mặt trận trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn còn nguyên giá trị.

Vài năm sau, tức năm 1964, Mao Trạch Đông được tôn vinh là “người thầy vĩ đại của thi ca”, bởi vì “trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh chống Mỹ còn kéo dài và cuộc đấu tranh phức tạp bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, những bài thơ của Mao Chủ tịch có ý nghĩa giáo dục to lớn, bởi chúng thể hiện mạnh mẽ tinh thần cách mạng”.[xli]

(Còn tiếp)

———-

Chú thích

[i] Về tình hình văn hóa, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 026

[ii] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 24.6.1999

[iii] PolA, AA, MfAA/A 8582, tr. 035, 036, 040. – Về việc các lãnh đạo văn nghệ phê bình các điểm yếu của văn nghệ sĩ, thao khảo thêm: Nguyễn Đình Thi, “Die Entwicklung der Kunst und Literatur in ihren großen Zügen”, tại: ibid., tr. 083-085, 095-096. Về báo cáo của Nguyễn Đình Thi tại Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần 2, tham khảo Tongas 1960, tr. 329 tt.

[iv] Hội thoại. Theo báo cáo của Đại sứ quán CHDC Đức về Hội nghị, tại: PolA, AA, MfAA/A 8582, tr. 154. Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ nước ngoài Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bày tỏ quan điểm rất chi tiết. Trong một cuộc hội thoại ngày 22.11.1961 về chủ đề “Những điểm đặc thù của đời sống văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông lưu ý “nhiều người hoạt động văn hóa có xuất thân từ tầng lớp hữu sản cũ”. Thực ra phần nhiều các văn nghệ sĩ này đều đã được “cải tạo” trong kháng chiến, cho nên họ đều là những “cán bộ có trách nhiệm và trở thành đảng viên của những người lao động Việt Nam”. Tuy nhiên “sau khi hòa bình lập lại… nhiều người trong số này, những người vốn đã vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt trong các vùng  kháng chiến, nay tỏ ra trầm lắng, vì thế chúng tôi đòi hỏi họ phải tích cực hơn trong việc tham gia giáo dục quần chúng, nhất là ở những vùng nông thôn lạc hậu”. Đại sứ quán CHDC Đức, Hà Nội 8.12.1961, ghi chú tài liệu về cuộc hội thoại với đồng chí Vo Kung Ky… ngày 22.11.1961, tại:  PolA, AA, MfAA/A 8583, thẻ 2, tr. 000125.

[v] Trích từ bản tin Việt Nam số 7/57 ngày 2.3.1957 theo PolA, AA, MfAA/A 8582, tr. 0168.

[vi] Về vấn đề văn nghệ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 5.1958, tại Lưu trữ Liên bang, Bộ Chính trị Đảng Xã hội Thống nhất Đức, DY30/IV2/20/217

[vii] Hội thoại. Theo báo cáo của Đại sứ quán CHDC Đức về Hội nghị, tại: PolA, AA, MfAA/A 8582, tr. 0152-0162. Đỗ Nhuận và Phùng Quán đều là thành viên của nhóm nghệ sĩ quân đội dưới quyền tướng Nguyễn Chí Thanh; xem ở trên.

[viii] Smith 1993, tr. 29

[ix] Về vấn đề văn nghệ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Báo cáo của Đại sứ Đức tại VNDCCH), Vụ Đối ngoại và Quan hệ quốc tế, tháng 5.1958, tại: Lưu trữ Liên bang, Bộ Chính trị Đảng Xã hội Thống nhất Đức, Phòng Quan hệ quốc tế, DY30/IV2/20/217.

[x] Đại sứ quán CHDC Đức… gửi Bộ Ngoại giao ở Berlin, Hà Nội 27.2.57 [đúng ra phải là 1958], tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 046-048. Bản dịch bài thơ Bertolt Brecht của Trần Dần mới được in lại trong tập Thơ trữ tình của Bertolt Brecht, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2006. Xem bài viết Nhận định về Bertolt Brecht ở Hà Nội của tôi tại: Tạp chí Đông Nam Á (Suedostasien Magazin), 3-2008.

[xi] G.F. Hudson, China and the Communist “Thaw”, xem tại: Mac Farquhar 1960, tr. 295, 303; Tham tán Kittler, Về cuộc đấu tranh chống các phần tử hữu khuynh…, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, tr. 000084.

[xii] Đại sứ quán CHDC Đức gửi Bộ Ngoại giao, Hà Nội 27.2.58, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 048; tham khảo thêm: PolA, AA, MfAA/A 8499, tr. 092.

[xiii] Nguyễn Đình Thi, Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, Học tập số 3, 1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, tr. 000057.

[xiv] Những khóa chỉnh huấn kéo dài nhiều tuần cũng được áp dụng cho trên 300 cán bộ của Bộ Văn hóa, 1.000 thành viên dàn nhạc quân đội, 4.000 sinh viên và khoảng 10.000 học sinh học nghề. Các vấn đề văn nghệ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (báo cáo của Đại sứ quán ở Hà Nội), Vụ Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, tháng 5.1958, tại Lưu trữ Liên bang, Đảng Xã hội Thống nhất Đức/Bộ Chính trị-Phòng quan hệ quốc tế, DY30/IV2/20/217, tr.149-157.

[xv] Trương Tửu còn “phát minh” ra một lý thuyết mới, theo đó mâu thuẫn cơ bản hiện nay nằm ở một bên là khối sản xuất và quần chúng được giải phóng, còn bên kia là bộ máy nhà nước quan liêu. Dựa trên “lý thuyết” này, Trương Tửu quay ra khủng bố Đảng và Nhà nước”. Tham tán Kittler, Về cuộc đấu tranh chống các phần tử hữu khuynh…, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, tr. 000083.

[xvi] Đại sứ quán CHDC Đức, Hà Nội, gửi Bộ Ngoại giao ở Berlin, 27.3.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 000065-000068; xem thêm: Vụ Đối ngoại và Quan hệ quốc tế. Các vấn đề văn nghệ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 5.1958, tại: Lưu trữ Liên bang, Đảng Xã hội Thống nhất Đức/Bộ Chính trị-Phòng quan hệ quốc tế, DY30/IV2/20/217; tham khảo thêm Tongas 1960, tr.340/342.

[xvii] Tham tán Kittler, Về cuộc đấu tranh chống các phần tử hữu khuynh…, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, thẻ 1, tr. 080.

[xviii] Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ báo chí Đảng Lao động Việt Nam ngày 20.3.1959, theo một công văn của Đại sứ quán CHDC Đức tại Hà Nội gửi Bộ Ngoại giao ở Berlin ngày 7.4.1959, tại: PolA, AA, MfAA/A 8679, thẻ 4, tr. 000306.

[xix] Tham tán Kittler, Về cuộc đấu tranh chống các phần tử hữu khuynh…, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, thẻ 1, tr. 080. – tham khảo thêm Honey 1959, tr.24.

[xx] Tham tán Kittler gửi Bội Ngoại giao, Hà Nội 24.6.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 070.

[xxi] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 26.11.1998

[xxii] Trường Chinh, Cải tạo những người lầm đường lạc lối và cuộc tấn công lần thứ hai, tại: Học tập, tháng 11.1956, trích dẫn theo: Lưu trữ Liên bang, Đảng Xã hội Thống nhất Đức/Bộ Chính trị-Phòng quan hệ quốc tế, DY30/IV2/20/217. Các quan điểm khác nhau về vấn đề này, them khảo Kunihara 1992, tr.162-172.

[xxiii] Trích dẫn theo: PolA, AA, MfAA/A 8493, tr. 028

[xxiv] Papin 2001, tr. 317

[xxv] Trò chuyện với Lê Đạt ở Hà Nội 4.6.1999

[xxvi] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 5.10.2000

[xxvii] Papin 2001, tr. 320 tt

[xxviii] Về Trần Đức Thảo “à la campagne”, tham khảo Boudarel 1991a, tr. 410

[xxix] Tham khảo Nguyễn Mạnh Tường 1992

[xxx] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 23.6.1999

[xxxi] Trò chuyện với Hoàng Cầm ở Hà Nội 26.11.1998 và 24.6.1999

[xxxii] Đại sứ quán CHDC Đức gửi Bộ Ngoại giao Berlin, Hà Nội 24.6.1958, Sự phát triển của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lĩnh vực văn hóa, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 070-079

[xxxiii] Nghị quyết Hội nghị 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (11.1958), tại: PolA, AA, MfAA/A 8679, thẻ 1, tr. 067

[xxxiv] Thực ra Erwin Brochers, một người xác quyết theo Việt Minh, chống phát xít và chống thực dân, đã ở trong cơn say men; không lâu sau đó, chính Brochers cũng bị đóng dấu “xét lại”; Nguyễn Chiến Sĩ, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại…, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494. Xem thêm Schütte 2006.

[xxxv] Báo cáo của Đại sứ quán CHDC Đức ở VNDCCH, tháng 5.1958, Các vấn đề văn nghệ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại: Lưu trữ Liên bang, Đảng Xã hội Thống nhất Đức/Bộ Chính trị-Phòng quan hệ quốc tế, DY30/IV2/20/217, tr. 149-157

[xxxvi] Về tình hình Việt Nam, Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, không ghi ngày (có lẽ khoảng 1960/61), tại: PolA, AA, MfAA/A 8555, tr. 000052

[xxxvii] Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội gửi Bội Ngoại giao ở Berlin, Hà Nội 23.4.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr. 069. – Như Phong 1962, tr.64

[xxxviii] “… j´ai confiance en Nehru et en Tito. Je voudrais bien les rencontrer et les demander conseil pour lutter pour le Vietnam divesé, pour que le Vietnam soit réuni et gagne l’indépendance”. Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội 21.5.1999

[xxxix] Xem tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, thẻ 2, tr. 089-091

[xl] Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước các văn nghệ sĩ tại Hội nghị Học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam (13.10.1960), tại: PolA, AA, MfAA/A 8583, thẻ 1, tr. 000077-000089

[xli] Đại sứ quán CHDC Đức, Hà Nội 24.11.1964, Tham tán Matzke, Đánh giá chính sách văn hóa và sự phát triển văn hóa ở VNDCCH, đặc biệt xem xét việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về văn nghệ, tại: : Lưu trữ Liên bang, Đảng Xã hội Thống nhất Đức/Bộ Chính trị-Phòng quan hệ quốc tế, DY30/IV A2/20/437.

Nguồn: Talawas

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]